Gerhard
Schröder – Nỗi nhục của nước Đức?
Mỹ Anh -
Saigon Nhỏ
23 tháng 4, 2022
https://saigonnhonews.com/thoi-su/the-gioi/gerhard-schroder-noi-nhuc-cua-nuoc-duc/
https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/04/GettyImages-55315938.jpg
Gerhard Schröder và
Vladimir Putin; Berlin ngày 8 Tháng Chín 2005 (ảnh: Andreas Rentz/Getty Images)
Dư luận và báo chí Đức đang xới lại tất cả quan hệ
lịch sử giữa giới chính trị nước mình và Tổng thống Nga Vladimir Putin. Trong
nhiều năm, Berlin đã thắt chặt giao hữu với Moscow (và thậm chí với Bắc Kinh).
Bây giờ, người ta đang lục lại hồ sơ cũ, đặc biệt việc móc nối trên cơ sở lợi
ích cá nhân hơn là lợi ích quốc gia của cựu Thủ tướng Gerhard Schröder với Tổng
thống Vladimir Putin.
“Tay trong” của
Putin
Trong hồ sơ chi tiết về vụ này, New
York Times (ngày 23-4-2022) cho biết, tối ngày 9 Tháng Mười Hai 2005,
17 ngày sau khi rời ghế Thủ tướng Đức, Gerhard Schröder nhận được một cuộc gọi
trên điện thoại di động. Đó là người bạn Vladimir Putin. Tổng
thống Nga thúc Schröder chấp nhận lời đề nghị lãnh đạo ủy ban cổ đông của Nord
Stream, công ty do Nga kiểm soát và chịu trách nhiệm xây đường ống khí đốt dưới
biển đầu tiên nối trực tiếp Nga và Đức. “Ông có sợ làm việc cho chúng tôi
không?” – Putin đùa…
https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/04/GettyImages-995679708.jpg
Schröder và Putin;
Hanover ngày 16 Tháng Tư 2004 (ảnh: Holger Hollemann/picture alliance via Getty
Images)
Vào những ngày cuối nhiệm kỳ, Schröder đã ủng
hộ mạnh dự án Nord Stream; đến nay, 17 năm sau, Schröder vẫn một lòng ủng hộ.
Dư luận Đức nói riêng và thậm chí không ít quốc gia đồng minh nói chung ngày
càng lên án Schröder việc ông sử dụng ảnh hưởng và các mối quan hệ trong hai thập
niên để làm giàu cho bản thân với cái giá phải trả quá đắt cho nước Đức. Cho đến
thời điểm hiện tại, Schröder vẫn từ chối từ chức những vị trí quản trị tại các
công ty năng lượng Nga, bất chấp phản ứng từ giới chính trị gia trong nước, đặc
biệt từ đương kim Thủ tướng Olaf Scholz, thành viên Đảng Dân chủ Xã hội, người
từng sát cánh Schröder khi đương sự ngồi ghế thủ tướng.
Cho đến thời điểm Tháng Hai 2022 (trước khi cuộc
xâm lược của Nga vào Ukraine bắt đầu), sự phụ thuộc của Đức vào khí đốt Nga đã
tăng đến 55% – từ 39% vào năm 2011. Điều đó có nghĩa mỗi ngày Đức chi cho Nga đến
200 triệu euro, tương đương $220 triệu, trong các khoản thanh toán năng lượng,
đóng góp rất đáng kể cho nền kinh tế Nga vốn chỉ sống bằng dầu khí.
Trung thành tuyệt
đối với Putin
Ngay thời điểm lính Nga dồn quân sát biên giới
Ukraine đầu năm 2022, Schröder vẫn gặp Putin tại Sochi, một trong những nơi nghỉ
dưỡng yêu thích nhất của Tổng thống Nga. Cho đến tận thời điểm này, Schröder vẫn
né tối đa việc đề cập cuộc chiến Ukraine. Khi được phóng viên New York
Times hỏi về vụ thảm sát man rợ của quân Nga ở Bucha (Ukraine),
Schröder nói: “Vụ này cần được điều tra cho ra ngọn ngành”, rằng ông không nghĩ
Putin đích thân bật đèn xanh vụ thảm sát; rằng “tôi nghĩ cuộc chiến này là một
sai lầm”, nhưng tóm lại, Schröder chưa bao giờ lên án Putin.
https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/04/GettyImages-51884674.jpg
Schröder và Putin;
Schleswig (Đức), ngày 21 Tháng Mười Hai 2004 (ảnh: Carsten Koall/Getty Images)
Kể từ khi cuộc chiến Ukraine xảy ra, toàn bộ
nhân viên văn phòng quốc hội của Schröder đã từ chức để phản đối đương sự,
trong đó có chánh văn phòng kiêm người viết bài phát biểu trong suốt 20 năm của
Schröder. Tất cả đều là những người gắn bó từ những ngày đương sự còn là thủ tướng.
Schröder thiếu liêm sỉ đến mức sẵn sàng lên tiếng từ bỏ quyền công dân danh dự ở
Hanover, trước khi thành phố quê hương của ông quyết định thực hiện điều đó.
Đây là một sự kiện đầy nhục nhã. Lần cuối cùng mà Hanover làm như vậy là khi họ
tước quyền công dân danh dự của Adolf Hitler (sau khi Hitler chết). Và khi câu
lạc bộ bóng đá Borussia Dortmund, nơi Schröder ủng hộ từ khi sáu tuổi, yêu cầu
ông bày tỏ bằng một tuyên bố mạnh mẽ liên quan Putin, thì Schröder thà (tự) hủy
tư cách thành viên câu lạc bộ còn hơn làm phật lòng Tổng thống Nga. Có thể hiểu
tại sao nội bộ Đảng Dân chủ Xã hội đang kêu gọi tống cổ Schröder ra khỏi đảng.
Ấy thế, Schröder vẫn bình chân như vại. Ông hiện
vẫn là chủ tịch ủy ban cổ đông của Nord Stream, vị trí giúp ông kiếm được khoảng
$270,000/năm (và trước đó là trưởng ban giám sát Nord Stream 2, dự án xây ống dẫn
thứ hai nối Nga với Đức dưới Biển Baltic). Ba tuần trước khi Nga tiến hành cuộc
tấn công Ukraine, Gazprom, nơi sở hữu 51% Nord Stream và toàn bộ Nord Stream 2,
thông báo rằng Schröder sẽ tham gia hội đồng quản trị của họ. Kể từ năm 2017 đến
nay, Schröder còn là chủ tịch hội đồng quản trị công ty dầu khí Nga Rosneft, kiếm
thêm $600,000/năm; chưa kể $9,000 phụ cấp hàng tháng của chính phủ với tư cách
cựu thủ tướng.
https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/04/GettyImages-809465.jpg
Vladimir Putin cùng
vợ chồng Gerhard Schröder; Moscow 2001 (ảnh: Wojtek Laski/Getty Images)
Quyền lợi cá nhân
hay lợi ích quốc gia?
Đức là quốc gia nghèo năng lượng và khi tài
nguyên than giảm dần vào cuối những năm 1990, nước này cần nhiên liệu giá phải
chăng để cung cấp năng lượng cho nền kinh tế định hướng xuất khẩu. Khi các đường
ống của Nga được thành lập, chúng đã cung cấp nguồn cung cấp khí đốt ổn định
cho ngành công nghiệp Đức thông qua các hợp đồng dài hạn, giúp Đức ngừng tìm kiếm
các nhà cung cấp khác. Trong thời gian đương nhiệm, từ 1998 đến 2005, Schröder
đã hăm hở với dự án Nord Stream 1. Tuy nhiên, đường lối của Schröder khác với
những người tiền nhiệm, đặc biệt việc Schröder xây dựng quan hệ cá nhân với Putin
– giữa một cựu điệp viên KGB nói tiếng Đức sõi như tiếng mẹ đẻ và lớn lên trong
cảnh nghèo đói, tương tự hoàn cảnh Schröder – người có bà mẹ từng là lao công vất
vả nuôi năm đứa con.
https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/04/GettyImages-51884401.jpg
Chưa có nguyên thủ
châu Âu nào thân thiết với Putin bằng Schröder (ảnh: Carsten Koall/Getty
Images)
Năm 2001, Putin trở thành Tổng thống Nga đầu
tiên phát biểu trước các nhà lập pháp Đức. Nói bằng tiếng Đức, Putin mô tả Nga
là “một quốc gia châu Âu thân thiện” với mục tiêu “hòa bình ổn định trên lục địa”.
Bài phát biểu của Putin được hoan nghênh nhiệt liệt. Trong số những người vỗ
tay có bà Angela Merkel, người kế nhiệm Schröder. Ngày 8 Tháng Chín 2005, 10
ngày trước cuộc bầu cử mà Đảng Dân chủ Xã hội của Schröder thua cánh bảo thủ của
bà Merkel, hợp đồng Nord Stream 1 đã được ký kết bởi các đại diện Gazprom, E.On
và BASF.
Tháng Mười Một 2005, hai tháng sau khi
Schröder thua cuộc trong cuộc bầu cử, một giám đốc điều hành của Gazprom đã yêu
cầu gặp mặt đương sự. Tại khách sạn sân bay ở Hanover, tay giám đốc điều hành
Nga đề nghị Schröder làm chủ tịch của công ty mới thành lập phụ trách xây dựng
Nord Stream 1. Schröder gật đầu cái rụp. Cần biết, vào dịp sinh nhật lần thứ 60
của Schröder, một năm trước đó, người viết tiểu sử Reinhard Urschel đã hỏi
Schröder muốn làm gì sau khi rời nhiệm sở. “Kiếm tiền!” – Schröder toạc móng
heo – “Tôi không thể quay lại làm luật sư giải quyết các hợp đồng cho thuê
nhà…”. Rồi đêm 9 Tháng Mười Hai 2005, khi Putin gọi, Schröder chính thức nhận lời.
Nhiều người Đức bất ngờ vì sự việc. Không thủ tướng nào trước Schröder làm việc
cho một công ty do nước ngoài kiểm soát, chứ đừng nói đến một công ty vốn được
hưởng lợi từ sự hỗ trợ của chính người đó khi còn tại chức.
https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/04/GettyImages-51883717.jpg
Ảnh: Thomas
Koehler-Pool/Getty Images
Thế là Schröder lao đầu vào kiếm tiền, với dự
án Nord Stream 2, được triển khai thời Angela Merkel. Những nhân vật chính
trong dự án này là Schröder, Thủ tướng Merkel, Sigmar Gabriel (Bộ trưởng Kinh tế
kiêm Phó Thủ tướng của Merkel) và Ngoại trưởng Frank-Walter Steinmeier (người
hiện là Tổng thống Đức). Đáng kể nhất là Matthias Warnig, giám đốc điều hành
Nord Stream 2, kẻ từng thừa nhận là mật vụ Stasi, cơ quan cảnh sát mật khét tiếng
của Cộng sản Đông Đức. Hồ sơ Stasi cho thấy, vào Tháng Hai 1988, Matthias
Warnig và Vladimir Putin đều được trao tặng huy chương cho sự nghiệp phục vụ tổ
chức của họ (tuy nhiên, Warnig bác bỏ thông tin rằng ngày xưa ông từng tuyển mộ
điệp viên cung cấp cho Putin).
Tháng Hai 2015, chính Schröder đã đưa Warnig đến
gặp Bộ trưởng Kinh tế Sigmar Gabriel để thảo luận việc hợp tác với Nga. Cuối
cùng, Nord Stream 2 được phê duyệt vào Tháng Sáu 2015, cùng năm mà Gazprom được
chính phủ Merkel cho phép mua cơ sở lưu trữ khí đốt chiến lược lớn nhất của Đức!
“Tiếng nói lý trí
của phương Tây”
Đầu Tháng Ba 2022, chỉ hơn một tuần sau cuộc
chiến, Schröder cho biết ông được các quan chức Ukraine liên hệ qua công ty
truyền thông Thụy Sĩ Ringier, với đề nghị làm trung gian hòa giải Moscow và
Kyiv. Nhà lập pháp Ukraine, Rustem Umerov, được cử đến gặp Schröder tại
Istanbul. Hai người gặp nhau trong hai giờ ngày 7 Tháng Ba 2022. Sau đó, trên
taxi ra sân bay, Schröder gọi cho một người liên lạc đáng tin cậy tại Đại sứ
quán Nga ở Berlin để hỏi xem Putin đồng ý gặp mình không. Mười phút sau,
Schröder được bật đèn xanh; và ngày 9 Tháng Ba, một máy bay phản lực Nga đến
đón Schröder tại Istanbul.
https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/04/GettyImages-855432040.jpg
Một cuộc biểu tình
phản đối quan hệ Schröder-Putin tại Berlin (ảnh: BRITTA PEDERSEN/DPA/AFP via
Getty Images)
Tại Moscow, Schröder được đối xử như một
nguyên thủ quốc gia. Sau cuộc gặp với Putin, một ngày sau, Schröder gặp nhà đàm
phán chính của Tổng thống Nga, Vladimir Medinsky, và nhà tài phiệt Roman
Abramovich. Sau đó, Schröder cho biết, đại khái, Putin muốn kết thúc chiến
tranh “nhưng không dễ vì có vài điểm cần được làm rõ”. Ngày 13 Tháng Ba 2022,
Schröder báo lại sự việc cho Rustem Umerov tại Istanbul. Kể từ đó đến nay, hai
bên không còn liên lạc. Andriy Melnyk, đại sứ Ukraine tại Berlin, nói rằng sáng
kiến hòa đàm “đã thất bại”.
Hiện thời, hơn hai tháng sau cuộc chiến,
Schröder vẫn cho rằng chính phủ Berlin không nên áp đặt lệnh cấm vận năng lượng
Nga. Bây giờ, nơi duy nhất ở châu Âu còn “yêu mến” Schröder là Kremlin. Trên
truyền hình nhà nước Nga, Schröder được xem là “tiếng nói lý trí của phương
Tây”. Dmitri Kiselyov, người dẫn chương trình tin tức hàng tuần trên kênh truyền
hình nhà nước Nga, “Vesti Nedeli”, ca ngợi Schröder là vị thủ tướng Đức cuối
cùng còn sót lại trước khi châu Âu “mất tiếng nói của chính mình” trong các vấn
đề đối ngoại. Nhưng với nhiều người khác, Gerhard Schröder đơn giản là một tên đầu nậu hám tiền
không hơn không kém.
Thượng tuần Tháng Ba, Soyeon Schröder-Kim – cô
vợ thứ năm của Schröder – viết trên Instagram: “Có điều chắc chắn rằng bất cứ
gì chồng tôi có thể làm để giúp kết thúc cuộc chiến thì ông ấy sẽ làm”. Tiếp đó,
Schröder-Kim post tấm hình bà cầu nguyện bên cạnh ô cửa sổ nhìn ra Nhà thờ St.
Basil’s ở Moscow. Với không ít người Đức, người ta cũng đang cầu nguyện:
Schröder hãy đi nhanh xuống địa ngục!
No comments:
Post a Comment