Saturday, 23 April 2022

NAM PHƯƠNG - NỮ HOÀNG CUỐI CÙNG - CẢO LUẬN CỦA FRANCOIS JOYAUX (Trần Vũ)

 



Nam Phương - Nữ Hoàng Cuối Cùng - Cảo luận của François Joyaux

Trần Vũ

22/04/2022

https://vietbao.com/a311892/nam-phuong-nu-hoang-cuoi-cung-cao-luan-cua-fran-ois-joyaux

 

Hình : https://vietbao.com/images/file/Yb5eiSMk2ggBAANE/w520/hinhchinh-1.jpg

Bìa sách “La denière impératrice du Vietnam” của giáo sư François Joyaux.

 

Cuối năm 2019 Nhà Perrin ấn hành cảo luận Nam Phuong, La denière impératrice du Vietnam của giáo sư François Joyaux, là nghiên cứu sau cùng của giới sử gia Pháp về hoàng hậu Nam Phương.

Trước tiên có sự khác biệt trong tước hiệu: Nhà Nguyễn và các sách tiếng Việt đều viết Hoàng hậu nhưng phía Pháp luôn viết Impératrice là Nữ hoàng. Do trong mắt Tây phương, Đại Nam là một đế quốc mà Ai Lao và Cao Miên đã thần phục. Trong hồi ký L’Indochine française: Souvenirs xuất bản vào năm 1905, toàn quyền Paul Doumer từng viết: “Nếu chúng ta không đến kịp để ngăn chặn, phần số của Thái Lan đã kết thúc trong tay Đại Nam.” Pháp cũng luôn xem Trung kỳ và Nam kỳ là hai thuộc địa của nhà Nguyễn. Quốc sử quán triều Nguyễn ngược lại, phải tuân thủ quốc sách xin cầu phong và nhận tỉ ấn của Thanh triều (chỉ xem Đại Nam là vương quốc An Nam), nên không thể có danh xưng hoàng đế và nữ hoàng. Phải đến 1945, trong tuyên ngôn độc lập đầu tiên, Bảo Đại mới đặt tên nước là Đế Quốc Việt Nam. Là lý do vì sao có sự khác biệt trong tên gọi Nam Phương.

 

Vào đầu tập sách là lá thư của hoàng thân Nguyễn-Phúc Bửu Sao gửi Joyaux, kế đến là thay lời tựa của chính tác giả. Qua đó, đọc giả hình dung ra phần nào nội dung, là một thiên phóng sự điều tra về cuộc đời của Nam Phương. François Joyaux sinh 1938 từng dạy về văn minh Á châu và Lịch sử Đông Dương ở Trường Ngôn ngữ Phương đông, đã truy lục gia phả của Nam Phương, ở cả hai phía nội ngoại và cung cấp nhiều chi tiết về thời thiếu nữ của Mariette Nguyễn-Hữu Thị Lan. Người đọc khám phá Nam Phương từng sinh sống trong một biệt thự trên đường Lucien Mossard Taberd là đường Nguyễn Du bây giờ, đối diện không xa Trường Quốc gia Âm Nhạc thời VNCH và mỗi sáng bà băng qua đường Lê Văn Duyệt đến nhà thờ Huyện Sỹ đọc kinh, cũng là nhà thờ do chính ông ngoại của bà là Lê Nhứt Sỹ xây cất. Sau đó Joyaux tái hiện cuộc sống của Nam Phương ở Paris cho đến khi về nước và thành thân. Rồi biến động với rối ren nguy hiểm trước khi chấm dứt bằng một nghi án mà Joyaux giải mã…

Đặc điểm của cảo luận, là vì thiếu tài liệu, nên phần riêng tư của Nam Phương xây cất thuần trên lời chứng của những nhân chứng từng tiếp xúc với bà. Nam Phương mất tháng 9 năm 1963 khi chưa tròn 49 tuổi. Khi sách xuấn bản, 56 năm đã trôi qua. Dân Việt có quyền đặt câu hỏi: các lời chứng có thật đáng tin và thời gian có tàn phá ký ức của con người?

Sau hết, đây là một cảo luận viết bằng nhãn quan Pháp của một sử gia yêu mến một Đông Dương thuộc Pháp. Hai chữ thuộc Pháp ấy, làm nền cho mọi phân tách.

 

Riêng với lá thư của hoàng thân Nguyễn-Phúc Bửu Sao, có một chi tiết mà nhiều sử sách đã nhắc đến, là Nam Phương không ngần ngại tháo tư trang đóng góp cho “Tuần Lễ Vàng” của Việt Minh cho mục đích mua vũ khí chống Pháp. Chi tiết ấy, nói lên lòng ái quốc của bà. Tây học nhưng vẫn ái quốc. Nhưng số vàng ấy đi đâu?

 

Hình : https://vietbao.com/images/file/VrLhriMk2ggBAAJy/w499/hinhchinh-2.jpg

Bìa sách “Histoire du Viêt-Nam de 1940 à 1952” của Philippe Devillers.

 

Trong Lịch sử Việt Nam từ 1940 đến 1952, chương Việt Minh và Trung Hoa, trang 193, sử gia Philippe Devillers ghi:

“Các cánh quân tiền phương Trung Hoa vào Hà Nội ngày 9 tháng 9. Lư Hán và bộ tham mưu đáp máy bay ngày 18 và đặt tổng hành dinh trong Phủ Toàn quyền, phái bộ của Ủy viên Cộng hòa Pháp Sainteny buộc phải rời đi. Hồ Chí Minh cố gắng mua chuộc trước khi họ đến. Một bàn đèn thuốc phiện tuyệt đẹp bằng vàng nguyên khối (thành quả của “Tuần lễ Vàng”) được đúc tặng cho Lư Hán…”

 

Nguyên văn: “Les premières troupes chinoises sont entrées à Hanoi le 9 septembre. Lu Han et son État-Major y arrivent en avion le 18 et s’installent au Gouvernement Général que Sainteny et son équipe ont dû évacuer. Hô Chi Minh s’est efforcé de les amadouer avant qu’ils n’arrivent. Un magnifique service de fumeur en or massif (un produit de la “Semaine”) a été offert à Lu Han…” [Philippe Devillers, Histoire du Viêt-Nam de 1940 à 1952, Chapitre Le Viêt-Minh et les Chinois, page 193, Éditions du Seuil, 1952]

 

Sách của Devillers, Nxb Seuil in ngay trong năm 1952, cho đến nay vẫn còn là quyển sử chi tiết nhất về giai đoạn trước, trong và ngay sau Hiệp ước Sơ bộ 1946. Nam Phương, như thế, đã biết châu báu vòng vàng của bà về đâu, nhưng hoàng hậu không còn thiết gì nữa.

 

La denière impératrice du Vietnam dày 368 trang. Giá 26$. Bạn đọc có thể mua qua Tủ Sách Trẻ.

 

Thư của Hoàng thân Nguyễn-Phúc Bửu Sao gửi François Joyaux

 

Cảo luận về hoàng hậu Nam Phương của giáo sư cho tôi nhiều thích thú, pha lẫn với hoài niệm và thậm chí, tôi thừa nhận, làm buốt nhói trong lòng. Những điều ấy gợi lại biết bao tuổi niên thiếu của tôi ở Huế, cạnh Tử Cấm Thành.

 

https://vietbao.com/images/file/7ECz-yMk2ggBAJR9/w600/hinhchinh-3.jpg

Tem bưu chính ‘Nam Phương Hoàng Hậu’

 

Cha tôi, Hoàng thúc Nguyễn-Phúc Ưng Trảo, làm quan đặc trách công vụ bên Tòa Khâm [1], biết rõ việc triều chính dưới trào Bảo Đại. Cá nhân tôi, vẫn nhớ hoàng thái tử Bảo Long thân lâm đến trường La Providence [2] thăm các học sinh chúng tôi trong niên khóa 1944-1945.

Trong nhà, câu chuyện hay xoay quanh những biến cố lớn nhỏ của triều đình. Tính cách của hoàng hậu là chủ đề của nhiều bình phẩm mà thông thường nhất là những lời khen. Là một gia đình theo đạo, nên song thân tôi giữ mối giao hảo bền chặt với hàng giáo phẩm trong cung và bên ngoài kinh đô, cho dù là người Pháp hay người Việt. Do đó, tôi đã lớn lên trong suốt tuổi hoa niên giữa một bối cảnh mà hoàng hậu giữ vị trí quan yếu.

Rồi xảy ra những thảm kịch mà giáo sư đã tái dựng: Cuộc xâm chiếm Đông Dương của Nhật Bản, nổi dậy của Việt Minh, quân Pháp quay lại và bắt đầu một cuộc chiến chết chóc sẽ tàn phá sâu thẳm. Trong nhà, chúng tôi thảo luận rất lâu về quyết định thoái vị của hoàng thượng và thêm nữa, về tình cảnh khó khăn của hoàng hậu.  

Khi ấy tôi lên 15. Tôi còn nhớ cung cách quý phái của Nam Phương khi bà cởi bỏ kiềng vàng và châu báu đặt lên chiếc khay nhỏ mà người ta đem đến cho bà, trong cung điện, cho “Tuần Lễ Vàng” của Việt Minh. Vài tuần lễ sau khi nhà vua thoái vị, bà đã đi một mình, không ai hộ vệ, đến dự lễ ở Tòa Giám Mục Huế [3]. Nam Phương đã đối mặt với tất cả những sự kiện bi thảm này, không riêng cho bản thân mà còn liên quan đến chính sinh mệnh của chồng và các con bà. Tôi vẫn còn trông thấy ánh mắt nhìn thẳng của hoàng hậu, rất ngay thực, trong một phẩm cách đàng hoàng và tự trọng, khi bà đối diện với nghịch cảnh.

Giáo sư đã phơi ra ánh sáng, tình huống hung hiểm mà Nam Phương phải đối phó. Là một linh hồn muốn được trong sạch trước mọi cái ác, từng ước mơ hiến thân cho Thiên Chúa, vậy mà đến cuối trào nhà Nguyễn-Phúc, bà phải diễn một vở kịch trên sân khấu lịch sử. Hoàng hậu mất đi quả cảm rồi rơi dần vào sự tầm thường. Thật buồn bã.

Giáo sư đã tái tạo quá khứ, làm bật lên những thăng trầm trong cuộc đời Nam Phương; rút ra triết lý từ những khúc quành của câu chuyện đau thương. Cuốn sách này là tài liệu cần tham chiếu. Ở vị trí của một người Việt Công giáo, tôi có lời ngợi khen và tri ân.

Hoàng thân Nguyễn-Phúc Bửu Sao (Sư huynh André)

 

https://vietbao.com/images/file/LAikMyQk2ggBAFFU/w800/hinhchinh-4.jpg

Điền trang La Perche của Hoàng hậu Nam Phương tại Chabrignac hiện nay

 

Thay Lời Tựa của François Joyaux

 

Một ngày 13 tháng 7. Trời hanh nắng và tâm trạng chúng tôi có chút phiêu bồng. Sau vài ngày ở miệt Tây-Nam, chúng tôi ngược lên hướng Bắc trên xa lộ A-20. Đến khúc Brive-la-Gaillarde, ý tưởng vụt nẩy lên trong đầu tôi là sao không đi thăm mộ Nam Phương, nữ hoàng An Nam sau cùng. Tôi chưa biết gì về bà, ngoài bà từng là phối ngẫu chánh thức của hoàng đế Bảo Đại. Và, kỳ quặc, là bà chôn trong rặng núi Massif Central ở giữa miền Nam Pháp, trong ngôi làng bé nhỏ tên Chabrignac. Sao trong một chốn biệt lập như thế? Tôi không biết tại sao, nhưng thực tế này gây băn khoăn vì chừng như, phía sau, nhiều âm u. Là dịp thuận tiện để tảo mộ và cơ may khám phá thêm về lý lẽ của một tự nguyện phát vãng. Bảo Đại thoái vị vào năm 1945 rồi kết thúc cuộc đời ở vùng biển xa hoa Côte d’Azur, trước khi tắt ngấm ở Paris: là kết cuộc thường thấy của số đông những vì vua mất ngai vàng. Nhưng rặng Massif Central? Làng quê Chabrignac? Đầy hiếu kỳ.

 

https://vietbao.com/images/file/az_hDCQk2ggBAHYS/w470/hinhchinh-5.jpg

Bia mộ của hoàng hậu Nam Phương

 

Từ Brive-la-Gaillarde chúng tôi theo tỉnh lộ 901 lên thị trấn Objat, rồi trực chỉ Chabrignac. 45 phút sau chúng tôi đã đứng trước bia mộ của nữ hoàng. Một âm phần tuyệt giản dị, khiêm tốn đến khó tin. Vài đọt hoa úa lây lất với hai ba lữ khách Việt đến viếng, gương mặt nặng trĩu u hoài của một quá khứ mà nữ hoàng từng gánh nặng. Một tấm ảnh đã ố, làm tăng thêm buồn bã. Không một biểu tượng hoàng gia ngoài dòng chữ Hán: 大南南芳皇陵, “Tombe impériale de Nam Phuong du Dai Nam”, “Lăng mộ Đế quốc của Nam Phương Đại Nam”.

Ra khỏi nghĩa trang, chúng tôi hỏi một bà sinh sống sát cạnh đã theo dõi chúng tôi từ bậc thềm cửa.

“Chúng tôi đến xem huyệt mộ của nữ hoàng. Bà có biết nữ hoàng từng cư ngụ ở đâu?”

“Gần đây thôi.” Bà trả lời. “Ở La Perche, đi theo đường này một cây số sẽ thấy một tư dinh đóng kín.”

Tư dinh khá lớn nhưng không vĩ đại, là một ngôi nhà xây đá tiện nghi, cất theo kiến trúc của vùng Corrèze với một khuôn viên khiêm tốn. Tôi dạo quanh và đến gần để chụp hình. Có ba người đàn ông đang đứng trò chuyện. Hơi ngại, tôi hỏi là tôi có thể chụp ảnh hay không? Một kẻ trả lời, không do dự. “Ông có thể mua trọn ngôi nhà!”

Tư dinh của Nam Phương rao bán!

Hôm sau, 14 tháng 7, vào lúc 9 giờ sáng, chúng tôi đi xem nhà. Bên trong hoàn hảo nhưng không còn là nội thất của Nam Phương vì đã được thay đổi và bài trí lại. Ngôi thất rộng lớn với vô số phòng. Sức mê hoặc ngay từ cái nhìn đầu tiên làm cơn điên rồ hôm trước sống lại! Chúng tôi thật sự muốn mua gì? Một điền trang hay ngôi nhà của Nam Phương? Không thể chối cãi, đúng là chúng tôi đang muốn mua lại tư dinh của nữ hoàng mà không phải mảnh đất nào khác. Chúng tôi nghĩ ngay đến làm một viện bảo tàng chứa các phẩm vật của xứ An Nam để tôn vinh và tưởng nhớ nữ hoàng; rồi làm một trang web quảng bá và tổ chức viếng thăm chốn ngụ cư cuối cùng của bà. Về hưu đã nhiều năm, vậy mà hôm đó, vợ chồng tôi tung hứng giấc mơ bồng bột như thuở còn đôi mươi. Vợ tôi sinh trưởng ở Sàigòn, giống Nam Phương, còn tôi đã dạy lịch sử Đông Dương ở Trường Ngôn ngữ Đông phương [4] suốt ba thập niên, chúng tôi không thể không mua điền trang này.

Giấc mơ sớm va chạm thực tế. Tư dinh không bao gộp duy nhất dẫy nhà đá mà còn thêm 150 mẫu đất. Trong ba người đàn ông hôm trước đứng trò chuyện, ngoại trừ nhân viên địa ốc, hai người kia là nông phu muốn mua thửa ruộng vây quanh. Họ phải mua xong điền viên rồi thì chúng tôi mới có thể mua điền dinh. Nhưng cuối cùng cả hai, cùng là cha con, không đủ khả năng vay nợ. Ban đầu, chúng tôi thất vọng cùng cực nhưng rồi ít lâu sau, hưng phấn tan dần. Chúng tôi khám phá ra thêm là nữ hoàng vẫn ngụ cư bán phần ở Neuilly, bên rìa ngoại ô Paris, và bà chỉ về Chabrignac nghỉ mát, không thực sự là nhà của bà.

Bí ẩn vẫn nguyên vẹn.  

Vì sao đức chánh cung của Bảo Đại đã mua “lãnh địa” La Perche? Sử gia Viễn-Đông Đương-Đại là tôi, trong nhiều thập kỷ, khó làm ngơ. Tôi cần thấu đáo bí mật. Phải có tài liệu lưu trữ và có thể hỏi thăm thêm ở thân bằng quyến thuộc chung quanh nữ hoàng.

Tôi bắt đầu viết cảo luận này ngay sau chuyến nghỉ ngơi ở Chabrignac. Lúc đầu, nguồn tài liệu rất ít. Thư khố Pháp quốc Hải ngoại tuy ngập tràn văn thư về Đông Dương nhưng không có một hồ sơ nào về Nam Phương. Ở Bộ Ngoại giao cũng vậy. Một phụ nữ Việt biết tiếng Pháp, làm việc cho chế độ Hà Nội, đã xuất bản một biên khảo ngắn về Nam Phương, nhưng tôi nhận ra ngay là văn bản ít trọng lượng này rất xa sự thật; được chính tác giả đánh giá công trình của mình là “tiểu thuyết”. May mắn thay, tôi liên lạc được với các thành viên trong gia đình nữ hoàng, từ con cháu đến dân làng Chabrignac từng biết nữ hoàng, và đặc biệt một người, mà đọc giả sẽ khám phá trong sách, đã cho tôi chìa khóa mở vào nghi án của thời kỳ lưu trú của Nam Phương trong tỉnh Limousin.

Cách đây vài thập niên sử gia Pierre Nora từng giải thích, là phương cách viết sử nhìn từ góc độ cá nhân, “sự lợi kỷ lịch sử” (égo-histoire) – thuật ngữ này của ông – nhằm “diễn giải, ở cương vị sử gia, mối tương quan giữa lịch sử mà thiên hạ làm nên với lịch sử tạo ra chúng ta.” Tôi quá cổ điển để còn ước muốn và có thể viết theo phương thức ấy. Ngược lại, tôi sẵn sàng thừa nhận là quyển sách này được viết ra trong một bối cảnh cá nhân chuyên biệt, chắc chắn có ảnh hưởng lên nhãn quan của tôi. Ở mức độ chung, điểm thu hút liên tục chính là xứ Đông Dương thuộc Pháp, một thiên anh hùng ca phi thường với những sai sót to lớn bên cạnh những hoan hỷ tuyệt diệu và cả vinh quang lẫn thấp hèn. Xuống mức độ cụ thể hơn, tôi muốn làm sáng tỏ một bí ẩn. Làm cách nào, vì sao, một người đàn bà xinh đẹp đến như vậy – từng khiến tôi si mê –, đã trở thành bậc mẫu nghi của xứ An Nam để rồi cuối cùng trôi giạt đến làng quê Chabrignac? Hơn một cảo luận về tiểu sử, tôi lao vào điều tra “hình sự” lai lịch của Nam Phương. Các sử gia, trên nguyên tắc dựa vào thư khố và ở mặt nào đó, chính sự lạnh lùng của các hồ sơ lưu trữ đã làm cho các ấn phẩm lịch sử trở nên lạnh lẽo. Cảo luận của tôi không giống vậy. Chúng tôi không có tài liệu, chỉ có lời chứng thực  từ những người thân của nữ hoàng, những lời chứng sống được khơi dậy, mổ xẻ và kiểm tra. Những truy tìm ấy, tôi nhắc lại, trong bối cảnh của một Đông Dương trước đây mà tôi yêu mến.

Nam Phương mang định mệnh hãn hữu. Nhan sắc, giàu có, kết hôn với hoàng đế, tất cả hân hoan đến với bà; nhưng rồi biết bao thất vọng, cạm bẫy, bi kịch: sự thù nghịch của triều đình Huế, các tình nhân của hoàng thượng, cách mạng Việt Minh, sự sụp đổ của Đế chế Đại Nam, lưu đày sang Pháp. Là một phụ nữ mạnh mẽ, bà đã tìm trong niềm tin Thiên Chúa nguồn lực cần thiết để vượt qua, cho đến ngày, hãy còn xuân sắc, bà buông xuôi.

Cuộc đời Nam Phương phản chiếu lịch sử Đông Dương thuộc Pháp. Hòn ngọc viễn đông, một thuộc địa phú túc, màu mỡ, tràn đầy tương lai, như người ta đã nghĩ vào những năm 1920-1925. Nhưng sau đó là những biến động trầm trọng: phiến loạn của các phong trào ái quốc, xuất hiện đảng Cộng sản, chiếm đóng của Nhật, cướp chánh quyền của Việt Minh, bao nhiêu nỗi đau dằn xé mà Nam Phương phải đối mặt. Cuối cùng là Điện Biên Phủ, chán nản mệt mỏi của dân chúng Pháp và rồi là bại trận.

Nam Phương, là Đông Dương thuộc Pháp nhìn qua cuộc đời của một nữ hoàng. Một nữ hoàng và một người đàn bà, mà có lẽ, phần đàn bà nhiều hơn phần nữ hoàng. Một định mệnh, một sử thi.

François Joyaux

 

Trần Vũ dịch từ nguyên bản Pháp văn Lettre-Préface in trong tập Nam Phuong, La dernière impératrice du Vietnam, Biographie, Francois Joyaux, Nxb Perrin, 2019.

 

[1] Résidence supérieure en Annam

[2] Trường La Providence sau này là trường Thiên Hựu ngoài Huế

[3] L’Évêché de Huế

[4] École des langues orientales

 





No comments:

Post a Comment

View My Stats