Lê Phan
December 8, 2018
Hôm Thứ Tư, 5 Tháng Mười Hai vừa qua, khi Hoa Kỳ tổ
chức quốc tang cho cố Tổng Thống George H. W. Bush, một quốc gia nhỏ bé ở Âu
Châu cũng để tang trong khi thủ tướng Đức và tổng thống Ba Lan bay đến
Washington để tham dự. Có những lý do lịch sử tại sao một phần của Âu Châu đã
coi cố tổng thống là một ân nhân.
Các lá cờ đều treo rủ ở thủ đô Pristina và trên toàn
cõi Kosovo hôm Thứ Tư để vinh danh cố Tổng Thống George H. W. Bush, vốn được quốc
gia nhỏ bé thuộc Liên Bang Nam Tư cũ này coi như là một cứu tinh cho đất nước họ
vì ông đã viết một lá thư đe dọa Serbia nếu họ tấn công Kosovo.
Đối với người Albania, vốn là đa số dân của Kosovo,
ông vẫn còn được nhớ vì bức thư ông viết năm 1992 cho người lúc đó là Tổng Thống
Slobodan Milosevic của Serbia trong đó ông khuyến cáo ông Milosevic đừng bắt đầu
một cuộc chiến ở Kosovo, lúc đó vẫn còn là một phần của Serbia sau khi Liên
Bang Nam Tư tan rã. Tổng Thống Bush viết: “Hoa Kỳ chuẩn bị sử dụng vũ lực chống
lại Serbia ở Kosovo và ở chính Serbia.”
Dưới triều của người kế vị Tổng Thống Bush, Tổng Thống
Bill Clinton, Hoa Kỳ cầm đầu vụ bỏ bom của Liên Minh NATO vào lực lượng Serbia
năm 1999 để chấm dứt vụ giết và trục xuất người Albania trong cuộc chiến dành
quyền ở Nam Tư cũ. Sau khi quân đội Serbia rút lui, Kosovo tuyên bố độc lập năm
2008. Ông Shyqyri Nici, 70 tuổi đã về hưu, giải thích: “Tôi nhớ khi ông Bush già
đặt lằn đỏ cho Milosevic đừng đụng đến chúng tôi. Từ ngày đó chúng tôi có hai ủng
hộ viên, Thượng Đế ở trên trời và Hoa Kỳ ở dưới đất.”
Nhưng so với câu chuyện của Âu Châu thì chuyện của
Kosovo nhỏ hơn nhiều. Vào năm 1989, sự sụp đổ kinh tế của Liên Xô đã ngày càng
lộ diện cho những quan sát viên và chuyên gia về Liên Xô. Nhưng Âu Châu và toàn
thế giới không chuẩn bị cho sự sụp đổ của Bức Tường Berlin vào ngày 9 Tháng Mười
Một, 1989, thành ra khi nó xảy ra đã là một cú shock cho hầu hết mọi người.
Ngay bên trong Liên Xô, sau này chúng ta biết là
Moscow đã sửng sốt và sững sờ tê liệt không biết làm sao đối phó khi chuyện
không thể tưởng tượng được đã xảy ra. Tây Âu, kể cả Anh và Pháp, đã nói rõ là họ
không muốn chuyện đó xảy ra. Theo cựu đại sứ Hoa Kỳ ở Berlin, John Kornblum,
ngay phản ứng đầu tiên của Tổng Thống Bush cũng không mấy hứng thú. Ông được dẫn
lời nói: “Tôi không phải là một người dễ xúc động.”
Nhưng xúc động đang dâng cao. Tổng Thống Francois
Mitterand bay đến Đông Đức để tìm cách xem có thể chặn thống nhất nước Đức được
không. Thủ Tướng Margaret Thatcher của Anh ra lệnh cứu xét các lựa chọn để chặn
sự tái hiện của một nước Đức thống nhất. Ở Washington các viên chức bất đồng ý
kiến. Một số ở Bộ Ngoại Giao và Hội Đồng An Ninh Quốc Gia tỏ vẻ nghi ngờ.
Chỉ có một người cương quyết nắm lấy cơ hội. Đó là
Thủ Tướng Kelmut Kohn của Tây Đức ở Bonn. Ông hiểu là tình hình mong manh đến mức
nào. Hôm 8 Tháng Mười Một, vào ngày trước khi bức tường sụp đổ, ông Kohn đã đến
Warsaw và đã duy trì một lập trường thận trọng khuyên các lãnh tụ Ba Lan là họ
không có gì phải lo sợ. Sẽ còn nhiều thế hệ nữa thì nước Đức mới thống nhất.
Nhưng riêng ông Kohn cảm thấy là sự gia tăng phản ứng chống lại của Nga khiến
ông nghĩ phải hành động. Kết quả là thủ tướng Tây Đức đưa ra chiến lược 10 điểm
cho việc thống nhất đất nước.
https://i1.wp.com/www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2018/12/A1-Au-Chau-va-Bush-Cha_2.jpg?resize=696%2C545&ssl=1
Thủ Tướng Đức Angela Merkel (trái) và cựu Tổng Thống
George H. W. Bush trong buổi lễ khánh thành tòa đại sứ mới của Mỹ tại Berlin, Đức,
vào ngày 4 Tháng Bảy, 2008. (Hình: John Macdougall/AFP/Getty Images)
Dầu cho một số viên chức ở Washington còn nghi ngờ,
Tổng Thống Bush ngay lập tức hiểu chuyện gì đang xảy ra. Nhiều năm sau, Đại Sứ
Kornblum kể lại là ông Kohn nhiều lần nhấn mạnh là nếu không có sự hỗ trợ của
ông Bush và toán chuyên viên của ông thì việc thống nhất đã không thành.
Một trong những bước quan trọng trên đường thống nhất
nước Đức là “hội nghị thượng đỉnh say sóng” nơi Tổng Thống Bush gặp Chủ Tịch
Gorbachev trên một con tàu Liên Xô ngoài khơi Malta trong mùa bão vào ngày 2 và
3 Tháng Mười Hai, 1989. Ngày 4 Tháng Mười Hai, tổng thống bay đến trụ sở của
Liên Minh Bắc Đại Tây Dương (NATO). Tại một cuộc họp báo ở trụ sở NATO, tổng thống
đọc một tuyên bố. Những điểm quan trọng bao gồm những điều kiện cho tương lai của
nước Đức sẽ phải được quyết định vì sự lựa chọn tự do của nhân dân Đức và một
nước Đức thống nhất có quyền tự do lựa chọn liên minh với ai.
Tuyên bố ngắn ngủi này đã định nghĩa tương lai của
Âu Châu. Qua việc kêu gọi tự quyết cho Đức, Tổng Thống Bush đã nói rõ là không
có can thiệp của các cường quốc vào tương lai của quốc gia thống nhất. Và qua
việc kêu gọi tự do chọn liên minh, tổng thống đã đặt một định mức – không có
chuyện trung lập cho một nước Đức thống nhất.
Cuộc điều đình sau đó căn bản do tài ba của cựu Ngoại
Trưởng James Baker. Cuộc thương thảo hai-cộng-bốn đoàn kết hai quốc gia Đức dưới
uy quyền của bốn cường quốc thắng trận thời Đệ Nhị Thế Chiến vốn đã duy trì từ
năm 1945, thành ra một hòa ước với 50 quốc gia là không cần thiết. Cách hành xử
của Ngoại Trưởng Baker phản ảnh thái độ của tổng thống – cương quyết nhưng hợp
tác. Ông Gorbachev được đối xử một cách tôn trọng. Chính sự kính nể đó đã giúp
ông Gorbachev duy trì nổi vị thế ở Moscow và bảo đảm sự ổn định của Liên Xô đủ
lâu để ổn định tình hình nước Đức.
Ngoại Trưởng Heiko Maas của Cộng Hòa Liên Bang Đức
đã nhân danh quốc gia mình tuyên bố để tang cho “một chính khách vĩ đại và một
người bạn của nước Đức.” Ông Maas nói: “Chúng tôi đã phải cảm ơn ông cho sự thống
nhất quốc gia chúng tôi. Năm 1989, vào lúc có những thay đổi tận gốc và thách
thức, khi những khối lung lay và đối đầu nhiều thập niên bắt đầu đổ vỡ, ông can
đảm nắm lấy cơ hội để chấm dứt Chiến Tranh Lạnh. Ông cũng là kiến trúc sư cho sự
đoàn kết nước Đức. Ông ủng hộ không ngần ngại từ ngay lúc đầu” và đây là một việc
mà “Chúng tôi sẽ không bao giờ quên.”
Cựu Thủ Tướng John Major, vốn làm thủ tướng cùng thời
với tổng thống, nói với đài BBC là cố tổng thống “thấy trách nhiệm của Hoa Kỳ với
thế giới và chấp nhận nó.” Ông Major thêm: “Tôi cảm thấy rất vinh dự được làm
việc với ông, và còn hơn thế được vinh dự làm bạn suốt đời của ông.” Ông Major
còn bảo tổng thống đã dạy cậu con trai mình câu cá.
Cựu Chủ Tịch Liên Xô Mikhail Gorbachev, người đã cầm
đầu Liên Xô để điều đình chấm dứt Chiến Tranh Lạnh với tổng thống nhắc lại: “Đó
là một thời của những thay đổi lớn… đòi hỏi trách nhiệm lớn từ mọi người.” Và Tổng
Thống Bush đã gánh trách nhiệm đó.
Chủ tịch Ủy Hội Âu Châu tức chính phủ của Liên Hiệp,
ông Jean-Claude Juncker nói: “Thế giới đã mất đi một chính khách và một lãnh tụ
là một tấm gương cho tất cả chúng ta. Tôi sẽ không bao giờ quên vai trò của ông
trong việc làm cho Âu Châu trở thành một nơi an toàn và đoàn kết theo sau sự sụp
đổ của Bức Tường Berlin và Bức Màn Sắt. Sự bình tĩnh của Tổng Thống Bush, sự
lãnh đạo và tình thân hữu với Helmut Kohn và Mikhail Gorbachev đã là yếu tố quyết
định trong việc tái lập hòa bình và mang lại tự do cho biết bao nhiêu người
trên toàn lục địa chúng tôi. Chúng tôi những người Âu Châu sẽ luôn nhớ mãi điều
đó.”
Nhân dân Đức cũng không quên ơn tổng thống, Đại Sứ
Kornblum kể lại là mấy năm sau, khi Thủ Tướng Kohn mời cựu Tổng Thống Bush đến
dự ngày ăn mừng thống nhất ở Stuttgart, đám đông đổ tới đông quá đến nỗi mà an
ninh của ông Kohn sợ không kiểm soát nổi phải yêu cầu đưa tổng thống ra ngoài.
Tối hôm đó, trong một bài diễn văn ngắn, Tổng Thống Bush, khiêm nhường, nói là
chính nhân dân Đức đã tạo nên thống nhất. (Lê Phan)
No comments:
Post a Comment