Tuesday, 11 December 2018

HIỆN TƯỢNG TRUMP DƯỚI CÁI NHÌN CỦA NHÀ NGÔN NGỮ HỌC (Tạp ghi Trần Doãn Nho)




Tạp ghi Trần Doãn Nho
7/12/2018

Lâu lắm mới đọc được một bình luận thời sự chính trị qua lăng kính ngôn ngữ. Thật thú vị, và cũng giật mình vì lời cảnh báo của nhà ngữ học Lakoff xem ra sáng suốt hơn nhiều nhà phân tích chính trị sành sỏi. Có phải chúng ta chưa lường hết được tác động của hành vi ngôn ngữ đối với cuộc sống, vì chưa bao giờ ngôn từ “ảo” cho thấy sức mạnh ghê gớm của nó đối với đời sống “thực” như bây giờ; cho dù vài chục năm trước, Xuân Diệu đã cảnh cáo: thi sĩ ở trên mây, đúng, nhưng trên mây có sấm sét, Lê Đạt đã viết “bóng chữ động chân cầu”. Nhất là ở thời đại kỹ thuật số, khi ranh giới giữa “thực tế ảo” và thế giới “thực” ngày càng nhoà, tương tác giữa hai thế giới ngày càng cao. Một cái “tuýt” (tweet) tưởng như nông nổi hoá ra nằm trong cả một “chiếc lược ngôn từ” trên mặt trận truyền thông để thao túng công luận, “vô chiêu” mà vô cùng lợi hại của Nhà Trắng Huê Kỳ.

Nhà văn Trần Doãn Nho nói chuyện Mỹ, nhưng những ai quan tâm đến “chữ-nghĩa” ở Việt Nam không thể không giật mình liên tưởng. Dưới lớp ngôn từ khi thì cùn như chổi trăm năm cũ, khi thì ngô nghê ngớ ngẩn như “lú lão”, khi thì đánh tráo, khi thì trơ tráo… của chính giới nước nhà, là cái gì? Họ lúng túng mất phương hướng, tiền hậu bất nhất, thuyền thúng ra khơi, hay có cả một “chiến lược loạn ngôn” của Nhà Đỏ? Mong có những con dao ngữ học người Việt quan tâm giải phẫu cho chuẩn xác!
Hoàng Hưng

Giữa tháng 11/2018, nhà ngôn ngữ học George Lakoff lên tiếng phê phán truyền thông Hoa Kỳ đã “không làm tròn công việc của mình”[1] trong cuộc đối đầu với những sai trái của tổng thống Trump.

Tạp ghi lần này trở lại với đề tài Trump.

George Lakoff là một trong những người sáng lập ra môn “Ngữ Học Tri Nhận” (Cognitive Linguistics) từ những năm đầu thập niên 1970. Cùng với triết gia Mark Johnson, ông đề ra lý thuyết “Ẩn dụ ý niệm”, giải thích vai trò của ý niệm trong việc hình thành ẩn dụ, vốn là nguồn suối căn bản của tư tưởng con người.[2] Ngay từ thời gian đầu tiên khi Trump ra tranh cử tổng thống, “Tôi đã sử dụng Ngữ Học Tri Nhận để tìm hiểu hiện tượng Trump,” Lakoff cho biết. Theo Ngôn Ngữ Tri Nhận, ngôn ngữ là một phương tiện dùng để tổ chức, xử lý và truyền đạt tin tức, do đó, là một kho chứa kiến thức về thế giới, một tập hợp những phạm trù có ý nghĩa giúp con người tiếp thu, đối phó với những kinh nghiệm mới và tích trữ những kinh nghiệm cũ. Nói khác đi, kinh nghiệm và thái độ của một cá nhân đối với những vấn đề xã hội và chính trị được “kết khung” (framed)[3] trong những cấu trúc ngôn ngữ. Ngôn ngữ kích hoạt mạch cơ cấu não bộ (frame-circuits), giúp não bộ nắm bắt và lý giải những gì chúng ta trải qua trong hiện thực. Do đó, một mặt, nó phản ảnh những nhu cầu, quyền lợi, mối quan tâm cũng như kinh nghiệm cá nhân và mặt khác, định hình cách ta suy nghĩ và hành động về mặt xã hội và chính trị.

Chính vì vậy, bằng cách sử dụng ngôn ngữ để kích hoạt, người ta có thể chi phối cách thức người khác suy nghĩ và hành động. Càng nghe nhiều, càng bị kích hoạt. Một từ ngữ hay một nhóm từ ngữ, nếu được lặp đi lặp lại đến một độ cần và đủ nào đó, sẽ thể biến chúng thành thường trực, kết khung trong óc não và từ đó, thay đổi nhãn quan của chúng ta đối với thế giới. “Bằng cách để cho Trump kích hoạt ý tưởng của ông vào trong óc não chúng ta, chúng ta tăng cường mạch thần kinh (neurocircuitry) cho những ý tưởng này. Điều đó cho phép Trump chiếm lĩnh vùng vô thức của chúng ta, vì 98 phần trăm tư tưởng chúng ta vốn là vô thức,” theo Lakoff.

Bởi thế, Lakoff cho rằng tổng thống Trump đã biến chữ thành vũ khí. Bằng cách tuýt (tweet) những điều đôi khi không giống ai, hoặc là “nói lấy được”, ông thường tạo ra những tin tức nổi bật, có tính gây “sốc”. Như ánh sáng hấp dẫn đám côn trùng vào ban đêm, chúng lập tức thu hút giới truyền thông và được lặp đi lặp và chuyển tải ngay lập tức. Điều đó làm tên tuổi Trump và tất cả những gì xoay quanh ông đều xuất hiện thường trực trên truyền thông. Và dù đúng dù sai, chúng trở thành sự kiện, trở thành có ý nghĩa và do đó, chi phối nhận thức của người ta về hiện thực. Nên chẳng lạ gì, những dòng chữ ngắn ngủi, đa phần có thể nảy sinh bất chợt từ trong đầu óc của ông, khi xuất hiện, thường làm xáo trộn thị trường, phá vỡ mối bang giao quốc tế và hâm nóng không khí chính trị hàng ngày. Lakoff nhận xét: cái điện thoại cầm tay của tổng thống Trump trở thành một trong những vũ khí mạnh mẽ nhất trong lịch sử chính trị thế giới. Lakoff cho rằng chữ nghĩa trong các tuýt của ông, nói chung, là vô trách nhiệm và rất phi-tổng thống (un-presidental). Tuy nhiên, vấn đề thực sự không phải ở chỗ Trump nghiện mạng xã hội, mà ở chính ở chỗ ông ta “dùng mạng Twitter để kiểm soát chu kỳ tin tức, bởi vì báo chí, chính giới và những người Dân Chủ liên tục trao quyền cho ông ta làm như thế,” theo Lakoff.

Và theo Lakoff, những cái tuýt của tổng thống Trump không được tạo ra một cách tình cờ, mà trái lại, chúng có tính chiến lược. Lakoff phân các tuýt của Trump thành bốn loại:

1) kết khung (frame) trước để chiếm lợi thế;

2) làm lệch hướng sự chú ý về chuyện khác khi một tin tức nào đó đang gây bất lợi cho mình;

3) chuyển hướng dư luận: quy lỗi cho người khác;

4) thả bóng thăm dò.

Nói thế có nghĩa là bất cứ cái tuýt nào của Trump, dù đó là tự tâng bốc mình, đưa sai số liệu, sỉ nhục đối thủ hay chê bai, gây gỗ với thuộc cấp, bạn bè và đồng minh, trước sau bất nhất, vân vân, là đều có dụng ý.

Nhân nói đến “dụng ý”, xin dừng một chút để nhắc đến một điều khác có dính dáng ít nhiều đến cách làm việc của Trump. Dư luận chung chung thường cho rằng, ông là một thương gia, chẳng có kinh nghiệm gì về chính trị, cho nên chẳng đưa ra được một chính sách nào rõ ràng. Trong thực tế, Trump ra ứng cứ tổng thống dưới quan điểm của đảng Cộng Hòa, đó là quan điểm bảo thủ. Từ lâu trước khi Trump ra ứng cử tổng thống, Lakoff đã phân tích về hai quan điểm trái ngược nhau giữa hai khuynh hướng chính trị chế ngự sinh hoạt chính trị Mỹ trong “Metaphor, Morality, and Politics, Or, Why Conservatives Have Left Liberals In the Dust” (1995) và sau này, khi Trump ra ứng cử, ông có dịp nhắc lại trong “Understanding Trump” (2016). Thế giới quan của hai đảng, theo George Lakoff, đều dựa trên “ẩn dụ ý niệm”: ví von Quốc Gia với Gia Đình (Nation as Family), trong đó chính phủ là cha mẹ. Quan điểm chính trị theo khuynh hướng tự do (liberal) của đảng Dân Chủ là “Hiền Mẫu” (Nurturant Parent family = gia đình có cha mẹ bảo bọc); quan điểm theo khuynh hướng bảo thủ (conservative) của đảng Cộng Hòa là “Nghiêm Phụ” (Strict Father family = gia đình có người cha nghiêm khắc). Trong lúc “chính phủ như Hiền Mẫu” có trách nhiệm cung cấp đầy đủ mọi thứ cho những nhu cầu căn bản của người dân như đồ ăn, chỗ ở, giáo dục, bảo hiểm sức khỏe…và xa hơn, bảo vệ môi trường, hỗ trợ nữ quyền, đồng tính, ủng hộ phá thai, chấp nhận di dân, trợ giúp dân thiểu số, thực hiện đa văn hóa… thì quan điểm “chính phủ như Nghiêm Phụ” dựa theo luân lý truyền thống. Đó là một thế giới có kỷ cương, phép tắc, có tôn ty (hierarchy) đại loại như :Thượng Đế ở trên Người, Người ở trên Thiên Nhiên, Người có kỷ luật (mạnh) ở trên Người vô kỷ luật (yếu), Giàu trên Nghèo, Chủ trên Thợ, Lớn trên Nhỏ, Văn hóa Tây Phương trên văn hóa khác, Mỹ trên các nước khác và đi xa hơn: Nam trên Nữ, (da) Trắng trên (da) Màu, Thiên chúa giáo trên phi-Thiên chúa giáo, Dị tính trên Đồng tính, vân vân[4] Khuynh hướng này tìm thấy ở hầu hết những ứng cử viên đảng Cộng Hòa, kể cả Trump và những người bảo thủ. Ít nhất có đến hàng chục triệu người có khuynh hướng bảo thủ, chia xẻ quan điểm Nghiêm Phụ và tôn ty trật tự. Nhiều người trong số họ, tuy nghèo hoặc trung lưu, nhưng vẫn thấy họ cao hơn di dân, cao hơn những người da màu.

Theo Lakoff, tổng thống Trump không cần phải nêu ra chính sách, vì đảng Cộng Hòa đã có hàng trăm chính sách như thế từ lâu. Cái mà họ muốn là nắm hết cả Quốc Hội, Tổng Thống và Tối Cao Pháp Viện để thi hành mà thôi. Trump là người duy nhất diễn đạt một cách thẳng thắn, trực tiếp và dài hơi mọi điều mà họ thích. Những dòng tuýt của ông thường đưa đến những hậu quả trầm trọng hoặc tưởng như trầm trọng, thực ra, đều nằm trong quan điểm “Nghiêm Phụ” của đảng Cộng Hòa, được thể hiện một cách không giấu giếm. George Lakoff viết: “Trump là người lớn tiếng diễn đạt mọi thứ mà họ [đảng Cộng Hòa] cảm thấy, = diễn đạt một cách mạnh mẽ, xông xáo, giận dữ và chẳng chút ngượng ngùng. Tất cả điều họ cần làm là ủng hộ Trump và bầu cho Trump, ngay cả chẳng cần phải tỏ vẻ “không phải đạo”[5] (politically incorrect) làm gì nữa, bởi vì ông làm điều đó cho họ rồi và sự chiến thắng của ông sẽ làm cho những quan điểm này trở thành có giá trị.”[6]

Trở lại với những cái tuýt của Trump. Ngược lại với nhận định cho rằng truyền thông Hoa Kỳ thời gian qua đều đồng loạt, liên tục tấn công và gây hại cho Trump, Lakoff cho rằng Trump đã sử dụng phương tiện truyền thông để thao túng dư luận, làm lợi cho mình và điều này đã chuyển đổi một cách căn bản hình thức truyền thông của một tổng thống Mỹ.

Tại sao?

Mỗi lần tổng thống Trump tuýt là gây ra phản ứng tức khắc. Các thông tín viên, các chính trị gia Dân Chủ và cả mạng xã hội đua nhau bám vào cái tuýt, rồi tuýt đi tuýt lại một cách đầy ám ảnh khiến cho nó càng lan xa, lan rộng. Những dự đoán, phân tích, phản bác, lên án, hay chưởi rủa, vân vân và vân vân, trên truyền thông, thay vì xóa mờ nội dung của nó, lại biến những dòng tuýt đôi khi kệch cỡm và trẻ con của nó thành sức mạnh, thậm chí thành…chính sách. Quá tập trung sự chú ý vào các tuýt của Trump, người ta đã làm cho ông lớn hơn hẳn chính mình, theo Lakoff. Nội dung của chúng, nhờ thế, kích hoạt và gây ảnh hưởng lên óc não con người. Điều này, cũng theo Lakoff, “sản xuất ra một hiệu quả mà ngữ học tri nhận gọi là “ảo giác hội tụ” (focusing illusion) và điều đó giải nghĩa tại sao Trump, từ một tay mơ chính trị lại trở thành tổng thống.” Trump đã biến truyền thông thành một dịch vụ thông tin của công ty Twitter. Mặt khác, sự giận dữ chống lại Trump, thay vì hạ uy tín của ông, thì ngược lại, tăng thêm sự ủng hộ từ khối cử tri nền tảng của ông (base), nhất là cử tri da trắng.

Rõ ràng là tổng thống Trump đã sử dụng ngôn ngữ để định hình cách suy nghĩ của người Mỹ. Trump dường như biết rất rõ rằng truyền thông có một bản năng mạnh mẽ lặp lại những gì ông nói. Bản năng đó, rốt cuộc, khiến truyền thông, trong mục đích chống lại Trump, thì lại hoạt động giống như là đại lý tiếp thị (marketing agency) của ông. Bằng cách chuyển tải một cách trung thành những chữ và ý tưởng của ông, báo chí đã giúp ông tấn công, và từ đó, kiểm soát chính báo chí. Theo Lakoff, Trump đã là một tay thương lái trong nửa thế kỷ. Bây giờ ông mang chính mình ra bán, kéo theo đó là thế giới quan và cái nhìn riêng của ông về chân lý và luật pháp. Trump trở thành một “thử nghiệm thô bạo” (brutal test) đối với nhân dân Mỹ. Lakoff cho rằng, để sống còn, truyền thông phải ngừng lại tội đồng lõa vô ý thức (unwitting complicity) với Trump. Truyền thông “đừng chấp nhận cách kết khung xuyên tạc các biến cố của tổng thống Trump.”[7]

Để chỉnh đốn lại cung cách của mình, Lakoff nêu lên bốn điểm truyền thông cần phải làm:

- Một, nhà báo phải hiểu thế nào là một sự tuyên truyền có hiệu quả tác động trên óc não con người.

- Hai, chú ý đến sự kiện nền dân chủ Hoa Kỳ đang ở trong tình trạng khủng hoảng do có sự can thiệp của nước ngoài vào cuộc bầu cử tổng thống năm 2016.

- Ba, đừng để cho tổng thống Trump kiểm soát tin tức bằng cách theo dõi và phát tán những dòng tuýt của ông, bất kể chúng nói về điều gì.

- Bốn, đừng ưu tiên đưa những tuýt của tổng thống Trump vào tin hàng đầu. Tuyệt đối đừng lặp lại những lời nói láo của ông. Bởi vì “một lời nói láo mà cứ được lặp lại một số lần cần thiết nào đó, nó sẽ trở thành sự thật,” theo Lakoff.

Không những thế, Lakoff còn nhắc nhở báo chí cũng đừng kiểm tra (fact-check) những đề tài Trump nêu ra trong tuýt, chẳng hạn như đề tài như di dân. Điều cần làm bây giờ là tập trung trước hết và chủ yếu là về sự thật, về sự kiện. Thông tín viên thường được huấn luyện là phải tường trình đúng những gì xảy ra, nhưng trong trường hợp này, đừng nên làm như thế. Đưa ra ví dụ về đoàn di dân từ Honduras, Lakoff cho rằng Trump đã thành công trong việc buộc truyền thông phải thừa nhận cái khung tư tưởng = một hình thức kết khung (framing) = mà ông đưa ra trước thời gian bầu cử giữa nhiệm kỳ: di dân là xâm lăng. Bởi vì, càng tường thuật nhiều và liên tục về đoàn di dân, thì lại càng giúp Trump chuyển tải sứ điệp di dân là “đạo quân xâm lăng” chừng đó. Đó là một “khái niệm ảo” (bogus notion). Tiến trình tư tưởng và cách nói của Trump thường có tính cách “ẩn dụ”, theo Lakoff. Báo chí phải vạch rõ đó là ẩn dụ bất cứ khi nào nó xảy ra. Ẩn dụ là vô thức, vậy báo chí “phải làm cho cái vô thức thành ý thức” (make the unconscious conscious). Ngoài ra, George nói báo chí không nên lặp lại những nhóm từ gây xúc động, chẳng hạn như “tin giả” (fake news). Nó càng được lặp lại, nó càng gắn sâu vào đầu óc những người nghe.

Tóm lại, qua các đề nghị của Lakoff, có lẽ cách duy nhất có hiệu quả để chống lại tổng thống Trump, nói một cách nghịch lý, là đừng quan tâm đến những gì Trump phát biểu qua tuýt. Một đề nghị nghe ra có phần hợp lý, nhưng trong xứ sở này, đó lại là một việc vô cùng khó khăn. Công việc của truyền thông là kiếm tiền cho những ông chủ của nó, các tổ hợp truyền thông, và phục vụ cho các khách hàng của nó, các công ty buôn bán. Nhân dân Hoa Kỳ không phải là chủ nhân cũng chẳng phải là khách hàng, họ chỉ là sản phẩm của truyền thông. Trump hiện vẫn là đề tài hấp dẫn, do đó, tường thuật về ông là một hình thức “câu view”, nâng cao số khán giả, đưa đến lợi nhuận. Trump rõ ràng là hiểu rất rõ và rất sâu bản chất của báo chí Hoa Kỳ. Ông đã từng nói thẳng với những người làm báo qua ghi nhận của Lakoff, “Tôi đang kiểm soát lợi tức của các vị. Như các vị đã biết, tôi kiểm soát cách các vị kiếm sống. Và tôi có thể lấy nó đi bất cứ khi nào tôi muốn. Vậy thì tốt nhất là các vị hãy chơi đẹp với tôi.”[8]

“Chơi đẹp” với Trump kiểu nào đây, hỡi “kẻ thù của nhân dân Mỹ”?[9]

Tiếp tục tấn công Trump hàng ngày theo kiểu cũ?

Hay tảng lờ Trump theo kiểu George Lakoff?

Wait and see!

Trần Doãn Nho
(12/2018)
_________________

Tham khảo:

- George Lakoff, Metaphor, Morality, and Politics, Or, Why Conservatives Have Left Liberals In the Dust

- George Lakoff and Gil Durán, Trump is using Twitter to manipulate the country. Here’s how to stop falling for it

- The Guardian, Trump has turned words into weapons. And he’s winning the linguistic war

- Daniella Emanuel, CNN, George Lakoff: ‘The media is not doing its job’, 9/11/18

- George Lakoff, Understanding Trump,

- George Lakoff, Understanding Trump’s Use of language

[1] The media is not doing its jobs.

[2] Về quan niệm ẩn dụ ý niệm, xem ở Trần Hữu Thục, “Ẩn dụ, cuộc phiểu lưu của chữ.” Có thể xem ở “Ẩn dụ ý niệm”,

[3] Kết khung (framing) là một bộ những ý niệm và lý thuyết, qua đó, cá nhân hay tập thể tổ chức, nhận thức và truyền đạt về hiện thực.

[4] The hierarchy is: God above Man, Man above Nature, The Disciplined (Strong) above the Undisciplined (Weak), The Rich above the Poor, Employers above Employees, Adults above Children, Western culture above other cultures, America above other countries. The hierarchy extends to: Men above women, Whites above Nonwhites, Christians above nonChristians, Straights above Gays.

[5] Tức là ăn nói không cần giữ gìn, ngược lại với “phải đạo” (politically correct) là ăn nói giữ mồm giữ miệng, lịch sự.

[6]All they have to do is support and vote for Trump and they don’t even have to express their ‘politically incorrect’ views, since he does it for them and his victories make those views respectable. Cũng cần ghi nhận, không phải tất cả những người theo đảng Cộng Hòa đều ủng hộ Trump. Một số khá đông các chính khách tên tuổi có xu hướng ôn hòa của đảng Cộng Hòa đà nhiều lần lên tiếng phản bác cách ăn nói và những lời tuyên bố của Trump. Nhưng điều đó không có nghĩa là họ thay đổi quan điểm căn bản của họ về chính trị.

[7] Don’t adopt President Trump’s distorted framing of events.

[8] He’s essentially saying to the press, “I have control over your income, I have control over, you know, how you earn your living. And I can take it away whenever I want. And you had better be nice to me,”

[9] Trump: “The Fake News (failing @nytimes@NBCNews@ABC@CBS@CNN) is not my enemy. It is the enemy of the American People.”






No comments:

Post a Comment

View My Stats