Những
bất thường trước Hội nghị Trung ương 5
Bình luận của Lê Hoàng Mai
2022.04.28
Các uỷ viên Ban Chấp
hành Trung ương ĐCSVN khoá 13 chụp hình nhân bế mạc Đại hội 13 hôm 1/2/2021 ở
Hà Nội. AFP
“Đảng quyền” không thể cứ tiếp tục lấn át “Chính quyền”
mãi! Đó là một trong những kỳ vọng dư luận trông chờ ở Hội nghị Trung ương 5
(TW5) đầu tháng tới. Mọi diễn tiến mấy lâu nay, từ công tác kiểm tra, giám sát
của Đảng, đến đòi hỏi của các nhánh quyền lực và việc tống giam lãnh đạo những
doanh nghiệp “thân hữu”… Tất cả đều liên quan tới cuộc đấu tranh quyền lực
trong nội bộ, mà lần này có thể diễn ra ở tầng cao nhất. Liệu “màn kéo co” giữa
“Đảng quyền” và “Pháp quyền” qua TW5 này đã vào hồi chung cuộc hay chưa?
Khó khăn, phức tạp
của TW5
Nghị trình TW5 – diễn ra từ ngày 5 đến ngày 10
tháng năm – chắc chắn sẽ hết sức khó khăn và phức tạp. Khó khăn là vì có quá
nhiều vấn đề gay cấn liên quan đến phục hồi kinh tế sau đại dịch cần có sự đồng
thuận trong nội bộ 200 Uỷ viên trung ương. Phức tạp là vì, không chỉ về nội trị
mà trên mặt trận đối ngoại Đảng cũng đang đối mặt với tình thế lưỡng nan chưa từng
có. Cuộc xâm lăng của Nga ở Ukraine đang làm rung chuyển trật tự thế giới, càng
chia rẽ sâu sắc lòng người trong và ngoài Việt Nam. Đồng thời với cuộc chiến đẫm
máu, còn có một “cuộc chiến” khác trong xã hội Việt Nam, tuy không có tiếng
súng nhưng không kém phần gay gắt để xác định tầm “quan trí” và tầm “dân trí”.
Trong tình hình hiện nay, lãnh đạo ĐCSVN có bản lĩnh để đặt chiến lược an ninh
và phát triển đất nước trên đường ray tiến hoá của nhân loại hay không? Hội nghị
TW5 liệu có dám nêu vấn đề này ra để các Uỷ viên trung ương thảo luận? (1) Bởi vì, qua các động thái ngoại giao cho đến nay của
chính quyền Việt Nam, dư luận khu vực và quốc tế ngày càng thấy rõ xu hướng chống
Mỹ, “phò” Nga, “khấu đầu” trước Tàu và quay lưng lại các nước tiến bộ trên thế
giới trong vấn đề Ukraine.
Mặc dầu vậy, tại cuộc tiếp tân Đại sứ Mỹ Marc
Knapper đến chào xã giao ngày 24/5 vừa qua ở Hà Nội, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng
vẫn “niệm câu bùa chú” cũ: “Việt Nam chưa bao giờ có cơ đồ, tiềm lực, vị thế và
uy tín quốc tế như ngày nay”. Cao ngạo nhưng lại thiếu tự tin. Mỗi lần tiếp xúc
với đại diện Hoa Kỳ, cho dù ở cấp nào, Việt Nam cũng “run rẩy”, chỉ phát triển
quan hệ với Mỹ trên cơ sở “tôn trọng độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thể
chế chính trị của nhau”. Kể cũng lạ, một Việt Nam “chưa bao giờ có cơ đồ, tiềm
lực… như hiện nay”, mà xây dựng quan hệ đối tác với Mỹ thì sợ “cách mạng màu”,
gặp Trung Quốc thì sợ một “Ukraine trên biển hoặc trong đất liền”. Với Mỹ,
không dám đi tới “đối tác chiến lược”, vì sợ Tàu. Với Tàu, lại muốn kết nghĩa
làm “đồng chí và anh em” (để chống Mỹ?). Hai Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn
Giang và Nguỵ Phượng Hoà mới đây còn ôm hôn nhau thắm thiết, nước mắt rưng rưng
trên biên giới Việt – Trung. Dù trước đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao còn
“vung tay múa chân” phản đối Tàu tập trận trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt
Nam. Các diễn xuất vụng về của chủ trương đối ngoại “nói một đằng làm một nẻo”
khiến các đối tác có thiện chí cũng chẳng biết lối nào mà lần (2).
TBT Nguyễn Phú Trọng
tiếp Đại sứ Mỹ Marc Knapper tại Hà Nội hôm 25/4/2022. Hình: Đại sứ quán Mỹ
Công khai “việc đốt
lò” không như ý
Trong quý II năm 2022 này, Ban Tổ chức Trung
ương (BTCTW) tiếp tục triển khai thực hiện Chương trình công tác năm, tập trung
cao độ để tiếp thu, hoàn thiện Đề án trình Hội nghị Trung ương 5 (khóa XIII) tới
đây. Với chương trình này, BTCTW đã tham mưu ban hành Kế hoạch triển khai Nghị
quyết Trung ương 5 (khóa XIII) “về xây dựng tổ chức cơ sở đảng và đảng
viên”. Trước Hội nghị TW5, dư luận hết sức bất ngờ, Thường trực Ban Bí
thư Đảng Võ Văn Thưởng vừa cho công bố “Chiến lược công tác kiểm tra, giám sát
của Đảng đến năm 2030”. Chiến lược này có thể như một sự răn đe đối với
các đồng chí nào còn “ham” đấu tranh trong Trung ương. Tuy nhiên, nó cũng có thể
là một trò boomerang. Cứ nhìn vào thực tế hoạt động của hệ thống chính trị, hệ
thống công quyền trong thời gian vừa qua, đảng vừa cho “xộ khám” 40 tướng lĩnh
các lực lượng vũ trang (cả quân đội lẫn công an) và kỷ luật 2.000 đảng viên,
thì có thể kết luận “Chiến lược công tác kiểm tra, giám sát” ấy thành công hay
thảm bại! Liệu có Uỷ viên Trung ương nào dám đặt vấn đề về trách nhiệm của TBT
Nguyễn Phú Trọng. Với tư cách là Bí thư Quân uỷ trung ương và Thường vụ Đảng uỷ
Công an Trung ương, ông Trọng không thể vô can trước những sai phạm nghiêm trọng
của các tướng lĩnh ở cả hai Bộ Quốc phòng và Công an suốt một thời gian dài như
đã biết (3)?
Công khai những yếu kém trong công tác xây dựng
đảng, một động thái bất thường khác trước Hội nghị TW5 đang thu hút công luận.
Đó là việc thành lập hệ thống ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp
tỉnh. Đây được định hướng dư luận là để đối phó với tình trạng “trên nóng dưới
lạnh” từng xảy ra ở một số địa phương thời gian vừa qua. Tại cuộc họp ngày
11/3/2022, BCT đã giao Ban Nội chính Trung ương chủ trì, phối hợp với các cơ
quan, đơn vị liên quan nghiên cứu, trình BCT, Ban CHTW Đảng xem xét, quyết định. Đáng
chú ý, chỉ trước cuộc họp BCT nói trên một ngày, chiều 10/3/2022, Tổng Bí thư
Nguyễn Phú Trọng đã chủ trì cuộc họp lãnh đạo chủ chốt đánh giá những vấn đề nổi
bật của đất nước, tình hình quốc tế trong những tháng đầu năm 2022 và nhiệm vụ
trọng tâm trong thời gian tới. Cơ chế “lãnh đạo chủ chốt” này thực ra không hề
tồn tại trong hệ thống quyền lực của cả đảng lẫn chính quyền (4).
Các nhánh đều muốn
tăng pháp quyền
Phải chăng TBT Nguyễn Phú Trọng đã lobby nhằm
áp đặt ý muốn chủ quan của ông đối với các nhánh quyền lực trong “Bộ Tứ”, để
khi ra họp BCT, chủ trương của TBT được thông qua trót lọt? Cách làm này của
ông Trọng phản ánh sự lấn lướt của “Đảng quyền” xưa nay. Dù vậy, suốt một phần
ba nhiệm kỳ, Thủ tướng Phạm Minh Chính trong vai trò nhà cải cách đã hướng các
ưu tiên để tái cấu trúc lại tương quan quyền lực trong “Bộ Tứ”. Việc tái cấu
trúc này không chỉ phục vụ cho khung khổ vận hành nhánh “hành pháp” do ông cầm
trịch, mà còn hướng đến một tình huống tuy không bất định những vẫn chứa nhiều ẩn
số. Đó là liệu tại Hội nghị TW5 tới đây, TBT Nguyễn Phú Trọng có rời chính trường
giữa phần ba nhiệm kỳ và BCT đồng thuận cử ai là “ứng viên” cho chiếc ghế Tổng
bí thư? (5) “Lằn ranh đỏ” được Đảng vạch ra trong bối cảnh bất ổn thể
chế khi chức năng độc đoán bị rối loạn. Quá trình “tự diễn biến, tự chuyển hoá”
của quan chức trong bộ máy diễn ra phức tạp và luôn có nguy cơ bùng phát.
Nguyên nhân sâu xa của sự bùng phát này là mâu thuẫn giữa ý thức hệ cộng sản và
các giá trị của kinh tế thị trường. Quá trình cải cách được khái quát là mò mẫm,
“dò đá qua sông”, tìm kiếm câu trả lời cho vấn đề trong khi ĐCSVN vẫn nơm nớp,
kinh tế thị trường sẽ thay đổi kiến trúc thượng tầng như thế nào (6).
Trong khi đó, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc
đã chủ trì Phiên họp thứ nhất Hội đồng Quốc phòng và An ninh nhiệm kỳ 2021 –
2026 (HĐ) từ buổi sáng 7/12 năm ngoái. Trong Phiên họp, Chủ tịch HĐ đã cho ý kiến
cụ thể về công tác phối hợp giữa các lực lượng Quân đội, Công an và các Bộ,
ban, ngành, địa phương trong phòng, chống dịch COVID-19, thúc đẩy triển khai lực
lượng vũ trang tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, bảo đảm
an ninh mạng và tác chiến trên không gian mạng trong tình hình hiện nay. Về
chương trình năm 2022, Chủ tịch nước nhấn mạnh đến yêu cầu nắm chắc tình hình,
chủ động xây dựng chiến lược tương ứng với diễn biến ở khu vực và thế giới. Chủ
tịch nước đề nghị các thành viên của HĐ phát huy vai trò trong việc đảm bảo quốc
phòng, an ninh của đất nước. Đặc biệt là chủ động ứng phó với các thách thức an
ninh phi truyền thống cả trong trước mắt và lâu dài. Đi liền với đó là tăng cường
kết hợp chặt chẽ quốc phòng, an ninh và đối ngoại, thúc đẩy đối ngoại quốc
phòng, an ninh bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa (7).
Cũng lần đầu tiên, sáng 25/4/2022 mới đây, Ủy
ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến phản biện về báo cáo của Chính phủ liên
quan đến kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTK – CLP) năm 2021. Góp
ý vào báo cáo của Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ghi nhận một số kết
quả đạt được, nhưng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, tồn tại trong công tác
THTK – CLP. Là chuyên gia về tài chính – ngân hàng, Chủ tịch Vương Đình Huệ đòi
hỏi phải nói thẳng, không giấu giếm: “Phải nói cho rõ việc này, chứ cứ nói kiểu
‘ba sôi hai lạnh’, nói chung chung không ai nghe đâu”. Ông Huệ yêu cầu, làm tốt
thì biểu dương, kém thì phê bình, kiểm điểm, chịu trách nhiệm. Cụ thể như với
hai dự án lớn của quốc gia là sân bay Long Thành, đường cao tốc Bắc – Nam phía
Đông giai đoạn một hiện tiến độ chậm như thế nào, giải ngân được bao nhiêu phần
trăm; địa phương, bộ, ngành nào còn nhiều dự án cần đưa thẳng vào (8). Tại đợt họp chuyên đề xây dựng pháp luật của phiên thứ
9 hôm 20/3/2022, Chủ tịch Huệ đã cho ý kiến sâu sát về những vấn đề còn có nhận
thức khác nhau trong quá trình xây dựng luật. Chủ tịch đề nghị các đại biểu tập
trung vào một số vấn đề, phương án quy định các điều khoản chi tiết, hạn chế tối
đa tình trạng “luật khung, luật ống” (Dự luật không khả thi và thiếu tính
chuyên nghiệp) (9).
Từ trái qua: Cựu Chủ
tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh - Đỗ Anh Dũng và cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC
- Trịnh Văn Quyết
Lần đầu tiên, tư
nhân bị “lên thớt”
Bộ Chính trị ĐCSVN lần đầu tiên đã đưa ra Kết
luận số 12 – KL/TW về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với công tác
phòng, chống tham nhũng, trong đó bổ sung nội dung “từng bước mở rộng phạm vi
phòng, chống tham nhũng ra khu vực ngoài nhà nước”. Cùng với tin họp TW5, hồi
cuối tháng ba và đầu tháng tư vừa qua, Bộ Công an Việt Nam đã có thông báo về
việc khởi tố các vụ án về thao túng thị trường chứng khoán và lừa gạt chiếm đoạt
tài sản xảy ra ở Tập đoàn FLC và Tân Hoàng Minh. Hai cựu Chủ tịch của các tập
đoàn này đã bị khởi tố và bắt tạm giam gồm ông Trịnh Văn Quyết và Đỗ Anh Dũng.
Hai vụ án của doanh nghiệp tư nhân được đưa vào diện theo dõi của Ban Chỉ đạo,
vốn thường chỉ theo dõi các vụ án tham nhũng của các cơ quan, doanh nghiệp Nhà
nước và của Đảng. Ngoài hai vụ án bổ sung vừa được nêu, Thường trực BCT đã thống
nhất bổ sung thêm một số vụ án khác cũng bị liệt vào diện Ban Chỉ đạo quan tâm
(10).
Báo mạng Finance Magnates hôm 21/4/2022 đưa
tin về việc Việt Nam bắt giam, khởi tố các đại gia trong ngành chứng khoán, bất
động sản. Tờ báo này đồng thời đưa ra nhận định rằng hành động trên của Chính
phủ Việt Nam là nhằm nâng cao vị trí của thị trường chứng khoán nước này trong
mắt quốc tế. Tuy nhiên, một số chuyên gia kinh tế lại đưa ra một số nhận định
theo chiều hướng khác, khi cho rằng các vụ bắt bớ trên đều có sự chống lưng,
dính líu đến các quan chức cấp cao (11). Thật ra những vụ khởi tố, bắt giam lãnh đạo các doanh
nghiệp “thân hữu” gần đây đều là do các phe cánh trong đảng đấu đá, tranh giành
quyền lực, chứ không phải chính quyền quyết tâm đẩy mạnh chống tham nhũng, thao
túng trong thị trường tài chính. Đây là nhận xét của luật sư và tù nhân lương
tâm Cù Huy Hà Vũ, từ Hoa Kỳ. Đó cũng là lý do, tại sao vấn đề này lại nóng lên
bất thường trước TW5 (12).
________________
Tham khảo:
3.
https://baotiengdan.com/2022/04/27/se-canh-cao-ca-tong-bi-thu-chu-tich-nha-nuoc-thu-tuong/
5.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/ambition-of-a-sly-pm-04032021160157.html
6.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/new-pm-of-vn-and-a-red-line-04122021090251.html
9.
https://www.daibieunhandan.vn/han-che-toi-da-luat-khung-luat-ong-puzmmb7b7v-81521
-----------------------------------------------------------------
* Bài viết không thể
hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do
Tin, bài liên quan
Đảng
thừa nhận công tác phòng chống tham nhũng không hiệu quả
Chống
tham nhũng kiểu cụ Tổng khéo quá, tỉa nhánh cho cây sum suê hơn!
Vì
sao quan chức thời nay không dám “đột phá”?
Khi
giới lãnh đạo trở thành tầng lớp thống trị giàu có, cải cách thế nào?
Nỗi
lo của người dân từ việc chống suy thoái của Đảng
No comments:
Post a Comment