Monday, 24 December 2018

BẢN TIN NGÀY 24/12/2018 (Báo Tiếng Dân)




24/12/2018

Tin Biển Đông

National Interest lo ngại Thế chiến III có thể bắt đầu ở Biển Đông, theo báo Giao Thông. GS Robert Farley từ Trường đại học quân sự của quân đội Mỹ, cho rằng: Trong năm 2019, những khu vực “nóng” nhất trên thế giới, “nơi có thể xảy ra WWIII vẫn là Biển Đông, Ukraine, Vịnh Ba Tư và Bán đảo Triều Tiên”. Trong đó, Biển Đông là “nơi diễn ra cuộc đối đầu giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, hai quốc gia đang có cuộc chiến thương mại với nhau”.

Báo Dân Trí có bài: Một Tổng thống Mỹ khó đoán và “giọt nước tràn ly” trong liên minh của Washington. Theo đó, ngay cả Bắc Kinh cũng hài lòng về vụ Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ James Mattis từ chức, vì ông Mattis từng “công kích mạnh mẽ Bắc Kinh trong vấn đề Biển Đông và đưa tàu chiến tới các khu vực nơi Trung Quốc tuyên bố chủ quyền tại vùng biển này”.


Tin nhân quyền

Đất đai của người Công giáo từ Bắc đến Nam đều bị xâm phạm. RFA có bài: Khu đất vườn rau Lộc Hưng vẫn trong tầm ngắm thu hồi. Một người dân kể lại tình hình với RFA: “Họ không phải đến để cưỡng chế vườn rau bà con chúng tôi nhưng họ mang theo một văn bản gọi là kiểm tra hành chính và họ mang một lực lượng công an khoảng hơn 50 công an trên một xe tải đổ xuống vườn rau chúng tôi và họ đòi kiểm tra thủ tục hành chính”.

Về thông tin Dòng Mến Thủ Thiêm và Nhà Thờ Thủ Thiêm sẽ bị cưỡng chế, nhà báo Nguyễn Công Khế đưa tin, trong cuộc họp mới đây, lãnh đạo TP HCM “đã gần như có quyết định không di dời Dòng Mến Thủ Thiêm và Nhà Thờ Thủ Thiêm và đề nghị khu này được công nhận là khu di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia được xây dựng lâu năm“.

RFA đưa tin: Người H’Mong ở 2 tỉnh Hòa Bình, Sơn La không được đón Tết truyền thống kể từ 2019. Bà Đinh Thị Thảo, Phó Trưởng ban dân tộc tỉnh Hòa Bình xác nhận thông tin này với RFA: “Cái này không phải là mình có ý kiến gì đâu anh ạ, đây là do hội nghị liên tịch của mấy xã đồng bào Mông, có cả ở Hòa Bình, Vân Hồ, Lóng Luông… ở gần người ta tự thống nhất chứ không có ý kiến chỉ đạo”.

Ông Nguyễn Trường Sơn, người phụ trách chiến dịch cho Việt Nam và Campuchia của tổ chức Ân xá Quốc tế nhận định: “Rõ ràng đây là hành động tùy tiện của chính quyền địa phương 4 xã nêu trên khi mà can thiệp thô bạo vào đời sống truyền thống của đồng bào người H’Mong địa phương”.


Chiến dịch “đốt lò” cuối năm

Trước thềm Hội nghị Trung ương 9, dự kiến diễn ra từ ngày 25 đến 28/12/2018, có nhiều ý kiến trên mạng dự đoán rằng, hội nghị này sẽ dứt điểm chuyện xử lý ông Tất Thành Cang. BBC đưa tin: Hội nghị Trung ương 9 kỷ luật đảng, bàn nhân sự tương lai. Trước đó, Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận, ông Tất Thành Cang sai phạm “rất nghiêm trọng…đến mức phải xem xét, thi hành kỷ luật”. Theo quy chế Đảng, “Ban Chấp hành Trung ương sẽ xem xét kỷ luật ông Cang”.

Một số báo “lề đảng” đã có bài “đánh tiếng” về số phận của ông Cang, báo Dân Việt có bài: Ông Tất Thành Cang vi phạm rất nghiêm trọng, nhiều quan chức vướng lao lý. Bài viết bàn về hai sai phạm nghiêm trọng nhất của ông Cang, là vụ ký hợp đồng có dấu mật để đầu tư xây dựng 4 tuyến đường chính trong dự án Thủ Thiêm, tổng mức đầu tư dự án gần 12.200 tỷ đồng và vụ chấp thuận để Công ty Tân Thuận chuyển nhượng hơn 32ha đất Phước Kiển cho Công ty CP Quốc Cường Gia Lai.

Facebooker Lê Nguyễn Hương Trà viết: Úm ba la… Đất công sản! Theo đó, “các vấn đề bất cập về đất công sản hiện đang xảy ra khắp cả nước”. Thủ đoạn thông dụng nhất là, doanh nghiệp Nhà nước được giao đất công sẽ xin chủ trương, dự án khai thác, “sau đó mang góp vốn, hợp tác với đối tác bên ngoài và màn cuối cùng là thoái vốn. Thế là đất công sản rơi vào tay tư nhân, hoàn toàn không đấu thầu hay chào giá công khai, minh bạch”.
Số phận một số “khúc củi” to: “Trong tuần qua, lần đầu tiên BCT khóa XII họp 2 ngày liên tiếp; trong đó căng thẳng là các quyết định vận mệnh của ông Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn và Tất Thành Cang. Mặc dù từ 25/12, Hội nghị BCHTW lần 9 mới họp bỏ phiếu, nhưng bầu làm màu thôi, chứ ai giờ cũng đã biết: 6C nghỉ phép coi như nghỉ luôn các chức vụ”. Còn hai ông cựu Bộ trưởng 4T chỉ còn đợi quyết định khởi tố.

Liên quan đến sai phạm Thủ Thiêm: Giám đốc Sở Xây dựng từ năm 1995 bị kiểm điểm, theo VietNamNet. Lãnh đạo Sở Xây dựng TP.HCM vừa  gửi báo cáo đến UBND TP về “kế hoạch tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm, xử lý vi phạm đối với tập thể và cá nhân theo kết quả kiểm tra của Thanh tra Chính phủ liên quan đến khiếu nại của người dân về Khu đô thị mới Thủ Thiêm”. Sở Xây dựng TP.HCM và các giám đốc sở từ năm 1996 tới nay đều nằm trong diện phải rà soát, kiểm điểm. Trước ngày 1/1/2019, Sở dự kiến sẽ “tổng hợp, báo cáo kết quả kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân lên cho UBND TP.HCM”.


Thêm “đồng chí” ra đi, “tìm đường cứu nước”

Có “đồng chí” liên quan đến sai phạm ở TP HCM đã tính đường “ra đi tìm đường cứu nước”: Phó ban quản lý đường sắt đô thị TP HCM đi nước ngoài khi chưa được phép, theo VnExpress. Các cơ quan chức năng TP HCM đang xác minh, tìm cách xử lý vụ ông Hoàng Như Cương “đã đi Mỹ (công việc riêng) từ nửa đầu tháng 12 khi chưa được cấp thẩm quyền cho phép theo quy định”. Chuyện ông Cương “tìm đường cứu nước” liên quan đến việc tuyến metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) không thể hoàn thành đúng tiến độ vào năm 2020 do càng làm càng “đói vốn”, cần tổng mức đầu tư hơn 47.300 tỷ đồng.

Cái gương của Trịnh Xuân Thanh bị mật vụ công an VN bắt ở Đức, vẫn không khiến các quan chức từ bỏ nguyện vọng “tìm đường cứu nước”, bởi họ hiểu rằng dù có ở lại thì các “đồng chí” cũng không dành cho họ hồi kết nào khả quan.


Mạnh ai nấy phá

Báo Pháp Luật Việt Nam đặt câu hỏi: Làm giả hồ sơ để trúng thầu dự án ngân sách hàng chục tỷ đồng, cả trăm tỷ ngân sách vẫn đang bị “bưng bít”? Công ty cổ phần Việt Tiến không có năng lực, tuy nhiên đã thông đồng với các công ty khác, làm giả hồ sơ, hợp thức hóa để trúng nhiều gói thầu xây dựng tổng trị giá hàng trăm tỷ đồng. Vụ việc có dấu hiệu thông đồng giữa nhóm lợi ích và doanh nghiệp. Khi PV liên hệ để làm rõ thêm thông tin, cán bộ Huyện và xã dùng nhiều cách né tránh.

Báo Người Đưa Tin có bài: Bí thư Huyện ủy “vi phạm nghiêm trọng” được “lên tỉnh”. Bà Hồ Thị Lệ Hà, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị, bị kỷ luật bằng hình thức “cảnh cáo” vì nhiều sai phạm trong việc “ăn” đất và ăn chia từ các dự án, công trình trên địa bàn huyện.

Dù mắc nhiều sai phạm và bị kỷ luật, bà Hồ Thị Lệ Hà, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Hướng Hóa vẫn được “lên tỉnh”. Ảnh: Báo NĐT

Mặc dù bị kết luận là sai phạm “nghiêm trọng, nhưng bà Hà không bị hề hấn gì. Trái lại, bà còn được lên chức Phó Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Trị. Ở Việt Nam, chuyện cán bộ bị kỷ luật rồi lên chức thường xuyên xảy ra. Bởi dù có bị kỷ luật hay không, thì với gốc gác và tiền bạc, cán bộ cộng sản cũng được dễ dàng ngồi vào những chiếc ghế mà họ muốn.


Nợ công tăng cao thì đè dân thu tiền

Báo Dân Trí có bài: Cẩn trọng với nợ; Hàng triệu người dân sắp chịu thêm phí mới? Chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ lưu ý: “Cần thận trọng hơn với vấn đề nợ của nền kinh tế. Sống trên núi nợ thì phải tính làm ăn ra sao đây?”. Bài viết dẫn chứng số liệu đóng góp GDP của công nghiệp chế tạo Việt Nam “thua” cả Campuchia, 15% so với đóng góp 22% của Campuchia.

Kinh tế thua lỗ, nợ công chồng chất, ngân sách trống rỗng, không còn tiền để đầu tư, trả nợ vay quốc tế. Chính quyền cộng sản lên kế hoạch thu thêm thuế, phí, để bù vào thâm hụt ngân sách.

Kế hoạch tận thu phí khí thải, Bộ Tài Chính ngụy biện: Đề xuất thu phí khí thải: “Do cử tri đề xuất”!, theo Thời Báo Kinh Tế Việt Nam. Bộ Tài Chính khẳng định, đề xuất tận thu tiền của người dân là do người dân ở Lào Cai yêu cầu. Bộ Tài chính cũng khẳng định, “đây mới chỉ là đề xuất đang trong giai đoạn tiền nghiên cứu và xin ý kiến các tổ chức cá nhân, sau đó đơn vị này mới hoàn thiện phương án thu phí”. Cũng như nhiều dự thảo, dự luật có lợi cho chính quyền trước đó, dù bị người dân kịch liệt phản đối nhưng chính quyền vẫn thông qua và đổ cho người dân.

Trang VietNamNet có bài: Triệu người dân gánh thêm phí mới: Trước hết, xử kẻ sai phạm, truy nhóm chây lì. Bài viết lưu ý chính quyền: “Trước khi nghĩ đến việc tăng hay thêm một loại thuế phí nào, thì hãy nghĩ đến việc quản lý chặt thu chi ngân sách trước. Dù việc đó có khó hơn là đặt ra thêm loại thuế phí thu của dân, nhưng nên nhớ rằng sức chịu đựng của dân lúc nào cũng chỉ có giới hạn”.

So với năm 2012, năm 2018 chính quyền đã móc túi người dân qua cái gọi là thuế, phí “bảo vệ môi trường” gấp 5,6 lần. Thuế chồng thuế, phí chồng phí, gánh nặng chất chồng lên đầu người dân. Người dân tới lúc cùng cực, thật khó hình dung phản ứng của họ thế nào.


Người dân vs BOT

Lãnh đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa yêu cầu cung cấp thông tin người gây rối ở trạm BOT Bắc Thăng Long – Nội Bài, theo báo Người Đưa Tin. Các quan chức yêu cầu “chủ đầu tư trạm thu phí này cung cấp kịp thời thông tin, hồ sơ, tài liệu liên quan đến các hành vi gây rối, mất trật tự an ninh, các đối tượng có hành vi cố tình cản trở giao thông, gây ách tắc giao thông cho các cơ quan chức năng để kịp thời xử lý theo quy định”.

Không phải bỗng dưng người dân phẫn nộ rồi phản đối một trạm thu phí. Người dân từ Bắc tới Nam đều bị tận thu, tới gần giới hạn của sự chịu đựng. Chuyện chính quyền dùng công an, an ninh, sử dụng vũ lực đàn áp người dân, chắc chắn sẽ gây tác dụng ngược.


Giáo viên, cán bộ tổ chức tiệc ma túy

Trang VietNamnet đưa tin: Bắt phó GĐ ngân hàng cùng 2 cô giáo đang phê trong tiệc ma tuý. Theo đó, “Công an huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) đang tạm giữ một nhóm người để điều tra về hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy, trong đó có cán bộ ngân hàng, giáo viên và kiểm lâm”. 13 người tổ chức tiệc sinh nhật ma túy trong quán karaoke sang trọng. Trong đó có một phó giám đốc ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Hương Khê, một cán bộ kiểm lâm huyện và 2 cô giáo.

Những người bị bắt tại bữa tiệc phê ma túy. Ảnh: TN

Nói về việc bắt phó giám đốc, giám đốc Agribank cho biết: “Anh T. là một cán bộ lâu năm, trong công việc luôn rất chăm chỉ và không hề có những biểu hiện của sự sa ngã, theo báo Đất Việt. Trưởng phòng GD huyện cho biết: cô giáo bị bắt đó là Tr. Th. H, giáo viên Trường tiểu học Hương Trà và cô Ng. Th. L. Q., Trường mầm non Phúc Trạch, “Cả 2 cô này đều đã có chồng con nhưng đã ly hôn… Trước đây tôi chưa nghe 2 cô này có tiếng tăm hay chơi bời gì mà họ vẫn làm việc bình thường”.

Hiệu trưởng thì cho biết: Cô giáo bị bắt quả tang “chơi” ma túy tập thể ở quán karaoke “là người hiền lành, giáo viên giỏi”, theo báo Gia Đình và Xã Hội. “Cô Hằng là một người hiền lành, trước giờ chưa có tai tiếng gì. Đặc biệt, học kỳ 1 năm nay cô Hằng còn là giáo viên giỏi của trường đang được đề cử đi thi giáo viên giỏi cấp huyện…”, Hiệu trưởng trường tiểu học Hương Trà nói.

Phía sau bục giảng là những bữa tiệc ma túy trụy lạc. Phía sau những lời tuyên truyền, những “học tập và làm theo tấm gương đạo đức” là những cán bộ cộng sản xảo trá, nói dối như cuội, không hề có đạo đức.


Giáo dục thời bộ trưởng “buồn” và “láo”

Vụ Hiệu trưởng dâm ô học sinh nam, báo Pháp Luật Việt Nam phản biện bộ trưởng Phùng Xuân nhạ: Không phải bài học giáo dục giới tính! Vụ việc động trời xảy ra, ông Nhạ tiếp tục buông những điệp khúc: “rất buồn”, “rất đau lòng”… và đánh lạc hướng dư luận, phủi bỏ trách nhiệm khi cho rằng đó là “bài học xương máu về giáo dục giới tính”. Tuy nhiên “đó không phải là cách nhìn thẳng vào sự thật. Ở đây, chính là vấn đề đạo đức lệch lạc của một người thầy, nhiều người thầy tại ngôi trường đã im lặng dung túng cho cái ác ấy…”

Báo Lao Động có bài: Điệp khúc lạm thu, rút kinh nghiệm. Có 12 trường phổ thông công lập tỉnh Ninh Thuận bị phát hiện hàng loạt sai phạm liên quan đến thu – chi. Nhiều hiệu trưởng thông đồng với kế toán, âm thầm chi tiền cho các mục đích không đúng, bỏ túi riêng. Một số trường thu tiền phụ huynh vô tội vạ, tạo thêm gánh nặng, nhất là những gia đình học sinh nghèo. Sai phạm có dấu hiệu tham ô tài sản, nhưng chính quyền tỉnh Ninh Thuận chỉ “rút kinh nghiệm”.


***









No comments:

Post a Comment

View My Stats