Thursday, 14 April 2022

CUỘC CHIẾN NGA - UKRAINE ẢNH HƯỞNG THẾ NÀO ĐẾN VIỆT NAM (Việt Hoàng - Thông Luận)

 



Cuộc chiến Nga-Ukraine ảnh hưởng thế nào đến Việt Nam

Việt Hoàng

14/04/22

https://thongluan-rdp.org/quan-di-m/item/24659-cu-c-chi-n-nga-ukraine-nh-hu-ng-th-nao-d-n-vi-t-nam

 

Sau hai lần bỏ phiếu trắng, không lên án hành động xâm lược của Putin vào Ukraine tại Liên Hợp Quốc thì lần thứ ba, hôm 7/4/2022 Việt Nam đã bỏ phiếu chống loại Nga ra khỏi Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc.

 

https://live.staticflickr.com/65535/52003874153_d0635b3009.jpg

Việt Nam là một trong 24 nước chống loại Nga ra khỏi Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc

 

Việc Đảng cộng sản Việt Nam chọn phe độc tài chống dân chủ không làm ai ngạc nhiên vì ‘ngưu tầm ngưu, mã tầm mã’. Mặc dù Đảng cộng sản Việt Nam đã chuyển đổi (về cơ bản) nền kinh tế bao cấp sang kinh tế thị trường nhưng thể chế chính trị vẫn là độc tài đảng trị. Ý thức hệ Mác-Lê vẫn chi phối mọi suy nghĩ và hành động của Đảng cộng sản Việt Nam.

 

Cho đến tận giờ, đa số người dân Việt Nam vẫn xem nhẹ tư tưởng chính trị và dự án chính trị của các đảng phái. Thực ra chúng rất quan trọng trong việc quyết định chọn một con đường đi cho dân tộc. Đảng cộng sản từ ngày cướp được chính quyền đến giờ họ vẫn chỉ có một dự án chính trị duy nhất cho Việt Nam là xây dựng ‘nhà nước xã hội chủ nghĩa’ theo con đường cộng sản. Họ không có lộ trình hay bất cứ dự án nào khác. Chính ý thức hệ cộng sản đã khiến họ lấy quyết định ủng hộ Putin đến cùng, bất chấp quyền lợi quốc gia. Họ cũng thừa biết lá phiếu của họ không thay đổi được quyết định của Liên Hợp Quốc nhưng họ vẫn làm. Cái đầu suy nghĩ thế nào thì tay chân sẽ hành động như vậy.

 

Đảng cộng sản Việt Nam không quan tâm đến lợi ích dân tộc hoặc nếu có thì cũng phải xếp dưới quyền lợi của đảng. Họ cũng không biết, không hiểu thế nào là quốc gia và lợi ích dân tộc vì học thuyết Mác Lê không có chỗ cho quốc gia và dân tộc.

 

Không ai đoán được cuộc chiến Putin-Ukraine sẽ kéo dài bao lâu và kết thúc như thế nào nhưng sự lụn bại của nước Nga là không thể tránh khỏi. Việt Nam có muốn dựa vào Nga cũng không được vì nước Nga sẽ sụp đổ và trở thành một nước không đáng kể. Đảng cộng sản rất thiển cận khi sợ làm mất lòng Putin. Sau cuộc chiến này, nước Nga không còn là một cường quốc trên bất cứ lãnh vực nào. Trước chiến tranh, kim ngạch thương mại Việt Nam-Nga chỉ 5 tỉ USD, tức 1% của tổng kim ngạch thương mại Việt Nam.

 

https://live.staticflickr.com/65535/52004340130_913438acbc.jpg

Đảng cộng sản từ ngày cướp được chính quyền đến giờ họ vẫn chỉ có một dự án chính trị duy nhất cho Việt Nam là xây dựng ‘nhà nước xã hội chủ nghĩa’ theo con đường cộng sản. Việt Nam ngày nay là một trong năm quốc gia cộng sản còn lại trên thế giới

 

Lẽ ra Việt Nam phải sợ làm mất lòng Mỹ và các nước dân chủ mới đúng. Kim ngạch thương mại Việt Nam-Mỹ năm 2021 đạt 111 tỉ USD. Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Theo Forbes, Việt Nam là đối tác có kim ngạch song phương với Mỹ tăng nhanh nhất. Mức thâm hụt của Mỹ với Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2021 cao hơn cả năm 2018. Xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ chỉ đứng sau Trung Quốc và Mexico. Điều này có nghĩa là Việt Nam luôn xuất siêu vào Mỹ.

 

Thương mại Việt Nam-EU cũng thế, năm 2021 là 51 tỉ USD, tăng 13,8% so với năm 2020 trong đó xuất khẩu 36 tỉ USD và nhập khẩu chỉ 15 tỉ USD. Việt Nam xuất siêu sang EU 20,6 tỉ USD.

 

Đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam không ai khác, đó là Trung Quốc. Kim ngạch thương mại hai nước năm 2021 là 165,8 tỉ USD, tăng 24,6% so với năm 2020. Việt Nam nhập khẩu một lượng lớn hàng hóa, nguyên phụ liệu phục vụ cho gia công và xuất khẩu từ Trung Quốc. Năm 2021 Việt Nam nhập siêu từ Trung Quốc 51 tỉ USD, tăng 13,8% so với năm 2020. Danh sách nhập khẩu bao gồm máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng, linh kiện và sản phẩm điện tử. Trung Quốc nhập khẩu từ Việt Nam chủ yếu là nông sản và cao su...

 

Kinh tế Việt Nam phụ thuộc rất lớn vào Mỹ và các nước dân chủ vì đó là thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam. Việt Nam cũng phụ thuộc vào Trung Quốc vì là nguồn cung cấp chính nguyên phụ liệu để sản xuất và xuất khẩu. Suốt mấy chục năm qua ngành công nghiệp phụ trợ của Việt Nam không thể phát triển vì thiếu sự đầu tư của nhà nước. Tất cả mọi nguồn lực của quốc gia đều đổ hết vào bất động sản. Nhiều mặt hàng Việt Nam nhập hoàn toàn từ Trung Quốc sau đó dán tem Việt Nam rồi xuất khẩu.

 

https://live.staticflickr.com/65535/52003812556_50f2cd40db.jpg

Kim ngạch thương mại Việt Nam-Mỹ năm 2021 đạt 111 tỉ USD. Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.

 

Thông thường, kim ngạch xuất nhập khẩu của một quốc gia ở ngưỡng 50% của GDP thì nền kinh tế sẽ an toàn và bền vững. Trong khi đó kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam là 200% của GDP. Kinh tế Việt Nam hoàn toàn phụ thuộc vào bên ngoài. Điều này có nghĩa là Việt Nam sẽ phải gánh chịu những hậu quả và tai nạn bất ngờ mà không phải do mình gây ra. Đại dịch Covid-19 và cuộc chiến Putin-Ukraine là những minh chứng.

 

Trước khi xảy ra Covid-19 thì Việt Nam là một quốc gia đầy hứa hẹn và may mắn nhất thế giới khi làn sóng các công ty đa quốc gia lên kế hoạch chuyển các nhà máy từ Trung Quốc sang Việt Nam. Đại dịch Covid-19 đã làm chậm lại tiến trình này. Đảng cộng sản Việt Nam đã rất thiển cận khi đánh mất cơ hội nghìn năm có một đó. Nếu Đảng cộng sản Việt Nam có chút viễn kiến thì họ đã tranh thủ khoảng thời gian vàng, lúc đại dịch Covid-19 chưa tràn đến Việt Nam để tiếp cận và mua vắc-xin về tiêm cho người dân Việt Nam. Nếu họ làm được như vậy thì làn sóng đầu tư của thế giới đã không khựng lại. Hậu quả là đại dịch đã bùng phát làm gián đoạn sản xuất và đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa tại Việt Nam. Cho đến tận bây giờ thì ảnh hưởng của Covid-19 vẫn còn nặng nề khi nhiều nhà máy thiếu hụt công nhân khi nhiều người trong số họ bỏ về quê và không quay lại thành phố.

 

Sau hai năm, khi đại dịch Covid-19 vừa thuyên giảm thì lại xảy ra cuộc chiến tranh xâm lược Ukraine của Putin. Cuộc chiến này đã thay đổi hoàn toàn trật tự thế giới. Phong trào Toàn cầu hóa không được kiểm soát và chủ nghĩa Tân phóng khoáng, đặt quyền lợi kinh tế lên trên đạo đức và nhân quyền đã chấm dứt. Từ nay trở đi các nước dân chủ chỉ làm ăn và hợp tác với các nước dân chủ và đồng minh. Quan hệ hợp tác với các nước độc tài sẽ hạn chế ở mức thấp nhất.

 

Không chờ đến lúc chiến tranh Nga-Ukraine kết thúc, một làn sóng tháo chạy khỏi Trung Quốc của các quĩ đầu tư quốc tế đang tăng tốc. Hiện tượng này là tất yếu và không thể đảo ngược.

 

Việt Nam rất sai lầm khi chọn đứng về phía Nga, Trung Quốc và các nước độc tài phi dân chủ. Mặc dù rất muốn giúp Putin nhưng Trung Quốc cũng không dám công khai. Thái độ mềm mỏng của Trung Quốc cho thấy họ không dám đối đầu với các nước dân chủ. Ấn Độ lấy thái độ ủng hộ Putin vì còn lợi dụng được Nga. Việc này sẽ sớm kết thúc khi dư luận tiến bộ lên tiếng và các nước dân chủ có thái độ rõ ràng.

 

Sau Nga sẽ đến Trung Quốc. Chính sách chống dịch Covid-19 cực đoan của Tập Cận Bình đang khiến Trung Quốc trả giá đắt. Quan hệ của các nước dân chủ với Trung Quốc không bao giờ trở lại như cũ. Cuộc chiến Putin-Ukraine đã thức tỉnh thế giới rằng không thể hợp tác với các nước độc tài vì càng mạnh lên họ càng trở thành mối nguy cho nhân loại. Vấn đề của Trung Quốc không phải là khi nào sẽ khủng hoảng mà chỉ là khi nào họ không còn che đậy được nữa mà thôi.

 

https://live.staticflickr.com/65535/52002790627_9eafd5f8c3.jpg

Thế giới sẽ nhớ đến những lá phiếu của Việt Nam như là quốc gia chọn đứng về phía độc tài và bóng tối.

 

Khi Trung Quốc không còn là mối đe dọa cho hòa bình thì thế giới không còn bất cứ lý do gì để ve vuốt và o bế Đảng cộng sản Việt Nam. Thế giới sẽ nhớ đến những lá phiếu của Việt Nam khi chọn đứng về phía độc tài và bóng tối. Tương lai của Đảng cộng sản Việt Nam rất ảm đạm và tương lai của đất nước Việt Nam cũng thế nếu người dân và trí thức không lên tiếng ủng hộ cho một giải pháp mới, với một tập hợp chính trị mới và một dự án chính trị mới.

 

Nên biết, nhà nước ‘cộng hòa xã hội chủ nghĩa-dân chủ’ thứ hai của thế giới, một thiên đường du lịch là Sri Lanka vừa tuyên bố vỡ nợ hôm 12/4/2022.

 

Việt Hoàng

(14/04/2022)





No comments:

Post a Comment

View My Stats