Tuesday, 16 April 2019

JULIAN ASSANGE : ANH HÙNG HAY TỘI PHẠM? GIẢI THÍCH CÁC VẤN ĐỀ PHÁP LÝ CÓ LIÊN QUAN (Phạm Minh Trung - Luật Khoa)




17/04/2019

Hôm 11/4/2019, người sáng lập WikiLeaks, Julian Assange, đã bị bắt tại London (Anh), sau khi chính quyền Ecuador hủy bỏ quy chế tị nạn ngoại giao mà ông được hưởng từ năm 2012. Hoa Kỳ sau đó yêu cầu Anh dẫn độ Assange sang Mỹ để xét xử vì tội tấn công mạng máy tính, tiết lộ hàng trăm nghìn bức điện ngoại giao và nửa triệu tài liệu mật liên quan hoạt động của quân đội Mỹ ở Iraq và Afghanistan. Vụ việc đặt ra nhiều câu hỏi pháp lý liên quan đến số phận nhân vật này.

Hình ảnh nhà sáng lập Wikileaks Julian Assange khi bị bắt tại London, Anh ngày 11/4/2019. Ảnh: USA Today

Những cáo buộc chống lại Julian Assange

Ông Julian Assange, người sáng lập WikiLeaks, đã xin tị nạn chính trị tại Đại Sứ quán Ecuador ở London (Anh) trong gần bảy năm qua để tránh bị dẫn độ sang Thụy Điển, trong cuộc điều tra ông liên quan đến một cáo buộc tấn công tình dục; cũng như để trốn cảnh sát Anh và cơ quan công tố Mỹ. Thụy Điển sau đó đã hủy bỏ cáo trạng trên.

Hôm 11/4, Tổng thống Ecuador – Lenín Boltaire Moreno Garcés – viết trên Twitter rằng nước này “quyết định chấm dứt quy chế tị nạn với Julian Assange vì điều đó vi phạm các công ước và thông lệ quốc tế”. Ngay sau đó, cảnh sát London đã đến Đại sứ quán Ecuador để bắt ông Assange theo lệnh bắt giữ của Tòa án Westminster Magistrates ngày 29/6/2012, với cáo buộc ban đầu rằng ông vi phạm các quy định về tại ngoại ở London, cụ thể là trốn nộp tiền bảo lãnh và không xuất hiện trước tòa.

Trong một tuyên bố khác, lãnh đạo cảnh sát Anh cho biết họ bắt nhà sáng lập WikiLeaks theo “yêu cầu Hoa Kỳ” và đương sự sẽ phải xuất hiện trước Tòa Westminster của Anh để đối mặt với việc dẫn độ.

Julian Assange trả lời báo chí từ ban công toà đại sứ Ecuador tại London, ngày 19/5/2017. Ảnh: AP.

Theo Bộ Tư pháp Mỹ, WikiLeaks do Julian Assange thành lập đã phổ biến hàng trăm ngàn tài liệu mật, nhờ sự đồng lõa của nhân viên phân tích tình báo Mỹ Bradley Manning, vào đầu năm 2010. Manning, sau đó chuyển giới và đổi tên thành Chelsea Manning, đã bị kết án 35 năm tù vào năm 2013. Năm 2017, Manning được trả tự do theo quyết định ân xá của Tổng thống Mỹ Barack Obama.

Lệnh bắt của Mỹ đối với nhà sáng lập WikiLeaks được đưa ra vào tháng 12/2017. Nếu bị dẫn độ về Mỹ, Julian Assange có thể chịu mức án nhẹ hơn nhiều so với Manning, vì luật pháp Mỹ dù rất nghiêm khắc với việc làm gián điệp và đánh cắp tài liệu mật nhưng nhẹ tay hơn đối với việc phổ biến thông tin, do những quy định về quyền tự do ngôn luận và tự do báo chí trong Hiến pháp Hoa Kỳ.

Cần lưu ý rằng, hiện cáo buộc đối với ông Assange không liên quan việc WikiLeaks công bố các email bị đánh cắp từ hệ thống máy chủ của đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2016. Chính phủ Mỹ cho rằng những email này đã bị tin tặc Nga chiếm đoạt như một phần trong nỗ lực can thiệp vào cuộc bầu cử. Chính vì vậy, nhà sáng lập WikiLeaks nhiều khả năng sẽ tránh được nguy cơ bị truy tố theo Đạo luật Gián điệp. Nếu bị truy tố về hành vi làm nội gián theo Đạo luật Gián điệp, ông Assange có thể đối mặt với án tử hình – mức án vẫn được áp dụng tại một số tòa án cấp bang và liên bang của Mỹ.

Bộ Tư pháp Mỹ hiện chỉ cáo buộc Assange vi phạm Đạo luật Lừa đảo và Lạm dụng Máy tính (Computer Fraud and Abuse Act), do đã giúp Manning bẻ khóa mật khẩu của Bộ Quốc phòng, nhờ đó nhân viên này có thể đánh cắp hàng trăm ngàn tài liệu. Với tội danh âm mưu tấn công mạng máy tính, hình phạt tối đa cho nhà sáng lập WikiLeaks Julian Assange chỉ là 5 năm tù.

Bộ Tư pháp Mỹ thời Obama không khởi tố nhân vật người Úc này do lo ngại việc này sẽ vi phạm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí trong Hiến pháp, trong trường hợp WikiLeaks được coi là một cơ quan báo chí. Chính quyền Obama cho rằng việc khởi tố sẽ tạo nên tiền lệ nguy hiểm cho việc chính phủ xâm phạm quyền tự do báo chí, dẫn độ và bỏ tù các nhà báo.

Luật sư Jennifer Robinson của nhà sáng lập WikiLeaks, khi trả lời phỏng vấn báo giới trước tòa án ở Westminter, nói: “Việc dẫn độ Assange tạo ra một tiền lệ nguy hiểm cho tất cả các phương tiện truyền thông. Có nghĩa là, bất kỳ nhà báo nào cũng có thể bị dẫn độ và truy tố ở Hoa Kỳ vì đã công bố những thông tin trung thực về nước Mỹ”.

Còn Kristinn Hrafnsson, Tổng biên tập WikiLeaks, thì ngay sau vụ bắt giữ đã gửi đến chính quyền Anh một thông điệp dứt khoát: “Đây là một ngày u ám cho báo chí. Người ta nói đến một âm mưu, nhưng lại là một âm mưu làm tổn hại nghề báo. Việc này cần phải chấm dứt, và chúng tôi đề nghị tất cả mọi người ủng hộ Julian Assange trong cuộc đấu tranh chống lại việc dẫn độ ông”.

Về phần Tổng thống Mỹ đương nhiệm Donald Trump, trong suốt chiến dịch tranh cử năm 2016, ông đã nhiều lần tuyên bố rất ngưỡng mộ Julian Assange. Trump hoan nghênh việc WikiLeaks đăng hàng ngàn email của đảng Dân chủ do tin tặc Nga đánh cắp được. Tuy nhiên, khi được hỏi về vụ bắt giữ nhà sáng lập WikiLeaks, ông chủ Nhà Trắng trả lời rằng ông không biết Julian Assange là ai và nói rằng đây là việc giữa Bộ Tư pháp Mỹ và ông Assange.

Các nhà lập pháp tại lưỡng viện Quốc hội Mỹ thì nhất loạt yêu cầu mở một phiên tòa tại Mỹ để xét xử nhân vật bị đánh giá là “nhân viên tình báo của Nga và gây nguy hại cho an ninh quốc gia của Mỹ”.

Một xe mang biểu ngữ ủng hộ quyền tự do ngôn luận của Chelsea Manning (trái) và Julian Assange (phải) ở London, Anh, ngày 5/4/2019. Ảnh: DANIEL LEAL-OLIVAS/AFP/Getty Images.

Ông Assange sẽ bị dẫn độ về Mỹ?

Julian Assange luôn cho rằng việc ông làm với WikiLeaks chính là hoạt động báo chí. Đây là điều mà Tòa án Westminter phải làm rõ trước khi đưa ra quyết định có dẫn độ ông qua Mỹ hay không.

Báo giới và chính phủ các nước đang theo dõi các phiên tranh tụng diễn ra sắp tới tại các tòa án của Anh. Trước mắt, ông Assange sẽ tiếp tục bị giam giữ cho đến ngày 2/5. Sau đó, nếu Tòa án Westminster tuyên rằng nhà sáng lập WikiLeaks có tội vì vi phạm các quy tắc bảo lãnh ban đầu tại London thì đương sự có thể lãnh mức án tối đa 12 tháng tù. Sau ngày 2/5, ông tiếp tục bị đưa ra xét xử về khả năng dẫn độ qua Mỹ.

Julian Assange trả lời phỏng vấn báo giới từ ban công Đại sứ quán Ecuador tại London, Anh. Ảnh: CBC/AP.

Trước khi rút quy chế tị nạn của nhà sáng lập WikiLeaks, Tổng thống Ecuador Lenín Moreno đã yêu cầu Anh phải đảm bảo không dẫn độ ông Assange đến quốc gia mà đương sự có thể bị tra tấn hoặc lĩnh án tử hình. “Chính phủ Anh đã xác nhận điều này bằng văn bản, theo các quy tắc riêng của Anh”, ông Moreno nói với báo giới. Tuy nhiên, với việc Mỹ truy tố Assange vì hành vi cấu kết với Chelsea Manning để tiếp cận một máy tính bảo mật của chính phủ, London sẽ không vi phạm thỏa thuận nếu giao nộp ông Assange cho Washington.

Cần lưu ý rằng, luật pháp châu Âu nghiêm cấm dẫn độ bất cứ ai có nguy cơ bị tra tấn hoặc lĩnh án tử hình, nhưng Anh vẫn thường xuyên dẫn độ các cá nhân đến Hoa Kỳ, theo thông tin trên trang web của Đại sứ quán Hoa Kỳ tại London.

Tuy vậy, các án lệ liên quan đến việc hack máy tính gần đây ở Anh có thể hướng đến một kết quả thuận lợi cho ông Assange. Năm ngoái, một tòa án ở Anh đã chặn yêu cầu dẫn độ Lauri Love, người bị buộc tội xâm nhập hệ thống máy tính của Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) và các cơ quan chính phủ Hoa Kỳ. Tòa án lập luận rằng đương sự có thể phải đau khổ một cách không đáng có, bị tổn hại nghiêm trọng về sức khỏe nếu bị giam trong hệ thống nhà tù Hoa Kỳ. Năm 2012, chính Bộ trưởng Nội vụ Theresa May, hiện là thủ tướng Anh, đã chặn yêu cầu dẫn độ một hacker tên là Gary McKinnon sang Hoa Kỳ.

Julian Assange (giữa) trong lần xuất hiện tại toà án Anh ngày 13/7/2011 cùng luật sư Amal Clooney (phải). Ảnh: Getty Images.

Ông chủ WikiLeaks cũng có thể sẽ được trả tự do sau khi chấp hành bản án 12 tháng tù nếu thẩm phán Anh cho rằng cáo trạng của phía Mỹ mang động cơ chính trị. Kịch bản này hoàn toàn có khả năng xảy ra bởi đảng Dân chủ đang kiểm soát Hạ viện Mỹ có nhiều lý do để tức giận vì Assange đã công bố các email đánh cắp được từ máy chủ của đảng này, gây bất lợi cho họ trong cuộc bầu cử năm 2016. Chính quyền Tổng thống Trump cũng muốn săn đuổi Assange để chứng tỏ rằng Trump không thông đồng với Nga trong chiến dịch tranh cử và cũng không ủng hộ WikiLeaks vì đã thực hiện hành động có lợi cho mình.

Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định, khả năng London từ chối yêu cầu dẫn độ Assange dưới áp lực Washington là rất thấp, bởi Anh là một trong những đồng minh thân cận nhất của Mỹ và quyết định từ chối dẫn độ vì yếu tố chính trị có thể ảnh hưởng đến quan hệ song phương.

Luật sư của một nữ tình nguyện viên WikiLeaks (người tố cáo bị Julian Assange hãm hiếp tại Thụy Điển năm 2010), cho biết sẽ yêu cầu mở lại điều tra. Thụy Điển từng tuyên bố họ có thể mở lại cuộc điều tra với Assange “khi tình hình thay đổi”, bởi thời hiệu điều tra cáo buộc hiếp dâm của ông này chỉ hết hạn vào năm 2020. Nếu Thụy Điển mở lại điều tra, họ có thể ban hành Lệnh bắt giữ châu Âu (EAW) và yêu cầu Anh dẫn độ Assange qua nước này để xét xử.

Nếu Anh nhận được yêu cầu dẫn độ Assange từ cả Mỹ và Thụy Điển, Bộ Nội vụ Anh sẽ phải quyết định ưu tiên yêu cầu nào trước, dựa trên nhiều yếu tố như tính chất nghiêm trọng của hành vi phạm tội ở từng nước hay ngày họ nhận được yêu cầu dẫn độ.

Trong trường hợp Anh chấp thuận yêu cầu của Mỹ theo hiệp ước dẫn độ được hai nước ký năm 2003, Assange cùng đội ngũ luật sư của mình nhiều khả năng sẽ tham gia vào một cuộc chiến pháp lý lâu dài nhằm chống lại lệnh dẫn độ tại các tòa án của Anh. Sau khi ông Assange bị bắt, Nga đã tố cáo London “bóp nghẹt tự do”. Trong khi đó, Thủ tướng Anh Theresa May tuyên bố “không ai được đứng trên luật pháp”. Các luật sư của WikiLeaks, cùng những người ủng hộ, bày tỏ thái độ kiên quyết đấu tranh chống lại việc dẫn độ ông qua Mỹ. Rafael Correa, cựu Tổng thống Ecuador thời mà Julian Assange xin tị nạn, đã lên án động thái của người kế nhiệm. Trên Twitter, Correa nói Tổng thống đương nhiệm Moreno là “kẻ phản bội lớn nhất trong lịch sử Ecuador nói riêng và Mỹ Latin nói chung”.

Edward Snowden, cựu nhân viên Cơ quan An ninh quốc gia Hoa Kỳ (NSA), người đã tiết lộ những bí mật về chương trình theo dõi người dân của chính phủ Mỹ và Anh, cũng không nằm ngoài cuộc. Trên Twitter, Snowden cho rằng ngày Julian Assange bị bắt là “một ngày đen tối cho tự do báo chí”. Phần mình, Ngoại trưởng Úc Marise Payne tuyên bố sẽ hỗ trợ lãnh sự cho công dân Assange và bà tin rằng ông được đối xử công bằng theo đúng thủ tục pháp lý ở Anh.

Wikileaks là một tổ chức phi lợi nhuận quốc tế chuyên đăng tải các nội dung được gửi đến nặc danh và các thông tin rò rỉ thuộc tài liệu chưa công bố. Website của tổ chức này ra mắt tháng 12/2006. Một năm sau đó, họ tuyên bố đã sở hữu hơn 1,2 triệu đầu tài liệu.

--------------------------










No comments:

Post a Comment

View My Stats