Friday 22 April 2022

KHI GIÁO DỤC KHÔNG MANG GƯƠNG MẶT NHỮNG ĐỨA TRẺ (Phạm Lan Phương)

 



Khi giáo dục không mang gương mặt những đứa trẻ    

21/4/2022  17:48   

Phạm Lan Phương

https://www.facebook.com/khaidon/posts/pfbid02B1GuZTrH5XKc3nXBBHyLvmcHukJHq9sFRKC7TwhgGgVtEKUuF7VkuzqgGb4MQWHNl

 

Tôi từng dạy viết cho một bạn gái. Khi đã học với nhau một thời gian, tôi phát hiện bạn không học hết cấp Ba, rồi đi làm phụ bếp cho một quán ăn thời gian dài. Bạn gặp khó khăn rất nhiều khi muốn bứt khỏi vòng lẩn quẩn của công việc tay chân và tìm kiếm cách học nhiều hơn. Tôi hỏi, vì sao em nghỉ học. Bạn nói cô giáo bạn đến nhà nói với ba mẹ bạn là bạn có học thêm một năm nữa cũng không đậu tốt nghiệp đâu. Khi ấy, cha của bạn vốn đã không thích con gái học lên cao, lập tức có một lý do để buộc bạn nghỉ học và đi làm. Bớt một miệng ăn, thêm một thu nhập.

 

Đó là chuyện của chừng 5 năm trước. Mỗi khi tôi đi viết bài ở miền Tây, đều nghe những chuyện tương tự. Vào giai đoạn quan trọng nhất trên đường học vấn của đứa trẻ, khoảng lớp chín, lớp 11, 12, là lúc giáo viên thường làm việc này nhất. Họ dùng vị trí làm giáo viên chủ nhiệm, đến từng nhà "vận động" gia đình cho trẻ bỏ học, hoặc chuyển trường. Yêu cầu chuyển trường này nhanh chóng dẫn đến chuyện nghỉ học. Một mặt, có thể trường ở tier thấp hơn cũng không muốn nhận đứa học kém. Mặt khác, các gia đình được "vận động" thường đã nằm ở nhóm rất có nguy cơ khiến bạn trẻ bỏ học, như rất nghèo, không thấy động cơ hay khao khát gì với việc học, cần thêm lao động phụ thu nhập, hoặc đơn giản là tự thân bạn trẻ đó mất đi lòng tự tin vào bản thân, tủi hổ và không thấy có nhu cầu quay trở lại nơi từ chối bạn.

 

Từ 14 tuổi đến 17 tuổi, bạn trẻ tìm kiếm vị trí của bản thân trong xã hội, bạn bè, gia đình. Thầy cô là người có vị quan trọng. "Quan trọng" không đơn giản là bạn sẽ nghe lời họ hay kính trọng họ, mà cả sự từ chối và ghẻ lạnh của họ cũng sẽ làm người trẻ bị hẫng chân, nghi ngờ vào bản thân mình và không còn tin vào giá trị của không gian trường học nữa. Trong khi đó, ở độ tuổi này, ngoài mái nhà, trường học là cả thế giới của bạn trẻ, nơi hình thành quan hệ xã hội đầu tiên, nơi định hình một số hệ giá trị và cả vị trí xã hội. Hãy tưởng tượng bị giáo viên đến tận nhà "vận động" là nếu cháu vẫn kiên quyết thi, cả lớp sẽ mất thi đua, hay cả trường sẽ tụt hạng thành tích. Thôi cháu hãy vì bạn bè, trường lớp mà nghĩ lại. Hãy tưởng tượng người trẻ ấy sẽ nghi ngờ ra sao về phẩm giá của chính em [nếu không bỏ học mà để cả trường toi thi đua], hoặc sẽ bị mất hết lòng tự tôn ra sao, nếu em bị bạn bè và các phụ huynh khác coi là nguyên do khiến cả lớp tụt hạng thi đua. Dù bàn tay sạch trơn vô tội, người trẻ ấy bị đẩy ra đoạn đầu đài để đám đông ném đá vào phẩm giá còn non nớt của em. Hoặc tinh tế hơn, tự em sẽ ném đá bản thân và rồi lui bước khỏi không gian giáo dục.

 

Năm 17 tuổi, giáo vụ trường tôi nói với tôi: "Mày đen như thế này thi thố gì?" - Câu nói ấy đã theo tôi từ tuổi 17 đến 25. "Đen" chỉ là màu da, nhưng nó làm lung lay toàn bộ niềm tin của tôi vào trí tuệ và nỗ lực học tập của mình. Vẻ bề ngoài đã chiến thắng tôi. Nó khiến tôi sống trong mặc cảm tồi tệ của một cái vỏ bọc xấu xí không được tôn trọng. Người giáo vụ đó không phải cô chủ nhiệm của tôi, và bà chẳng có vị trí quan trọng quyến luyến gì với tâm hồn tôi cả. Nhưng câu nói thô lỗ đó khiến tôi nhấp nhổm và trượt ngã vì định kiến với vẻ bề ngoài của mình. Ví dụ của tôi không có gì to tát, nhưng tôi luôn nhớ đến nó mỗi khi nghe chuyện một học sinh quyết định bỏ học vì "được" giáo viên "vận động".

 

Mỗi người nên được trân trọng và được quyền có cơ hội để bước qua những giới hạn và có thể học cao hơn hoặc xa hơn như họ mong muốn. Nỗ lực để trẻ có thể tiếp cận giáo dục công bằng thường là tạo điều kiện để bạn trẻ vượt qua các rào cản như ngôn ngữ, khuyết tật, vật chất [không có thực phẩm, tiền học, tiền mua sách vở]. Sự nỗ lực này diễn ra ở rất nhiều mặt. Ví dụ, nếu bạn thấy một bác nhà giàu thường góp tiền để mua xe đạp cho trẻ con ở quê đi học, là bác góp phần làm giảm rào cản địa lý khiến trẻ bỏ học [vì nơi đi học quá xa]. Hoặc một ông lái đò chở trẻ con qua sông đi học không lấy tiền, cũng là góp phần để trẻ có được giáo dục công bằng. Một cô giáo miền núi cố gắng nói cả tiếng Kinh lẫn tiếng dân tộc của bé để bé hiểu bài, đó là nỗ lực để trẻ có giáo dục. Hoặc nếu bạn có tiền đi học thêm và hiểu bài, rồi giảng lại bài cho bạn cùng lớp, đó cũng là giúp giảm rào cản giáo dục. Bỗng nhiên bạn nghe nói một bạn cùng lớp phải nghỉ học vì mẹ bạn bệnh không kiếm đủ tiền nữa, và cả lớp đóng tiền để giúp mẹ bạn ấy chữa bệnh và bạn quay lại lớp học, đó cũng là một cách giúp giảm rào cản giáo dục. Nếu bạn nhìn quanh, bạn sẽ thấy họ hàng, gia đình, xã hội quanh ta tôn trọng giáo dục đến mức nào, và tất cả đều cố gắng để người cần học có thể hoàn thành chương trình của họ.

 

Hành vi"vận động" bỏ thi và bỏ học hoàn toàn trái ngược với con đường giáo dục thực thụ. Tệ hại hơn, nó diễn ra vào giai đoạn nhạy cảm nhất trong quá trình phát triển cả tâm lý và đường học vấn của trẻ. Sau khi đã bỏ công đi học 9 năm trời, trẻ được "nài" bỏ thi đi. Vậy 9 năm học đó có ý nghĩa gì? - Trong khi đó giai đoạn này là bậc thang cần thiết để trẻ lên cấp Ba. Tương tự, nếu bạn trẻ bỏ học năm 17 tuổi, bạn không thể học cao hơn. 11 năm trời và tất cả nỗ lực của gia đình và xã hội bị vứt vào sọt rác, nhờ một đòn gió của các thầy cô. Sau khi đọc tới đây, tôi mời bạn đọc lại đoạn văn trên để hiểu các thầy cô có hành vi đó đã phản bội xã hội và đứa trẻ ra sao?

 

Nếu những thầy cô dụ trẻ nghỉ thi là con dao đâm sau lưng người trẻ, thì hệ thống thi đua và nhà trường là kẻ cầm con dao đó. Tôi chọn hình ảnh này để thấy cả hai đều có tội trên lưng đứa trẻ. Con dao không vì bệnh thành tích mà ít dơ bẩn hơn. Nhà trường vì có thể giấu tay không cần đâm chém thì sẽ sạch sẽ hơn người mở mồm đi to nhỏ ép cha mẹ học trò cho em chuyển trường. Tương tự, nếu kẻ đâm dao không cầm dao, thì sẽ không có hành vi hạ thủ tương lai đứa trẻ, là mối quan hệ này không tồn tại. Giáo viên sẽ không mở mồm ép học trò bỏ thi nếu tiền lương hay gương mặt của họ không bị bôi tro trát trấu vì những con số không đẹp nhà trường dán lên mặt họ. Nếu nhà trường không dùng KPI là thân phận đứa trẻ đem ra chài ép thầy cô, thì có lẽ thầy cô cũng không rảnh lắm để lê thân đi mà nài nỉ từng đứa nghỉ học.

 

Vậy thứ cần được tư duy lại là ta định nghĩa thế nào là thành tích? Học sinh giỏi hết là thành tích? Hay 100% các em không bỏ học là thành tích? Đậu tốt nghiệp loại xuất sắc hết là thành tích? Hay tỷ lệ trẻ có thể học cao hơn hoặc tìm được nghề nghiệp có thu nhập tốt là thành tích? - Tuy nhiên, dù có đặt câu hỏi là gì để lượng hóa thành tích, thì chúng cũng chỉ là các hằng số đồng hóa hàng chục ngàn thân phận thành %. Đó không phải là câu trả lời cuối cùng cho giáo dục.

 

Nếu một bạn trẻ có nguy cơ bỏ học, nhờ sự hỗ trợ nào đó có thể hoàn thành chương trình học và có nhiều chọn lựa hơn cho việc học/nghề, đó là một mốc của thành công. Nếu học trò gặp khó khăn trong quan hệ với bạn bè, sau đó có thể có nhiều bạn bè và biết giao tiếp, đó là một giấu mốc của thành công trong không gian trường học. Nếu đứa trẻ xuất thân từ gia đình có thu nhập thấp, hộ nghèo, sau khi học xong có thể dịch chuyển lên mức thu nhập tốt hơn, có thể giải quyết nhiều khó khăn vì thu nhập, đó cũng là một chỉ dấu thành công của giáo dục. Nghĩa là, mỗi một đứa trẻ sẽ có tham chiếu riêng về "thành công" ở trường học. Như tôi, một đứa trẻ lớn lên cực đoan và suy nghĩ ác ý với tất cả mọi thứ xung quanh, nhờ thầy cô của tôi, đã tập suy nghĩ rõ nét hơn về những mối quan hệ quanh mình. "Thành công" của tôi không lượng giá được bằng thu nhập hay địa vị xã hội, nhưng thầy cô đã giúp tôi có cuộc sống hạnh phúc hơn với chính tôi và những người tôi yêu quý.

 

Câu chuyện giáo viên thầm thì lái bạn trẻ bỏ học này không hề mới. Nhưng ít người lường được sự độc hại của đối thoại này. Cha mẹ không biết con cái của mình bị tổn thương ra sao sau khi đứa trẻ nhận được khẳng định nó là con sâu làm rầu nồi canh thành tích. Đứa trẻ gần như chắc chắn không biết những đề nghị này sẽ đầu độc nó ra sao. Sự tự tin bị đổ vỡ. Sự nhẫn tâm được chứng nhận. Sự hằn học được mọc mầm. Sự phẫn nộ lây thành bệnh dịch. Phẩm giá là nạn nhân.

 

Tất cả chúng ta: cha mẹ, thầy cô, bạn học, người học đều chưa nhìn thấy những nhận xét này sẽ để lại hệ quả ra sao trong mỗi con người. Có thể ta sẽ có những người trẻ như bạn học trò của tôi, mắc kẹt trong việc phụ quán ăn thu nhập thấp và không thể học cao hơn .Có thể hai mươi năm sau đó, một doanh nhân thành công sẽ nói, nhờ cô giáo ép tôi bỏ học mà tôi đi kinh doanh. Tôi cảm ơn cô. Có rất nhiều khả thể. Nhưng tất cả đều là những phiên bản thất bại của giáo dục: nơi giáo dục từ chối người trẻ khi họ cần nó nhất.

 

Khải Đơn

 

75 BÌNH LUẬN 





No comments:

Post a Comment

View My Stats