Wednesday, 5 December 2018

BẢN TIN NGÀY 5/12/2018 (Báo Tiếng Dân)





05/12/2018

Tin Biển Đông

VOA bàn về vai trò lớn cho đảo nhỏ ở TBD trong kế hoạch Biển Đông của Mỹ, Úc. Theo đó, “vấn đề Biển Đông không được nêu ra trong cuộc họp giữa Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình mới đây”, nhưng trong hậu trường, hai bên đều chuẩn bị kịch bản ứng phó với những mâu thuẫn trong tương lai.

Người Mỹ và Úc nhớ lại căn cứ hải quân Lombrum trên đảo Manus của Papua New Guinea, từng là một căn cứ của phe đồng minh trong cuộc chiến chống phát xít Nhật ở mặt trận Thái Bình Dương. Căn cứ này “đang được Úc và Mỹ nâng cấp, và có thể đóng một vai trò quan trọng trong nỗ lực của Mỹ và các đồng minh nhằm đẩy lùi ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực”.

Báo Dân Trí có bài: Vì sao Mỹ và Trung Quốc không bàn về Biển Đông trong thỏa thuận “đình chiến” tại G20? Chuyên gia quân sự Song Zhongping ở Hong Kong đánh giá, do “quan điểm của Mỹ và Trung Quốc về Biển Đông là quá khác biệt, vì vậy việc đặt Biển Đông qua một bên” có thể giúp 2 bên chuyện giải quyết các “nút thắt” thương mại.

Bên cạnh các lý do ngoại giao, một số ý kiến từ dư luận trong và ngoài nước cho rằng, vấn đề là ông Trump thường nói vậy mà không phải vậy, cũng như chuyện chiến tranh thương mại tạm dừng vào phút chót vì ông đã đạt được thỏa thuận với Tập Cận Bình, bất chấp những lời hứa trước đó.

Tàu đổ bộ Mỹ ngăn tàu nhỏ tiếp cận bằng xe thiết giáp trên Biển Đông, theo báo Thanh Niên. Cuộc tập trận diễn ra ở Biển Đông hồi cuối tháng 9 nhưng đến nay mới được công khai thêm nhiều chi tiết. “Trong đó, thủy quân lục chiến Mỹ thử nghiệm cho xe chiến đấu hạng nhẹ (LAV) khai hỏa từ boong tàu đổ bộ nhằm đối phó với những tàu cỡ nhỏ tìm cách tiếp cận”.


Lò đốt Trần Bắc Hà có đốt luôn “Đồng chí X”?

Báo Sputnik có bài: Mọi con đường đều dẫn tới Kiên Giang?Một nguồn tin ở Việt Nam nói với phóng viên Sputnik: “Cả 3 đại ca: Kiên bạc, Trầm Bê & Bắc Hà — tuy mỗi người có một kiểu sai phạm riêng nhưng tất cả đều có 3 điểm chung: thứ nhất, họ đều là đồ đệ của  đồng chí x. Thứ hai, họ đều lũng đoạn thị trường tài chính nhằm mưu lợi cho nhóm sân sau của x. Thứ ba, họ đều có mối liên hệ đến sự phình ra của Bản Việt. Trần Bắc Hà là mối dây, là nút thắt cuối cùng để mở ra cánh cửa nhà tù dành cho chủ của Bản Việt (Nguyễn Thanh Phượng, con gái của Nguyễn Tấn Dũng)“.

Trần Bắc Hà (trái) và cựu TT Nguyễn Tấn Dũng (phải). Ảnh: PL Plus

Trong khi đó, DN bà Nguyễn Thanh Phượng bán sạch, rút khỏi ông lớn xuất nhập khẩu, theo VietNamNet. Sau khi “bán sạch hơn 2,5 triệu cổ phiếu SAV (tương đương 19,15%), CTCP Chứng khoán Bản Việt do bà Nguyễn Thanh Phượng làm Chủ tịch hội đồng quản trị đã không còn là cổ đông lớn của Savimex”. Hành động “bỏ của chạy lấy người” này diễn ra ngay sau khi ông Bắc Hà chính thức trở thành “củi” trong lò của ngài Tổng – Chủ Trọng.


Thủ Thiêm và chuyện “củi lửa” ở miền Nam

Người dân Thủ Thiêm về dựng lều trên đất giải tỏa, theo RFA. Bài báo cho biết: “Một số người dân ở Thủ Thiêm, quận 2 đã về dựng lều ngay trên phần đất cũ của mình, chứng tỏ vấn đề Thủ Thiêm chưa được giải quyết căn cơ và chưa làm yên lòng dân”. Những người dân phải ly tán hơn 20 năm đã không còn đủ kiên nhẫn trước những lời hứa của chính quyền.

Chính quyền lại hứa: Kỳ họp thứ 12 HĐND TP.HCM: Sẽ báo cáo vấn đề Thủ Thiêm, theo báo Một Thế Giới. Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm cho biết, tại kỳ họp, ông Nguyễn Thành Phong sẽ trình bày kết quả 3 lần tiếp xúc với người dân Thủ Thiêm, cũng như tiến độ giải quyết vấn đề Thủ Thiêm. Chưa biết đến bao giờ, chính quyền “họ hứa” mới giải quyết xong vụ cướp đất ở Thủ Thiêm.

Phía cư dân Thủ Thiêm không còn tin vào những lời hứa của lãnh đạo, người dân đã quay về vùng đất bị cướp dựng nhà tá túc, không cam tâm chịu cảnh ngủ bờ ngủ bụi. Infonet có bài: Bí thư, Chủ tịch TP.HCM nói về việc dân Thủ Thiêm về đất cũ dựng nhà. Ông Nguyễn Thành Phong cho biết, ông nắm được thông tin một số hộ dân quay về đất cũ của mình tại Thủ Thiêm dựng nhà. Ông Phong cho biết, ông đã yêu cầu UBND quận 2 “thuyết phục” người dân trở về đất tái định cư do chính quyền cấp.

Ông Nguyễn Thiện Nhân nói: “Thành phố thống nhất mời bà con vào khu tái định cư để có điều kiện sống tốt hơn trong khi chuẩn bị các giải pháp căn cơ”. Chưa biết có “tốt hơn” không, nhưng cướp đất giá trị hàng chục tỷ, sau đó cấp miếng đất nhỏ vài trăm triệu gọi là “tái định cư” rồi lùa dân vào ở thì chính quyền không khác gì ăn cướp.

Vụ “củi” Tất Thành Cang, Facebooker Nguyễn Sin đưa tin, “Toà án nhân dân Quận 2 vừa thụ lý đơn ly hôn của ông Tất Thành Cang và vợ cách đây 2 tuần, sự kiện này được giới chuyên môn đánh giá là hành vi ‘Tẩu Tán Tài Sản” trước khi bị tó‘.


Vụ Mobifone mua AVG

Diễn biến mới vụ MobiFone mua AVG: Kỷ luật ông Lê Mạnh Hà, Nguyễn Trọng Dũng, theo báo Người Lao Động. Ông Lê Mạnh Hà, cựu phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, bị kỷ luật bằng hình thức khiển trách vì có vi phạm, khuyết điểm trong công tác. Ông Nguyễn Trọng Dũng, Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp, bị kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo do có vi phạm, khuyết điểm nghiêm trọng trong công tác.

Thông tin kỷ luật “khiển trách” bị cư dân mạng châm biếm mạnh. Trước một số cán bộ cao cấp có thế lực bảo kê quá lớn, “kỷ luật khiển trách” là hình thức mị dân để ra vẻ lãnh đạo cộng sản đang quyết liệt “đốt lò”. Nhưng đốt ai thì đốt, “củi” Lê Mạnh Hà là con trai của Lê Đức Anh thì khó mà đốt được.


Vụ “cán bộ” bắn “cán bộ”

Vụ Phó Chủ tịch HĐND phường bị bắn: Ông Hiếu phá tủ vũ khí để lấy súng, theo báo Dân Trí. Trưởng phòng Cảnh sát điều tra về trật tự xã hội (CA tỉnh Gia Lai) cho biết, “Phó Chỉ huy trưởng quân sự phường Đoàn Kết – Bùi Chí Hiếu đã phá tủ vũ khí cơ quan, lấy súng và bắn chết bà Kpă H’Ven – Phó Chủ tịch HĐND phường Đoàn Kết”.

Báo Dân Trí đưa tin: Vụ Phó Chủ tịch HĐND phường bị bắn: Chìa khóa tủ súng do 2 người nắm giữ. Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Gia Lai cho biết: Số súng quân dụng được bảo quản trong tủ sắt rất kiên cố, có 2 ổ khóa và chìa khóa do 2 người khác nhau cất giữ. Cò súng được khóa bằng dây xâu, hộp đạn được khóa kỹ. Ông Hiếu đã lên kế hoạch kỹ từ trước đó, cưa khóa, lấy súng trước khi sát hại phó chủ tịch HĐND phường.

Trước đó, TTX Việt Nam khẳng định, Phó chỉ huy quân sự phường bắn chết Phó chủ tịch HĐND phường vì “quan hệ tình cảm”. Tuy nhiên, vợ nghi phạm bắn chết nữ Phó chủ tịch phường lên tiếng ngược lại, theo báo Người Đưa Tin. Theo đó, “vợ nghi phạm Hiếu cho biết, trước đó vợ chồng chị vẫn bình thường, không có xích mích. Mỗi khi đi học về, Hiếu vẫn chở vợ con đi chơi. Hiếu và bà V. chỉ là mối quan hệ đồng nghiệp”. Cho nên dư luận “lề dân” lưu ý rằng, chủ đề tình cảm chỉ là chiêu trò quen thuộc của truyền thông “lề đảng”, nhằm “tung hỏa mù”.


Cán bộ lộng hành

Vừa bị kỷ luật, thư ký TAND TP Nha Trang lại bị tố cáo, theo báo Người Lao Động. Theo đó, Ông Huỳnh Công Thoại, thư ký TAND TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, vừa bị kỷ luật vì làm chứng cho vụ án mình thụ lý lại bị người dân gửi đơn tố cáo về việc ông nhận 160 triệu đồng trong vụ kiện liên quan đến nhà đất.

Zing đưa tin: Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau bị một kế toán kiện ra tòa. Ông Đỗ Minh Thống, kế toán Phòng khám đa khoa thị trấn Sông Đốc kiện Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau về việc không ban hành quyết định giải quyết khiếu nại lần 2 và hủy kết luận thanh tra số 2 của UBND huyện Trần Văn Thời. Trước đó, ông Thống bị thanh tra kết luận sai phạm và phải nộp 1,8 tỷ đồng. Ông Thống khiếu nại thì bị UBND Cà Mau kéo dài, có dấu hiệu “chìm xuồng”.

Báo Tiền Phong đưa tin: Cách hết chức vụ trong Đảng đối với bí thư xã quan hệ bất chính. Tổ chức đảng cộng sản tỉnh Hậu giang vừa ra quyết định cắt hết chức vụ trong đảng đối với ông LHH (Bí thư Đảng ủy xã Xà Phiên), do quan hệ bất chính với cấp dưới là bà NTTN, 29 tuổi, công tác lĩnh vực lao động-thương binh và xã hội của xã. Bà NTTN cũng bị kỷ luật cảnh cáo. Trước đó chồng bà N. có đơn tố cáo ông H. và bà N. có quan hệ bất chính.

Vụ dân bị cắt điện vì bình luận trên facebook: Phó Giám đốc sở Công Thương ký văn bản trái thông tư, theo báo Người Đưa Tin. HTX Thành Tâm được xác định vi phạm nghiêm trọng trong quá trình cung cấp điện, tăng giá điện gấp nhiều lần, cao hơn giá quy định. Người dân không được trả lời thỏa đáng, bức xúc đăng lên facebook thì bị cắt điện. Khoảng 3000 hộ dân đã viết đơn tố cáo. Đang trong quá trình chờ xử lý, Phó Giám đốc sở Công Thương Hà Tĩnh bất ngờ ký văn bản trái thông tư, gây bất bình trong dư luận.


Vụ đất rừng Sóc Sơn

Vi phạm nghiêm trọng các quy định về quản lý đất đai và rừng phòng hộ, nhưng một số người liên quan vụ xẻ thịt rừng Sóc Sơn: Chủ yếu kiểm điểm, rút kinh nghiệm, theo báo Đất việt. Chính quyền bị cáo buộc ký hợp đồng thuê đất công không đúng quy định, giao đất trái thẩm quyền, dồn điền đổi thửa chưa đúng quy định. Tuy nhiên, từ năm 2016 đến nay, hàng loạt cán bộ thôn, xã bị xử lý, với mức cao nhất là “kiểm điểm, rút kinh nghiệm”.

Nhiều cán bộ từ cấp thành phố, huyện, xã đứng sau sai phạm “xẻ thịt” đất rừng tại huyện Sóc Sơn. Tuy nhiên, trong sai phạm đất đai ở Sóc Sơn, chính quyền mới chỉ xử lý cán bộ thôn, xã, theo VietNamNet. Nhiều khả năng, những con “tốt “sẽ bị “thí”, cùng với chiều hướng truyền thông “lề đảng” đang “giảm nhiệt” vụ này, có thể những kẻ chống lưng với chức tước cao hơn sẽ thoát tội.

Báo VnExpress dẫn lời Bí thư Sóc Sơn: Nói phá Việt phủ Thành Chương là vô cảm. Ông Phạm Xuân Phương cho rằng Việt phủ Thành Chương là “công trình giới thiệu văn hóa Việt cổ… đã thành điểm đến của nhiều người, nhất là khách nước ngoài”. Phía dư luận có người hỏi lại, vậy thì hành động phá đất đai, phá rừng trái phép chắc là không vô cảm?


“Khát vọng mãnh liệt” của Thủ tướng Phúc

Báo Sài Gòn Giải Phóng có bài: Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Việt Nam có khát vọng mãnh liệt trở thành quốc gia hùng cường. “Khát vọng” của Thủ tướng Phúc chẳng khác nào khát vọng của một tên ăn mày, nát rượu, lười biếng… mơ ước trở thành tỉ phú? Một kẻ lười biếng, bất tài, suốt ngày ăn xài phung phí, cầm cố tài sản ông bà để lại ăn tiêu cho hết, rồi sau đó mơ ước giàu có, trở thành đại gia, tương tự như “khát vọng mãnh liệt” của thủ tướng VN.

Trước đó, trong lễ khai mạc ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia tối 29/11/2018, ông Nguyễn Xuân Phúc còn nói “đã đến lúc phải chinh phục thế giới, mang thế giới về Việt Nam”, theo VietNamNet. Không ít ý kiến trên mạng xã hội diễn giải câu nói này theo hướng… rất nhiều món đồ bị ăn cướp trên thế giới sau đó đã xuất hiện ở Việt Nam, khách du lịch nước ngoài cũng thường xuyên mất đồ ở đây. Không lẽ ngài Thủ tướng lại khuyến khích tình trạng ăn cướp đang khiến Việt Nam đã mất mặt, lại càng mất uy tín trong mắt du khách?


Mơ thành cường quốc an ninh mạng

Vài ngày trước, Bộ trưởng 4T cũng đã phát biểu: “Các bạn trẻ có thể thay đổi số phận dân tộc, đưa Việt Nam trở thành cường quốc về an ninh mạng“. Cường quốc về an ninh mạng để trở thành ăn mày? Muốn xây dựng an ninh mạng thật sự vững mạnh, hiệu quả, thì cơ sở hạ tầng không gian mạng đầy đủ, với nguồn nhân lực đủ trình độ chống chọi lại các cuộc tấn công mạng, là các yếu tố căn cốt, nhưng Việt Nam rất yếu. Còn “an ninh mạng” theo kiểu rải dư luận viên, tuyên truyền viên trên mạng để ngăn chặn thông tin đa chiều, khách quan, bằng mọi cách thì đó không phải là an ninh mạng theo cách hiểu của thế giới văn minh.

Chưa thành “cường quốc an ninh mạng” được thì doanh nghiệp ngoại cảnh báo ‘thiệt hại kinh tế nghiêm trọng’ do Luật ANM, theo VOA. Ngày 4/12, đại diện các doanh nghiệp Mỹ và châu Âu cảnh báo rằng, việc thực thi luật An ninh Mạng có thể gây ra “thiệt hại kinh tế nghiêm trọng”, cũng như “ảnh hưởng” đến “sức hấp dẫn và tính cạnh tranh của Việt Nam”. Bởi vì đó không phải một đạo luật đúng nghĩa về an ninh mạng, mà đơn giản là luật trao quyền cho công an mạng Việt Nam để kiểm soát thông tin người dùng mạng xã hội đến mức tối đa.


Dự án chống ngập

Báo Người Lao Động có bài: Cần câu trả lời cho dự án chống ngập 10.000 tỉ đồng. Theo đó, nhiều cử tri TPHCM phản ánh rằng “công tác chống ngập triển khai không đồng bộ, nhiều dự án triển khai chậm, thậm chí ngưng thi công nên cứ hễ mưa xuống, triều lên là TP lại ngập”.

Bản chất vấn đề được nhiều người trên mạng xã hội lên tiếng từ lâu, lãnh đạo CSVN đã làm sai hoàn toàn khi triển khai quy hoạch TP HCM về hướng Nam, xây dự án ở quận 7 nơi trước đó là vùng đất có vai trò chứa nước trong quy hoạch của chính quyền Sài Gòn. Họ làm sai từ gốc, cho dù dự án có chi một vạn tỷ, chục vạn tỷ cũng không giải quyết được vấn đề.  


BOT tiếp tục “hút máu” dân

Tối 3/12, giới tài xế đồng loạt dừng xe, phản đối thu phí, BOT An Sương – An Lạc xả trạm, theo Zing. Lý do tài xế phản đối là BOT An Sương – An Lạc thu phí vượt 31 tháng so với quy định. Một người dân ở quận Bình Tân cho biết: “Theo văn bản quy định trạm thu phí An Sương – An Lạc bắt đầu hoạt động từ tháng 4/2004 đến 1/1/2017. Tuy nhiên, trạm thu phí hoạt động đến nay đã quá thời hạn 31 tháng”. Công an quận Bình Tân nhanh chóng có mặt bảo vệ BOT, giải tán tài xế.

Báo Giao Thông dẫn lời ông Nguyễn Hồng Ninh, Giám đốc BOT An Sương – An Lạc, cho biết “việc tài xế cho rằng trạm thu phí thu quá thời gian quy định là thông tin sai lệch”. Ông Ninh giải thích: “Bởi dự án được triển khai có sự giám sát chặt chẽ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền chứ không phải doanh nghiệp muốn thu quá thời gian là được”.

Báo Lao Động đặt câu hỏi về vụ BOT An Sương – An Lạc xả trạm: Vì sao kéo dài thu phí đến tận 2033? Giám đốc BOT xác nhận, trước đây trạm thu phí An Sương – An Lạc có thời hạn thu phí đến năm 2017. Tuy nhiên, công ty khai thác BOT An Sương – An Lạc (IDICO) và chính quyền đã âm thầm, thông đồng để tăng thời gian lên đến năm 2033. Cách hợp thức hóa việc “hút máu” dân:  “IDICO đã đầu tư thêm một số hạng mục giao thông… nên thời gian thu phí trạm An Sương – An Lạc được phép kéo dài đến năm 2033”.

Tài xế Phan Viết Thanh, ở Bến Tre chia sẻ: “Khi bị phản đối vì thu quá hạn thì họ mới đưa lý do là đầu tư thêm hạng mục nên được kéo dài, vấn đề này từ trước đến giờ dân chúng không hề hay biết”.

Chiều 4/12, Sở Giao thông vận tải TP họp báo thông tin về vụ việc, theo VOV. Nội dung chính là “tuyên truyền và hợp thức hóa việc thu phí đến năm 2033”. Ngoài ra, chính quyền còn thống kê, có khoảng 40 tài xế phản đối; đồng thời lên phương án để đàn áp nếu tình trạng chống đối vẫn tiếp diễn. Không lãnh đạo nào nhắc đến việc chủ đầu tư BOT và chính quyền âm thầm làm, âm thầm thu phí.

Với cách làm này, có lẽ chính quyền lại đang lên kế hoạch “vẽ” ra “thế lực thù địch” đằng sau 40 tài xế nói trên. Nếu các tài xế không lùi bước, chính quyền và an ninh hoàn toàn có thể tái diễn kịch bản đàn áp trong vụ biểu tình Bình Thuận tháng 6/2018.

Chính quyền vẫn đang đứng về phía BOT. Báo VnExpress dẫn lời Giám đốc Sở Giao thông TP HCM: “BOT An Sương không thu phí quá hạn”. Ông Bùi Xuân Cường góp thêm lý lẽ cho chủ đầu tư BOT An Sương: “Chủ đầu tư đang thu phí là để hoàn vốn cho phụ lục hợp đồng mới với thành phố. Ở đây không phải là làm công trình chỗ này rồi thu phí chỗ khác mà là đầu tư trên cùng tuyến đường đó”.


Facebooker Nguyễn Huy Cường viết: BOT An Sương chưa có câu trả lời thỏa đáng. Sau lần xả trạm ngày 3/12/2018, những người liên quan đến BOT An Sương trả lời báo chí, “nêu đại ý là vì phải nâng cấp thêm vài hạng mục công trình nên kéo dài thời gian thu phí lên…vài chục năm”. Báo chí “lề đảng” cũng chỉ “tạm dừng” ở chuyện đăng nguyên văn những phát biểu, giải thích của phía làm BOT chứ không dám khai thác sâu hơn.
Theo ông Cường, “chỉ cần làm vài con toán lớp 7, xem giá trị những công trình làm thêm nay là bao nhiêu. Thu phí một năm là bao nhiêu, ba năm là bao nhiêu… là ra ngay bản chất vấn đề”. Ông Cường chia sẻ video clip về dòng xe lưu thông qua BOT An Sương:


Hậu giải quyết vụ 321 cái tát

Tiếp tục thông tin liên quan đến giáo viên tát học sinh 231 cái,  Hiệu trưởng khẳng định ‘ép cung’ học sinh rất đúng đắn, Thứ trưởng nói phản cảm, theo Petro Times. Bà Phạm Thị Lệ Anh, Hiệu trưởng trường PTCS Duy Ninh khẳng định, việc phát phiếu điều tra, áp lực bắt 23 học sinh trả lời để bảo vệ cái sai của bà hiệu trưởng và cô giáo đánh học sinh là “hoàn toàn đúng đắn”. Trong khi đó, Bộ GD lại nói đó là hành động phản cảm, và đang vào cuộc làm rõ. Còn theo dư luận “lề dân”, hành động “đúng đắn” ấy là tội ác nối tiếp tội ác.

Bình luận về sự trơ trẽn của bà Anh, báo Công Lý cho rằng, đó là cái tát thứ 232. Bà Anh đang làm những việc hết sức lố bịch, “19 câu ‘hỏi cung’ và 23 lá phiếu sẽ là tấm khiên để bà bảo vệ mình, bảo vệ cấp dưới, để bà làm báo cáo đối phó với cấp trên”. Bà Hiệu trưởng đã đe dọa để 23 học sinh phải nói dối. Nó tạo ra “một nơi mà trẻ con phải học bạo lực, phải làm quen cách nói dối thì có phải là trường học hay không?”. Đây thật sự là cái tát của bà Hiệu trưởng vào nền giáo dục và vào tất cả những người có tự trọng.

Cũng tin giáo dục, bê bối gian lận điểm kỳ thi tốt nghiệp 2018 đến nay coi như “chìm xuồng”, bộ GD&ĐT nay lại công bố phương án thi THPT quốc gia 2019, theo báo Thanh Niên. Đáng chú ý, bộ giáo dục đưa ra “giải pháp” đặt camera giám sát chấm thi 24/24 giờ và “hoàn thiện” phần mềm chấm thi. Giải pháp trên ngay lập tức bị chế giễu. Ai cũng biết, dưới bàn tay của cán bộ cộng sản, việc camera hư hay mất điện luôn đúng lúc. Điển hình trước đó là camera trong phòng hỏi cung của công an hay những nơi công quyền đều hư “đúng quy trình”.



Hậu bắt cóc Trịnh Xuân Thanh


***






No comments:

Post a Comment

View My Stats