Monday, 18 April 2022

MỘT CƠ HỘI ĐỂ MỸ TÍNH TOÁN KẾ HOẠCH "THOÁT TRUNG" (Lê Tây Sơn - Saigon Nhỏ)

 



Một cơ hội để Mỹ tính toán kế hoạch “thoát Trung”

Lê Tây Sơn  -  Saigon Nhỏ
18 tháng 4, 2022

https://saigonnhonews.com/thoi-su/the-gioi/mot-co-hoi-de-my-tinh-toan-ke-hoach-thoat-trung/

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/04/GettyImages-1239932550.jpg

Chính sách “Zero-Covid” của Trung Quốc không chỉ đang gây ra cuộc khủng hoảng nghiêm trọng trong xã hội mà còn ảnh hưởng nặng đến kinh tế thế giới (ảnh: YU RUWEN/Future Publishing via Getty Images)

 

Gần 400 triệu người tại 45 thành phố ở Trung Quốc đang bị phong tỏa toàn bộ hoặc một phần, khi đảng Cộng sản Trung Quốc kiên trì với chính sách zero-Covid nghiêm ngặt. Cộng dồn 45 thành phố này lại, chúng đại diện cho 40% (tương đương $7.2 nghìn tỷ) trong tổng sản phẩm quốc nội (GDP) hàng năm của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới (theo dữ liệu từ Nomura Holdings). Môt con số khổng lồ có tác động rất lớn nhưng lại ít được quan tâm.

 

“Zero-Covid”

 

Các nhà phân tích đang gióng lên những hồi chuông cảnh báo, nhấn mạnh thế giới đã không đánh giá đúng mức độ nghiêm trọng của suy thóai kinh tế toàn cầu do lệnh phong tỏa kéo dài của Trung Quốc. “Rõ ràng, thị trường toàn cầu có vẻ không quan tâm đúng mức đến vấn đề này vì còn dành sự chú ý cho cuộc xung đột Nga-Ukraine và đợt tăng lãi suất mới của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED)” – Lu Ting, nhà kinh tế trưởng chuyên theo dõi Trung Quốc của công ty tư vấn Nomura và các đồng nghiệp viết trong một ghi chú vào tuần trước – dẫn lại từ CNN.

 

Đáng báo động nhất là tình trạng phong tỏa không biết bao giờ mới kết thúc ở Thượng Hải, thành phố 25 triệu dân và là một trong những trung tâm sản xuất và xuất khẩu hàng đầu của Trung Quốc. Phong tỏa để xét nghiệm và cách ly đã dẫn đến tình trạng thiếu lương thực, không thể tiếp cận dịch vụ chăm sóc y tế, thậm chí có báo cáo về việc giết hại vật nuôi bừa bãi để phòng dịch. Hệ quả đáng sợ nhất là cảng lớn nhất thế giới đang thiếu nhân lực nghiêm trọng để bốc dỡ hàng xuất khẩu.

 

Nhiều quốc gia lệ thuộc vào hàng xuất khẩu của Trung Quốc, kể cả Mỹ nên mọi ách tắc ở chuỗi cung ứng đều dẫn đến kết quả dây chuyền, tác động không thua gì “cấm vận không tuyên bố”. Cảng Thượng Hải, nơi xử lý hơn 20% lưu lượng hàng hóa của Trung Quốc vào năm 2021, về cơ bản đang ách tắc nghiêm trọng. Nguồn cung cấp thực phẩm tươi sống bị mắc kẹt trong các thùng container mà nếu không được đông lạnh đúng mức sẽ bị thối rữa. Trung bình, hàng bị kẹt tại các bãi bốc dỡ của cảng Thượng Hải khoảng tám ngày trước khi được giải tỏa, tăng 75% kể từ đợt ùn ứ hàng gần đây nhất. Thời gian lưu kho hàng xuất khẩu hiện đã giảm xuống, nhưng lý do là không có thêm container mới nào được gửi đến bến tàu từ các kho hàng, nên áp lực bốc dỡ giảm.

 

Các hãng hàng không đã hủy tất cả chuyến bay đến và ra khỏi thành phố. Hơn 90% xe tải phục vụ vận chuyển hàng xuất nhập khẩu không hoạt động. Thượng Hải sản xuất 6% hàng xuất khẩu của Trung Quốc (theo niên giám thống kê của chính phủ năm 2021) nên việc đóng cửa các nhà máy trong và xung quanh thành phố đã làm xáo trộn thêm chuỗi cung ứng. Các nhà máy của Sony và Apple ở trong và xung quanh Thượng Hải đều phải tạm ngừng hoạt động.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/04/GettyImages-1240012458.jpg

Hàng hóa ứ đọng tại cảng Dương Sơn, Thượng Hải (ảnh: Ding Ting/Xinhua via Getty Images)

 

Nhà máy của Quanta, công ty sản xuất máy tính xách tay theo hợp đồng lớn nhất thế giới và là nhà sản xuất MacBook, cũng ngừng sản xuất hoàn toàn. Nhà máy này chiếm khoảng 20% ​​công suất sản xuất máy tính xách tay của Quanta. Trước đó, công ty dự tính xuất xưởng 72 triệu chiếc trong năm nay. Tesla đã đóng cửa nhà máy Giga ở Thượng Hải, nơi sản xuất khoảng 2,000 xe hơi điện mỗi ngày. Ngày 15 Tháng Tư, Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Trung Quốc cho biết họ đã cử một lực lượng đặc biệt đến Thượng Hải để bàn kế hoạch tái lập sản xuất tại 666 nhà máy sản xuất chủ chốt của thành phố bị đóng cửa này.

Giám đốc điều hành Tesla hy vọng nhà máy sản xuất xe hơi điện sẽ được phép mở cửa trở lại trong vài ngày tới, chấm dứt thời gian tạm dừng lâu nhất từ ngày khánh thành năm 2019. Theo Reuters, Tesla đã mất hơn 50,000 xe không xuất xưởng được. Ông Michael Hirson, Giám đốc thực hành tại công ty Eurasia Group phụ trách Trung Quốc và Đông Bắc Á nhận định: “Tác động đối với Trung Quốc là lớn và tác động lên nền kinh tế toàn cầu cũng lớn. Tôi nghĩ sẽ còn nhiều biến động và gián đoạn kinh tế, xã hội trong ít nhất sáu tháng nữa”.

 

Cơ hội để Mỹ “thoát Trung”

 

Trong một báo cáo được công bố tuần trước, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đã cảnh báo về trường hợp xấu nhất khi các nền kinh tế toàn cầu bị chia cắt, do tác động cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine. GDP toàn cầu sẽ giảm 5% trong dài hạn. Nhưng sự gián đoạn kéo dài đối với hoạt động sản xuất và vận chuyển ở Trung Quốc có thể giúp thúc đẩy một sáng kiến ​​quan trọng của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden nhằm giảm sự phụ thuộc của Mỹ vào các sản phẩm và chuỗi cung ứng của Trung Quốc.

 

Nhưng tất cả mọi thay đổi và điểu chỉnh đều phải chấp nhận hậu quả kinh tế đi kèm ngay lập tức. Vì không dễ gì thóat khỏi lệ thuộc trong thời gian ngắn. Thoát Trung hoàn toàn rất khó xảy ra nếu xét về mối quan hệ tài chính sâu rộng giữa Trung Quốc và Mỹ. Đầu tư vào cổ phiếu và trái phiếu của nhau đạt $3.3 nghìn tỷ vào cuối năm 2020 (theo dữ liệu từ Rhodium Group). Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo kinh tế Mỹ tin rằng quá trình phân tách hai quốc gia đã bắt đầu được tiến hành. Cuối Tháng Ba, ông Howard Marks, người đồng sáng lập Oaktree nhận định: “Con lắc đang quay ngược lại tại Mỹ, với những kế hoạch cấp tập tìm nguồn cung ứng tại chỗ và tránh xa toàn cầu hóa”.

 

Chủ tịch Blackrock, Larry Fink, cũng có ý kiến tương tự trong một bức thư gửi cho các cổ đông công ty. Ông viết: “Cuộc xâm lược Ukraine của Nga đã làm lộ ra những bất cập và đặt dấu chấm hết cho quá trình toàn cầu hóa mà thế giới đã trải nghiệm trong ba thập niên qua”. Trong bài phát biểu trước Hội đồng Đại Tây Dương vào tuần trước, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen nói: “Mỹ đang theo dõi chặt chẽ mối liên hệ chính trị và kinh tế giữa Trung Quốc và Nga để có giải pháp thích đáng. Trong tương lai, sẽ khó khăn hơn để tách các vấn

 

Trước mắt, một phần ba dân số Trung Quốc đang bị mắc kẹt bởi chính sách “Zero-Covid” và rất chật vật tồn tại khi nền kinh tế rơi vào khó khăn. Theo nghiên cứu của Đại học Hong Kong, Trung Quốc có thể mất ít nhất $46 tỷ sản lượng kinh tế mỗi tháng, tương đương 3.1% GDP. Các nhà phân tích không còn tin đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế 5,5% vào năm 2022, dù đây là mục tiêu ít tham vọng nhất của Trung Quốc trong ba thập niên qua. Tuần này, Ngân hàng Thế giới (WB) đã điều chỉnh ước tính tăng trưởng kinh tế Trung Quốc xuống còn 5% đồng thời lưu ý rằng nếu lockdown tiếp tục như hiện nay, con số có thể giảm xuống còn 4%. Gánh nặng kinh tế đến vào thời điểm chính trị bấp bênh cho Chủ tịch Tập Cận Bình.





No comments:

Post a Comment

View My Stats