Saturday, 30 April 2022

UKRAINE SẼ BIẾN THÀNH CHIẾN TRANH KHU VỰC và TOÀN CẦU (Hiếu Chân / Saigon Nhỏ)

 



Ukraine sẽ biến thành chiến tranh khu vực và toàn cầu

Hiếu Chân  -  Saigon Nhỏ
30 tháng 4, 2022

https://saigonnhonews.com/thoi-su/the-gioi/ukraine-se-bien-thanh-chien-tranh-khu-vuc-va-toan-cau/

 

Nga tố cáo Mỹ và EU chiến đấu với Nga đến người Ukraine cuối cùng!

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/04/GettyImages-1240334405.jpg

Lực lượng cứu hộ đưa một thi thể phụ nữ ra khỏi tòa chúng cư đổ nát sau vụ tấn công bằng hỏa tiễn của Nga vào trung tâm thủ đô Kyiv hôm qua 28 tháng Tư làm hư hại hai tòa chung cư 25 tầng và 10 thường dân bị nạn. Vụ tấn công xảy ra vào lúc Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres đang ở thăm thành phố và gặp gỡ Tổng thống Zelensky. Ảnh Sergei Chuzavkov/SOPA Images/LightRocket via Getty Images.

 

Những diễn biến trong vài ngày qua cho thấy cuộc chiến giữa Nga và Ukraine có khả năng sẽ biến thành một cuộc xung đột lớn hơn giữa Nga và Minh ước Bắc Đại Tây Dương NATO với nòng cốt là Hoa Kỳ. 

 

Theo một số nhà quan sát lạc quan, chuyển biến đó là điều tốt cho Ukraine vì Ukraine sẽ có thêm nhiều cơ hội đẩy lùi cuộc xâm lược, thậm chí giành lại được những vùng lãnh thổ đang bị Nga chiếm đóng. Những người bi quan thì lo ngại, chiến tranh càng lan rộng và nước Nga càng thảm bại thì ông Vladimir Putin càng có lý do để thực hiện những hành động điên rồ nhất.

 

Từ khi chiến tranh bùng nổ hôm 24 tháng Hai đến nay, NATO luôn giữ một thái độ chừng mực quy định trong luật pháp quốc tế và tránh những hành động có thể khiến phía Nga có cớ cho rằng NATO là một bên tham chiến. Cụ thể, các nước NATO, dẫn đầu là Hoa Kỳ và Vương quốc Anh, đã viện trợ khá hào phóng cho Ukraine các loại vũ khí phòng thủ, giúp quân dân Ukraine ngăn chặn có hiệu quả các cuộc tấn công của Nga ở miền Bắc Ukraine và chung quanh thủ đô Kyiv.

 

Nhưng NATO cũng đã bác bỏ thẳng thừng yêu cầu của Ukraine lập “vùng cấm bay” trên bầu trời Ukraine vì không thể để không quân NATO đụng độ với chiến đấu cơ Nga, có thể kích hoạt xung đột lớn hơn giữa hai thế lực sở hữu vũ khí hạt nhân. NATO cũng đã từ chối cung cấp cho Nga các chiến đấu cơ của Liên Xô cũ – hiện có trong đội hình nhiều quốc gia Đông Âu – vì các chiến đấu cơ này phải cất cánh từ các phi trường thuộc khối NATO.

 

NATO thậm chí còn công khai quan điểm rằng việc viện trợ vũ khí cho Ukraine là hành động riêng lẻ của các quốc gia thành viên, và là thẩm quyền riêng của họ, không phải là một chiến lược phối hợp do Brussels điều phối. Hành động đáng kể nhất của NATO với tư cách một liên minh phòng thủ, là điều động binh lính và vũ khí sang các nước giáp với Ukraine và tăng cường phòng thủ sườn phía đông của Liên minh, đề phòng chiến tranh lan rộng ra ngoài biên giới Ukraine.

 

Sự thận trọng của NATO là dễ hiểu vì ngay từ khi khởi sự chiến tranh, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cảnh báo rằng “bất cứ ai cố gắng cản trở chúng tôi” sẽ phải đối mặt với “hậu quả mà bạn chưa từng phải đối mặt trong lịch sử” – mà nhiều người coi, một cách hợp lý, là mối đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân. Putin sau đó nói rằng ông sẽ coi sự can thiệp trực tiếp của NATO là một mối đe dọa đối với Nga, gây ra những hậu quả tương tự.

 

Thái độ thận trọng của NATO dường như đã thay đổi.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/04/GettyImages-1394236648.jpg

Hôm 28 tháng Tư Tổng thống Joe Biden đề nghị Quốc Hội chuẩn chi $33 tỷ viện trợ quân sự cho Ukraine chống Nga và đề nghị biến các tài sản của các tài phiệt Nga bị tịch thu thành ngân sách tái thiết Ukraine. Ảnh Anna Moneymaker/Getty Images.

 

Hôm thứ Hai 25 tháng Tư, sau chuyến đi bí mật tới Kyiv và gặp gỡ Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin nói mục tiêu của Hoa Kỳ không chỉ là bảo vệ Ukraine với tư cách là một quốc gia dân chủ, có chủ quyền mà còn để “làm suy yếu” Nga với tư cách là một thế lực quân sự.

 

Vài hôm sau, ông Austin chủ trì hội nghị quan chức quốc phòng cao cấp của 40 quốc gia trong và ngoài NATO trong một căn cứ quân sự Ramstein của không quân NATO ở Đức bàn việc phối hợp cung cấp viện trợ quân sự cho Ukraine. Trên thực tế, Hoa Kỳ và một số nước NATO đã bắt đầu chuyển cho Ukraine những loại vũ khí tấn công, vũ khí tầm xa như hỏa tiễn diệt hạm, máy bay không người lái tấn công và bích kích pháo có thể từ miền Đông Ukraine tấn công các mục tiêu sâu trong lãnh thổ Nga. Hôm thứ Năm 28 tháng Tư, Tổng thống Joe Biden yêu cầu Quốc Hội Mỹ chuẩn chi $33 tỷ viện trợ cho Ukraine, hai phần ba trong số tiền đó là viện trợ quân sự nhằm giúp Ukraine cầm cự thêm ít nhất sáu tháng nữa. 

 

Ông Biden cũng đồng thời vận dụng một số đạo luật cũ có từ thời Chiến tranh Lạnh để đẩy nhanh việc chuyển cho Ukraine vũ khí từ kho dự trữ của quân đội Hoa Kỳ. Đạo luật “Cho thuê, cho mượn” (Lend-Lease Act) đó cho phép chính phủ Mỹ cho nước ngoài mượn thiết bị quân sự “mà việc phòng thủ quốc gia đó được tổng thống coi là quan trọng đối với phòng thủ của chính Hoa Kỳ.” 

 

Ông Biden cũng nói bóng gió tới mục tiêu làm suy yếu sức mạnh và ảnh hưởng của nước Nga để Nga không còn đe dọa hoặc thôn tính lãnh thổ các nước láng giềng bằng vũ lực, điều mà ông Putin đã làm ở Chechnya, Georgia và bán đảo Crimea năm 2014.

 

                                                             ***

Cuộc leo thang hành động của Hoa Kỳ và NATO đã khiến Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov phản ứng: “Về bản chất, NATO đang tham gia vào một cuộc chiến với Nga thông qua một bên ủy nhiệm và đang trang bị cho bên ủy nhiệm đó. Chiến tranh là chiến tranh ”. Hãng thông tấn nhà nước Nga RIA Novosti trích lời ông Lavrov nói rằng, viện trợ vũ khí cho Ukraine từ phương Tây không liên can gì tới việc ủng hộ chủ quyền của nước này mà chỉ giúp Hoa Kỳ và EU chiến đấu với Nga “tới người Ukraine cuối cùng”! 

 

Có lẽ để đối phó với sự gia tăng hỗ trợ của Hoa Kỳ và NATO, Putin đang tiến gần hơn đến việc coi cuộc xung đột không chỉ là một “hoạt động quân sự đặc biệt” chống lại Ukraine – mà ông ta cho là một đất nước không có thật – mà là một cuộc chiến tranh toàn diện chống lại một siêu cường toàn cầu. Hôm thứ Tư, ông Putin đã bổ nhiệm Valery Gerasimov, Tổng tham mưu trưởng quân đội Nga, nắm quyền chỉ huy cuộc tấn công ở miền đông Ukraine. Việc bổ nhiệm cho thấy Putin đã đánh giá lại bản chất của cuộc chiến và đạt cược nhiều hơn vào đó.

 

Putin cũng không nhượng bộ Ukraine, bất chấp việc quân đội Nga gần đây đã rút khỏi khu vực thủ đô Kyiv. Dù cuộc giao tranh hiện đang tập trung ở khu vực Donbass phía đông Ukraine – nơi cả hai bên đang đấu hỏa lực pháo binh dữ dội – Nga đã bắn tên lửa hành trình vào Kyiv chỉ vài giờ sau khi Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres đến thăm thủ đô và gặp Tổng thống Ukraine Zelensky.

 

Thời điểm xảy ra vụ tấn công tên lửa – khó có thể coi là sự trùng hợp ngẫu nhiên – cho thấy Putin coi Liên Hiệp Quốc như một tổ chức bên ngoài khác đang dàn trận chống lại xứ sở của ông ta. Không chỉ Hoa Kỳ, NATO mà cả Liên Hiệp Quốc bây giờ cũng có thể bị Nga coi là kẻ thù, nhất là sau những vụ bỏ phiếu lên án Nga xâm lược và đuổi Moscow ra khỏi Hội đồng Nhân quyền.

 

Những vụ tấn công dồn dập trên khắp Ukraine và những hành động leo thang từ cả hai phía làm mọi người khó có thể hy vọng một lệnh ngừng bắn hoặc các cuộc đàm phán hòa bình có ý nghĩa sẽ sớm diễn ra hoặc cuộc chiến đẫm máu này sắp kết thúc mà có nguy cơ lan rộng thành một cuộc chiến tranh khu vực, chiến tranh toàn cầu với những viễn cảnh hết sức đáng sợ.

 

-----------------

Đọc thêm:

·         Cuộc chiến của Putin

·         Cháy nổ liên tiếp trên đất Nga – chiến tranh lan rộng?





No comments:

Post a Comment

View My Stats