Saturday, 1 December 2018

NGUYỄN MẠNH CÔN, NHÀ VĂN CAN ĐẢM CHỌN CÁI CHẾT TRONG TÙ (Vương Trùng Dương)




Vương Trùng Dương

Bài nầy có tính cách tổng hợp vì dựa vào các bài viết của bạn văn, bạn tù với nhà văn Nguyễn Mạnh Côn, khi kiểm chứng lại thấy rõ ràng và chính xác nên trích dẫn nguyên văn, nhất là Duyên Anh với sự hệ lụy đến cái chết của Nguyễn Mạnh Côn trong trại tù.

*
Nguyễn Mạnh Côn sinh ngày 7 tháng 5 năm Canh Thân (1920) tại Hải Dương, thuở nhỏ học ở Hà Nội. Ngoài tên thật, ông còn ký bút hiệu: Nguyễn Kiên Trung, Kỳ Hoa Tử, Đằng Vân Hầu. Năm 1939, ông cộng tác với báo Đông Pháp, năm 1945 với báo Thống Nhất.
Có tài liệu nói rằng năm 1942-1943, ông cũng từng là sĩ quan trong quân đội Nhật Bản, khi đội quân này đổ bộ vào Bắc Kỳ vào tháng 9 năm 1940.
Năm 1949-1950, Nguyễn Mạnh Côn vào Trường Võ Bị Trần Quốc Tuấn  ở Sơn Tây. Năm 1951, ông hồi cư về Hà Nội, rồi đi dạy học tư.

Năm 1954, ông di cư vào Nam làm việc ở đài phát thanh Sài Gòn. Sau đó, làm Chủ Nhiệm kiêm Chủ Bút báo Chỉ Đạo (1956-1961), Chủ Bút báo Văn Hữu, cộng tác với các báo ở Sài Gòn.

Theo ghi nhận của Đổ Quý Toàn (Ngô Nhân Dụng) “Nhà văn Nguyễn Mạnh Côn có một trí thông minh rất đặc biệt, tuy rằng anh sinh vào thời chiến tranh, không hưởng được nền học vấn có tính cách chính thức trên ghế nhà trường. Nhưng trí óc thông minh của anh rất bén nhọn, anh quan tâm đến tất cả mọi vấn đề trong phạm vi trí thức của nhân loại”.

Trí tuệ và ngòi bút của Nguyễn Mạnh Côn với cái nhìn của người bạn văn Nguyễn Triệu Nam: “Nguyễn Mạnh Côn là một văn sĩ có chân tài. Kiến thức phong phú. Bút pháp linh thông. Văn phong bình dị, trong sáng. Văn mạch sung mãn, bất tận. Văn thái chuyển biến linh hoạt theo từng tình huống. Khi cần thì viết như một nhà thông thái, hoặc như một nhà phân tâm học”.

Về tiểu sử Nguyễn Mạnh Côn theo ghi nhận của người bạn văn Viên Linh năm 2014:
“Tấm hình căn cước của Nguyễn Mạnh Côn tôi có trong tay, phía sau chính anh nắn nót viết kiểu chữ in tên họ của mình. Tôi nghĩ hình chụp vào năm 1956, hay 57, trong quân phục, cổ áo có dấu chiếc lon đã được bóc ra, có lẽ là lon thiếu úy, hay trung úy. Anh là sĩ quan đồng hóa. Phía sau tấm hình viết: 15.3.1920. Hải Dương, Bắc Việt. (Hình như nhằm ngày 7 tháng 4 năm Canh Thân. Sinh quán làng Ðông Hy, phủ Ninh Giang). Giải Văn Chương Toàn Quốc năm 1957. Năm 1975, anh được mời vào Hội Ðồng Giám Khảo Văn Chương Toàn Quốc.
Thuở ấu thơ anh theo mẹ và cha, cách anh viết, “mẹ và cha,” không phải cha mẹ, đi khắp nơi trên đất Bắc. Từ năm 13 tuổi, anh học ở trường tư thục Thăng Long, Hà Nội. Năm 1940, anh vượt biên, tới mãi Hương Cảng. Không ai rõ lý do, song theo một bài anh viết mà tôi được đọc, thì anh Côn hoạt động trong Việt Nam Quốc Dân Ðảng…
Kháng chiến chống Pháp bùng nổ, tháng 12, 1945, anh rút lên chiến khu Việt Bắc. Từ đây, cuốn Ðem Tâm Tình Viết Lịch Sử viết dưới bút hiệu Nguyễn Kiên Trung, có thể kể là một giai đoạn hoạt động thực sự ngoài đời của anh, nếu không hoàn toàn giống, thì cũng rất gần với thực tế. Năm 1952, Nguyễn Mạnh Côn trở về Hà Nội, năm sau ra Hải Phòng, dạy học tại thành phố biển này cho đến năm 1955 thì vào Nam…”.

Theo Thế Uyên “Một lần tôi hỏi đùa anh: Chữ Côn tên anh có phải là cái gậy, như trường côn đoản côn không? Anh đã trả lời: Côn là một loại cá kình cá ngạc của đại dương, tương tự đại bàng bay ba ngàn dặm trên trời cao. Bố anh đã đặt tên Mạnh Côn với ký vọng anh sẽ tung hoành ngang dọc sau này. Nhưng câu trả lời của cuộc sống nhiều khi bất ngờ: Anh đã không lập danh bằng đường võ, có lẽ một phấn do thế xác yếu ớt mặc dù đã có thời anh thử bằng cách nhận một chức trung úy đồng hóa không dẫn tới đâu cả. Anh cũng không thành công trong khoa cử! Nhưng anh lại thành công trong văn chương và tư duy, và với lối viết nhiều sáng tạo, đi vào cả “vùng cấm địa” của các cụ Nguyễn Đình Chiểu, thế giới siêu nhiên của khoa học giả tưởng, và sau này đi vào cả địa hạt tư duy chính trị có thị kiến viễn kiến vối cuốn sách khá dày Hòa Bình. Nghĩ Gì. Làm Gì?. Đúng anh là một thứ cá côn, vùng vẫy thoải mái một thời, trong thế giới chữ nghĩa”.

Tác phẩm:
– Việt Minh, Ngươi Đi Đâu (1957)
– Đem Tâm Tình Viết Lịch Sử (1958), đoạt Giải Thưởng Văn Chương toàn quốc.
– Kỳ Hoa Tử (1960)
– Truyện Ba Người Lính Nhảy Dù Lâm Nạn (1960)
– Lạc Đường Vào Lịch Sử (1965),
– Con Yêu Con Ghét (1966)
– Mối Tình Màu Hoa Đào (1967)
– Giấc Mơ Của Đá (1968)
– Tình Cao Thượng (1968)
– Đường Nào Lên Thiên Thai (1969)
– Hoa Bình… Nghĩ Gì… Làm Gì (1969)
– Sống Bằng Sự Nghiệp (1969)
– Yêu Anh Vượt Chết (1969)
Mối Tình Màu Hoa Đào (1967), lý thuyết triết học, tác giả viết cho bạn trẻ. Dòng cuối trong Thay Lời Tựa: “Tôi chân thành mong cùng các bạn giắt tay nhau đến đời sống có yên vui, và tiến bộ”.








No comments:

Post a Comment

View My Stats