Monday, 18 April 2022

VỀ CHIẾN TRANH NGA-UKRAINE : MỸ THẮNG TRUNG QUỐC TẠI CHÂU Á (Phan Minh - RFI)

 



Về chiến tranh Nga-Ukraina : Mỹ thắng Trung Quốc tại châu Á

Phan Minh  -  RFI

Đăng ngày: 18/04/2022 - 16:18

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20220418-v%E1%BB%81-chi%E1%BA%BFn-tranh-nga-ukraina-m%E1%BB%B9-th%E1%BA%AFng-trung-qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%A1i-ch%C3%A2u-%C3%A1

 

Chiến tranh Nga-Ukraina đã kéo dài hơn 50 ngày và vẫn chưa có một thỏa thuận cụ thể nào có thể khiến hai bên hạ nhiệt căng thẳng. Trang mạng của hãng tin Mỹ Bloomberg có bài phân tích của đô đốc Hoa Kỳ James Stavridis, cựu chỉ huy đồng mình tối cao Liên Minh Bắc Đại Tây Dương (NATO). Theo ông Stavridis, việc một số nước châu Á lên án cuộc chiến của Nga tại Ukraina, là một thắng lợi của Mỹ trong cuộc tranh giành ảnh hưởng với Trung Quốc. RFI xin trích dịch. 

 

https://s.rfi.fr/media/display/54ea63dc-bd0c-11ec-b14c-005056bfb2b6/w:1024/p:16x9/2022-03-21T043011Z_1197321479_RC265T9Q432K_RTRMADP_3_UKRAINE-CRISIS-TRADE-CHINA.webp

Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden họp trực tuyến với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Nhà Trắng ở Washington DC, Hoa Kỳ ngày 18/03/2022. REUTERS - HANDOUT

 

Trung Quốc không thể hài lòng về việc Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan đã nhanh chóng lên án hành động gây hần của tổng thống Nga Vladimir Putin.

 

Khi cuộc chiến ở Ukraina bước sang tháng thứ hai, tác động đối với kinh tế toàn cầu ngày càng gia tăng. Thị trường năng lượng, nông nghiệp, trái phiếu, kim loại quý - tất cả đều bị đảo lộn do không ai biết cuộc chiến sẽ đi về đâu. 

 

Nhưng ngoài vấn đề kinh tế, các chủ đề địa chính trị dài hạn đang xuất hiện, khi các quốc gia đến lúc phải chọn việc ủng hộ hoặc chống lại tổng thống Nga Vladimir Putin. Các nhà hoạch định chiến lược của Hoa Kỳ biết rằng Trung Quốc mới là mối đe dọa lâu dài nhất đối với lợi ích của Mỹ chứ không phải là Nga. Do vậy, diễn biến của cuộc chiến tranh Ukraina cùng với hậu quả ảnh hưởng đến các nước châu Á là điều rất quan trọng. 

 

Ấn Độ - Thái Bình Dương nhìn cuộc chiến này qua lăng kính nào, và những thay đổi địa chính trị nào có thể xuất hiện ? 

 

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã duy trì quan điểm nghiêng về tổng thống Putin. Bắc Kinh sẽ không lên án cuộc xâm lược của Nga tại Liên Hiệp Quốc hoặc ở bất cứ nơi nào khác, và cũng sẽ không áp dụng các lệnh trừng phạt giống như phương Tây đang làm với Nga, và gần như chắc chắn sẽ hỗ trợ tài chính Matxcơva. 

 

Nhưng khi ông Tập chứng kiến khả năng yếu kém về quân sự và những hành động ngày càng man rợ của quân đội Nga, cùng với sự ủng hộ toàn cầu dành cho Ukraina, ông bắt đầu có thể sẽ phải xem xét lại tình bạn “không có giới hạn” của mình với Putin. 

 

Trung Quốc cũng sẽ xem xét các tác động của cuộc xâm lược Ukraina đối với kế hoạch dài hạn của họ trong hồ sơ Đài Loan. Việc chứng kiến các nền dân chủ trên thế giới đồng loạt ủng hộ Ukraina không phải là một điều đáng khích lệ đối với một chính phủ coi hòn đảo này là một tỉnh nổi loạn. Tương tự như sự kháng cự quyết liệt của quân Ukraina, với sự hỗ trợ quân sự lớn từ Mỹ và châu Âu. 

 

Trung Quốc sẽ áp dụng một đường lối trung dung hơn giữa Putin và phương Tây. Mặc dù Bắc Kinh dường như sẽ không công khai chỉ trích ông Putin, nhưng các chính sách của họ sẽ kiên nhẫn và có tính toán hơn. Về lâu dài, sự cám dỗ sẽ trỗi dậy đối với vùng Siberia rộng lớn của Nga khi nơi này có đầy dầu mỏ, khí đốt, gỗ, đất canh tác, nước ngọt, khoáng sản chiến lược. Một nước Nga bị suy yếu có thể sẽ là một nước Nga có lợi hơn đối với Trung Quốc. 

 

Vấn đề mấu chốt hiện tại là Trung Quốc không hề muốn một cuộc Chiến tranh Lạnh mới nổ ra dẫn theo việc chuỗi cung ứng toàn cầu bị phá vỡ hoặc áp lực suy giảm đối với tăng trưởng chung trên toàn thế giới đúng vào năm diễn ra Đại Hội Đảng Cộng sản Trung Quốc với việc chủ tịch Tập hy vọng sẽ đắc cử nhiệm kỳ thứ ba. 

 

Ngoài những lo ngại này, phần còn lại của khu vực lân cận đang ngày càng trở nên nguy hiểm đối với Trung Quốc. Nhật Bản, nền kinh tế lớn thứ hai của khu vực, đã không ngần ngại liên kết với các nền dân chủ phương Tây để chống lại Nga, tham gia tích cực vào việc trừng phạt trước sự ngạc nhiên của nhiều nhà quan sát. Công chúng Nhật Bản đang hoàn toàn ủng hộ Ukraina, tạo cho chính phủ bảo thủ của Fumio Kishida, người đắc cử vào mùa thu năm ngoái, một cơ hội để thắt chặt quan hệ an ninh với Mỹ. Mặc dù quân đội Nhật Bản vào thời điểm hiện tại vẫn chỉ là một lực lượng phòng vệ, nhưng Tokyo viện trợ nhân đạo và hỗ trợ ngoại giao đáng kể cho Ukraina. 

 

Nhật Bản cũng nhìn cuộc chiến ở Ukraina qua lăng kính của một quốc gia có tranh chấp lãnh thổ với Nga. Bốn hòn đảo mà Nhật gọi là Lãnh thổ phía Bắc, hay đối với Nga là quần đảo Kuril, đã được Matxcơva cai quản kể từ khi Thế chiến thứ hai kết thúc, và sau 8 thập kỷ, tranh chấp giữa 2 nước vẫn còn gay gắt. Về mặt lịch sử, Nhật Bản luôn không ưa Nga và sẽ tiếp tục là một thế lực vững chắc về mặt kinh tế và ngoại giao chống lại Matxcơva. 

 

Tại Hàn Quốc, cuộc bầu cử tháng trước đã đưa đảng bảo thủ trở lại nắm quyền và tổng thống đắc cử Yoon Suk-yeol đã liên lạc với lãnh đạo Ukraina Volodymyr Zelensky để tổ chức một cuộc họp song phương sau khi cuộc chiến kết thúc. Ông Yoon cũng đã bắt đầu xây dựng một mối quan hệ bớt căng thẳng với Nhật Bản, điều mà Washington đã hy vọng từ lâu. 

 

Seoul ngày càng lo ngại về tuyên bố của chế độ Bắc Triều Tiên vốn tồn tại được một phần nhờ sự hỗ trợ từ phía Nga và Trung Quốc, rằng Bình Nhưỡng đã phóng một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa vào cuối tháng Ba. Ý tưởng biến Bộ tứ QUAD (liên minh ngoại giao giữa Úc, Ấn Độ, Nhật Bản và Hoa Kỳ) thành Bộ ngũ bao gồm cả Hàn Quốc ngày càng được chấp nhận rộng rãi. 

 

Ấn Độ là ngoại lệ đáng chú ý nhất trong số các nền dân chủ không lên án tổng thống Putin. Ấn Độ là quốc gia có quan hệ lâu đời với Nga, đặc biệt trong lĩnh vực quân sự (Nga là nguồn cung của 70% hệ thống phòng thủ cao cấp của Ấn Độ). 

 

Ấn Độ, phụ thuộc lớn vào Nga về khí tài quân sự, cho đến nay đã chọn lập trường trung lập trong cuộc xung đột. Washington, ý thức được sự cần thiết của việc phải giữ Ấn Độ lại trong một liên minh chống Trung Quốc, cho đến nay đã nhắm mắt làm ngơ. Nếu chiến tranh kéo dài và những hành động tàn bạo của Nga ngày càng chồng chất, Hoa Kỳ và các nền dân chủ khác có thể gia tăng áp lực làm thay đổi lập trường của Ấn Độ. Liệu điều này có gây ra rạn nứt dẫn đến ảnh hưởng đến động lực của Bộ tứ hay không là một mối lo lớn đối với các nhà hoạch định phương Tây. 

 

Mỹ và châu Âu có thể sẽ âm thầm tìm những biện pháp để buộc Ấn Độ và Trung Quốc phải đối đầu với Nga. Chiến dịch này có thế sẽ không thành công. Câu hỏi thực sự là hai quốc gia này sẽ phản ứng như thế nào khi các lệnh trừng phạt toàn cầu đối với Nga sẽ được mở rộng và được áp dụng với những nước làm ăn với Matxcơva. 

 

Ngay cả khi các lãnh đạo phương Tây tìm cách duy trì việc các nền dân chủ liên kết chống tổng thống Putin, họ sẽ cần tập trung vào việc nhìn nhận xung đột từ góc độ châu Á, hiểu rõ sắc thái của khu vực. Một cuộc chiến tranh nóng đang hoành hành ở Ukraina, nhưng cuộc chiến tranh lạnh với Trung Quốc cũng dường như đang ló ra và điều này quan trọng hơn đối với lợi ích lâu dài của Hoa Kỳ. 

 

-----------------------------

CÁC NỘI DUNG LIÊN QUAN

CHIẾN TRANH UKRAINA - MỸ - ẤN ĐỘ

Chiến tranh Ukraina : Mỹ và Ấn Độ cố tìm tiếng nói chung

 

CHÂU Á - NHẬT BẢN

Trước nguy cơ đối mặt với gọng kềm Nga – Trung, Nhật Bản bám chặt theo phe phương Tây

 

NHẬT BẢN - NGA - TRỪNG PHẠT

Chiến tranh Ukraina : Nhật Bản sẽ ngưng mua than đá của Nga





No comments:

Post a Comment

View My Stats