Tuesday, 22 October 2019

NGUYÊN NHÂN VỤ XÌ-CĂNG-ĐAN VỀ UKRAINE: KHI THUỘC CẤP MUỐN LẤY LÒNG SẾP LỚN (Mai Loan - Cali Today)




Mai Loan
October 13, 2019

Trong bối cảnh phân hoá chính trị quá sâu đậm hiện nay trên chính trường cũng như trong xã hội nước Mỹ ngày nay theo đúng nghĩa của thành ngữ “Sư nói sư phải, Vãi nói vãi hay”, mọi cuộc tranh luận nghiêm túc dường như khó lòng được chấp nhận vì phe nào cũng nghĩ rằng đối phương chỉ mong tìm đủ cách để hạ gục mình, và do đó tất cả những luận cứ của họ, cho dù có kèm theo những bằng chứng cụ thể khó thể chối cãi được, cũng gần như bị bỏ lơ, nói gì đến chuyện mọi người có thể bình tâm để lắng nghe và suy xét.

Ngay cả giới truyền thông cũng trở thành nạn nhân trong tình cảnh chia rẽ nặng nề này khi mà công việc điều tra và tìm hiểu sự thật có thể sẽ khiến cho nhiều người phải mất vui vì những sự thật đầy bất lợi cho những niềm tin của họ về một lãnh tụ mà họ đã lỡ và tiếp tục ca tụng từ bấy lâu nay như trường hợp của đương kim TT Trump. Ông Trump chỉ cần gán cho nó cái mũ “Fake News” để đánh phủ đầu tất cả những bài viết điều tra và chứng minh sự thật cho mọi người cùng biết, và từ đó những người ủng hộ ông sẵn sàng vin vào đó để tin theo.

Chính vì thế mà nhiều người cứ mở đầu câu chuyện hoặc bài viết của mình bằng một nhận định tổng quát rằng TT Trump từ ngày lên cầm quyền đến nay đã luôn bị phe đối lập và đảng Dân Chủ luôn tìm cách đánh phá với đủ loại chiêu trò, dù rằng nước Mỹ dưới thời của ông đã đạt được nhiều thành quả tốt đẹp v.v.

Nhưng cũng chính những người ủng hộ cuồng nhiệt này cho TT Trump lại không bao giờ chịu bình tâm và kiên nhẫn để tìm hiểu xem việc giới truyền thông đã chứng minh rõ ràng, và khó thể chối cãi được, chuyện TT Trump cũng là người đã có những lời nói được đánh giá là sai trái, lật lọng, nói trước rồi phủ nhận sau đó v.v. tổng cộng lên đến hơn 10,000 lần trong gần 3 năm qua, và con số này còn tiếp tục gia tăng nữa vì mỗi ngày ông tiếp tục phun ra những lời phát biểu “văng mạng” một cách thản nhiên khi thấy rằng điều đó chưa mang lại một hậu quả tai hại cụ thể nào.

Một chính trị gia tầm cỡ, một vị nguyên thủ quốc gia chỉ cần có một lời nói sơ hở hoặc sai trái thường cũng đủ là đề tài khiến mọi người có quyền bình phẩm và chỉ trích, huống gì là một vị tổng thống lại nói dối đến cả chục ngàn lần, bảo sao giới truyền thông có thể im lặng đồng tình và do đó họ đã bị chụp mũ cho là thiên vị chỉ vì phải đảm đương chức năng truyền thông của mình. Cho dù là về sau này, người ta đã thấy là có rất nhiều những nhà báo và phóng viên của các hệ thống truyền thông bảo thủ rõ rệt như tờ Wall Street Journal hoặc đài Fox News cũng đã nhiều lần vạch ra rất nhiều điều sai trái từ phía TT Trump và những người cố tình biện hộ hoặc bao che cho ông.

Thậm chí có nhiều người còn biện hộ một cách miễn cưỡng rằng họ biết rõ ông Trump không phải là một người ăn nói lịch sự, hoặc có thể thay đổi những lời nói và luận điệu vì đó là thói quen và sở trường của ông, vốn là một doanh gia đã thành đạt trong ngành địa ốc nên nhiều khi phải sử dụng đến những thủ đoạn đó trong việc làm ăn. Và họ sẵn sàng đi đến kết luận rằng miễn là cuối cùng TT Trump đem lại quyền lợi cho nước Mỹ (dưới cái nhìn chủ quan của họ) hoặc có những lời nói và quyết định hạp ý với mình là đủ để họ sẵn sàng tiếp tục ủng hộ ông ta.

Thí dụ điển hình là trường hợp những lãnh tụ tôn giáo theo trường phái bảo thủ giáo điều (Evangelicals) chuyên chống đối các tệ đoan xã hội như mãi dâm, ngoại tình v.v. Họ khó lòng biện hộ cho một ông Trump đã ly dị hai lần để có bà vợ thứ ba, lại không ngần ngại giấu diếm chuyện ngoại tình và đi chơi gái (và còn bỏ tiền ra để mong bịt miệng các nạn nhân), nhưng họ lại chấp nhận chuyện phải bịt mũi để ủng hộ TT Trump chỉ vì ông đã bổ nhiệm những vị thẩm phán bảo thủ cực hữu vào Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ để bảo đảm rằng ngành tư pháp tại nước Mỹ sẽ tiếp tục con đường bảo thủ về xã hội trong một thời gian dài sắp tới.

Câu chuyện bắt đầu nổ lớn và nghiêm trọng hơn khi TT Trump đã tìm cách móc nối với chính quyền các nước khác để mong điều tra về các đối thủ chính trị của mình vì quyền lợi riêng tư, dù rằng điều đó quả tình là phi pháp, xuyên qua việc ông đã bí mật áp lực TT của Ukraine là hãy điều tra về cựu PTT Joe Biden và người con trai Hunter Biden. Để rồi khi sự việc này bị phát giác bởi một nhân viên tình báo tình cờ nghe được và đã “lên tiếng báo động” với văn phòng Tổng Thanh Tra của ngành tình báo là ông Michael Atkinson khiến cho ông Trump phải đành công khai một phần nội dung những cuộc điện đàm này cho mọi người thấy rõ phần nào sự thật.

Tuy vậy, thay vì tỏ ra xấu hổ hoặc hối tiếc vì câu chuyện không hay của mình bị tiết lộ, TT Trump còn trả đũa khi lên tiếng chỉ trích người lên tiếng báo động này với những lời lẽ có tính cách hăm doạ, và sau đó còn “tố mạnh” hơn nữa khi công khai kêu gọi nhà cầm quyền Trung Cộng là hãy nên điều tra xem cha con ông Biden có làm điều gì sai quấy trong thời gian qua hay không.

Những người ủng hộ mù quáng cho TT Trump đương nhiên không thấy có điều gì sai quấy trong vấn đề này, và tiếp tục biện minh rằng đó là chuyện bình thường nếu như quả thật cha con ông Biden có làm điều gì sai quấy hoặc phạm pháp. Cho dù người ta cố tình không thấy một sự phi lý quá lộ liễu là một quốc gia có hệ thống an ninh tình báo hàng đầu trên thế giới với những cơ quan nổi tiếng như FBI, CIA từ nhiều năm qua, kể cả trong nhiệm kỳ của TT Trump, tại sao đã không tìm ra những điều sai trái và phạm pháp đó trong thời gian qua (về cha con ông Biden) nếu như nó đã xảy ra khiến cho một ông tổng thống Mỹ phải đi cầu cứu các chính quyền của những nước kẻ thù như Trung Cộng, Nga Sô để điều tra giúp mình?

Sự việc này khiến người ta nhớ lại chuyện đã gây xôn xao hồi tháng 6 vừa qua khi TT Trump cũng đã thú nhận với xướng ngôn viên trụ cột của đài ABC News là George Stephanopoulos rằng ông không ngần ngại đón nhận những tin tức nói xấu về các đối thủ chính trị cho dù nó được cung cấp bởi các nước kẻ thù như Trung Cộng, Nga Sô thay vì theo lẽ thường mọi người đều phải có nhiệm vụ thông báo cho cơ quan FBI để giải quyết mỗi khi họ nhận được những tin tức từ các nước ngoài như vậy. TT Trump lúc đó đã trả lời rằng: “Không có gì sai trái cả khi tôi ngồi nghe họ cung cấp những tin tức như vậy. Điều đó không có nghĩa là một vụ họ xen lấn (vào chuyện bầu cử nội bộ của Mỹ). Bọn họ có được những tin tức. Thế thì tôi nghĩ là tôi sẽ sẵn sàng đón nhận nó. Nếu như tôi thấy có điều gì đó sai trái, từ đó có thể tôi sẽ đi gặp cơ quan FBI.”

Lời xác nhận rõ ràng này đã gây sự căm phẫn từ nhiều chính trị gia thuộc cả hai đảng Dân Chủ và Cộng Hoà, và đã khiến cho bà Ellen Weintraub, Chủ tịch Uỷ Ban Bầu Cử Liên Bang, phải bắn ra một mẩu tin ngắn trên mạng Twitter để xác nhận rằng việc một ứng cử viên hay một ban vận động tranh cử “thỉnh cầu, đồng ý hay đón nhận bất cứ một thứ gì có giá trị từ một người nước khác liên quan đến chuyện bầu cử tại Hoa Kỳ là một điều phi pháp.”

Và lần này, bà Weintraub cũng đã phải lại lên tiếng lần nữa để nhắc lại cho mọi người biết về lời xác nhận của bà trước đây về tính chất phi pháp của việc đón nhận sự giúp đỡ của một cá nhân hay chính quyền nước ngoài liên quan đến chuyện bầu cử tại nước Mỹ.

Thật ra khi nói đến chuyện vận động tranh cử, người ta có thể không từ bỏ mọi thủ đoạn nào miễn sao nó có lợi cho mình, hoặc bất lợi cho đối phương, cho dù đó là những biện pháp hay chiến thuật sử dụng có tính cách “ma giáo” (negative campaign) kiểu “đánh dưới thắt lưng quần” khiến người đời khó nể phục nhưng đôi khi lại rất hiệu quả. Nhưng dẫu sao đi nữa, các ứng viên tranh cử dù là theo Cộng Hoà hay Dân Chủ, từ trước tới nay vẫn đề ra một lằn ranh không thể vượt qua: đó là họ không thể chấp nhận việc sử dụng những thông tin được cung cấp bởi những người nước ngoài, dù là đồng minh hay kẻ thù, để đánh bại đối phương, có lẽ do bởi tinh thần tự hào quốc gia của họ.

Hơn thế nữa, luật pháp cũng còn quy định rõ ràng điều này là chuyện phi pháp và chắc chắn sẽ phải đón nhận hậu quả của cuộc điều tra bởi chính quyền liên bang. Tuy nhiên với TT Trump, có lẽ vì quá quen với phản ứng phải giành được phần thắng với bất cứ giá nào theo cung cách của một nhà buôn hám lợi, ông không còn coi trọng cái lằn ranh không thể vượt qua đó mà sẵn sàng chấp nhận miễn là nó có thể mang về lợi ích nhất thời cho ông.

Mới đây, một bài phân tích tổng hợp đăng trên tờ Washington Post của bốn nhà báo là Greg Miller, Paul Sonne, Greg Jaffe và Michael Birnbaum đã giúp cho người đọc hiểu rõ thêm phần nào về những diễn tiến của vụ xì-căng-đan đang nổ lớn trên chính trường Hoa Kỳ khiến cho bà Nancy Pelosi, Chủ tịch Hạ Viện, đã quyết định cho tiến hành thủ tục điều tra để luận tội TT Trump trong vụ này, đặc biệt là để xác định xem TT Trump phải chăng đã vi phạm vào nhiều sai phạm nghiêm trọng như lạm quyền chức vụ tổng thống, vi phạm luật lệ bầu cử, phản bội quyền lợi quốc gia, hối lộ, hù doạ nhân chứng và cản trở công lý.

Theo nhà báo Greg Walters phân tích trong một bài báo trên diễn đàn Vice News, thật ra chính quyền liên bang có thể mở một cuộc điều tra để tìm hiểu sự thật chỉ dựa vào một vài hành động mang tính cách ít nghiêm trọng hơn những gì mà TT Trump và các phụ tá cao cấp của ông đã nhúng tay vào. Do đó, cuộc điều tra lần này do Hạ Viện đứng ra chủ trì cũng là điều bình thường, nếu không muốn nói đó là điều cần phải làm bởi những cơ quan điều tra về an ninh của Hoa Kỳ. Hơn thế nữa, cuộc điều tra này của Hạ Viện cũng cần thiết do bởi Bộ Tư Pháp dưới quyền của ông William Barr và Bộ Ngoại Giao dưới quyền của ông Mike Pompeo đã không hành xử đúng chức năng của mình, để xét xem liệu TT Trump đã phạm vào những sai lầm như sau:

Lạm Quyền Tổng Thống – TT Trump tự ý ngưng khoản viện trợ 391 triệu Mỹ-kim do Quốc Hội Hoa Kỳ đã chuẩn thuận để áp lực buộc Ukraine phải điều tra đối thủ chính trị đáng ngại nhất của ông trong kỳ bầu cử năm 2020 là cựu TT Joe Biden, ứng viên từ nhiều tháng qua vẫn luôn được đánh giá là luôn bỏ xa TT Trump trong tất cả những cuộc thăm dò dân ý, kể cả những cuộc thăm dò trong nội bộ của đảng Cộng Hoà.

Việc tự ý hoãn tiền viện trợ này không dựa trên những lý do chính đáng nào mà chỉ vì những toan tính riêng tư của ông Trump muốn làm hại đối thủ đáng ngại nhất của mình. Như vậy, TT Trump có thể bị luận tội là đã lạm dụng chức vụ nguyên thủ quốc gia để mưu cầu cho lợi ích riêng tư của mình thay vì cho quốc gia theo như lời thề khi nhậm chức.

Bản báo cáo dài 9 trang của nhân viên ẩn danh “thổi còi báo động” cho biết là TT Trump đã yêu cầu TT Zelensky của Ukraine tổng cộng đến 8 lần để mở cuộc điều tra về bố con ông Biden. Không những vậy, ông còn áp lực bằng cách ra lệnh cho PTT Mike Pence hủy chuyến đi đến thủ đô Kiev dự lễ nhậm chức của ông Zelensky như dự định lúc ban đầu, và thay thế bằng một viên chức cấp thấp hơn là Tổng Trưởng Năng Lượng Rick Perry.

Vi Phạm Luật Lệ Bầu Cử – Luật lệ ghi rất rõ rằng bất cứ một người Mỹ nào yêu cầu một người nước ngoài giúp đỡ mình để thắng cử tại Mỹ là đã phạm pháp.

Việc TT Trump áp lực TT Zelensky của Ukraine phải mở cuộc điều tra kiểu “bới lông tìm vết” xem có điều gì sai trái từ cha con ông Biden cho mục đích tấn công trong cuộc bầu cử sắp tới quả tình là việc vi phạm luật lệ bầu cử của Hoa Kỳ. Bằng chứng về cuộc điện đàm giữa hai vị tổng thống ngày 25/7 vừa rồi, đầu tiên do một nhân viên tình báo “lên tiếng báo động” và sau đó được TT Trump công bố cho mọi người nghe, là bằng chứng rõ ràng. Không những thế, TT Trump còn cử luật sư riêng của mình là Rudy Giuliani và Tổng trưởng Tư Pháp William Barr can thiệp với các viên chức của Ukraine nhiều lần về cùng vấn đề này. Vì thế nên nhân viên ẩn danh này đã báo động rằng “chiếu theo nhiệm vụ chính thức của mình, tôi đã nhận được tin tức từ nhiều viên chức chính quyền cho biết rằng TT Mỹ đã sử dụng quyền hành để nài nỉ sự can thiệp từ một chính phủ nước ngoài vào cuộc bầu cử năm 2020.”

Hối Lộ – Theo các cựu công tố viên liên bang, hành động của TT Trump áp lực TT Zelensky trong vụ này có thể được truy tố như là một hành động hối lộ. Luật lệ tại Hoa Kỳ quy định rằng việc hối lộ cũng như đòi hối lộ đều được coi là phạm tội.

TT Trump tự ý ngưng cấp khoản viện trợ 391 triệu Mỹ-kim mà Quốc Hội Mỹ đã đồng ý cho Ukraine để tự bảo vệ trước áp lực đe doạ của Nga, với hậu ý là sẽ tháo khoán số tiền này nếu như TT Zelensky chịu mở cuộc điều tra bố con ông Biden. Điều này có nghĩa là TT Trump đã sử dụng số tiền này, vốn là tiền thuế của người dân Mỹ để hối lộ chính phủ Ukraine làm một việc có lợi riêng cho ông trong chiến dịch tranh cử vào năm tới.

Phản Bội Quyền Lợi Quốc Gia – Quốc Hội Hoa Kỳ, với sự đồng ý của đa số các vị dân cử thuộc cả hai đảng Cộng Hoà và Dân Chủ, đã đồng ý biểu quyết việc cấp viện trợ 391 triệu Mỹ-kim cho Ukraine vì biết rằng quốc gia này đang cần số tiền đó để tăng cường ngân sách quốc phòng trước hiểm hoạ xâm lăng của lân bang Nga. Như vậy, việc ngưng khoản viện trợ này, mà không có lý do chính đáng, không những làm tăng rủi ro cho Ukraine mà còn gây hại đến quyền lợi và an ninh của Hoa Kỳ, vì vô tình làm lợi cho Nga vốn là kẻ thù rất đáng ngại cho quyền lợi lâu dài của Hoa Kỳ. Mà tất cả những hành động tai hại đó được thực hiện chỉ vì quyền lợi nhất thời cho riêng cá nhân TT Trump.

Hù Doạ Nhân Chứng – Sau khi nội vụ được tiết lộ bởi một viên chức ẩn danh đã chịu “thổi còi báo động”, TT Trump bèn áp dụng biện pháp hù doạ cổ điển là chỉ trích người này là gián điệp và muốn tìm hiểu tung tích người đó là ai để đem ra trù dập hay xét xử, dù rằng luật pháp đã có quy định bảo vệ sự an toàn cho người này. Vì thế nên các vị dân biểu chủ tịch các uỷ ban tiến hành thủ tục điều tra luận tội đã đưa ra một bản nhận định chung để cho rằng “lời nhận định của TT Trump là một hành động hăm doạ nhân chứng đáng khiển trách và là một mưu toan cản trở cuộc điều tra của Quốc Hội. Những đe doạ bạo lực từ một vị nguyên thủ quốc gia có ảnh hưởng làm nhụt khí trên toàn bộ tiến trình điều tra, với những hậu quả nghiêm trọng đối với nền dân chủ và an ninh quốc gia.”

Cản Trở Công Lý – Theo báo cáo của người ẩn danh “thổi còi báo động”, sau khi nội vụ có dấu hiệu bị tiết lộ và cảm thấy có điều gì đó bất thường, các phụ tá ở Toà Bạch Ốc đã tìm cách ém nhẹm bằng cách chuyển tất cả hồ sơ ghi âm các cuộc điện đàm này vào một hệ thống máy điện toán đặc biệt dành cho những tài liệu thuộc loại “tối mật” về quốc phòng, với mục đích là không muốn cho nhiều người biết đến.

Hơn nữa, khi văn phòng Tổng Thanh Tra trình báo sự việc lên Tổng trưởng Tư Pháp William Barr để xin mở cuộc điều tra, ông này lại tìm cách ém nhẹm và còn khuyến cáo là không nên chuyển hồ sơ báo động này lên cho Quốc Hội. Như vậy, phụ tá cao cấp của TT Trump là ông tổng trưởng Barr cũng có thể bị cáo buộc tội can dự vào việc cản trở công lý.

Trở về với bài báo phân tích trên tờ Washington Post, các nhà báo điều tra đã phỏng vấn khoảng hơn hai chục viên chức cao cấp đã hoặc đang phục vụ trong chính quyền nhưng muốn giữ kín danh tính để tránh bị các biện pháp trả đũa. Cùng lúc đó, họ cũng đã tìm hiểu tất cả các tài liệu mới vừa được cung cấp bởi các uỷ ban điều tra ở Hạ Viện.

Một trong những nhân vật chủ chốt gây ra vụ xì-căng-đan hiện nay chính là ông Gordon Sondland, hiện là Đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Âu Châu, và nguyên nhân chính dẫn đến vụ này cũng bắt nguồn từ việc ông Sondland, cũng như nhiều viên chức thuộc hạ của TT Trump, đều sẵn sàng làm tất cả những hành động gì mà không cần để ý đến tính chất nghiêm túc và hợp pháp của nó, miễn sao nó có thể chứng minh sự trung thành tuyệt đối của họ với sếp trên vì mọi người đều đã rõ về bản tính của TT Trump là chỉ thích mọi người phải trung thành và nịnh bợ mình.

Ông Sondland trước đây không có thành tích gì sáng chói, cũng như không có chút kinh nghiệm nào trong lãnh vực ngoại giao. Nhưng ông có công đóng góp đáng kể là đã bỏ ra số tiền 1 triệu Mỹ-kim vào quỹ thực hiện lễ nhậm chức TT Trump vào đầu năm 2017. Và nhờ thế nên ông đã được ban tặng chức vụ đại sứ, một viên chức cao cấp được bổ nhiệm vì nhu cầu chính trị (political appointee) mà bất cứ tân chính quyền nào cũng thường áp dụng.

Trong những tháng gần đây, ông Sondland đã dần dần lún sâu vào các hoạt động ngoại giao tại Ukraine và có lúc còn qua mặt một viên chức cao cấp hơn là Cố Vấn An Ninh Quốc Gia John Bolton do bởi một lý do duy nhất: đó là ông đã được sự cho phép bởi TT Trump. Ông đã làm việc tích cực với ông Kurt Volker, Đặc Sứ của Hoa Kỳ tại Ukraine, để lèo lái chính sách ngoại giao sau hậu trường giữa hai nước sau khi TT Trump đã không hài lòng và cách chức một viên chức kỳ cựu trong ngành ngoại giao là bà Đại sứ Marie Yovanovich.

Kể từ giữa tháng Năm vừa qua, mối giao hảo giữa Hoa Kỳ và Ukraine có dấu hiệu rạn nứt sau việc bà đại sứ Mỹ bị triệu hồi mà không có lý do chính đáng. Trong khi đó, vị tân tổng thống đang mong mỏi nhận được sự trợ giúp tích cực từ phía Hoa Kỳ. Nhưng những thông tin trao đổi qua lại giữa các viên chức cao cấp trong thời gian qua cho thấy là hai ông Sondland và Volker đã cùng bàn bạc với nhau và với những viên chức khác của Ukraine để chuyển thông điệp cho vị tân tổng thống Zelensky rằng ông ta sẽ không nhận được viện trợ của Hoa Kỳ, cũng như không được lời mời đến viếng thăm tại Toà Bạch Ốc trừ khi chính quyền của ông cam kết sẽ mở một cuộc điều tra “bới lông tìm vết” về cha con ông Joe Biden mà TT Trump mong rằng sẽ phanh phui được những chi tiết nào đó bất lợi cho ông Biden trong kỳ bầu cử sắp tới. Thay vì những lời trao đổi dưới hình thức điện thư trong nội bộ của Bộ Ngoại Giao, những nhà ngoại giao này lại liên lạc với nhau bằng tin nhắn qua mạng WhatsApp trên các điện thoại di động.

Ông Volker nói với một viên chức phụ tá cao cấp ở Ukraine rằng TT Zelensky có thể thuyết phục được TT Trump rằng ông sẽ tìm hiểu rõ ràng về những gì đã xảy ra trong kỳ bầu cử năm 2016 thì sau đó ông sẽ có cơ hội được gặp gỡ TT Trump tại Toà Bạch Ốc. Điều này bắt nguồn từ việc ông Trump vẫn luôn bị ám ảnh rằng phía Ukraine đã tìm cách phá hoại ông trong kỳ bầu cử vừa qua.

Về mặt ngoại giao chính thức, hai ông Sondland và Volker đã áp lực phía Ukraine về một số những yêu cầu của TT Trump. Mặt khác, TT Trump cũng ra lệnh cho luật sư riêng của ông là Rudy Giuliani cũng bắn tiếng qua những phương tiện khác để chuyển đi cùng một thông điệp. Và nội dung chính của nó được phơi bày trong một cuộc điện đàm vào ngày 25/7 giữa hai vị tổng thống do một lời tố cáo của một nhân viên ẩn danh gửi đến văn phòng Tổng Thanh Tra và sau đó mới được tiết lộ lên cho Quốc Hội biết, và phía Toà Bạch Ốc cũng đành phải công nhận là chuyện có thật.

Phía Ukraine quả tình là một nước đang lâm vào tình trạng khó khăn và cần sự giúp đỡ của Hoa Kỳ. Tuy nhiên ông Zelensky cũng đủ khôn ngoan để biết rằng ông không thể mù quáng chấp nhận những lời yêu cầu của TT Trump để can thiệp sâu vào nội tình chính trường Hoa Kỳ (qua việc “bới lông tìm vết” về cha con ông Biden) vì có thể sẽ làm phật lòng cho các viên chức phe Dân Chủ sau này. Nhưng đồng thời ông Zelensky cũng không thể làm phật lòng TT Trump nếu như không thoả mãn những đòi hỏi nhất thời.

Các viên chức kỳ cựu trong ngành ngoại giao và tình báo của Hoa Kỳ cũng ý thức được điều khó khăn và tế nhị này vì từ trước tới nay, họ chưa bao giờ đứng trước một tình huống như vậy với một vị tổng thống Mỹ đã có những lời nói và quyết định bất thường và khác lạ nhất so với tất cả các vị tổng thống tiền nhiệm. Nhưng những phụ tá trung thành với TT Trump như ông Sondland thì không ngần ngại dấn thân vào những việc này, miễn sao nó làm cho sếp lớn hài lòng để họ vẫn còn được TT Trump tiếp tục tin dùng thay vì cách chức như đã xảy ra với rất nhiều các phụ tá cao cấp khác.

Những mẩu tin trao đổi giữa hai ông Sondland và Volker cho thấy họ càng ngày càng lún sâu vào một thoả thuận chính trị giữa hai vị nguyên thủ Trump và Zelensky. Theo đó, Ukraine sẽ nhận được viện trợ quân sự từ Hoa Kỳ và ông Zelensky sẽ được mời đến viếng thăm Toà Bạch Ốc sau khi đã cam kết sẽ mở lại một cuộc điều tra về công ty năng lượng Burisma mà chủ nhân đã thuê mướn con trai của ông Joe Biden vào hội đồng quản trị với đồng lương khoảng $50,000 mỗi tháng.

Vào ngày 19/7, ông Sondland bắn tiếng cho ông Volker rằng ông ta đã nói chuyện trực tiếp với TT Zelensky để trình bày đầy đủ chi tiết. Còn ông Volker thì trả lời rằng ông cũng đã trình bày mọi chuyện với luật sư riêng của TT Trump là ông Giuliani. Ông Volker kết luận rằng điều quan trọng nhất mà ông Zelensky cần phải làm là lên tiếng rằng ông sẽ tích cực can thiệp vào cuộc điều tra này.

Dĩ nhiên, các viên chức kỳ cựu trong ngành ngoại giao và tình báo thuộc cả hai nước Hoa Kỳ và Ukraine đều bắt đầu cảm thấy lo ngại trước những chuyển biến quan trọng như vậy bắt đầu được hé lộ ra ngoài, nhất là xuyên qua những lời tuyên bố mạnh miệng và vung vít của ông Giuliani trên nhiều diễn đàn truyền thông. Và điều này sau đó đã dẫn đến việc một nhân viên ẩn danh đã quyết định “lên tiếng báo động” bằng cách báo cáo lên văn phòng tổng thanh tra.

Một trong những viên chức cao cấp và kỳ cựu bầy tỏ sự lo ngại của mình là ông William Taylor, trước đó đã từng là Đại sứ Mỹ tại Ukraine từ năm 2006 đến 2009 dưới thời hai vị tổng thống Bush Con và Obama. Ông Taylor chỉ chấp nhận lời thỉnh cầu của ông Volker để trở lại chức vụ đại sứ này trong thời gian tạm thời sau khi bà Đại sứ Yovanovich bị TT Trump cách chức. Trong một đoạn trao đổi giữa hai người, ông Volker than phiền rằng ông đang cố gắng bơi lội trong cái thế giới mới đầy nghiêng ngửa này, và ông Taylor đã phúc đáp trở lại rằng “Tôi cũng không biết chắc rằng đó là cái thế giới mà tôi muốn đặt chân đến.”

Vào ngày 21/7, ông Taylor nhắc lại sự lo ngại rằng việc Ukraine đang bị sử dụng như là “con cờ trong những đấu đá chính trị của Hoa Kỳ”. Nhưng ông Sondland đã lập tức bác bỏ sự lo ngại này, và nói rằng ông Taylor không nhìn thấy rằng điều quan trọng nhất để cải thiện mối quan hệ giữa hai nước là chỉ cần làm theo ý muốn của TT Trump.

Qua ngày hôm sau, phụ tá cao cấp của TT Zelensky là ông Andrey Yermak đã có cuộc điện đàm với ông Giuliani. Vì đã được hướng dẫn từ trước bởi hai ông Sondland và Volker, ông Yermak dường như đã bảo đảm với ông Giuliani rằng TT Zelensky sẽ đồng ý những yêu cầu đó trong một cuộc điện đàm sắp tới với TT Trump.

Đến ngày 25/7 khi cuộc điện đàm giữa hai lãnh tụ diễn ra, nhiều viên chức cao cấp ở Toà Bạch Ốc trước đó có nghe loáng thoáng nhưng không nắm rõ chi tiết bắt đầu cảm thấy hốt hoảng trước nội dung những lời đòi hỏi của TT Trump khi yêu cầu một cách lộ liễu như vậy, nên họ bèn phản ứng bằng cách đem giấu toàn bộ nội dung những lời đối thoại vào một hệ thống máy điện toán dành riêng cho những tài liệu “tối mật” về an ninh quốc phòng.

Tuy nhiên, đối với những viên chức ngoại giao can dự vào vụ này, cuộc điện đàm giữa hai vị tổng thống được xem như là một bước ngoặt đáng kể. Ông Yermak kể lại với ông Volker rằng cuộc điện đàm diễn ra tốt đẹp, và ông Zelensky nhận được lời hứa là sẽ được mời đến viếng thăm Toà Bạch Ốc, dù rằng ngày giờ chưa được xác định. Và ông Volker đã trả lời rằng ông sẽ sắp xếp một cuộc gặp gỡ tại thủ đô Madrid giữa hai ông Yermak và Giuliani để giàn xếp chuyến viếng thăm ngoại giao này.

Theo lời kể của ông Volker, ông Giuliani nói rằng TT Ukraine cần phải đưa ra lời tuyên bố công khai rằng ông sẽ mở cuộc điều tra. Cả hai ông Sondland và Volker liền soạn thảo bản văn mà phía Ukraine sẽ công bố sau khi đặt chân đến Hoa Kỳ. Sau khi họ trình bày bản văn dự thảo này, ông Giuliani tỏ ra không hài lòng, vì nó không nói rõ ràng và chi tiết, và vì thế nên ông ta đòi hỏi phía Ukraine phải nói chi tiết về vụ bầu cử năm 2016 và công ty Burisma, cơ quan năng lượng có thuê mướn con trai ông Biden vào hội đồng quản trị.

Đến ngày 10 tháng 8, ông Volker gửi tin nhắn cho ông Yermak để nói rằng một khi bản văn này được soạn thảo lại cho đầy đủ và ưng ý, họ có thể dùng nó để có được ngày chính thức đến viếng thăm TT Trump tại Toà Bạch Ốc.

Phía ông Yermak cũng phúc đáp rõ ràng về sự thoả thuận giữa đôi bên: “Một khi chúng tôi có được ngày giờ chính thức, chúng tôi sẽ mở một cuộc họp báo để báo tin về chuyến viếng thăm ngoại giao này để đẩy mạnh lại quan hệ ngoại giao giữa Hoa Kỳ và Ukraine, trong đó có cả việc liên quan đến công ty Burisma và những cuộc điều tra về sự xen lấn vào chuyện bầu cử.”

Nhưng rồi sau đó, bản văn dự thảo đã được dẹp bỏ sau khi phía Ukraine cảm thấy không thoải mái khi lên tiếng công khai và chi tiết về công ty Burisma và chuyện điều tra về việc xen lấn vào chuyện bầu cử tại Hoa Kỳ.

Đến lúc này, cả hai ông Sondland và Volker mới thấy rằng mình đã lún sâu quá nhiều vào những biến chuyển nổ ra tại thủ đô Washington đang bị phanh phui dần về những mưu toan của họ và từ đó dẫn đến cuộc điều tra để luận tội tổng thống Trump.

Vào ngày 12 tháng 8, một ngày trước khi hai ông Volker và Sondland trao đổi cho nhau những mẩu tin đắc thắng về chuyện họ đã đạt được một bản văn mà TT Zelensky sẽ đọc như họ mong muốn, một nhân viên ẩn danh của cơ quan tình báo CIA đã nộp một bản tường trình dài 9 trang để “lên tiếng báo động” về những điều được xem là bất thường lên văn phòng Tổng Thanh Tra. Những diễn biến dồn dập xảy ra trong những ngày sau đó đã dẫn đến việc mọi sự bắt đầu được phanh phui trong các buổi điều trần kín tại Uỷ Ban Tình Báo của Hạ Viện.

Vào ngày 1 tháng 9, Đại sứ Taylor lại lên tiếng bầy tỏ sự lo ngại của mình với ông Sondland: “Phải chăng chúng ta đang nói với phía Ukraine rằng việc viện trợ để bảo đảm an ninh và được tiếp kiến tại Toà Bạch Ốc phải tuỳ thuộc vào việc họ phải mở những cuộc điều tra?” Cùng ngày hôm đó, trong một cuộc gặp gỡ tại thủ đô Warsaw, các viên chức của Ukraine cũng nhận được một thông điệp tương tự từ phía PTT Mike Pence khi ông nói với TT Zelensky rằng Hoa Kỳ vẫn còn quan tâm đến việc chính quyền Ukraine vẫn chưa làm hết sức về vấn đề tham nhũng (ngụ ý là muốn Ukraine nên mở lại các cuộc điều tra).

Tuy nhiên đến lúc này, ông Sondland không chịu trao đổi với ông Taylor bằng những mẩu tin nhắn, mà chỉ nói rằng “Anh hãy gọi cho tôi.”

Đúng một tuần sau đó, vào ngày 8 tháng 9, Đại sứ Taylor bắn ra một lời cảnh cáo nghiêm trọng hơn để nói rằng ông ta sẽ không tham dự vào một hành động nào có tính cách ép buộc TT Zelensky phải có một cam kết công khai theo ý của Hoa Kỳ cũng như việc tự ý cúp ngân khoản viện trợ quân sự cho Ukraine mà họ đang rất cần có: “Điều ác mộng sẽ xảy ra nếu như họ đồng ý cuộc phỏng vấn nhưng rồi sau đó cũng không được viện trợ. Nếu như điều này xảy ra, phía Nga sẽ là người hoan nghênh nhất. (Và cá nhân tôi sẽ xin từ chức.)”

Qua ngày hôm sau, Đại sứ Taylor quyết định liên lạc với ông Sondland một lần chót khi bắn ra mẩu tin nhắn: “Tôi nghĩ rằng việc cúp viện trợ quân sự để đòi hỏi một sự giúp đỡ trong chiến dịch tranh cử là một điều điên rồ.”

Đến lúc này, ông Sondland có lẽ cũng bắt đầy cảm thấy rằng những lời lẽ trao đổi kiểu này sẽ dẫn đến những hậu quả bất lợi ra sao trước công luận một khi các điều tra viên tìm hiểu được sự thật, nên ông đã trả lời với một giọng văn thay đổi và nghiêm túc hơn: “Anh Bill, tôi tin rằng anh đã sai lầm khi nhận định về những ý định của TT Trump. Tổng thống Trump đã nói rất rõ: không hề có việc trao đổi qua lại (quid pro quo) dưới bất cứ hình thức nào trong vụ này.”

Sau đó không lâu, ông Volker cũng đã quyết định xin từ chức Đặc Sứ về Ukraine của Toà Bạch Ốc.

MAI LOAN
Houston, Texas, ngày 12 tháng 10/2019






No comments:

Post a Comment

View My Stats