Tuesday 22 October 2019

NHỮNG GÌ SẼ ĐẾN SAU CHUYỆN LUẬN TỘI TT TRUMP (Mai Loan - Cali Today)




Mai Loan
October 13, 2019

Chuyện luận tội để bãi nhiệm (impeachment), với một từ ngữ khác thường thấy là “đàn-hặc”, vốn không phải là điều gì xa lạ đối với TT Trump từ nhiều năm qua. Là một tổng thống từng có những quyết định bất thường, đảo lộn hoặc hất tung tất cả những truyền thống lâu đời và quy tắc làm việc cẩn trọng từ trước tới nay của các vị tổng thống tiền nhiệm, ông Trump nếu có bị các vị dân biểu và nghị sĩ đòi đem ra mổ xẻ để có thể xác định tội trạng hay không âu cũng là chuyện bình thường.

Việc bênh vực hay chống đối trong vụ luận tội này âu cũng là một chuyện bình thường khác, do bởi tình trạng phân hoá sâu đậm và chia rẽ theo bè phái trong chính trường từ hơn một thập niên qua khiến cho mỗi bên đều nghĩ mình đúng theo kiểu “sư nói sư phải, vãi nói vãi hay”. Và nó càng được đào sâu và khai thác tận tình hơn nữa bởi TT Trump do bởi ông nhìn ở nó những mối lợi về mặt chính trị trong đoản kỳ với tiềm năng có thể khích động khối cử tri ủng hộ ông cuồng nhiệt.

Vì thế nên đối với phe đối lập thuộc đảng Dân Chủ, cộng với một thiểu số người Cộng Hoà còn có lương tri khi nghĩ đến quyền lợi lâu dài của đất nước, quả thật TT Trump đã có những hành xử vi phạm vào hiến pháp và những quy định đòi hỏi ở một vị nguyên thủ quốc gia.
Những thí dụ điển hình là việc ông đã cản trở công lý khi ra lệnh cho các phụ tá cao cấp làm việc phi pháp (trong vụ điều tra của Công tố Viên Đặc Biệt Robert Mueller) dù rằng những người này cũng khôn ngoan nên không thi hành theo. Hoặc là chuyện TT Trump thích “nổ” nên trong lúc kể chuyện với Ngoại Trưởng Nga và Đại Sứ Nga tại Hoa Kỳ bên trong Phòng Bầu Dục ở Toà Bạch Ốc đã cao hứng khoe khoang về những thành tích tình báo, vô tình tiết lộ những nguồn gốc lấy tin của giới tình báo Hoa Kỳ và các nước đồng minh như Do Thái. Chỉ nội việc vô tình tiết lộ chi tiết này cũng đủ khiến người đó có thể bị cáo buộc tội phản quốc, nhưng vì tổng thống Mỹ là người có toàn quyền quyết định bạch-hoá mọi chuyện bí mật nên do đó ông không thể bị cáo buộc tội trạng khi điều đó không còn là tin bí mật nữa sau khi ông kể cho người khác (dù là với các viên chức cao cấp của Nga)!

Nhưng quy định về việc luận tội để bãi nhiệm tổng thống cũng rất rõ ràng và chặt chẽ theo Hiến pháp Hoa Kỳ: đó là chỉ có Hạ Viện mới có quyền biểu quyết để thông qua những điều khoản trong bản cáo trạng (articles of impeachment), và sau đó chuyển hồ sơ lên Thượng Viện để bỏ phiếu chấp thuận, trong một phiên xét xử được điều hành bởi Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ. Hơn thế nữa, vị tổng thống bị luận tội chỉ có thể bị kết án nếu như có đa số 2/3 (67 nghị sĩ) cùng bỏ phiếu kết tội; bằng không thì coi như được miễn tội.

Đó chính là lợi thế quá to lớn hiện nay mà TT Trump cũng như mọi vị dân biểu và nghị sĩ trên cả nước đều biết rất rõ, tương tự như trường hợp của TT Clinton đã nhìn thấy rõ trong vụ luận tội vào năm 1998 khi các dân biểu phe Cộng Hoà đang nắm quyền đa số tại Hạ Viện nên muốn tấn công ông bằng cách khai thác vụ lem nhem tình dục của ông Clinton với cô sinh viên tập sự tại Toà Bạch Ốc là Monica Lewinsky.

Dĩ nhiên, sẽ có nhiều người tranh luận rằng nội dung hai vụ luận tội bao gồm những cáo giác có tính nghiêm trọng khác nhau: một đàng là chuyện ông Clinton nói dối rằng không có quan hệ tình dục, và một đàng là những chuyện ông Trump dối trá có tính cách nghiêm trọng hơn vì tiết lộ những điều bí mật về an ninh quốc phòng. Nhưng đó là một đề tài khác để đem ra bàn luận trong một dịp khác, xin được miễn nói trong bài viết hôm nay.

Vì hiểu rõ lẽ đó nên bà Nancy Pelosi, Chủ tịch Hạ Viện, đã không chú trọng đến việc tiến hành các thủ tục điều tra luận tội ngay vừa khi phe Dân Chủ lên nắm quyền sau kết quả thắng cử to lớn vào cuối năm 2018, mặc dù một số khá đông các dân biểu và nhiều cử tri phe Dân Chủ đều hăm hở việc này vì muốn vạch trần những hành động sai phạm đầy rẫy của chính quyền Trump từ lúc mới lên nắm quyền.

Lý do dễ hiểu là tuy có đi đến kết luận để lập ra một cáo trạng luận tội đối với TT Trump và sau đó đưa hồ sơ sang Thượng Viện để được xét xử, bà Pelosi cũng như mọi người đều biết rõ kết quả sau cùng sẽ ra sao, dù rằng đây là một phiên toà cao cấp mà những người ngồi ở ghế xét xử không hề bị mua chuộc hay áp lực từ đâu đến.

Do bởi tình hình chính trường hiện nay khi TT Trump đã huy động được sự ủng hộ mạnh mẽ của khối đông cử tri trong đảng Cộng Hoà, tất cả các vị nghị sĩ bảo thủ hiện nay đều biết rõ rằng họ sẽ thất cử ngay ở vòng sơ bộ trong nội bộ của đảng nếu như họ dám có những lời lẽ hoặc quyết định chống lại TT Trump. (Đó là trường hợp của các cựu nghị sĩ liên bang Jeff Flake ở Arizona hoặc Bob Corker ở Tennessee, hay cựu dân biểu liên bang và thống đốc Mark Sanford ở South Carolina.)

Do đó, dù biết rằng những việc làm của TT Trump có đi ngược lại quyền lợi của đất nước, họ cũng không dám chống lại nếu như điều đó khiến họ bị thiệt hại trước tiên vì bị thất cử. (Có lẽ cũng giống như nhiều vị đại biểu CS ở trong nước, họ dẫu có biết những chính sách của Đảng có hại cho đất nước, nhưng cũng không dám bỏ phiếu chống lại vì làm như vậy là sẽ làm thiệt hại cho Đảng và cá nhân họ trước tiên.)

Trong lúc đó, TT Trump có thể khai thác tình trạng bị luận tội bởi phe Dân Chủ để đóng vai trò nạn nhân của điều mà ông chụp mũ rằng đó là một chiến dịch quy mô được kết hợp bởi nhiều thành phần như dư đảng Obama-Clinton, giới truyền thông thiên tả mà ông cáo buộc là “kẻ thù của nhân dân”, những thành phần di dân lậu và bất hảo vì muốn chống lại chính sách MAGA (Làm Cho Nước Mỹ Vĩ Đại Trở Lại) của ông v.v. Vì thế nên từ trước tới nay, TT Trump chưa bao giờ tỏ ra lo ngại trước viễn tượng ông sẽ bị phe Dân Chủ tại Hạ Viện sẽ lập thủ tục luận tội vì ông nghĩ rằng điều đó chỉ có lợi cho ông nhiều hơn về mặt chính trị.

Nhưng những diễn biến mới xảy ra gần đây quanh vụ ông Trump đã áp lực với vị tân tổng thống của Ukraine là hãy thử cố gắng tìm tòi mọi cách để điều tra xem có vụ lem nhem gì về cựu phó tổng thống Joe Biden và người con trai của ông là Hunter Biden hay không bỗng dưng trở thành một hồ sơ nóng bỏng và làm thay đổi cục diện một cách mau lẹ.

Vì thế nên vào ngày thứ Bảy cuối tuần qua khi TT Trump đang chơi golf với nghị sĩ Lindsey Graham, một trong những người được ông ưa thích nhất gần đây vì đã không ngần ngại quay 180 độ để ca tụng và tâng bốc hết lời, bà Pelosi đã “bật đèn xanh” để cho tiến hành thủ tục điều tra đi đến luận tội hầu có thể bãi nhiệm tổng thống Trump.

Vào ngày thứ Sáu trước đó, các vị dân biểu chủ tịch 3 uỷ ban khác nhau tại Hạ Viện đã đồng loạt tống trát đòi (subpoena) đến Ngoại Trưởng Mike Pompeo để đòi hỏi ông cung cấp tất cả những văn bản và tài liệu của Bộ Ngoại Giao Mỹ “có liên hệ đến những nỗ lực của TT Trump và những phụ tá nhằm áp lực một cách trái phép chính quyền Ukraine để hỗ trợ cho mưu toan tái đắc cử của ông Trump.”

Dân biểu Adam Schiff, Chủ tịch Uỷ Ban Tình Báo Hạ Viện, nói rằng ông và các vị dân biểu khác sẽ cùng làm việc ráo riết trong vụ điều tra này trong suốt thời gian nghỉ dưỡng sức hai tuần lễ. Theo nhận định của tờ nhật báo Wall Street Journal, việc quyết định rốt ráo và nhanh chóng này của bà Pelosi, cộng với việc có thể sử dụng một điều khoản ít được nhắc tới là sử dụng thẩm quyền của Quốc Hội để có thể giam giữ, hoặc bắt nhốt bất cứ nhân chứng nào ngoan cố không chịu ra điều trần, cho thấy là phía Hạ Viện có thể tiến hành nhanh chóng để đúc kết cáo trạng buộc tội này vào khoảng cuối tháng 10 sắp đến.

Ngoài việc tống trát đòi đến ông Pompeo phải cung cấp các tài liệu, các vị dân biểu chủ tịch các uỷ ban này còn tống đạt các trát đòi đến nhiều viên chức cao cấp khác đã hoặc đang tùng sự tại Bộ Ngoại Giao phải ra điều trần, nhất là những người được nêu tên trong đơn khiếu nại của một người tự xưng là “kẻ lên tiếng báo động” (whistle-blower) trong vụ này.
[Theo quy định của chính quyền Hoa Kỳ, mọi người dân làm việc trong tất cả các cơ quan, dù ở bất cứ cương vị nào, nếu thấy có điều gì sai phạm nhưng không dám báo cáo trực tiếp lên cấp trên, có thể bí mật làm đơn khiếu nại theo kiểu “thổi kèn báo động” để được hưởng sự bảo vệ của luật pháp là sẽ không bị cấp trên trả đũa và trù dập.

Trong một cuộc điện đàm vào ngày 25/7 trước đây, TT Trump áp lực tân tổng thống Zelensky của Ukraine là hãy điều tra chuyện làm ăn của anh Hunter Biden là con trai của cựu PTT Joe Biden, được xem như là đối thủ chính trị đáng ngại nhất cho ông Trump trong kỳ bầu cử năm 2020. Trước đó, TT Trump đã tự ý quyết định tạm ngưng khoản viện trợ 391 triệu Mỹ-kim mà Quốc Hội Mỹ đã đồng ý cho Ukraine, với ngụ ý là ông sẽ tháo khoán trở lại nếu như Ukraine chịu làm việc theo lời của ông.

Việc này được tiết lộ bởi một đơn khiếu nại của kẻ “lên tiếng báo động” làm việc trong ngành an ninh tình báo nghe được những chi tiết đối thoại của nhiều nhân vật trong cuộc. Đơn khiếu nại này dài đến 9 trang, sau đó lại bị Toà Bạch Ốc tìm cách ém nhẹm khi đưa vào hồ sơ tối mật để không cho Quốc Hội biết, nhưng sau đó bị tiết lộ ra ngoài nên mọi người mới biết nội dung, trong đó có việc chính quyền Trump đã tìm cách giấu nhẹm việc nói chuyện và áp lực TT Zelensky của Ukraine, cũng như vai trò của ông Rudy Giuliani là luật sư riêng của ông Trump cũng tìm cách thúc hối phía Ukraine là hãy mở các cuộc điều tra về cậu Biden vì mong mỏi có được những tác dụng xấu đến ông Biden trong kỳ bầu cử năm 2020.]

Sau đó, chính Toà Bạch Ốc cũng đành phải công bố cho mọi người biết nguyên văn những lời đối đáp qua lại giữa hai lãnh tụ cho thấy TT Trump đã nhiều lần thúc giục TT Zelensky là hãy điều tra cựu PTT Joe Biden và cậu con trai Hunter. Trong cuộc điện thoại, ông Trump yêu cầu ông Zelensky hãy nói chuyện với luật sư riêng của ông là Rudy Giuliani, và còn đề nghị với TT Ukraine là hãy “lục lọi tìm hiểu ra sao” về ông Biden và cậu con trai:

“Người ta nói nhiều về cậu con trai của ông Biden, rằng ông Biden đã cho ngưng cuộc điều tra và nhiều người muốn biết thêm tại sao như vậy, vì thế nên bất cứ điều gì anh có thể tìm thấy được với tổng trưởng tư pháp đều sẽ là điều rất tốt. Ông Biden thường hay đi rêu rao rằng chính ông ta đã chặn đứng cuộc điều tra này, vì thế nên nếu anh lục lọi tìm hiểu thêm trong hồ sơ này . . . Những điều đó có vẻ như là quá tệ hại đối với tôi,” đó là một phần nguyên văn lời nói trong cú điện đàm của TT Trump.

TT Donald Trump gặp gỡ TT Volodymyr Zelenskiy bên lề Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc tại New York

(Điều đáng nói là từ trước tới nay, không hề có những cáo giác nào về những chuyện có thể được xem là sai trái hay phi pháp của cha con ông Biden từ phía các cơ quan công quyền của Hoa Kỳ cũng như ở bất cứ nước nào.)

Trong số những nhân vật được nêu tên trong đơn khiếu nại của “kẻ lên tiếng báo động” có ông Kurt Volker là cựu đặc sứ của Toà Bạch Ốc về hồ sơ Ukraine, là nhà ngoại giao kỳ cựu đang cố giải quyết cuộc tranh chấp từ lâu giữa chính quyền Ukraine và những phần tử ly khai theo Nga và hiện được xem là một nhân chứng quan trọng. Ông Volker là người đã diễn giải những yêu cầu của TT Trump đối với phía Ukraine, là người giới thiệu ông Rudy Giuliani với phụ tá cao cấp của TT Ukraine, và cũng là người đã tìm cách hoá giải bớt những điều tệ hại gây ra từ những đòi hỏi bất thường mà TT Trump đã áp đặt lên TT Zelensky của Ukraine. Nhưng liền sau đó, ông Volker cũng đã lên tiếng xin từ chức.

Trong lúc các dân biểu phe Dân Chủ đang gia tăng áp lực qua các vụ điều tra, TT Trump và những tiếng nói bênh vực ông trên các diễn đàn truyền thông bảo thủ cực hữu bắt đầu “xả ga” để mở chiến dịch tấn công đối phương và giới truyền thông, bằng cách phủ nhận rằng không hề có chuyện thương lượng là sẽ tháo khoán viện trợ trở lại nếu như có cuộc điều tra về cha con ông Biden. Ngoài ra, họ cũng lên tiếng đặt nghi vấn về mức độ hiểu biết của “kẻ lên tiếng báo động’, cho rằng người này thật ra cũng chỉ là nghe kể lại chứ chưa hẳn là người trực tiếp nghe được cuộc điện đàm. Các dân biểu phe Cộng Hoà cũng cáo buộc các vị dân cử phe Dân Chủ là chỉ bày trò diễn tuồng ồn ào trên sân khấu chính trị và nhân đó cũng tấn công giới truyền thông là “thổi phồng tin tức”, dù rằng trớ trêu thay, trong số các tờ báo loan tin cũng có cả tờ Wall Street Journal, tờ báo chủ lực và mạnh mẽ nhất của phe bảo thủ từ hơn cả trăm năm nay.

Trong một cuộc nói chuyện riêng với Phái Bộ Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc, TT Trump đã không ngần ngại gọi các phóng viên và nhà báo là “bọn thú vật” (animals) và “rác rến” (scum). Và không lâu sau đó, trên đài Fox News, bình luận gia Sean Hannity cũng đồng lòng phụ hoạ theo để gọi những vị dân cử phe Dân Chủ là “túi rác dơ” (dirtbags) và cáo buộc rằng họ “đang tuyên chiến với vị Tổng thống của Hoa Kỳ”.

Tuy nhiên, đằng sau những lời lẽ biện hộ mạnh bạo như vậy, người ta có thể có thấy là bộ sậu của ông Trump lần này chưa có một chiến thuật chặt chẽ và nhất quán để đối phó trước những diễn biến vừa mới xảy ra, và những hậu quả có thể ảnh hưởng đến xác suất tái đắc cử của ông vào năm 2020. Tờ Politico, trong một bài báo tổng hợp vào cuối tuần qua cho biết là sau khi đã phỏng vấn hơn một chục những nhân vật thân cận với Toà Bạch Ốc, những diễn biến dồn dập vừa qua với việc bà Pelosi đã nhanh chóng quyết định tung ra thủ tục luận tội đã khiến cho các phụ tá cao cấp ở Bạch Cung đều lúng túng và chưa có cách thức đối phó.

Từ nhiều tháng qua, TT Trump thường chủ quan nghĩ rằng việc luận tội chỉ có thể đem lại cho ông nhiều mối lợi hơn về mặt chính trị. Tuy nhiên, lần này thái độ lạc quan, tự tin đó đã nhanh chóng tan biến. Vì thế nên vào buổi sáng thứ Bảy, trước khi bước ra sân chơi golf, TT Trump cũng bắn ra một mẩu tin nhắn trên mạng Twitter để đả kích việc các vị dân biểu phe Dân Chủ đã đối xử tàn bạo với ông.

Tuy đang gặp khó khăn như vậy, nhưng như đã giải thích ở trên, hiện nay mọi người đều biết rõ kết quả sẽ diễn ra thế nào sau tiến trình luận tội này: đó là Thượng Viện, với phe Cộng Hoà nắm đa số, sẽ bỏ phiếu tha bổng cho TT Trump. Có lẽ vì vậy mà nhiều bình luận gia, như trường hợp của ông David Brooks là một ngòi bút bảo thủ trên tờ New York Times, và nhiều chuyên gia khác, đã cho rằng việc tiến hành thủ tục luận tội lần này coi như đã khiến bà Pelosi rơi vào cái bẫy do ông Trump giăng ra với nhiều thuận lợi cho ông, tương tự như những gì mà trước đây ông Bill Clinton cũng đã được hưởng vào cuối năm 1998.

Riêng với nhà báo John Cassidy, trong một bài phân tích trên tờ The New Yorker, điều này có thể vẫn còn đúng, nhưng chưa hẳn là một điều chắc chắn trong tình cảnh hiện nay. Bởi vì những cáo buộc lần này trong đơn khiếu nại của “kẻ lên tiếng báo động” mang tính cách nghiêm trọng và tai hại hơn nhiều cho TT Trump, và cuộc luận tội lần này không chỉ đơn thuần xét xử chuyện ông tổng thống có lem nhem tình dục với một cô sinh viên tập sự hay không. Hơn thế nữa, những cuộc thăm dò trong nội bộ, tuy hiện chỉ còn giới hạn, cũng cho thấy là cơn khủng hoảng về Ukraine lần này có chút ảnh hưởng lên nhận định của quần chúng, kể cả với khối cử tri độc lập, vốn là thành phần cử tri duy nhất hiện nay có thể bị thuyết phục được vào lúc này.

Theo một cuộc thăm dò dân ý mới nhất do hai cơ quan YouGov và HuffPost cùng thực hiện mới đưa ra kết quả vào thứ Năm tuần trước, tỉ lệ dân Mỹ ủng hộ việc luận tội TT Trump cao hơn 8% so với tỉ lệ không ủng hộ, với phần lớn sự gia tăng đến từ khối cử tri phe Dân Chủ, nhưng khối cử tri độc lập cũng gia tăng khoảng 2%.

Một cuộc thăm dò khác của các cơ quan NPR – PBS NewsHour và Marist cũng cho thấy là có đến 48% ủng hộ luận tội, 46% không ủng hộ. Cuộc thăm dò của hai cơ quan Hill và HarrisX cho thấy có đến 41% cử tri độc lập giờ đây ủng hộ việc luận tội, so với 38% chống đối.

Dĩ nhiên, vào thời điểm hiện nay, những con số kể trên chỉ có tính cách gợi ý. Và người ta cũng chưa rõ là thủ tục luận tội trong những ngày tháng tới sẽ kéo dài bao lâu và sẽ ảnh hưởng lên suy nghĩ của người dân Mỹ ra sao. Một kết quả có thể xảy ra khiến mọi người không lấy gì làm ngạc nhiên, đó là nó sẽ không hề ảnh hưởng đến xác suất thắng cử của ông Trump: bởi vì cho đến nay những ai ủng hộ hay chống đối ông Trump có lẽ đều sẽ coi tiến trình luận tội như là bằng chứng để họ tiếp tục giữ vững lập trường của mình như cũ. Còn một số những cử tri ít hiểu biết hoặc theo rõi thời sự thì sẽ coi đó như là một lối “ăn miếng trả miếng” thường ngày ở chính trường Hoa Thịnh Đốn.

Vì sao người dân Mỹ ngày nay lại có vẻ như xem thường một tiến trình quan trọng như việc luận tội để bãi nhiệm tổng thống như vậy? Một phần có lẽ là vì thủ tục này giờ đây đã không còn mang tầm mức nghiêm trọng như trước đây trong văn hoá chính trị của Hoa Kỳ. Người dân Mỹ ngày nay đã quá quen thuộc với những màn đấu đá, giành giật và tấn công mãnh liệt đối phó trên chính trường và qua những cuộc vận động tranh cử khiến cho nhiều người bắt đầu chán ngán và không thèm chú ý đến nữa.

Theo nhà báo John Harris trong một bài phân tích trên diễn đàn Politico, vào thập niên 1970 trước đây, khi diễn ra vụ tranh cãi về việc luận tội TT Nixon trong vụ xì-căng-đan Watergate khiến cho đại đa số người dân Mỹ đều ngỡ ngàng và bực tức trước những hành động của ông Nixon xem thường luật pháp, nhưng mọi người lúc đó vẫn còn tôn trọng những định chế lâu đời khác như chế độ tổng thống, Quốc Hội và giới truyền thông dòng chính.

Nhưng giờ đây, hầu như tất cả các định chế này đều không còn giữ được sự ủng hộ của đa số quần chúng; ngay cả Quốc Hội cũng chỉ đạt được tỉ lệ ủng hộ của khoảng 11% dân chúng trong nước. Vì thế nên cuộc luận tội để bãi nhiệm TT Trump, tuy có là một biến chuyển trọng đại, nhưng có lẽ mọi người cũng đừng nên ngạc nhiên khi thấy nó không còn được đón nhận một cách nghiêm túc như đúng nghĩa của nó.

MAI LOAN
Houston, Texas, ngày 5 tháng 10/2019
anhtuantaberd74@gmail.com






No comments:

Post a Comment

View My Stats