RFA
12/12/2018
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/google-considers-opening-office-in-vn-12122018075829.html
12/12/2018
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/google-considers-opening-office-in-vn-12122018075829.html
Các báo trong nước ngày 12/12 loan tin việc ông Kent
Walker - Phó Chủ tịch của Goolge trong cuộc gặp với Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ
một ngày trước đó, cho hay công ty này đang tìm hiểu các bước để mở văn phòng đại
diện ở Việt Nam trên nguyên tắc phù hợp quy định của nước sở tại nhưng không
trái cam kết quốc tế.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tiếp ông Kent Walker, Phó Chủ tịch tập đoàn
Google ở Hà Nội hôm 11/12/2018 . Courtesy
of dangcongsan.vn
Động thái này diễn ra khi Luật An ninh mạng mới của
Việt Nam sẽ có hiệu lực trong khoảng 18 ngày nữa, trong đó có quy định các công
ty nước ngoài cung cấp dịch vụ qua mạng ở quốc gia này sẽ buộc phải đặt văn
phòng, lưu trữ dữ liệu người dùng tại địa phương.
Luật này được cho là nhắm đến các công ty lớn như
Facebook, Google (YouTube)… hiện đang được rất nhiều người dùng Việt Nam sử dụng
thường xuyên để đưa thông tin trái chiều.
Google chưa trả lời hãng tin Reuters về đề nghị bình
luận trước thông tin mới trên báo chí nhà nước.
Hồi tháng 6 năm nay, Quốc hội Việt Nam bỏ phiếu
thông qua Luật An ninh mạng với 86% số phiếu tán thành mặc dù vấp phải sự phản đối
của người dân và giới chuyên gia.
Các nhà bất đồng chính kiến với chính phủ Việt Nam
cho rằng, luật này nhắm đến việc bịt miệng các tiếng nói ôn hòa chỉ trích chính
quyền do đảng Cộng sản lãnh đạo.
Ngày 4/12 vừa qua, Hiệp hội doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam (EuroCham
Vietnam) cũng đưa ra khuyến cáo, khẳng định “Việt Nam sẽ sớm trở thành
quốc gia duy nhất trong khu vực Đông Nam Á yêu cầu lưu trữ tất cả dữ liệu trong
nội địa”.
“Việt Nam nên áp dụng hệ thống phân loại dữ liệu mà chỉ những dữ liệu có ảnh
hưởng đến an ninh quốc phòng sẽ phải lưu trữ tại Việt Nam - các quốc gia trong
đó có Indonesia cũng đang áp dụng cách tiếp cận này", EuroCham Vietnam nhận định.
---------------------
VOA Tiếng Việt
12/12/2018
Mặc dù “hào hứng” với cách người Việt sử dụng công
nghệ nhưng Google cho biết hiện “chưa có thông tin về việc mở văn phòng đại diện
tại Việt Nam”, bộ phận truyền thông của Google trả lời báo chí hôm 12/12 sau
khi trang thông tin chính thức của chính phủ Việt Nam một ngày trước đó loan
tin đại công ty công nghệ này “đang tìm hiểu các bước để mở văn phòng đại diện tại
Việt Nam”.
“Chúng tôi luôn hào hứng khi thấy cách các
doanh nghiệp và người dân sử dụng công nghệ tại Việt Nam. Tuy nhiên,
chúng tôi cũng cân nhắc rất nhiều yếu tố khác nhau trước khi quyết
định mở văn phòng đại diện và hiện nay chưa có thông tin để công bố
về việc này”, người phát ngôn của Google trả lời qua email cho Reuters.
Trước đó, bản tin trên trang chinhphu.vn tường thuật
về cuộc gặp của Phó Chủ tịch Google, Kent Walker, với Phó Thủ tướng Vương Đình
Huệ vào chiều 11/12, nói rằng “Google đang tìm hiểu các bước để mở văn phòng đại
diện tại Việt Nam trên nguyên tắc chung của tập đoàn này là bảo đảm các quy định
ở các nước sở tại không trái với cam kết quốc tế”.
Bản tin đã được các hãng thông tấn quốc tế dẫn lại, gây
chú ý trong dư luận giữa bối cảnh luật An ninh mạng mới thông qua của Việt Nam
đang bị quốc tế chỉ trích. Nhiều chính phủ, trong đó có Hoa Kỳ, các tổ chức
nhân quyền và các công ty công nghệ lớn trên thế giới đều phản đối luật này vì
cho rằng luật vi phạm quyền tự do ngôn luận và quyền riêng tư của người sử dụng.
Luật An ninh mạng mới yêu cầu tất cả các công ty
cung cấp dịch vụ viễn thông, mạng xã hội, email, video, tin nhắn, trò chơi,
ngân hàng, dịch vụ tài chính, thương mại điện tử… tại Việt Nam phải đặt văn
phòng và lưu trữ dữ liệu trong lãnh thổ Việt Nam.
Ngoài ra, các công ty cũng được yêu cầu phải lưu trữ
các thông tin cá nhân người sử dụng dịch vụ như họ tên, ngày tháng năm sinh,
nghề nghiệp, chức danh, địa chỉ, số điện thoại, số thẻ tín dụng, hồ sơ tài
chính, sức khỏe, quan điểm chính trị, mối quan hệ xã hội, sinh trắc học… và phải
cung cấp cho giới hữu trách khi có yêu cầu.
Cả Google lẫn Facebook, hai nền tảng chính được sử dụng
rộng rãi tại Việt Nam, đặc biệt trong giới bất đồng chính kiến, đều không có
văn phòng đại diện hay cơ sở lưu trữ dữ liệu tại Việt Nam. Hai đại công ty này
đã hoãn lại yêu cầu nội địa hóa dữ liệu của Việt Nam, theo Reuters.
Tháng trước, Bộ Công an Việt Nam công bố dự thảo Nghị
định quy định chi tiết một số điều của Luật An ninh mạng để lấy ý kiến đóng
góp, trong đó nói rằng trong vòng 12 tháng kể từ ngày Bộ trưởng Bộ Công an yêu
cầu, các doanh nghiệp phải lưu trữ dữ liệu, đặt chi nhánh hoặc văn phòng đại diện
tại Việt Nam. Nếu được thông qua, dự thảo Nghị định này sẽ có hiệu lực từ ngày
1/1/2019.
--------------------------------
XEM
THÊM
BBC Tiếng Việt
12 tháng 12 2018
Lãnh
đạo Google nói "hiện tại không có kế hoạch mở lại công cụ tìm kiếm tại
Trung Quốc" và sứ mệnh của công ty này là "cung cấp cho người dùng
quyền truy cập thông tin".
Giám đốc điều hành của Google, ông Sundar Pichai,
nói với Ủy ban Tư pháp của Hạ viện Hoa Kỳ vào thứ Ba 12/12 trong bối cảnh các
công ty công nghệ lớn đang bị 'để ý'.
Các nhà làm luật và nhân viên của Google từng bày tỏ
lo ngại rằng công ty này sẽ tuân theo quy định kiểm duyệt Internet của Trung Quốc
và các chính sách giám sát khác nếu bước vào thị trường công cụ tìm kiếm của nước
này.
Nền tảng tìm kiếm chính của Google bị khóa ở Trung
Quốc từ năm 2010, nhưng công ty đang cố gắng tìm đường vào lại đất nước có số
lượng người sử dụng điện thoại thông minh lớn nhất thế giới này.
"Hiện giờ, không có kế hoạch ra mắt công cụ tìm
kiếm ở Trung Quốc," ông Pichai nói.
"Chúng tôi không có sản phẩm tìm kiếm ở
đó."
Ông nói rằng tất cả các nỗ lực đó mang tính "nội
bộ" và không liên quan đến các cuộc trao đổi với chính phủ Trung Quốc.
"Sứ mệnh của chúng tôi là cung cấp cho người
dùng quyền truy cập thông tin và tiếp cận thông tin là quyền quan trọng của con
người", ông Pichai nói. "Chúng tôi buộc phải cố gắng hết sức để cung
cấp thông tin trên phạm vi toàn thế giới."
Trả lời các câu hỏi tiếp theo, ông Pichai cho biết
công ty sẽ "hoàn toàn minh bạch" với các chính trị gia nếu họ ra mắt
công cụ tìm kiếm tại Trung Quốc.
CEO của Google, ông Sundar Pichai tuyên thệ trước Ủy ban Tư pháp của Hạ
viện Hoa Kỳ trong phiên điều trần hôm 12/12/2018 về việc "thẩm tra cách thức
Google sử dụng, thu thập và sàng lọc dữ liệu". REUTERS
Trong một bức thư hồi tháng Tám gửi cho các nhà lập
pháp Hoa Kỳ, Pichai nói rằng việc cung cấp một công cụ tìm kiếm như vậy sẽ mang
lại lợi ích rộng lớn cho Trung Quốc nhưng không rõ liệu Google có thể triển
khai dịch vụ ở đó hay không.
Một quan chức chính phủ Trung Quốc, phát biểu với điều
kiện giấu tên, nói với Reuters vào tháng trước rằng Google khó có thể được 'dọn
đường' để ra mắt công cụ tìm kiếm vào năm 2019.
Pichai không cho biết Google sẽ thực hiện những bước
nào để tuân thủ luật pháp Trung Quốc nếu tái gia nhập thị trường.
Trả lời câu hỏi từ đại diện đảng Dân chủ David
Cicilline, Pichai cho biết ông sẽ rất vui khi tham gia vào cuộc thảo luận về luật
pháp nhằm trao quyền cho Ủy ban Thương mại Liên bang để giải quyết các hành vi
phân biệt đối xử trên mạng.
Cicilline nói với Pichai rằng "thật khó để tôi
có thể tưởng tượng các anh có thể gia nhập thị trường Trung Quốc dưới khuôn khổ
của chính phủ hiện thời trong khi vẫn duy trì cam kết đối với các giá trị toàn
cầu, như là tự do ngôn luận hay quyền riêng tư".
Các công ty đối thủ của Google trong lĩnh vực tìm kiếm
thông tin mua sắm và du lịch từ lâu đã than phiền rằng bị 'hạ cấp' trong các kết
quả tìm kiếm của Google.
Buổi điều trần của Hạ viện Hoa Kỳ chủ yếu tập trung
vào lo ngại của đảng Cộng hòa rằng kết quả tìm kiếm của Google thành kiến đối với
phe bảo thủ và công ty đã tìm cách gây ảnh hưởng đến kết quả của cuộc bầu cử tổng
thống năm 2016.
No comments:
Post a Comment