Sunday 10 April 2022

HÀ NỘI CHỌN ĐI VỚI QUỶ, DÂN VIỆT CHỌN GÌ? (Hiếu Chân - Người Việt)

 



Hà Nội chọn đi với quỷ, dân Việt chọn gì?

Hiếu Chân/Người Việt

April 8, 2022

https://www.nguoi-viet.com/binh-luan/ha-noi-chon-di-voi-quy-dan-viet-chon-gi/

 

Tại cuộc bỏ phiếu của Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc nhằm loại bỏ Nga ra khỏi Hội Đồng Nhân Quyền hôm Thứ Năm, 7 Tháng Tư, Việt Nam đã bỏ phiếu chống cùng với Trung Quốc, trái ngược với phiếu thuận của 93 quốc gia khác. Lá phiếu chống đó đã thật sự lột bỏ cái mặt nạ “trung lập” mà Việt Nam trưng ra từ khi Nga nổ súng xâm lược Ukraine ngày 24 Tháng Hai và đặt Việt Nam vào cùng phe với thế lực xâm lược. Người Việt Nam nghĩ gì?

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2022/04/A1-Ha-Noi-chon-di-voi-quy-1-1068x713.jpg

Trong Thánh Lễ cầu nguyện cho hòa bình tại Ukraine được tổ chức tại nhà thờ Giáo Xứ Thái Hà, Hà Nội, vào tối Chủ Nhật, 27 Tháng Ba, các giáo dân đóng góp hơn 78 triệu đồng ($3,400) dành cho các trẻ em Ukraine đang là nạn nhân của chiến tranh do Nga xâm lược. (Hình: Facebook Nguyễn Ngọc Nam Phong/Nataliya Zhynkina)

 

Hơn một tháng rưỡi bom rơi đạn nổ, những người có chút lương tri đều thấy rõ đây là cuộc chiến tranh hoàn toàn phi nghĩa, chà đạp luật pháp và đạo lý. Nhà độc tài Vladimir Putin, tổng thống Nga, đã vô cớ xua hàng trăm ngàn quân tấn công lãnh thổ một quốc gia láng giềng độc lập, có chủ quyền, phá hủy cơ sở hạ tầng, giết hại người dân vô tội. Khi không khuất phục được người dân Ukraine, quân Nga chuyển sang dùng vũ khí hủy diệt phóng từ máy bay, tàu chiến để san bằng các thành phố, các khu dân cư. Hình ảnh những đống đổ nát, những thi thể thường dân bị giết khi cổ tay họ bị trói truyền đi từ thị trấn Bucha phía Bắc thủ đô Kiev gây xúc động mạnh trên toàn thế giới, không ai dửng dưng được.

 

Trước một biến cố như vậy, lập trường đúng đắn duy nhất là phản đối chiến tranh xâm lược của Nga, ủng hộ cuộc kháng chiến bảo vệ đất nước đầy chính nghĩa của nhân dân Ukraine. Trước mỗi cuộc họp ở Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc, đại diện Ukraine đều nhắn nhủ rằng, mỗi lá phiếu ngăn chặn hành động chiến tranh của Nga “không phải là một lựa chọn mà là một bổn phận.” Số phận của Việt Nam còn có điểm tương đồng với Ukraine là nước nhỏ nằm bên cạnh một nước lớn luôn nuôi tham vọng đế quốc; những gì đang diễn ra ở Ukraine hôm nay có thể sẽ tái diễn ở Việt Nam khi ông Tập Cận Bình, chủ tịch Trung Quốc, thực hiện “chiến dịch quân sự đặc biệt” giống như ông Putin ở Châu Á-Thái Bình Dương.

 

Hoa Kỳ, Liên Minh Châu Âu và đa số các quốc gia đã lên án hành động của ông Putin, đòi chấm dứt ngay vụ xâm lược, thực hiện các biện pháp cấm vận kinh tế để trừng phạt bộ máy chiến tranh của Nga, đồng thời đoàn kết với nhân dân Ukraine, viện trợ vũ khí, lương thực thực phẩm và mở cửa đón tiếp người Ukraine tị nạn.

 

Ở trong nước, hầu như các thành phần dân chúng đều lên án cuộc chiến của Nga từ trải nghiệm đau thương của chính người Việt qua nhiều cuộc chiến tranh tàn khốc. Hành động tấn công quân sự vào một quốc gia độc lập, có chủ quyền là hoàn toàn không thể chấp nhận được. Khi đạn pháo và hỏa tiễn Nga trút xuống các thành phố Ukraine ngày hôm qua còn yên bình thì phản ứng tự nhiên của người dân Việt, của những ai có lương tri đều là phản đối. Nhưng đảng Cộng Sản cầm quyền đã có một lựa chọn khác, đi ngược với cảm xúc của dân chúng.

 

Ngày 2 Tháng Ba, 193 nước thành viên Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc bỏ phiếu thông qua nghị quyết lên án Moscow và yêu cầu Nga rút quân khỏi Ukraine, Việt Nam đã bỏ phiếu trắng trong khi có đến 141 nước bỏ phiếu thuận. Hai mươi ngày sau, ngày 24 Tháng Ba, Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc bỏ phiếu yêu cầu bảo vệ thường dân ở Ukraine và cho phép cứu trợ, lên án Nga đã gây ra một tình huống nhân đạo thảm khốc khi xâm lược nước láng giềng Ukraine, Việt Nam lại bỏ phiếu trắng dù nghị quyết có tới 140 nước ủng hộ.

 

Một số nhà quan sát tỏ ra “thông cảm” với hai lá phiếu trắng có vẻ “trung lập” của Việt Nam. Nước Nga của ông Putin là một “đối tác chiến lược toàn diện” hàng đầu trong thang bậc đối ngoại của Việt Nam, cùng với Trung Quốc và Ấn Độ. Nga là nhà cung cấp hàng đầu các loại vũ khí tân tiến để giúp Việt Nam hiện đại hóa Không Quân và Hải Quân; là đối tác hàng đầu của ngành thăm dò, khai thác dầu khí của Việt Nam. Về phương diện địa chính trị, Việt Nam kết thân với Nga như một cách để cân bằng ảnh hưởng của Trung Quốc. Với mối quan hệ mật thiết như vậy, Hà Nội khó mà bỏ phiếu chống hành động của Nga mà “khôn khéo” làm ra vẻ trung lập dù ông Volodymyr Zelensky, tổng thống Ukraine, đã nói rất chí lý rằng: “Bạn có thể trung lập giữa nước này và nước kia nhưng không thể trung lập giữa thiện và ác, giữa đúng và sai, giữa chính nghĩa và xâm lược.”

 

Cái mặt nạ giả danh “trung lập” đó đã rớt xuống trong cuộc bỏ phiếu thứ ba của Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc phê chuẩn đề nghị của Hoa Kỳ loại nước Nga khỏi Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc hôm 7 Tháng Tư vừa qua. Việt Nam, cùng với 23 nước khác – hầu hết là các nước nhỏ, kém phát triển và có thành tích nhân quyền tồi tệ nhất – đã bỏ phiếu chống lại nghị quyết. Bằng lá phiếu chống đó, Việt Nam chính thức đứng về phía Nga và Trung Quốc, những kẻ đang phạm tội ác chiến tranh ở Ukraine, cho dù hành vi tàn sát dân thường của Nga ở thị trấn Bucha, ở Borodyanka, ở Mariupol của Ukraine – mà hình ảnh tràn đầy trên mạng – không khác lắm so với vụ thảm sát Mậu Thân ở cố đô Huế năm 1968.

 

Lựa chọn của Việt Nam không làm ai ngạc nhiên vì nó hoàn toàn tuân theo lập trường của Trung Quốc; Bắc Kinh cũng bỏ phiếu trắng trong hai lần biểu quyết trước và bỏ phiếu chống trong lần biểu quyết thứ ba của Đại Hội Đồng. Nhưng Trung Quốc hành động theo lợi ích của họ: liên minh với Nga để chống Hoa Kỳ và phương Tây. Đảng Cộng Sản Việt Nam vì sợ Trung Quốc mà hành động theo cây gậy chỉ đường của Bắc Kinh là chuyện lợi bất cập hại. Nó làm cho Việt Nam trở thành một đất nước bị cả thế giới xa lánh và người dân Việt Nam phải xấu hổ mỗi khi đi ra ngoài nước.

 

Lựa chọn của đảng Cộng Sản và chính quyền Hà Nội đi ngược với ý nguyện của đa số người dân Việt Nam yêu chuộng hòa bình và công lý. Nước Việt Nam dường như đã chia làm đôi, đảng một bên và dân một bên. Vì quyền lợi ích kỷ của mình mà đảng Cộng Sản Việt Nam đã chọn đi với quỷ, đối lập với nhân dân, với lợi ích của đất nước và biến thành chướng ngại lớn nhất trên con đường tiến hóa của dân tộc.

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2022/04/A1-Ha-Noi-chon-di-voi-quy-2-1068x632.jpg

Bà Nataliya Zhynkina, đại biện lâm thời Ukraine tại Việt Nam, đăng trên trang Facebook cá nhân danh sách các quốc gia trong Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc hôm Thứ Năm, 7 Tháng Tư, bỏ phiếu loại Nga ra khỏi vai trò thành viên Hội Đồng Nhân Quyền, với 93 phiếu thuận và 24 phiếu chống (trong đó có Việt Nam), cùng 58 phiếu trắng. (Hình: Facebook Nataliya Zhynkina)

 

                                                       ***

 

Cuộc chiến tranh Nga-Ukraine, dù kết cục thế nào, thì sau đó thế giới cũng sẽ bị chia thành hai cực: Một thế lực độc tài chuyên chế mà Trung Quốc là hạt nhân lãnh đạo, chống lại một thế giới tự do do Hoa Kỳ và Châu Âu dẫn dắt. Chiến tranh Ukraine “đã nhanh chóng biến thành ‘trận đánh lớn’ giữa hai hệ thống chính trị quyền lực nhất trong thế giới ngày nay: hệ thống dân chủ, nhà nước pháp quyền và thị trường tự do chống lại chế độ cai trị ăn cướp [kleptocracy] chuyên chế,” nhà bình luận chính trị nổi tiếng Thomas Friedman viết trên The New York Times.

 

Chúng tôi cho rằng, “trận đánh lớn” giữa hai hệ thống chính trị có thể không phải ở Ukraine hiện nay mà là ở Châu Á-Thái Bình Dương trong những năm tháng sắp tới, giữa một thế lực đang lên với tham vọng bành trướng thành bá chủ là Trung Quốc với một siêu cường đang nỗ lực duy trì trật tự thế giới hiện tồn là Hoa Kỳ, và tất nhiên nó sẽ tác động sâu sắc đến số phận của Việt Nam. Trong trận đánh lớn tương lai đó, Việt Nam lẽ ra phải đứng cùng hàng ngũ với những lực lượng tiến bộ chống lại âm mưu bá quyền của Bắc Kinh, vì điều đó phù hợp với lợi ích sống còn của dân tộc. Nếu một ngày, ông Tập Cận Bình xua quân xâm chiếm lãnh thổ Việt Nam như ông Putin đang làm hiện nay, chiếm các đảo ở Trường Sa chẳng hạn, và tái diễn một “cuộc phản kích tự vệ” như cuộc chiến tranh biên giới Tháng Hai, 1979, thì ai sẽ chia lửa với Việt Nam như thế giới đang làm với Ukraine?

 

Cuộc chiến Ukraine đang làm thức tỉnh những suy nghĩ của người Việt về hiện tình đất nước và đường lối mà đảng Cộng Sản đang dẫn dắt dân tộc đi theo. Đã có những ý kiến nghiêm chỉnh dự đoán chiến tranh Ukraine sẽ thúc đẩy một cuộc xoay trục của Việt Nam, từ con đường xã hội chủ nghĩa mê muội sang hội nhập với thế giới văn minh.

 

Nhưng thực tế không như dự đoán. Hà Nội đã nhất quyết chọn con đường đi với kẻ thù của nhân dân, bất chấp lợi ích của đất nước, và điều đó gây phẫn nộ trong dư luận.

 

Tôi không nghĩ tất cả các đảng viên cao cấp của đảng Cộng Sản đều rắp tâm làm chư hầu của Nga và Trung Quốc, chẳng qua người ta chưa thể lên tiếng, chưa thể ra mặt chống đối vì chính sách “đu dây” ngoại giao vẫn mang lại lợi ích nào đó trong hoàn cảnh Việt Nam. Nhưng liệu lựa chọn của Hà Nội đứng hẳn về phía xâm lược trong cuộc chiến tranh Ukraine hiện nay có thể nào là giọt nước làm tràn ly, là cọng rơm làm gãy lưng con lạc đà, để thành phần đảng viên này phải thức tỉnh và có thái độ dứt khoát?

 

Người dân lao động Việt Nam, bất bình với sự lựa chọn của nhà cầm quyền Hà Nội, cũng cần phải lên tiếng và đòi được biết, ai là kẻ quyết định bỏ phiếu trắng, phiếu chống tại Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc, chọn đi ngược lại trào lưu của thế giới văn minh? Đây là chủ trương của ông tổng bí thư, ông chủ tịch nước hay ông bà nào đó trong Bộ Chính Trị của đảng Cộng Sản? Ai phải chịu trách nhiệm về những quyết định hệ trọng không chỉ về mặt ngoại giao, về uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế mà còn hệ trọng với tương lai của Việt Nam sau này?

 

Nếu một bộ phận trong nội bộ đảng Cộng Sản và chính quyền, một số đông dân chúng trong xã hội lên tiếng đòi đảng phải công khai, minh bạch về những chính sách sai lầm và tai hại như trong chính sách đối với cuộc chiến Ukraine thì biết đâu trong tương lai Việt Nam sẽ có lựa chọn khác. (Hiếu Chân) [qd]





No comments:

Post a Comment

View My Stats