Monday, 3 December 2018

MỸ - TRUNG ĐÌNH CHIẾN - AI THẮNG? AI BẠI? (tổng hợp)




Thạch Đạt Lang
04/12/2018

Sau cuộc gặp mặt bên lề vào tối 01.12.2018 tại Buenos Aires giữa Donald Trump và Tập Cận Bình, Mỹ và Trung đạt được một thỏa thuận tạm ngưng cuộc chiến thương mại do ông Donald Trump khởi xướng từ đầu năm 2018. Thương chiến Mỹ – Trung sẽ tạm ngưng trong 90 ngày để hai nước tiến hành những đàm phán về chuyển giao công nghệ, sở hữu trí tuệ…

Theo thỏa thuận giữa lãnh đạo hai nước, Mỹ sẽ không tăng thuế trên gói hàng trị giá 200 tỉ USD nhập khẩu của Trung Quốc từ 10% lên 25% kể từ ngày 1/1/2019 như Trump tuyên bố trước đây. Hai nước sẽ tiếp tục gặp nhau tại Washington D.C trong thời gian sắp tới để bàn thêm chi tiết. Nếu mọi thỏa thuận được thi hành nghiêm chỉnh, thương chiến sẽ chấm dứt. Có nghĩa là, cuộc chiến thương mại đã tạm ngưng tiếng súng để đàm phán tiếp tục, nhưng mỗi bên đã có những nhượng bộ rõ ràng.

Mọi người thở ra nhẹ nhõm, phòng ăn tối vang lên những tiếng vỗ tay rộn ràng khi cuộc gặp kéo dài hơn 2 tiếng rưỡi, kết thúc với những tuyên bố thành công từ cả hai phía. Chưa biết những thỏa thuận này có giống như thỏa thuận giữa Donald Trump và Kim Jong-Un ở Singapore trong tháng 6 năm nay không, chúng ta hãy kiên nhẫn chờ đợi.

Giữa những niềm vui, những tiếng vỗ tay đầy “hồ hởi, phấn khởi”, không ít những tiếng thở dài, buồn bã vì chiến tranh Mỹ-Trung chấm dứt mà Trung Cộng vẫn vững vàng, không chịu sụp đổ theo kỳ vọng “bất chiến tự nhiên thành” của họ.

Không ai rõ những gì đã được thảo luận trong cuộc gặp mặt giữa hai lãnh đạo Trump-Tập, nhưng theo tuyên bố của Thư ký Báo chí tòa Bạch Ốc, cuộc họp thành công tốt đẹp, cho dù hai bên chưa ký kết bằng “mực đen trên giấy trắng”. Thế thì ai là người thắng, kẻ bại trong cuộc chiến thương mại do ông Donald Trump khởi xướng?

Thật khó để có thể tổng kết chính xác thiệt hại của hai bên trong cuộc chiến vừa qua vì chắc chắn dưới chế độ độc tài của Tập Cận Bình, mọi dữ kiện, số liệu báo cáo đều bị che giấu hay giảm thiểu đến mức thấp nhất. Người ta chỉ có thể tạm sơ kết, thống kê những thiệt hại mà phí Mỹ phải gánh chịu.

Cho đến giớ phút này, chưa có con số chính xác nào được đưa ra, nhưng ai cũng có thể thấy hậu quả của cuộc chiến là 2 công ty sản xuất xe hơi lớn nhất của Mỹ là GM và Ford đã phải sa thải hàng chục ngàn nhân viên. Ngoài ra tổ hợp Tesla cũng mua đất xây dựng nhà máy Gigafactory 3 ở Thượng Hải.

Bên cạnh đó, giá nông sản ở Mỹ, đặc biệt là đậu nành xuống thấp kỷ lục trong vòng 10 năm nay, khiến nông dân ở các tiểu bang miền Trung Tây nước Mỹ khốn đốn trong mấy tháng qua. Hiện số lượng đậu nành bán sang Trung Quốc theo số liệu giữa tháng 10/2018, giảm 94%, nên nông dân các tiểu bang miền Trung Tây nước Mỹ như North Dakota, Wyoming, Missouri… chưa biết phải giải quyết số lượng đậu nành tồn kho này như thế nào. Cái cổng xuất cảng đậu nành lớn nhất của Mỹ sang Trung Quốc đã bị đóng kín, theo thỏa thuận mới sẽ được mở ra, ngay lập tức, cổ phiếu đậu nành cho tháng tới, tăng 1,7%.

Theo ước tính của Agri Pulse, cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đã khiến cho nông dân Mỹ thiệt hại khoảng 13 tỉ đô la. Con số này phù hợp với số tiền chính phủ Mỹ chi ra để trợ giúp nông dân 12 tỉ của ông Donald Trump trong cuộc chiến.

Các giả thuyết cho rằng, khi thương chiến xảy ra, số lượng hàng hóa sản xuất từ Trung Quốc nhập vào Mỹ sẽ giảm. Do thuế suất tăng, nên giá sẽ tăng theo, người tiêu thụ sẽ mua sắm ít đi. Nhưng trên thực tế, Mỹ vẫn tiếp tục nhập siêu từ Trung Cộng. Trong 9 tháng đầu năm 2018, thâm thủng mậu dịch của Mỹ với Tàu Cộng hơn 301 tỉ Mỹ kim.

Như vậy, ngoài những hậu quả trực tiếp do cuộc chiến thương mại gây ra cho các ngành công nghiệp xe ô tô, kỹ nghệ sắt thép, nông dân…, ngay cả người tiêu thụ cũng bị ảnh hưởng gián tiếp, là điều mà nhiều người không nhận ra.

Khi một món hàng bị tăng thuế suất, ai là người lãnh hậu quả cuối cùng? Nhà sản xuất, công ty buôn bán sỉ và lẻ, hay là người tiêu thụ? Chắc chắn là người tiêu thụ bởi người ta có thể tạm thời, trì hoãn, không mua một chiếc xe giá vài chục ngàn đô la, nhưng chắc chắn vẫn phải ăn, mặc, dùng smart phone, microwave, laptop… hàng ngày.

Khi thuế suất tăng lên, những người kinh doanh không thể bán giá cũ, họ bắt buộc phải nâng giá để lấy thêm khoản thuế nộp cho chính phủ, bởi nếu giữ giá cũ họ sẽ không có lời. Rõ ràng là giới tiêu thụ hay người dân Mỹ chính là nạn nhân trực tiếp của cuộc chiến thương mại do ông Trump gây ra.

Nhiều chuyên gia, giáo sư kinh tế ở các đại học nổi tiếng của Mỹ như Harvard, Cornell… những người từng được giải Nobel kinh tế đã khuyến cáo Trump không nên gây ra cuộc chiến thương mại vì sẽ không có kẻ thắng, người thua mà chỉ có bị thiệt hại nhiều hay ít hơn đối thủ mà thôi. Tuy nhiên, ông Trump không nghe theo dù ông không lường trước những tác hại của việc ông đang làm.

Trong bài Người Việt Dễ Dụ đăng trên Tiếng Dân ngày 22.10.2018, người viết đã từng tiên đoán là chiến tranh thương mại Mỹ-Trung sẽ ngưng khi 2 bên đạt được một thỏa thuận. Điều này đã trở thành hiện thực sau khi Trump và Tập gặp nhau buổi tối 01.12.2018, bên lề cuộc họp thượng đỉnh của lãnh đạo các nước G-20.

Vậy ai thắng, ai bại trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung vừa qua? Bại thì chắc chắn là dân Mỹ và Tàu. Thế còn ai thắng? Dạ thưa, gia đình Donald Trump! Ngoài giấy phép cấp thêm 16 mặt hàng nhãn hiệu Ivanka được phép sản xuất ở Trung Quốc, cấp ngày 06.11.2018, đúng ngày bầu cử giữa kỳ ở Mỹ, qua đầu năm sau, gia đình Trump sẽ còn được lại quả nhiều món khác nữa.

Thế thì, bao giờ Tầu Cộng mới sụp đổ để Việt Cộng chết theo?

-------------------------
Karishma Vaswani
Phóng viên BBC mảng kinh doanh Á châu
3 tháng 12 2018

Mỹ-Trung: Trump cho Tập thêm thời gian hay TQ đang thắng?

Sau hàng tháng trời đe dọa và 'ăn miếng trả miếng' lẫn nhau, một 'món quà Giáng sinh' đúng nghĩa đã xuất hiện khi cả Mỹ và Trung Quốc thống nhất tạm dừng áp thuế quan.

Hành động nối lại tình hữu nghị này giữa Mỹ và Trung Quốc mang đến 'thoáng chốc thư giãn' cho cả thị trường và các nhà đầu tư.
Thị trường cổ phiếu tại Châu Á được kỳ vọng sẽ sáng sủa hơn do lo ngại của các nhà đầu tư về chiến tranh thương mại vào thời điểm bắt đầu của năm 2019, sẽ dần 'tan đi'.
Và bạn cũng không nên ngạc nhiên bởi điều này.

Chiến tranh thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới được coi là một yếu tố rủi ro rất lớn với các nhà đầu tư trong năm nay, vì nó ảnh hưởng và đe dọa đến dự báo kinh tế của rất nhiều các quốc gia trong khu vực châu Á Thái Bình Dương.

Mặc cho những lời dự đoán đầy ảm đạm về bữa tối có lẽ được theo dõi nhiều nhất trên thế giới, bao gồm từ cả tôi, mối quan hệ cá nhân giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và chủ tịch Tập Cận Bình dường như là một yếu tố gắn kết để cả hai phía Mỹ và Trung Quốc đồng ý với những thỏa thuận mà có vẻ như quan điểm trước đây của hai bên hoàn toàn đối lập.

Nhưng luôn là vậy, không có quá nhiều chi tiết được nhắc đến trong thỏa thuận.
Vì vậy, hãy cùng phân tích một cách chi tiết hơn về thỏa thuận này.


Một thỏa thuận tốt cho cả hai?

Cả tờ Trung Quốc Nhật báo (China Daily) lẫn đài truyền hình quốc tế CGTN đều nói rằng Tổng thống Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình đã đồng ý việc tạm dừng áp thuê mới từ ngày 1/1/2019.

Chủ tịch Tập đã phải 'vật lộn' đối phó với nền kinh tế đang ngày càng 'chậm đi' tại Trung Quốc.
Các nhà phân tích chỉ ra rằng ông Tập đang chịu áp lực lớn phải trở về nước với một số thỏa thuận mà không gây ra thêm 'đau đớn' nào cho các nhà sản xuất Trung Quốc.
Một vài bằng chứng cho thấy các công ty Trung Quốc đang dần gánh chịu 'nỗi đau' từ cuộc chiến thương mại, nhưng hiện tại, ở mức 10% thì họ vẫn có thể quản lý được.
Tuy nhiên mức tăng 25% sẽ thay đổi hoàn toàn mọi thứ.

Tương tự như phía chính quyền Tổng thống Trump.
Các nhóm vận động hành lang đã gây sức ép cho ông Trump gạt qua mối bất hòa với Trung Quốc và chỉ ra rằng mức thuế cao hơn đồng nghĩa cũng sẽ dẫn đến mức giá cao hơn cho các nhà sản xuất Mỹ, từ đó cũng sẽ dẫn đến mức giá cao hơn cho những người tiêu dùng Mỹ.

Trước đây, ông Trump thường gạt qua những mối bận tâm trên, nhưng thỏa thuận lần này sẽ giúp ông trông 'mạnh mẽ' hơn khi quay lại Mỹ, đồng thời cũng cho phép nhiều công ty Mỹ có thêm thời gian để tìm hiểu xem cần phải làm gì nếu như những bộ thuế quan tiếp theo đi vào hiệu lực.

Mỹ thu về những gì?

Phía Mỹ hóa ra lại có được những lợi thế tốt hơn trong thỏa thuận này.
Tổng thống Trump đã thuyết phục được phía Trung Quốc thảo luận về những vấn đề mà chính quyền ông đang gặp phải với cách thức kinh doanh của Trung Quốc và một thỏa thuận khiến phía Trung Quốc phải mua một 'số lượng lớn' những sản phẩm nông nghiệp, năng lượng và công nghiệp từ phía Mỹ.

Ngoài ra, Mỹ còn đạt được thỏa thuận trong thương vụ Qualcomm mua lại nhà sản xuất chip NXP, 'một nạn nhân' của chiến tranh thương mại.
Chủ tịch Tập nói ông tương đối 'cởi mở' trong việc phê chuẩn thương vụ này, sau khi Bắc Kinh đã từng không duyệt chấp thuận việc sát nhập này hồi đầu năm.

Tổng thống Trump cũng ca ngợi Trung Quốc trong vấn đề Bắc Triều Tiên - một phần quan trọng trong mối quan hệ của ông với Chủ tịch Tập, và rằng cả hai sẽ làm việc để hướng tới một bán đảo Triều Tiên phi hạt nhân.
Nhưng phía Trung Quốc cũng đảm bảo 'ngôn từ' trong thỏa thuận lần này là mơ hồ và không ràng buộc, tức không rõ Trung Quốc sẽ 'mở cửa' đến đâu và sẽ mua bao nhiêu sản phẩm từ phía Mỹ.

Thời điểm tiến hành

Đây là một phần quan trọng trong thỏa thuận.

Cả Trung Quốc và Mỹ đều đồng ý bất đầu thương lượng ngay lập tức về những thay đổi liên quan đến chuyển giao công nghệ, bảo vệ sở hữu trí tuệ, hàng rào phi thuế quan, tấn công và xâm nhập không gian mạng, dịch vụ và nông nghiệp trong vòng 90 ngày tới.

Nếu như cả hai không đạt được thỏa thuận, mức thuế quan 10% sẽ tăng lên mức 25%.
Hạn chót này sẽ vượt qua kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán của Trung Quốc, và về cơ bản cả hai sẽ có thêm thời gian.

Mỹ muốn Trung Quốc từ bỏ việc chuyển giao công nghệ và giúp các công ty Mỹ tiếp cận được nhiều hơn với thị trường Trung Quốc.
Nhưng mọi thứ đang dần thay đổi ở Bắc Kinh, theo một bài xã luận trong Global Times.
Trong số ra ngày hôm nay, bình luận về thỏa thuận tạm dừng áp thuế giữa ông Tập và ông Trump, báo này có nói:
"Bất kỳ quyết định nào có lợi cho sự phát triển của Trung Quốc thì luôn đúng".
Có lẽ thỏa thuận lần này cũng rất đáng để phía Trung Quốc phải 'hy sinh'.

Tuy nhiên, việc Trung Quốc 'hy sinh' bao nhiêu sẽ là chìa khóa quan trọng cho thỏa thuận tạm dừng thuế quan lần này, và quyết định thỏa thuận này sẽ chỉ là tạm thời hay lâu dài cho mối quan hệ Mỹ-Trung.

-------------------------------
Xem thêm tin về Mỹ-Trung:






No comments:

Post a Comment

View My Stats