Sunday 10 April 2022

CÓ PHẢI VIỆT NAM ĐÃ CHỌN PHE? (Nguyễn Hải Bình, RFA)

 



Có phải Việt Nam đã chọn phe?

Bình luận của Nguyễn Hải Bình
2022.04.09

https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/did-vietnam-choose-side-04092022171150.html

 

https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/did-vietnam-choose-side-04092022171150.html/@@images/4e938a2e-8213-472f-a146-4cda73160704.jpeg

Hình minh hoạ: người dân đọc báo có bài viết về cuộc chiến Nga - Ukraine tại một sạp báo ở Hà Nội hôm 25/2/2022

 

Nga bị loại khỏi Hội đồng nhân quyền

 

Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) ngày 7/4 đã đình chỉ Nga tham gia Hội đồng Nhân quyền LHQ vì các báo cáo về "những hành vi vi phạm và lạm dụng nhân quyền trắng trợn và có hệ thống" ở Ukraine. Động thái này đã thúc đẩy Moscow tuyên bố rút khỏi Hội đồng Nhân quyền. Nghị quyết kêu gọi đình chỉ tư cách thành viên của Nga tại Hội đồng Nhân quyền LHQ do Mỹ thúc đẩy nhận được 93 phiếu thuận, 24 phiếu chống và 58 phiếu trắng. Cần có đa số 2/3 thành viên bỏ phiếu tại Đại hội đồng LHQ gồm 193 thành viên ở New York - không tính phiếu trắng - để đình chỉ Nga tham gia Hội đồng Nhân quyền (cơ quan này gồm 47 thành viên và có trụ sở tại Geneva). Phát biểu sau cuộc bỏ phiếu, Phó Đại sứ Nga tại LHQ Gennady Kuzmin gọi động thái này là một "bước đi bất hợp pháp và có động cơ chính trị", sau đó tuyên bố rằng Nga đã quyết định rút hoàn toàn khỏi Hội đồng Nhân quyền. Đại sứ Ukraine tại LHQ Sergiy Kyslytsya nói với các phóng viên: "Bạn không thể nộp đơn từ chức sau khi bị sa thải". Nga hiện đang ở năm thứ hai trong nhiệm kỳ ba năm tại Hội đồng Nhân quyền. Theo nghị quyết được đưa ra hôm 7/4, Đại hội đồng LHQ sau đó có thể đồng ý chấm dứt việc đình chỉ. Tuy nhiên, hiện nay điều đó đã không thể xảy ra vì Nga đã rút khỏi hội đồng này, cũng như Mỹ đã từng làm hồi năm 2018 vì nước này cho rằng Hội đồng Nhân quyền có thành kiến "ăn sâu bám rễ" chống lại Israel và thiếu cải cách. Năm 2021, Mỹ đã được bầu lại vào Hội đồng Nhân quyền. 

 

Các trường hợp bị đình chỉ tư cách thành viên tại Hội đồng Nhân quyền là rất hiếm. Libya đã bị đình chỉ vào năm 2011 vì các lực lượng trung thành với nhà lãnh đạo Libya khi đó là Muammar Gaddafi đã sử dụng bạo lực để chống lại những người biểu tình. Đại sứ Mỹ tại LHQ Linda Thomas-Greenfield nói rằng LHQ "đã gửi đi một thông điệp rõ ràng rằng sự đau khổ của các nạn nhân và những người sống sót sẽ không bị làm ngơ". Trong một phát biểu được gửi tới Đại hội đồng, bà nói: "Chúng tôi đảm bảo rằng một quốc gia vi phạm nhân quyền nghiêm trọng và liên tục sẽ không được phép đảm nhiệm vị trí lãnh đạo về nhân quyền tại LHQ". 

 

Hội đồng Nhân quyền không thể đưa ra các quyết định ràng buộc về mặt pháp lý. Tuy nhiên, các quyết định của hội đồng này gửi đi các thông điệp chính trị quan trọng và nó có thể dẫn tới các cuộc điều tra. Tháng trước, hội đồng này đã mở một cuộc điều tra về các cáo buộc vi phạm nhân quyền - bao gồm cả tội ác chiến tranh - ở Ukraine.

 

https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/2022-04-07t160848z_643897788_rc2git9lfk2h_rtrmadp_3_ukraine-crisis-un.jpg/@@images/2205637f-eda4-4e56-941d-b127a877081a.jpeg

Bảng kết quả bỏ phiếu đình chỉ Nga tham gia Hội đồng Nhân quyền LHQ tại Đại hội đồng LHQ hôm 7/4/2022. Reuters

 

Quyết định của Việt Nam

 

Việt Nam là một trong số 24 quốc gia bỏ phiếu chống lại Nghị quyết đình chỉ Nga khỏi Hội đồng nhân quyền (1). Đây là quyết định khá lạ lùng, bởi vì trong hai lần trước, khi Đại hội Đồng Liên Hợp Quốc ra Nghị quyết lên án Nga, Việt Nam đã luôn bỏ phiếu trắng.

 

Nhận xét về quyết định này của Việt Nam, Thạc sĩ Phạm Ngọc Minh Trang - một chuyên gia về luật quốc tế, hiện đang làm việc tại Viện Max Planck (Đức) nhận xét:

 

“ Đọc phát biểu của Việt Nam tại Đại hội đồng Liên hiệp quốc hôm qua, mình có một vài ý kiến như sau.

 

Thứ nhất, theo mình được biết trigger cho cuộc họp đặc biệt về vấn đề loại Nga ra khỏi Hội đồng nhân quyền là các cáo buộc về thảm sát ở Bucha. Theo phát biểu của Việt Nam, có thể ngầm hiểu hiện giờ chưa có các bằng chứng cụ thể, và cần các điều tra khách quan mới có thể quyết định được. Như vậy, ở đây giống với tình huống “the cat of Schrödinger”, tức là có thể có thảm sát hoặc có thể không. Một phiếu trắng sẽ thể hiện được quan điểm này, hiện giờ chưa có điều tra độc lập, chưa có bằng chứng thuyết phục được tôi, nên tôi chọn không đánh giá chủ quan hay dựa trên cảm xúc. Lý lẽ cho phiếu chống là gì? Là chọn không có thảm sát luôn ư? Sau này lỡ có điều tra độc lập kết luận có thảm sát thì thế nào? Tại sao lại dồn mình vào tình thế bấp bênh này? Cây tre trồng ở đâu để có thể dẫn đến có khả năng bị bung gốc thế này?

 

Thứ 2, hai lần trước bỏ phiếu trắng, mình đọc thấy có đại sứ cho rằng cần phải đọc nội dung của Nghị quyết rồi hãy nhận xét về lá phiếu của Việt Nam. Mình hoàn toàn đồng ý. Mình đọc nghị quyết lần này, không một chữ nhắc đến thảm sát Bucha, nghị quyết lên án các hành vi vị phạm nhân quyền một cách liên tục của Nga ở Ukraine. Trong phát biểu của Việt Nam, Việt Nam có đề cập:

 

“Chúng tôi theo dõi sát sao và quan ngại sâu sắc về ảnh hưởng của chiến sự tại Ukraine gây ảnh hưởng nặng nề đối với người dân. Chúng tôi hết sức quan ngại trước thông tin về việc nhiều dân thường bị thiệt mạng trong những ngày qua.

 

Việt Nam phản đối và lên án mọi hành vi tấn công dân thường, vi phạm luật pháp quốc tế, luật nhân đạo và nhân quyền quốc tế.”

 

Vậy tại sao bỏ phiếu chống một nghị quyết lên án hành vi vi phạm nhân quyền của Nga ở Ukraine?

 

Thứ 3, ở trên bài phát biểu Việt Nam có nói về việc tuân thủ luật quốc tế để giải quyết tranh chấp, ở dưới bảo “Đàm phán và đối thoại là cách khả thi nhất để tìm ra giải pháp hòa bình, toàn diện”.

 

Giải quyết tranh chấp theo luật quốc tế không chỉ có đàm phán và đối thoại. Các quốc gia còn có các biện pháp khác như toà án quốc tế, các tổ chức quốc tế, hay các trung gian hoà giải, điều tra độc lập. Ukraine đang thực hiện các hành vi này. Vừa tự vệ, vừa kiện Nga ra Toà án quốc tế, vừa mang vấn đề ra các tổ chức quốc tế để tranh thủ sự ủng hộ của dư luận quốc tế. “Vừa đánh vừa đàm, vừa tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế”, những cụm từ này không phải quá quen thuộc với Việt Nam sao?

 

Cuối cùng, câu hỏi này mình luôn thắc mắc: Việt Nam đối thoại với Trung Quốc như thế nào mà Trung Quốc vẫn nhiều lần tập trận ở vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam? Nếu đàm phán và đối thoại, không có cách nào khác, để giải quyết tranh chấp hiệu quả, Việt Nam hãy chứng minh đi, chứng minh rằng bằng đối thoại đàm phán, Trung Quốc sẽ không ngăn cản tàu cá Việt Nam đánh bắt cá trên vùng biển Việt Nam, Trung Quốc sẽ không tập trận trên vùng biển của Việt Nam, và Trung Quốc sẽ không quân sự hoá các “đảo” mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền. Hãy chứng minh bằng thực tế, vì nói thì ai cũng nói được.” (2)

 

Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn đã sử dụng công cụ thống kê để đánh giá lại các quyết định của Việt Nam trước LHQ và đã rút ra kết luận:

 

“Hôm qua, Việt Nam và Tàu đã bỏ phiếu chống lại Nghị quyết loại bỏ Nga khỏi Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc. Thế nhưng Nga vẫn bị loại khỏi Hội đồng vì đa số các nước thành viên ok với Nghị quyết. Câu hỏi đặt ra là Việt Nam đã bao nhiêu lần bỏ phiếu theo hay trùng hợp với Tàu? Trả lời: ~90%!

 

Theo một phân tích dữ liệu Liên Hiệp Quốc (LHQ), tính từ 1971 đến 2017, tỉ lệ mà Việt Nam bỏ phiếu 'trùng' với Tàu cộng là 89.2%. Tuy nhiên, khi phân tích theo những nghị quyết quan trọng, thì tỉ lệ phiếu VN 'theo Tàu' lên đến 91.6% (xem bảng số liệu), chỉ sau Bắc Hàn (92.6%) và Cuba (91.8%).

 

Nếu tính từ lúc Việt Nam 'mở cửa' (1986) đến 2019 và chỉ tính các lần bỏ phiếu cho các nghị quyết quan trọng thì Việt Nam bỏ phiếu trùng hợp với Cuba là nhiều nhứt (88.7%), theo sau là Lào (87.5%), Miến Điện (86.3%), Turkmenistan (86.2%) và Tàu cộng (85.6%). Nói chung, xu hướng bỏ phiếu của Việt Nam trùng hợp với các nước 'bất hảo' như Bắc Hàn (82.7%), Libya (84%), Zimbabwe (83.6%).

 

Tóm lại, đối với các nghị quyết quan trọng (như ngày hôm qua - 7/4/2022), thì Việt Nam, Lào, Cuba và Tàu thường bỏ phiếu giống nhau. Dĩ nhiên, về mặt khoa học, ở đây chúng ta chỉ có thể nói mối tương quan về xu hướng bỏ phiếu giữa mấy nước này thôi, chứ không chứng minh ai bỏ phiếu theo ai. Nhưng về mặt chánh trị thì quá dễ hiểu ai lệ thuộc ai.

 

Những số liệu này có khơi dậy ý tưởng 'Thoát Trung' hay không thì còn tuỳ thuộc vào những người đang 'đại diện' Việt Nam ở LHQ.” (3)

 

VIDEO:

Việt Nam phản đối giết hại dân thường ở Ukraine, kêu gọi điều tra minh bạch #shorts

https://www.youtube.com/watch?v=9Ar0w8gnC9Y

 

Việt Nam chọn phe nào?

 

Câu chuyện chọn phe nào đang là vấn đề tranh luận sôi nổi ở Việt Nam hiện nay. Các quan chức và các nhà nghiên cứu “thân Chính phủ” thì luôn khẳng định Việt Nam không chọn phe, dù trong bất cứ trường hợp nào. Trong một phát biểu mới đây, Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính khẳng định: “Tinh thần là chúng ta không 'chọn bên' mà chọn lẽ phải lớn của thời đại là hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.” (4)

 

Phân tích quyết sách này của người đứng đầu chính phủ Việt Nam, một vị Tiến sĩ còn quả quyết: “Chúng ta luôn khẳng định lập trường không thay đổi đó là Việt Nam không đứng về bên này để chống bên kia mà luôn đứng về lẽ phải, về công lý. Việt Nam lựa chọn lẽ phải và đứng về chính nghĩa.” (5)

 

Thế nhưng nếu việc Việt Nam bỏ phiếu trắng trong hai lần Đại hội đồng LHQ ra Nghị quyết lên án Nga thì còn hiểu được là do Việt Nam có nhiều lợi ích với Nga. Thế nhưng, với việc bỏ phiếu chống lại Nghị quyết đình chỉ Nga khỏi Hội đồng nhân quyền lần này của Việt Nam đã cho thấy hành động của quốc gia này không giống với những gì họ nói.

 

Có lẽ, với hành động này, Việt Nam đã chính thức chọn phe, nhưng là phe của những kẻ tội đồ mà đang bị cả thế giới lên án và xa lánh, vì đã vi phạm Hiến chương LHQ khi đã mang chiến tranh để xâm lược một quốc gia độc lập, có chủ quyền và đang là thành viên của LHQ.

_____________

 

Tham khảo:

1. https://news.un.org/en/story/2022/04/1115782

 

2. https://www.facebook.com/minhtrang.pn

 

3. https://www.facebook.com/t.nguyen.2016

 

4. https://vneconomy.vn/thu-tuong-trong-ngoai-giao-viet-nam-khong-chon-ben-ma-chon-le-phai-lon-cua-thoi-dai.htm

 

5. https://canhco.net/viet-nam-lua-chon-le-phai-va-dung-ve-chinh-nghia-p597357.html

 

-----------------------------------------------------------------

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do

 

Tin, bài liên quan

·         Cuộc chiến xâm lược Ukraine của Nga đặt ra vấn đề về thay đổi trong ý thức hệ

·         Toạ đàm học thuật về Ukraine bị “bức tử”

·         Thấy gì đằng sau thánh lễ cầu nguyện cho hòa bình ở Ukraine?

·         Xung đột Nga - Ukraine, thêm một chia rẽ trong khối ASEAN

·         Lính tình nguyện Mỹ gốc Việt trở về từ Ukraine: “Quá khủng khiếp”

 





No comments:

Post a Comment

View My Stats