Monday 11 April 2022

GIẢI OAN CHO THƯỢNG ĐẾ (Chu Văn)

 



Giải oan cho Thượng Đế

Chu Văn

10/04/22

https://thongluan-rdp.org/di-n-dan/item/24631-gi-i-oan-cho-thu-ng-d

 

Năm nào cũng vậy, những ngày trước lễ Phục Sinh của Kitô giáo, ra đường nhìn thiên hạ lũ lượt kéo nhau đi nghỉ, đến phố thị nghe ồn ào  nhộn nhịp hẳn ra, tự nhiên tôi cũng thấy vui. Cùng với niềm vui tự nhiên ấy, là một tín hữu Kitô, năm nào tôi cũng cố gắng tìm hiểu, đào sâu và sống sao cho phù hợp hơn với sứ điệp của lễ Phục Sinh.

 

https://live.staticflickr.com/65535/51993403092_1104c8cabf.jpg

Đón mừng Phục Sinh, Giáo hội Chính Thống Giáo Nga tổ chức kiệu lễ theo nghi thức  Đông Phương

 

Năm nay, các Giáo hội Tin Lành và Công giáo La Mã mừng lễ Phục sinh vào ngày chủ nhựt 17 tháng Tư tới đây, trong khi đó ngày lễ lại được các Giáo hội Chính thống cũng như các cộng đồng tín hữu công giáo theo nghi lễ Đông Phương  cử hành vào một tuần lễ sau, tức ngày 24 tháng Tư. Nhưng dù có khác ngày và theo những nghi thức riêng, sứ điệp Phục Sinh, như được các vị lãnh đạo của Kitô giáo trên khắp thế giới dẫn giải vẫn là một. Đó là sứ điệp của Hòa Bình. Đó là sứ điệp của Tình Thương chiến thắng Hận Thù và những cái đuôi của Hận Thù là chiến tranh và chết chóc.

 

Trong bối cảnh của "chiến dịch quân sự đặc biệt" hay nói trắng ra là cuộc chiến xâm lược do Nga gây ra tại Ukraine, tôi đặc biệt chờ đợi "sứ điệp Phục Sinh" từ miệng của nhà lãnh đạo Giáo hội Chính thống Nga là Thượng phụ Kirill. Sở dĩ tôi chú ý đến nhà lãnh đạo tôn giáo này là bởi vì tiếng nói của ông chắc chắn đã ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc chiến xâm lược của Nga tại Ukraine.

 

https://live.staticflickr.com/65535/51994463553_f0a8236641.jpg

Thượng phụ Kirill, nhà lãnh đạo Giáo hội Chính thống Nga

 

Trong thời gian gần đây đã có rất nhiều người Nga xuống đường để phản đối cuộc chiến xâm lược do Vladimir Putin chủ xướng. Trong số những người phản đối cuộc chiến, người ta thấy có nhiều linh mục, giới trí thức và nghệ sĩ. Đã có hàng ngàn người bị bắt giữ vì tham gia các cuộc biểu tình. Tuy nhiên theo một cuộc thăm dò do hãng thăm dò độc lập duy nhứt tại Nga là Levada thực hiện, có đến hơn 80 phần trăm dân chúng Nga ủng hộ cuộc chiến tranh xâm lược do Putin phát động (1).

 

Dĩ nhiên, trong một chế độ độc tài như Nga, nơi mà hiện nay mọi thành phần bất đồng chính kiến cũng như các cơ quan truyền thông độc lập đều bị bịt miệng, những con số dường như cũng không còn "biết nói" nữa. Tuy nhiên, trình tự được chính Putin rêu rao trước khi mở cuộc chiến xâm lược vào Ukraine, cộng với những lời phát ra từ bục giảng của Thượng phụ Kirill, không cho phép tôi phớt lờ trước ảnh hưởng của nhà lãnh đạo tôn giáo này đối với nhận thức của người dân Nga về cuộc chiến hiện nay.

 

Trong nhiều tuần lễ qua, các nhà lãnh đạo tôn giáo trên khắp thế giới đã không ngừng van nài Thượng phụ Kirill lên tiếng chống lại cuộc chiến xâm lăng Ukraine do Putin điều động. Nhưng trong các bài giảng hằng tuần được truyền đi trên Đài Truyền Hình, dĩ nhiên của nhà nước Nga, vị thượng phụ này lúc nào cũng giữ nguyên một giọng : lúc nào ông cũng mặc cho cuộc chiến xâm lược của Putin một sứ mệnh cao cả là chiến đấu chống lại những sức mạnh của sự Dữ đang tìm cách hủy diệt sự hiệp nhứt mà Thượng Đế đã ban cho "Nước Nga Thánh Thiêng".

 

https://live.staticflickr.com/65535/51994948460_0863ccc919.jpg

Tổng thống Putin và Thượng phụ Kirill gần gũi và đồng hóa với nhau như bóng với hình.

 

Một ngày trước khi quân đội Nga tràn vào Ukraine, thượng phụ Kirill đã đăng đàn để ca ngợi các binh sĩ Nga như những người bảo vệ tổ quốc. Ông nói : "Họ (các binh sĩ Nga) không hề nghi ngờ rằng họ đã chọn một con đường rất đúng đắn trong cuộc sống của họ". Rồi không đầy 2 tuần lễ sau khi quân đội Nga xâm chiếm lãnh thổ Ukraine, Thượng phụ Kirill biện hộ rằng cuộc xâm lược có một "ý nghĩa siêu hình" và cảnh cáo "đàn chiên" của ông rằng cái giá mà họ phải trả khi mở rộng vòng tay đón nhận văn minh tiêu thụ của thế giới Tây Phương và "tự do" mà thế giới này mang đến thật là khủng khiếp : đó là phải đứng ra tổ chức những cuộc diễu hành của những người đồng tính !

 

Trong một bài giảng hàng tuần khác để biện minh cho cuộc chiến xâm lược của Putin, Thượng phụ Kirill nói đến "sự thật của Thượng Đế". Và theo "sự thật" đó thì người Nga, người Ukraine và người Belarus đều chung  chia  một gia sản tinh thần và dân tộc  cho nên cần phải được liên kết với nhau như một dân tộc. Đây chính là nội dung bài hiệu triệu  của Putin trước khi đưa quân sang xâm chiếm Ukraine (2). Với Putin và Kirill, xâm chiếm Ukraine, ngay cả bằng vô số tội ác chiến tranh và diệt chủng, biến quốc gia độc lập này thành một phần của Đại Nga là một nghĩa vụ thiêng liêng được chính Thượng Đế ủy thác !

 

Từ lâu Thượng phụ Kirill và Putin đã là 2 đồng minh rất thân cận với nhau. Họ gần gũi và đồng hóa với nhau như bóng với hình. Thượng phụ Kirill đã có lần mô tả 12 năm cầm quyền đầu tiên của Putin là "một phép lạ của Thượng Đế". Về phần mình, Putin tiết lộ rằng chính thân phụ của Kirill, lúc làm một linh mục quản xứ tại một giáo xứ ở Leningrad đã rửa tội "chui" cho ông vào năm 1952. Hai người thường xuyên xuất hiện bên cạnh nhau trong những ngày lễ quan trọng, đặc biệt mỗi dịp lễ Phục Sinh, những lần thăm viếng các tu viện và hành hương đến những linh địa. Gắn kết với nhau hơn có lẽ là cái quá khứ KGB của cả hai. Putin đã từng là một điệp viên KGB. Còn Kirill, theo một số tài liệu trong Văn khố Nga, cũng đã từng là một điệp viên KGB trước khi xuất gia vào tu viện. Dạo đầu tháng Ba vừa qua, báo The Guardian của Nga có phỏng vấn một số người Ukraine. Được hỏi ý kiến về Thượng phụ Kirill, một số đã dựa vào Văn khố Nga để khẳng định rằng ông ta đã từng là một điệp viên  KGB và chính vì quá khứ này mà ông đã ủng hộ cuộc chiến xâm lược của Putin tại Ukraine (3).

 

https://live.staticflickr.com/65535/51994676794_0999ff4dea.jpg

Putin mình trần trầm người xuống một hồ nước lạnh để biểu lộ sự trưởng thành và nam tính của mình trong ngày lễ Hiển Linh (tức lễ Ba Vua).

 

Trong những năm gần đây, Putin ngày càng tỏ ra mình là một tín hữu rất "đạo đức". Ông đeo trên cổ một sợi dây chuyền có gắn một cây thánh giá bằng bạc. Ông hôn kính các tượng ảnh. Đáng chú ý nhứt là lần ông để mình trần trầm người xuống một hồ nước lạnh trước các ống kính truyền hình. Theo Chính Thống giáo, đây là nghi thức qua đó một nam tín hữu bày tỏ sự trưởng thành và nam tính của mình trong ngày lễ Hiển Linh (tức lễ Ba Vua).

 

Putin là một tín hữu thuần thành hay là một ma đầu chính trị ? Với vô số tội ác đã từng gây ra tại Nga cũng như ngay cả ở hải ngoại và nhứt là những  tội ác chiến tranh đã và đang diễn ra tại Ukraine trong hơn một tháng qua, tôi không tin rằng Putin là tín đồ của bất cứ tôn giáo nào.

 

Còn ông giáo chủ Kirill, mỗi lần nhìn ông giương cây trượng dát vàng lên để giảng dạy, tôi không nhìn thấy thánh giá của Chúa Giêsu đâu cả, mà chỉ là lưỡi lê của cuồng vọng và hận thù, nhứt là khi nhìn thấy vô số tội ác do Putin đã và đang gây ra tại Ukraine, ông vẫn có thể muối mặt để cổ võ các binh sĩ tiếp tục tham gia vào tội ác, vì Nga là một "nước yêu chuộng hòa bình" (4).

 

Nhìn Thượng phụ Kirill múa gậy của bạo lực để tôn vinh Thượng Đế, tôi không thể không liên tưởng đến câu thần chú "Allahu Akbar" (Thượng Đế Vĩ Đại) được một số lãnh tụ Hồi giáo và những kẻ khủng bố hô lớn để sát hại những người vô tội.

 

https://live.staticflickr.com/65535/51994948435_30d09388b6.jpg

Nhà sư Wirathu không ngần ngại tự nhận mình là một "Osama Bin Laden" của Miến Điện.

 

Tội nghiệp Thượng Đế ! Cứ bị người ta nhân danh để làm điều ác. Ngay cả một người nhân ái và từ bi như Đức Phật cũng cùng chung một số phận. Có một dạo thế giới nói đến rất nhiều về một nhà sư Miến Điện tên là Wirathu. Ông không ngần ngại tự nhận mình là một "Osama Bin Laden" của Miến Điện. Lãnh đạo một cộng đồng tu sĩ với hơn 2.500 tăng sĩ, Wirathu đã qui tụ được hàng trăm ngàn khán thính giả qua các bài thuyết giảng của ông được truyền đi trên Facebook và YouTube. Nội dung của các bài thuyết pháp của nhà sư này lúc nào cũng xoay quanh sự thù hận đối với người Hồi giáo, đặc biệt là người Hồi giáo thuộc sắc tộc Rohingya. Sự khích động của nhà sư Wirathu đã khiến cho hàng trăm người Rohingya bị giết chết và hàng trăm ngàn người phải đi lánh nạn (5). Tạp chí Time đã có lý để gọi nhà sư này là "bộ mặt khủng bố của Phật giáo".

 

Nhìn chung, hình như lịch sử của bất cứ một tôn giáo có tổ chức nào cũng có những trang đẫm máu. Không bị bách hại vì niềm tin hay đạo pháp thì cũng nhân danh niềm tin hay đạo pháp để bách hại người khác.

 

Lịch sử của Kitô giáo của tôi đầy những trang như thế. Mỗi dịp lễ Phục Sinh, tôi thường nhìn lại những trang sử đó. Gần đây, tôi hay bị dằn xóc vì một câu chuyện trong Kinh Thánh mà Giáo hội cho tôi nghe trong Đêm Vọng Phục Sinh. Đó là câu chuyện về cuộc xuất hành của người Do Thái ra khỏi kiếp nô lệ bên Ai Cập. Theo câu chuyện, để tạo sức ép buộc vua Pharaoh của Ai Cập phải để cho người Do Thái được tự do ra đi, Thượng Đế đã giáng xuống đất nước này không biết bao nhiêu tai họa. Nhưng vua Pharaoh vẫn cứ cứng lòng. Cuối cùng, trong đêm tối, Thượng Đế đã sai sứ thần xuống giết chết  tất cả các con trai đầu lòng của người Ai Cập và với quyền lực của Ngài, người Do Thái đã vượt qua được Biển Đỏ mà vẫn "ráo chân" (Sách Xuất Hành 12,29-42). Người Do Thái xem đây là một biến cố lịch sử. Kitô giáo xem câu chuyện như Lời Chúa. Vì là Lời Chúa cho nên sau khi lắng nghe câu chuyện, cộng đồng tín hữu đã cùng hòa tiếng trong ca khúc khải hoàn để chúc tụng Thượng Đế vì đã thực hiện một kỳ công vĩ đại như thế.

 

Mỗi năm, khi nghe lại câu chuyện Xuất Hành (Exodus) của người Do Thái, tôi hay nghĩ vẩn nghĩ  vơ : liệu có một Thượng Đế, vì chọn một dân tộc làm dân riêng mà tàn sát những đứa trẻ vô tội của một dân tộc khác không ? Tôi sợ phải tuyên xưng một Thượng Đế như thế và dĩ nhiên tôi lại càng sợ hơn khi có người tự xưng mình là người được Thượng Đế "tuyển chọn" và được vô số người tung hô và sùng bái. Với tôi, thực tế là một trái ngược : con người đã "tuyển chọn" Thượng Đế theo ý muốn của họ.

 

https://live.staticflickr.com/65535/51994463523_c39d8b484c.jpg

Trên Thập Giá, Giêsu đã tha thứ cho những kẻ đã đóng đinh mình

 

Lễ Phục Sinh, Giáo hội của tôi mời gọi tôi tuyên xưng rằng Chúa Giêsu đã thực sự sống lại. Trong suốt hơn 70 năm của cuộc hành trình đức tin, tôi chưa một lần "thấy" hay cảm nhận được Chúa Phục Sinh. Điều tôi chỉ có thể thấy được đó là Thập Giá và trên Thập Giá Ngài đã tha thứ cho những kẻ đã đóng đinh Ngài. Với cái chết trên Thập Giá, Ngài muốn chứng tỏ rằng chỉ có tình yêu, sự khoan nhượng, tấm lòng cảm thông và nhứt là sự tha thứ mới có thể chiến thắng được hận thù. Có lẽ đó mới thực sự là ý nghĩa của Phục Sinh.

 

Với cái chết trên Thập Giá, Chúa Giêsu đã muốn giải oan cho Thượng Đế, bởi lẽ Thiên Chúa là Tình Yêu. Vì vậy, tôi tin rằng chỉ có những ai, ngay cả những kẻ tự xưng là vô thần, biết sống yêu thương mới thực sự cảm nhận được sự hiện hữu của Thượng Đế và giải oan cho Thượng Đế vì vô số tội ác mà con người đã gán cho Ngài hay nhân danh Ngài để thực hiện.

 

Chu Văn

(10/04/2022)

 

------------------------------

 

Chú thích

 

1. Who are the everyday Russians rallying behind Putin’s war ?

 

2. Deborah Netburn, A spiritual defense of the war in Ukraine ? Putin’s patriarch is trying

 

3. Patriarch Kirill of Moscow, Wikipedia

 

4. Patriarch urges soldiers to defend "peace-loving" Russia amid Ukraine campaign 

 

5. Buddist monk uses racism and rumours to spread hatred in Burma




No comments:

Post a Comment

View My Stats