07/12/2018
Năm
2018 đánh dấu nhiều biến cố lịch sử lớn. Đáng kể nhất là ngày 11 tháng 11, tưởng
niệm 100 năm Thế Chiến Một chấm dứt. Tháng 12, ngày 10 sắp tới, là kỷ niệm 70
năm sự ra đời của bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền (TNQTNQ).
Bà Eleanor
Roosevelt, vợ của cố tổng thống Hoa Kỳ Franklin D. Roosevelt,
được Liên Hiệp Quốc giao nhiệm vụ điều hợp Ủy
ban Nhân Quyền để tiến hành soạn thảo bản tuyên ngôn này vào năm 1946.
Mất hai năm để soạn thảo, và nhiều tháng thảo luận và tranh luận, cuối cùng bản
tuyên ngôn đã được đa số thông qua ngày 10 tháng 12 năm 1948.
Bà Eleanor Roosevelt được Liên Hiệp Quốc giao nhiệm vụ điều hợp Ủy ban
Nhân Quyền để tiến hành soạn thảo bản tuyên ngôn vào năm 1946.
Trong 70 năm qua, giá trị và tinh thần của bản
TNQTNQ đã tác động lên hàng triệu, nếu không phải là hàng tỷ, người trên khắp
thế giới, những con người khát khao được sống có nhân phẩm và tự do. Nó đã ảnh
hưởng và thay đổi nền chính trị quốc gia và quốc tế một cách đáng kể. Nó là động
cơ thúc đẩy bao nhiêu người mạnh dạn đứng lên giành lấy quyền làm người, quyền
làm chủ cuộc sống của mình và làm chủ đất nước mình. Đối với họ, quyền con người
là bình đẳng cho mọi người chứ không chỉ là ngoại lệ cho một thiểu số nào đó.
TNQTNQ, do đó, cũng chính là ám ảnh lớn nhất của các
chế độ độc tài.
Từ Tuyên ngôn Độc lập của Hoa Kỳ năm 1776 rằng mọi
người được sinh ra bình đẳng, được ban cho các quyền bất khả xâm phạm, trong đó
có quyền sống, tự do và mưu cầu hạnh phúc. Đến Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền rằng mọi người được
sinh ra tự do và bình đẳng về nhân phẩm và quyền hạn; họ được ban cho lý lẽ và
lương tâm và nên hành xử với nhau trong tình huynh đệ.
Về khía cạnh lịch sử thì đây là sản phẩm của Hoa Kỳ.
Nhưng về tư tưởng thì không phải. Các nhà lập quốc Hoa Kỳ, kể cả Thomas
Jefferson, đã nghiên cứu và học hỏi từ nền chính trị tại Anh quốc và châu Âu,
và vay mượn các ý tưởng và tư tưởng của các triết gia thời đại Khai sáng thế kỷ
17 và 18. Nhưng các nhà lập quốc Hoa Kỳ đã dứt khoát về mặt tư tưởng, bỏ hẳn chế
độ quân chủ, do đó hành động của họ mang tính cách mạng. Họ có công rất lớn
trong việc tiên phong thử nghiệm thành công và đặt nền tảng đầu tiên để xây dựng
một chế độ dân chủ vững mạnh, bảo đảm quyền lực được phân tán sâu rộng, và được
cân bằng và kiểm soát, mà chủ yếu là làm sao quyền lực của mọi chính quyền từ
đó về sau không tập trung quá mạnh để bị lạm quyền và hư hỏng. Như thế mới bảo
đảm được các quyền và tự do của mọi công dân trong xã hội.
Sự thành công của Hoa Kỳ đã khuyến khích và động
viên bao quốc gia khác trên toàn thế giới tìm hiểu các mô hình nhà nước thích hợp
để xây dựng nền chính trị của quốc gia mình.
Ông Hồ Chí Minh cũng đã vay mược tinh thần của Tuyên
ngôn Độc lập Hoa Kỳ để đọc tại quảng trường Ba Đình ngày 2 tháng 9 năm 1945, và
còn khẳng định đó là những lẽ phải không ai có thể chối cãi được. Nhưng sau khi
lên cầm quyền ở miền Bắc, và rồi toàn nước sau 30 tháng 4 năm 1975, chính ông,
những người thừa kế, và chế độ ông hình thành, đã một mực chối cãi và chối bỏ tất
cả, để đến hơn 70 năm sau, tự do vẫn không hề hiện hữu. Tự do vẫn chỉ là trong
cửa miệng của quan quyền, của cán bộ, của công an, thuộc chế độ này. Họ ngồi xỏm
lên hiến pháp và pháp luật, đúng hay sai không dựa trên pháp luật gì cả mà là
do cái lưỡi không xương của họ quyết định. Quyền sinh sát vẫn nằm trong tay một
thiểu số đang cai trị đất nước tuyệt đối và toàn diện.
Trong khi đó, trên 70 năm qua, bao nhiêu quốc gia
trước đây thuộc hạng lạc hậu, nghèo nàn, thì giờ đây đã trở thành những con rồng
con hổ trong vùng và trên thế giới, và đã tiến bộ đáng kể về dân chủ và nhân
quyền. Nên nhớ rằng vào năm 1941, giữa Thế Chiến Hai, lúc đó chỉ còn lại 11 quốc
gia có nền dân chủ. Điều này làm cho tổng thống Roosevelt lúc
đó quan ngại rằng có thể là điều bất khả để bảo vệ “ngọn lửa dân chủ vĩ đại từ
bóng tối bao trùm bởi bạo tàn”. Nhưng thế cờ thay đổi sau khi Hoa Kỳ và đồng
minh chiến thắng năm 1945. Đáng kể nhất là sau khi Chiến tranh Lạnh chấm dứt. Đến năm
2000, tức trên năm thập niên sau TNQTNQ, tổ chức Freedom House nhận định có
120 quốc gia, tức khoảng 63 phần trăm dân số toàn cầu, là dân chủ. Khi mở ngoặc
ở đây là trong 13 quốc gia
mà Freedom House liệt kê thuộc dạng áp bức nhất trên thế giới lúc đó thì có ba
nhà nước độc đảng là Cuba, Bắc Hàn và Việt Nam, tám nước kia đều là nước mà người
đạo Hồi chiếm đa số, và hai nước còn lại bị cai trị bởi độc tài quân phiệt.
Trong 12 năm qua, cũng theo tổ chức Freedom
House, thì dân chủ đã bị khủng hoảng, trong đó quyền chính trị và tự do
công dân đã xuống mức thấp nhất trong một thập niên qua. Hoa Kỳ, nước tiên
phong và thành trì về nhân quyền trong suốt bảy thập niên qua, tuyên
bố rút khỏi Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc (hậu thân của Ủy ban
Nhân quyền LHQ hoạt động từ năm 1937 đến 2006) vào ngày 19 tháng Sáu năm nay.
HĐNQ đã làm mất đi giá trị và lý tưởng của mục tiêu ban đầu bởi vì những quốc
gia vi phạm nhân quyền trầm trọng lại được bầu vào đây và họ đồng lõa nhau để
tránh sự
giám sát. Trong HĐNQ gồm 47 thành viên thì năm 2018 có 21 quốc gia tự do,
12 quốc gia bán tự do, và 14 quốc gia không tự do. Một năm mà có nhiều quốc gia
không tự do nhất làm thành viên từ trước đến nay. Nói cách khác, các chính thể
độc tài ngày càng biết sử dụng trò chơi dân chủ để giết chết dân chủ.
Dù sao, so với bảy thập niên trước thì bước tiến dân
chủ trên toàn cầu là rất đáng kể. Tính đến năm nay 2018, có 45 phần trăm quốc
gia trên thế giới, chiếm khoảng 39 phần trăm dân số toàn cầu, là được sống
trong tự do. 30 phần trăm quốc gia chỉ được tự do một phần nào đó chứ không phải
toàn phần, chiếm 24 phần trăm dân số toàn cầu. Còn lại 25 phần trăm quốc gia
không có tự do, chiếm 37 phần trăm dân số toàn cầu (chỉ mỗi Trung Quốc đã chiếm
gần 19 phần trăm dân số toàn cầu).
Việt Nam thì vẫn không thay đổi bao nhiêu. Việt Nam vẫn
tiếp tục bị đánh giá là không tự do. Trong thang giá trị này, tự do tại Việt
Nam được đánh giá là sáu trên bảy, quyền chính trị là bảy trên bảy, và tự do
công dân là năm trên bảy (chú ý: số một là tự do nhất, và số bảy là ít tự do nhất).
Tổng cộng thì Việt Nam có tỷ số 20 trên 100, mà số 0 là ít tự do nhất, và số
100 là tự do nhất. Nhưng tính ra thì Việt Nam vẫn đỡ tệ hơn Trung Quốc một
chút: tỷ số 14 trên 100, mặc dầu GDP của Trung Quốc gần gấp bốn lần Việt Nam.
Đó là một điều đáng buồn và tủi nhục. Kinh tế thì có
phát triển thật nhưng các nguyên tắc và giá trị về văn hóa, giáo dục, xã hội và
đạo đức công dân thì bị khủng hoảng trầm trọng. Bạo lực xã hội gia tăng một
cách đáng lo ngại.
Thứ tự do duy
nhất tại Việt Nam hiện nay, nếu có, là thứ tự do của kẻ cầm quyền tự tung tự
tác. Hiến pháp và pháp luật hiện hữu hay được làm ra là
để trói buộc và điều khiển người dân, từ luật Đặc Khu đến luật An Ninh Mạng
v.v... Nó hiếm khi nào có mục tiêu phục vụ cho nhu cầu phát triển đất nước khi
tình thế thay đổi, và nó hoàn toàn không phải để ràng buộc mọi công dân, trong
đó có kẻ cầm quyền. Như có người đã từng ví, Việt Nam có một rừng luật nhưng chỉ
dùng luật rừng.
Trong khi gần hàng trăm quốc gia khác đã đạt được
các bước tiến bộ đáng kể trong 70 năm qua về dân chủ/nhân quyền, thì 25 phần
trăm quốc gia còn lại, trong đó có Việt Nam, vẫn bị liệt kê là hoàn toàn không
tự do. Vậy khi nào mới đến phiên Việt Nam?
Chừng nào người Việt Nam hiểu thật rõ rằng muốn có tự
do, tức nhân quyền (kể cả các quyền được làm và quyền được miễn), thì phải có
dân chủ thật sự. Không có dân chủ thì không thể bảo đảm được quyền tự do cho
mình và người khác.
Để làm được điều đó, chúng ta cần suy nghĩ và thảo
luận rốt ráo về một số ý tưởng và triết lý nền tảng sau đây.
Trung tâm của học thuyết nhân quyền và nền dân chủ đại
diện/cấp tiến là chủ nghĩa cá nhân. Tinh thần của tuyên ngôn độc lập và tuyên
ngôn nhân quyền đều dựa trên nền tảng cá nhân. Mọi người, bất kể thuộc chủng tộc,
màu da, phái tính, ngôn ngữ, tôn giáo, chính trị hay bất cứ ý kiến nào khác,
nguồn gốc quốc gia hay xã hội nào, tài sản, tình trạng khai sinh hay bất cứ địa
vị nào, đều không được phân biệt (điều 2).
Chủ nghĩa cá nhân đặt trên nền tảng rằng chúng ta (tất
cả mọi người) là những công dân tự nhận thức (ý thức), tự tối đa hóa quyền lợi
của mình (tính toán vì quyền lợi), và có tư duy độc lập với xã hội mà chúng ta
lớn lên.
Vì quan niệm này, chủ nghĩa cá nhân có thể mâu thuẫn
với nhà nước chủ quyền, đặc biệt nếu nhà nước chủ quyền đó đang cố gắng hạn chế
các quyền công dân.
Nó có thể là mâu thuẫn với chủ nghĩa dân tộc, đặc biệt
là chủ nghĩa dân tộc cực đoan.
Nó có thể mâu thuẫn với chủ nghĩa tập thể/cộng đồng,
đặc biệt là loại không có chỗ đứng cho cá nhân, coi phục vụ tập thể/cộng đồng
là trên hết.
Nó có thể là mâu thuẫn với các tổ chức khác, bao gồm
cả tôn giáo và thậm chí cả nền luật pháp (mang tính phân biệt và loại trừ). Lý
do là vì học thuyết nhân quyền đặt ý tưởng về một cá nhân độc lập với bất kỳ giới
tính, chủng tộc, sắc tộc, bản sắc tình dục hay bất kỳ đức tin nào, thậm chí ý
kiến chính trị có đi ngược lại ý kiến của đa số. Giới LGBTI là một ví dụ.
Còn về lòng yêu nước?
Theo ý kiến của tôi, nó không nhất thiết phải mâu
thuẫn với lòng yêu nước thực sự. Cả hai đều có thể tương thích nếu một cá nhân
có trái tim và tâm trí để yêu thương, yêu một quốc gia cũng như yêu nhân loại
mà không phân biệt. Nhưng chúng sẽ không tương thích nếu lòng yêu nước là loại
hẹp hoài, loại dân tộc chủ nghĩa thúc đẩy tình yêu cho đất nước của một người
nhưng phân biệt chủng tộc, hoặc gieo thù hận, chối bỏ toàn bộ các chủng tộc
khác, chẳng hạn.
Có phải đa số người Việt Nam ủng hộ nhân quyền và
dân chủ cho Việt Nam? Nếu thế thì liệu họ có sẵn sàng chấp nhận chủ nghĩa cá
nhân, cái mà trước nay không nằm trong tư duy của họ? Hó có sẵn sàng coi trọng
những cá nhân có tâm thức và trí tuệ mạnh mẽ để thúc đẩy nguyện vọng tự hiện thực
hoài bão và tự tối đa hóa quyền lợi, tức những người có tham vọng lớn?
Trên hết, chủ nghĩa cá nhân có thể là mâu thuẫn với
một số nền văn hóa, đặc biệt là văn hóa Khổng giáo. Nền văn hóa Việt Nam vẫn
còn bị ảnh hưởng nặng nề của Nho giáo cho đến thời đại này. Không phải mọi triết
lý Khổng giáo đều đi ngược lại các giá trị nhân quyền hay chủ nghĩa cá nhân, bởi
vì Đài Loan, Đại Hàn và Nhật Bản là những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của
Khổng giáo. Nhưng họ vẫn xây dựng được nền dân chủ ngày càng vững ổn và cấp tiến,
và nhân quyền tại các quốc gia này ngày càng tiến bộ. Nhưng các giá trị và tư
tưởng Khổng giáo khác vẫn tiếp tục chi phối giới cầm quyền và xã hội tại Trung
Quốc và Việt Nam cho đến nay.
Nếu Việt Nam muốn có nhân quyền và dân chủ, điều
quan trọng đầu tiên người Việt cần làm là phải suy nghĩ kỹ về các giá trị cần
duy trì và những giá trị cần phải hủy bỏ.
Một xã hội mà nhân quyền được tôn trọng sẽ không có
chuyện cha mẹ đánh đập con cái bị thương tích mà cơ quan công quyền lại làm
ngơ. Sẽ không có chuyện chồng đánh vợ tàn nhẫn mà diễn đi diễn lại ngày này qua
tháng nọ. Sẽ không có chuyện thầy cô cho học trò ăn tát, và còn cho các học
sinh khác bè hội đồng, đến 231 cái, mà thầy cô đó không bị pháp luật trừng phạt.
Sẽ không có chuyện công an bảo miệng tao là pháp luật, các quan chức càng cao
càng đứng trên và ngoài pháp luật, và những người làm luật, diễn giải luật, và
hành luật, đều là những kẻ vi phạm pháp luật trầm trọng nhất.
Nói chung cả xã hội Việt Nam vẫn tiếp tục vận hành
theo kiểu kẻ cai trị có quyền sinh sát người bị trị của các thế kỷ trước. Vẫn
tiếp tục sử dụng bạo lực để khủng bố tinh thần người dân thay vì thông tin,
giáo dục và pháp quyền. Có người sẽ bảo rằng đó là do chế độ và chủ nghĩa cộng
sản gây nên. Theo tôi thì trước khi chủ nghĩa cộng sản du nhập vào Việt Nam,
văn hóa chính trị của chúng ta vẫn thế. Chế độ cộng sản có “công” làm cho nó trầm
trọng hơn nhiều lần. Toàn diện và tuyệt đối. Họ đã đưa nó lên đỉnh cao nhờ “đỉnh
cao trí tuệ” của họ. Nhưng không thể đổ lỗi hoàn toàn cho họ. Làm như thế chỉ tự
dối mình, rồi không giải quyết được gì cả, như bao nhiêu vấn đề khác từng xảy
ra bấy lâu nay.
Tôi không nghĩ chúng ta có thể đạt được nền dân chủ
đích thực cho Việt Nam, trong đó thật sự tôn trọng nhân quyền, mà không suy
nghĩ về những câu hỏi này và không cố gắng trả lời nó một cách đầy đủ và trung
thực. Nhất là với chính mình trước.
(Úc Châu, 04/12/2018)
No comments:
Post a Comment