Ngày 18/11/2018, sau cơn mưa lớn kéo dài ở Nha
Trang, một vụ sạt lở nghiêm trọng đã xảy ra tại Khu dân cư cao cấp Hoàng Phú
(Hòn Nghê, phường Vĩnh Hoà). Hồ chứa nước trên núi của dự án nghỉ dưỡng cao cấp
này bị vỡ đã cuốn trôi, san phẳng gần chục ngôi nhà, cướp đi mạng sống của 4
người trong một gia đình thầy giáo. Cư dân địa phương cho rằng vụ sạt lỡ xảy ra
là do vỡ hồ chứa nước (nghi vấn là hồ bơi) trên núi. Tuy nhiên trả lời báo giới
ngay sau khi tai nạn nghiêm trọng này xảy ra đại diện Sở Xây dựng tỉnh Khánh
Hoà nói không có hồ bơi, và chủ đầu tư nói hồ bơi là 'mương đón nước'. Gần một
tháng trôi qua vẫn chưa có một cá nhân nào bị truy tố.
Ngày 21/11/2018, ông Trần Văn Thọ - Phó Giám đốc Sở
Xây dựng tỉnh Khánh Hòa cho biết, theo quy hoạch 1/500 tại khu dân cư Hoàng Phú
(phường Vĩnh Hòa, Nha Trang) thì khu dân cư này có hồ bơi nhưng chưa xác định vị
trí, chủ đầu tư chưa phê duyệt thiết kế thi công nên điểm sạt lở là không có hồ
bơi.
Đại diện Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đầu tư và Phát
triển Thanh Châu (chủ đầu tư) lại khẳng định, việc xây dựng hồ bơi tại vị trí
trên là thực hiện theo quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết (tỉ lệ 1/500)
khu nhà ở cao cấp Hoàng Phú do ông Nguyễn Chiến Thắng (Chủ tịch UBND tỉnh Khánh
Hòa), ký ban hành ngày 18/7/2011. (1)
Không có một đại diện nào từ Sở Xây dựng hay Sở Tài
Nguyên Môi Trường đến thăm viếng gia đình thầy giáo có 4 người tử nạn cùng lúc
trong ngày 18/11/2018. Sự việc cũng đã gây phẫn nộ trong dư luận.
Ngày 6/12/2018, tại kỳ họp HĐND tỉnh Khánh Hoà, các
đại biểu đã truy vấn trách nhiệm của Sở Xây dựng giám đốc sở Lê Văn Dẽ đối với
dự án gây sạt lở chết người. Và sau nhiều lần vòng vo ông Dẽ mới thừa nhận
"sẽ nghiêm túc rút kinh nghiệm, nghiêm túc chỉ đạo khắc phục…" (2)
Không thấy truy vấn đến trách nhiệm của người đã ký
quyết định phê duyệt dự án là ông Nguyễn Chiến Thắng – cựu Chủ tịch UBND tỉnh
Khánh Hoà, thủ phạm tàn phá cảnh quan thiên nhiên và môi trường biển Nha Trang
với hàng loạt dự án nghỉ dưỡng.
Gần 1 tháng qua đi, 4 mạng người trong một gia đình
đã từ giã cõi đời, gần chục hộ dân khác phải sống cảnh màn trời chiếu đất, chỉ
nhận được một lời hứa “sẽ nghiêm túc rút kinh nghiệm”.
Ai sẽ chịu trách nhiệm cho tất cả những gì xảy ra?
Hay vẫn như bao năm qua cơ quan công quyền sẽ kéo dài sự việc cho đến khi gia
đình các nạn nhân mòn mỏi, kiệt quệ vì chờ đợi rồi sự việc sẽ chìm xuồng.
Quyết định đã ký, nhà đã sập, người đã chết, và những
vị quan chức vẫn an nhiên với cái bóng trách nhiệm của họ.
Đừng để thêm một người dân nào phải chết oan vì sự tắc
trách của những người có thẩm quyền phê duyệt dự án như trong sự cố trên.
8/12/2018
---------------------------
Chú
thích:
-----------------------------------
Trong nhiều năm gần đây, Việt Nam thường xuyên hứng
chịu những trận ngập lụt lịch sử. Các tỉnh ven biển chuyên thu hút khách du lịch
như Quảng Ninh, Đà Nẵng, Nha Trang, Phan Thiết, Phú Quốc… đối mặt với nguy cơ bị
huỷ hoại môi trường trầm trọng. Liệu đó có phải là biến đổi khí hậu hay ảnh hưởng
thiên tai như thông tin được định hướng?
Tôi vẫn nhớ cuối năm 2016, khi Nha Trang hứng chịu
trận lụt lịch sử, lúc nằm trên nền đá lạnh ngắt tôi đã nghĩ về những dự án của
Vin Group, Mường Thanh, Hà Quang… Họ lấn biển, lấp sông Quán Trường, thay đổi
dòng chảy.. với mục đích khai thác du lịch, đầu tư địa ốc.. Người dân nghèo bị
xua ra khỏi nơi mà họ đã sinh ra và lớn lên để đến những khu vực xa hơn đầy
nguy hiểm như Hòn Sện, Hòn Nghê, khu dân cư Đất Lành…
Hai năm sau, khi tôi đã đặt chân đến Hoa Kỳ, Nha Trang quê nhà của tôi vẫn ngập, đã có người chết.. Và vẫn là hậu quả từ các dự án địa ốc, chung cư đã được phê duyệt, cấp phép đúng quy trình trước đó!
Quảng Ninh, Phan Thiết, Phú Quốc cũng tương tự. Tốc
độ chặt cây, quy hoạch đô thị khiến cho những thảm rừng xanh tốt dần mất đi nhường
chỗ cho các toà nhà cao tầng, những khu nghỉ dưỡng sang trọng, các căn hộ chung
cư đắt tiền mọc lên. Không gian công cộng dành cho người dân dần dần bị lấn chiếm.
Nhưng có mấy ai để ý đến việc đó? Sự im lặng và khả năng chịu đựng của người Việt
Nam thật ngoài sức tưởng tượng.
Gần đây nhất, tập đoàn Sun Group (SGrp) với tên gọi
đầy đủ là Công ty Cổ phần Mặt Trời, một cái tên khá nổi tiếng trong lĩnh vực
kinh doanh du lịch nghỉ dưỡng, bất động sản cao cấp, khu vui chơi giải trí tiếp
tục dự án Công viên Đại Dương tại bán đảo Sơn Chà gây nhiều tranh cãi. Môi trường
biển sẽ bị xáo trộn. Khu vực sinh sống của loài voọc chà vá chân nâu, một loại
động vật quý hiếm trong sách đỏ sẽ bị tác động. Ai quan tâm đến chuyện đó ngoài
những người đã từng lên tiếng và nhận sự trừng phạt từ các lãnh đạo đảng Cộng sản
Việt Nam – những người gắn liền lợi ích kinh tế với quyền lực chính trị?
Nhiều người nói tôi cực đoan, nói tôi lo xa khi có
cái nhìn bi quan với những dự án của các tập đoàn như Vin Groups, Sun Groups,
Mường Thanh… Họ xây dựng để thu hút khách du lịch, để kéo đầu tư đến Việt Nam…
Tôi đồng ý về việc phát triển du lịch. Nhưng vấn đề quan trọng hơn, là chúng ta
đi sau thế giới, chúng ta có các bài học kinh nghiệm từ các quốc gia khác. Đến
nay, mục tiêu cuối cùng cũng vẫn là giữ gìn thiên nhiên, phát triển gắn liền với
an sinh cho người dân địa phương thì Việt Nam không thể đảm bảo. Bạn có biết vì
sao Thái Lan vẫn giữ nguyên vẻ hoang sơ của bãi biển, không thay cát, không xây
dựng, không chặt phi lao đi không? Bạn có biết họ cố gắng gìn giữ thiên nhiên
ra sao trong khi quy hoạch du lịch hay không? Bạn có biết các nước có nền du lịch
phát triển họ gìn giữ cuộc sống bản địa để khách tham quan có thể học hỏi văn
hoá và muốn quay trở lại nhiều lần vì khao khát tìm tòi và tận hưởng sự chân
phương không?
Làm du lịch cũng cần phải có văn hoá, và quan trọng
hơn là phải gìn giữ thiên nhiên cho mai sau.
Ai sẽ trả được nợ cho con cháu nếu cứ tiếp tục xẻ núi, lấn biển, lấp sông, chặt cây?
Các tập đoàn do người Việt từ Đông Âu quay về Việt Nam điều hành đều có tham vọng. Họ khéo léo che giấu tham vọng của mình dưới những mỹ từ như “phát triển”, “đưa Việt Nam ra với thế giới”. Nhưng trên thực tế, họ đã huỷ hoại thiên nhiên, khai thác cạn kiệt cảnh quan môi trường để làm giàu và phục vụ cho bộ máy chính trị đã trao cho họ quyền thao túng đất đai.
Tham vọng của các nhóm lợi ích kinh tế, kết hợp với sự bảo kê của bộ máy chính trị chịu ảnh hưởng từ Bắc Kinh khiến du lịch Việt Nam tuy đạt được thành tích về con số khách tham quan (chủ yếu đến từ Trung Quốc) nhưng mất đi bình yên vốn có.
Bao nhiêu sai phạm, bao nhiêu khuất tất trong các dự án đều được ém nhẹm. Các tập đoàn lớn như Vin Group, Sun Group, Mường Thanh.. rất khôn khéo trong việc dùng các hợp đồng quảng cáo dài hạn để tháo bài, gỡ tin, để ‘xử lý khủng hoảng thông tin’.
Họ mua sự im lặng rất bài bản.
Mối nguy hại lớn hơn từ tham vọng của các tập đoàn
là vẻ đẹp thiên nhiên, môi trường sống của những người dân địa phương bị ảnh hưởng
nặng nề. Nếu bạn ở Nha Trang, hãy lắng nghe người dân Xóm Cồn nói, nếu bạn ở Đà
Nẵng, hãy lắng nghe những tâm tư của cư dân Sơn Chà, Bà Nà…
Bạn còn định thờ ơ đến bao giờ?
Tham vọng của các tập đoàn, sự thuần phục Bắc Kinh là tội ác.
Những gì xảy ra hôm nay, chúng ta sẽ phải trả lời với con cháu trong tương lai, bạn còn định im lặng đến bao giờ?
No comments:
Post a Comment