“Cách mạng
4.0” đang là cụm từ thời thượng trên cửa miệng các quan chức và giới trí thức.
Vào tra cứu trên google, người ta dễ dàng biết đầy đủ 3 cuộc “cách mạng công
nghiệp” trước đó.
Phân chia thành 4 cột mốc là sự ước lệ đánh dấu từng
giai đoạn phát triển của nền văn minh nhân loại trong những thế kỷ gần đây, bắt
đầu từ việc cơ giới hóa ngành dệt vào cuối thế kỷ 18 đến việc “số hóa” thế giới
thực đang diễn ra hiện nay. Đó là một chuỗi dài ứng dụng các phát minh vào cuộc
sống, gắn liền với hoạt động sáng tạo của những cá nhân mà chúng ta gọi là
thiên tài.
Vấn đề là các thiên tài cũng như hầu hết các nhà
phát minh không ai là những “nhà cách mạng” theo cách hiểu là hoạt động có chủ
đích nhằm thực hiện sứ mệnh phụng sự nhân loại. Theo một nghiên cứu của nhà
khoa học nổi tiếng người Mỹ, giáo sư Jared Diamond, thì “hầu hết các phát minh
đều ra đời bởi những người vốn dĩ thích tò mò hoặc tính ưa táy máy” (*).
Ban đầu, những phát minh đều là thành quả sáng tạo tự
thân, không nhằm để đáp ứng một nhu cầu gì của xã hội. Sau một thời gian đủ
dài, ai đó mới thấy phát minh này có thể mang ra ứng dụng. “Ta có thể sẽ ngạc
nhiên nếu biết được rằng những phát minh ban đầu “chưa biết dùng để làm gì” ấy
bao gồm hầu hết những đột phá công nghệ quan trọng của thời hiện đại, từ máy
bay và xe hơi cho đến động cơ đốt trong, bóng đèn điện, máy quay đĩa và
transistor” (*). Chỉ có một số rất ít phát minh, chẳng hạn như công nghệ phục vụ
việc chế tạo bom nguyên tử của Mỹ, là có kế hoạch từ trước nhằm phục vụ cho mục
tiêu quả bom này ra đời trước khi Đức quốc xã chế tạo được nó.
Chiếc động cơ đốt trong đầu tiên được Nikolaus Otto
chế tạo vào năm 1866, nó cao tới 2,1 mét và vô cùng cồng kềnh, chẳng ai biết
dùng để làm gì. Mãi 20 năm sau, vào năm 1885 nó mới được cải tiến gọn lại và
Gottfried Daimler lắp nó vào chiếc xe đạp để tạo thành chiếc xe máy hai bánh đầu
tiên và hơn 10 năm sau (1896) mới chế ra chiếc xe hơi đầu tiên (xe tải). Ngày
nay thế giới không thể sống mà không có xe hơi, nhưng khi nhìn chiếc động cơ khủng
khiếp mà Otto lần đầu tiên chế tạo chẳng một ai nghĩ nó có thể sẽ thay cho xe
ngựa và tàu hỏa. Hàng loạt các phát minh khác cũng diễn ra tình trạng tương tự,
đa số “không biết dùng vào việc gì”, một số nghĩ sẽ dùng vào việc này nhưng cuối
cùng thì dùng vào việc khác. Và có vô số những phát minh không bao giờ được biết
đến.
Hiện nay hàng năm nước Mỹ cấp tới khoảng 70 ngàn bằng
phát minh, nhưng chỉ một số rất ít cuối cùng được áp dụng cho sản xuất thương mại.
Trong số những phát minh không được xã hội chấp nhận, không hẳn tất cả đều vô dụng.
Có không ít phát minh chậm được áp dụng rộng rãi vì sự cản trở của các “nhóm lợi
ích”. Ví dụ rõ nhất là cái bóng đèn điện của Thomas Edison, trong khi các thành
phố của Mỹ và Đức sử dụng đèn đường dùng điện từ lâu, nhưng mãi đến thập niên
20 của thế kỷ trước nước Anh vẫn dùng đèn đường bằng khí đốt. Ấy là do việc đầu
tư vào ngành chiếu sáng bằng khí đốt tốn quá nhiều tiền, nên chính quyền đã đặt
ra những quy định ngặt nghèo không cho các công ty chiếu sáng bằng điện ngóc đầu
dậy.
Tóm lại, gốc rễ sâu xa của những thành tựu qua 4
giai đoạn công nghiệp xuất phát từ sự giải phóng tự do cá nhân ở phương Tây, bắt
đầu từ thời Phục Hưng. Cá nhân được giải phóng khỏi sự ràng buộc của thần quyền
và thế quyền, kéo theo đó là sự bùng nổ sức sáng tạo của con người. Nơi nào cá
nhân được tự do, nơi đó có sáng tạo. Sáng tạo là nhu cầu tự thân của mỗi một cá
nhân, chẳng ai lãnh đạo chỉ đạo và chẳng cần phụng sự ai hay phục vụ cho sứ mệnh
gì. Cho đến khi người khác thấy được sự hữu ích của chúng. Đó là con đường dẫn
đến thịnh vượng của thế giới, trước là vậy, nay cũng không thể khác. Không một
nhà phát minh nào nghĩ mình là một “chiến binh” chiến đấu cho cái gì cả.
Bởi vậy, không nên đao to búa lớn về “cuộc cách mạng
công nghiệp 4.0” để kêu gọi giới trẻ trở thành các “chiến binh” phụng sự cho sự
nghiệp dân giàu nước mạnh.
Hãy tháo bỏ càng nhiều càng tốt những ràng buộc giáo điều, hãy tôn trọng tối đa
tự do tư tưởng tự do học thuật, không nhân danh bất kỳ đạo lý gì để cản trở sự
“tò mò táy máy” của giới trẻ, sự sáng tạo tự khắc sẽ đến. Nhà nước lùi càng xa
khỏi tự do cá nhân của con người chừng nào, con người càng ít thấy bóng dáng
nhà nước chừng nào thì sức sáng tạo của con người càng mãnh liệt chừng ấy.
Dùng quán tính của kế hoạch hóa để dẫn dắt thế hệ trẻ
làm “cách mạng”, làm các “chiến binh 4.0” là đi ngược lại tinh thần sáng tạo của
thời đại công nghiệp. Khai phóng chứ không định hướng, tự phát chứ không lãnh đạo,
đó chính là tinh thần cốt lõi tạo ra những thành tựu ngoạn mục của nền văn minh
nhân loại 4 thế kỷ qua.
(*) Dẫn từ Jared Diamond: Súng, vi trùng và thép.
NXB Tri Thức, 2007.
No comments:
Post a Comment