Tuesday, 20 March 2018

PUTIN - NGA HOÀNG & SỰ SỤP ĐỔ KHÔNG THỂ TRÁNH KHỎI CỦA LIÊN BANG NGA (tin tổng hợp)




Thứ Ba, 20 tháng 3, 2018

Dân Nga vừa bầu Poutine (Putin) thêm 6 năm nữa. Sau 18 năm cầm vận mệnh nước Nga, nếu tính cả 4 năm làm Thủ tướng để lươn lẹo với hiến pháp. Sau Tập Cận Bình, Erdogan, những hoàng đế trọn đời, thế giới có thêm một ông vua toàn quyền.

Putin đắc cử vẻ vang với 76% phiếu bầu, với 3000 vụ gian lận. Thế hệ Internet, smartphone, người ta chứng kiến trực tiếp những chuyện nhét phiếu vào thùng.

Sự thực, khỏi cần gian lận, Putin chắc chắn đắc cử. Gian lận chỉ làm cho thắng lợi vẻ vang hơn. Nhiều khi cũng chỉ vì truyền thống. Phản ứng Pavlov, nhiều người thấy thùng phiếu là tự động nhét cho đầy. Các địa phương thi đua nhau để chứng tỏ mình hữu hiệu hơn các vùng lân cận.

Số phiếu bầu nhiều nhất từ 8 tới 9 giờ, trong phòng phiếu chỉ có nhân viên kiểm phiếu ; trời lạnh, cử tri còn ngủ, hay còn trên đường mò tới phòng phiếu, rất gian nan ở những vùng quê.

PUTIN FOR EVER
Sự thực, Putin khỏi cần gian lận, khỏi cần tranh cử cũng vẫn đắc cử. Các hãng thăm dò cho hay một nửa dân Nga muốn Putin tiếp tục. Tỷ lệ phiếu bàu cho Putin sẽ cao hơn nhiều, vì số tham dự 67% , và những người chịu khó đội tuyết đi bàu hơn cả là fans của Putin.

Tại sao dân Nga bầu cho Putin, mặc dù kinh tế của Nga đang lúng túng, đời sống dân Nga khó khăn ? Ra khỏi Moscou giầu có, Saint Péterbourg huy hoàng (địa danh viết theo chữ Pháp), Nga là một nước nghèo, bất công chồng chất, tham nhũng lộng hành trong mọi tầng lớp.

 Tạm nêu vài lý do :

1. Không có đối lập. Những người đối lập nặng ký hoặc nằm tù, hoặc bị ám sát, hoặc lánh nạn ở ngoại quốc, hoặc bị cấm tranh cử vì những lý do lăng nhăng. Bẩy ứng cử viên tranh cử với Putin chỉ để làm cảnh. Putin không thèm tranh cử, tranh luận.

2. Media hoàn toàn trong tay nhóm cầm quyền, suốt ngày suốt đêm ca tụng, đã tạo một huyền thoại người hùng, coi Putin là người duy nhất có thể bảo toàn lãnh thổ Nga, uy danh Nga, nhất là sau vụ Nga xâm chiếm Crimée.

Ngay cả chuyện hai bố con cựu điệp viên Nga bị đầu độc ở London, cũng được chính quyền và media tay sai rêu rao là một âm mưu của cả thế giới, nhằm ngăn chặn dân tộc Nga vùng lên, dưới sự lãnh đạo của Superman Putin. Thay vì gây khó khăn, vụ đầu độc còn khiến nhiều người Nga ủng hộ Putin hơn nữa.

3. Dân Nga muốn ổn định, sau nhiều năm xáo trộn sau khi Nga Xô Viết sụp đổ. Người Nga còn trong đầu những kinh hoàng thời Staline, những năm xáo trộn, đất nước như một con tàu điên dưới thời ông quốc trưởng nghiện rượu Eltsine.

4. Người Nga nghĩ Putin đã mang lại thịnh vượng cho nước Nga. Sự thực, cả kinh tế Nga xây dựng trên dầu lửa, dầu khí. Putin may mắn lên cầm quyền đúng lúc dầu lửa lên giá, dollars đổ vào như nước. Chính quyền Nga không có một chính sách kinh tế gì lâu dài, maffia chia chác nhau và dùng tiền của quốc gia để củng cố quyền lực.

Nga không có kỹ nghệ gì đáng kể, không sản xuất gì ngoài dầu khí, dầu lửa, súng đạn, võ khí.

Khác với Ấn và Tàu, Nga không có một kế hoạch kinh tế gì lâu dài. Chỉ những cam kết mơ hồ sẽ đóng vai chủ chốt trên thế giới. Khó ai biết nước Nga sẽ đi về đâu.

Tổng sản lượng (PIB) của Nga chỉ bằng Tây Ban Nha (Espagne). Ngân sách Nga dồn vào quân sự quốc phòng, bỏ quên giáo dục, y tế, xã hội. Mặc dù trải qua một cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng, Tây Ban Nha đã xây dựng những hạ tầng cơ sở như xa lộ, nhà thương, trường học, trong khi ở Nga, những cơ sở hạ tầng đó vừa hiếm, vừa trong tình trạng thê thảm của một nước chậm tiến. 

5.    Dân Nga so sánh đời sống thời Putin với thời Cộng Sản, thấy đỡ khổ, đỡ thiếu thốn hơn trước. Không nghĩ rằng làm bệ rạc hơn kinh tế Cộng Sản là chuyện rất khó. Không thể đói hơn thời Staline, không thể khổ hơn thời Eltsine, khi tất cả guồng máy quốc gia tê liệt.

Cũng như ở VN, có người nói đời sống ở VN bây giờ thoải mái hơn nhiều, so với thời đói khát trước 75 ở miền Bắc, thời ăn bo bo ở miền Nam những năm sau 75. Không nghĩ rằng nhóm cầm quyền đã bán đổ bán tháo tài nguyên quốc gia, xuất cảng lao động kiếm tiền, chưa nói tới hàng tỷ dollars của người Việt hải ngoại gởi về. Ngân khoản khổng lồ đó rơi vào túi nhóm cầm quyền và tay chân, ngày nay gọi là các “đại gia”. Dân chúng chỉ được hưởng những hạt gạo rớt dưới sàng.

Eltsine và các đại gia, nghĩa là mafia đỏ, đã chia nhau những cơ sở quốc doanh béo bở. Khi Eltsine tư hữu hóa kinh tế, nhiều người trong phe đảng chỉ việc ký tên mua một cơ sở bằng tiền lèo (tiền ngân hàng hứa cho vay), băng qua đường, có thể bán lại với giá gấp 100 lần giá mua. Có người nói kỷ lục là …700 lần giá mua.

Putin kín đáo hơn, không khoe của, nhưng không ít tham nhũng hơn. Medvedev, người ra làm tổng thống làm vì, dính dáng tới nhiều vụ tai tiếng về kinh tài. Chung quanh Putin là cả một tập đoàn cựu KGB, ngày nay trở thành mafia đỏ. 

6. Sau gần một thế kỷ tẩy não, dân trí Nga còn thấp. Ý niệm dân chủ còn mơ hồ. Ước vọng dân chủ hầu như không có, trừ ở một thiểu số, bị cô lập, đàn áp. Đa số vẫn nghĩ một nhóm người nắm toàn quyền, toàn tài sản đất nước là chuyện thường tình, ở đâu cũng vậy, thời nào cũng thế. Giống y chang như tâm não nhiều người VN.

7. Nhiều người Nga ủng hộ Putin vì thấy chung quanh ông ta là sa mạc, không có ai có đủ khả năng , bản lãnh.

Putin dồn mọi nỗ lực vào quân sự và ngoại giao. Nhờ sự táo bạo hiếm có, khả năng chiến thuật cao, và cũng nhờ sự rụt rè, chia rẽ của Tây Phương, Putin đã thắng ở Crimée, gây rối loạn ở Ukraine, gây khó khăn cho Tây Phương ở Trung Đông và từ đó, chứng tỏ cho dân Nga thấy ông ta đúng là lãnh tụ của một cường quốc.

Sự thực, khả năng quân sự của Nga chỉ ngang với một nước trung bình. Nga có khả năng phá hoại hay đe dọa lớn nhờ hai yếu tố : 1. Có bom nguyên tử, 2. Là thành viên của Hội đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, có quyền và luôn luôn, cùng với Tàu, xử dụng quyền phủ quyết để gây khó dễ cho các nước Tây Phương.

Nga, ngoài vấn đề kinh tế, còn một vấn đề cực kỳ nan giải : dân số. Mỗi năm dân số Nga giảm hàng trăm ngàn người, có năm gần một triệu, vì y tế lạc hậu, nạn rượu chè trầm trọng, nhất là trong giới trẻ. Trên một lãnh thổ mông mênh, lớn nhất thế giới (17 triệu km2 ! ), dân số Nga không tới 150 triệu người.

Dân số ít, khả năng chuyên nghiệp thấp, y tế lạc hậu, giáo dục lỗi thời, giấc mơ cường quốc của Nga còn xa vời.

Khó khăn về kinh tế, xã hội, Putin dùng chiêu bài quốc gia cực đoan làm lá bùa hộ mệnh.
Phải công bằng mà nói : Putin ngày nay tận dụng chính sách đương đầu với Tây Phương, để củng cố quyền lực, cũng vì thái độ của Tây Phương.

Khi mới lên cầm quyền, Putin đã tìm cách xích lại với Otan, với Liên Hiệp Âu Châu. Hoa kỳ không muốn một Âu Châu quá mạnh. Các nước Âu Châu nhìn Nga với con mắt e ngại, nếu không nói là lo sợ đối với Nga, nhất là các quốc gia Đông Âu đã từng bị Nga Xô Viết xâm chiếm, cai trị. 

Putin ngồi lì trên ngai, Tập Cận Bình, Erdogan trở thành hoàng đế trọn đời. Thực tế nham nhở đã cải chính lý thuyết “la fin de l’histoire‘’ (the end of history) nổi tiếng của Francis Fukuyama. Fukuyama nói lịch sử đã chấm dứt, không thay đổi nữa, vì thế giới sẽ đi dần dần tới chế độ dân chủ.

Từ Thức ( Paris, tháng 3/2018 )

--------------------------------


Cùng với sự khủng hoảng tạm thời có tính quy luật của Toàn cầu hoá, sự sống lại của chủ nghĩa dân tuý và chủ nghĩa dân tộc đã đưa Donald Trump lên ngôi hoàng đế Hợp chủng quốc Hoa kỳ, đã tạo ra Brexit tách Anh ra khỏi một cộng đồng tiên tiến nhất của nhân loại, gợi ý cho Tập Cận Bình kích động sự thèm khát của dân tộc đại Hán dựng lại một đế chế Trung Hoa bằng giấc mơ "con đường tơ lụa" của 1300 năm trước, giúp Putine lại một lần nữa trúng cử tổng thống Liên bang Nga với cùng một loại tư tưởng kích thích sự nuối tiếc niềm vinh quang đã mất trong lòng người Nga. 

Nhưng dân Nga, hay Putine đã không nhận ra, con đường đang đi và buộc phải đi đang dẫn Nga tới sụp đổ lần thứ Hai.

Trả lời câu hỏi phỏng vấn của báo chí ngày hôm trươc cuộc bầu cử: "Tổng thống có sự tiếc nuối nào?" ông Putine đã trả lời không một giây đắn đo: "Sự tan rã của Liên Xô". Đây là tư tưởng xuyên suốt của Putine, là nguồn gốc sức mạnh của Putine cho đến nay, nhưng cũng là sai lầm lớn nhất của Putine sẽ dẫn Putine tới thất bại và Liên bang Nga tới sụp đổ. 

Thế giới ngày nay không còn là thế giới sau đại chiến II. Châu Âu tan tành đã trở thành một cộng đồng biểu tượng của nền văn minh nhân loại, đang càng ngày càng khẳng định một vị trí đầy tiềm năng của xu thế. Nhật đã là một nền kinh tế lớn thứ ba toàn cầu. Ấn Độ là nền dân chủ lớn nhất thế giới với một kinh tế có tốc độ tăng trưởng bền vững cao nhất thế giới, sẽ vượt qua Trung Quốc và thậm chí qua Mỹ trong một thời gian không dài. Trung Quốc từ một quốc gia nghèo đói thời Mao Trạch Đông, đã trở thành cường quốc thứ hai, đối đầu trực diện với Mỹ tranh giành ngôi vị đứng đầu. Mỹ dù không còn độc quyền vai trò cảnh sát trật tự thế giới, vẫn là quốc gia đứng đầu ở một khoảng cách đủ lớn để bất cứ một quốc gia nào cũng sẽ sụp đổ nếu theo đuổi một chính sách ganh đua. Nga không còn vị thế đứng đầu một nửa thế giới để tranh hùng với nửa bên kia do Mỹ đứng đầu. 

Tư tưởng nuối tiếc quá khứ và cay cú sự tan rã của một siêu cường hàng đầu thế giới đã đẩy Putine tới việc sáp nhập bán đảo Crưm trái luật, gây ra khủng hoảng với Ukraina, dẫn tới khủng hoảng với châu Âu và toàn bộ thế giới, cô lập Nga và đẩy Nga vào cuộc khủng hoảng cả kinh tế lẫn chính trị. 

Đáng lẽ phải tìm cách xoa dịu khủng hoảng, trước hết với Ukraina và sau đó với châu Âu, tất nhiên với một cái giá nào đó đủ tương xứng, thì Putine lại chọn giải pháp cố tình đe doạ sự tồn tại của chế độ thân phương tây của Ki-ép bằng cách ủng hộ lực lượng ly khai thân Nga phía đông Ukraina gây bạo loạn vũ trang, khiến Liên minh châu Âu vào cuộc và vị thế cô lập của Nga càng trầm trọng. 

Một lần nữa, tư duy siêu cường lại dẫn Putine tới một sai lầm khác. Để phá vòng vây của thế giới tại khu vực Ukraina, Putine quyết định tạo ra một khủng hoảng khác: đối đầu với Mỹ và thế giới bảo vệ chế độ Bashar al Assad. 

Quả thực, sau khi Nga trực tiếp can thiệp vào Sysie, sự ồn ào quá mức tại Ukraina chìm xuống. Nga dễ thở hơn tại khu vực này. Nhưng việc mở ra mặt trận thứ hai này, từ đối đầu với Kiep, và chủ yếu với dư luận, Putine đã buộc phải đối đầu vũ trang với toàn bộ phương Tây, với Mỹ, với châu Âu, với Thổ và Liên minh Arập. Cùng với nó là dư luận quốc tế vẫn không hề có lợi cho Nga. 

Nga đang sa lầy, và có nguy cơ mất cả hai. Nếu Mỹ và các đồng minh, trong đó có châu Âu quyết định mở cùng lúc hai mặt trận, nghĩa là cùng với việc cung cấp vũ khí và tài chính cho Kiép mở mặt trận tiêu diệt ly khai phía Đông, sẽ tăng cường quy mô chiến dịch tiêu diệt chính quyền Syrie bị coi là khủng bố sử dụng vũ khí hoá học, thì Nga buộc phải đối đầu cuộc chiến với toàn thế giới, và kết quả thất bại là không tránh khỏi. 

Bahar al Assad sẽ bị loại bỏ, ly khai thân Nga phía đông Ukraina sẽ bị tiêu diệt, Kiép sẽ mượn đà lấn lướt để giành lại Crưm. Toàn bộ những chiến tích giúp Putine đắc cử tổng thống Nga nhiệm kỳ thứ tư biến mất. Mọi chuyện trở lại từ đầu, giống như bà lão tham lam quay trở về với cái máng lợn trong câu chuyện "ông lão đánh cá và con cá vàng". 

Nhưng dù tất cả biến mất, Putine và Nga không thể quay lại vị thế trước khi có cụôc sáp nhập Crưm được nữa. Nước Nga đã bị quá cô lập. Thế giới và đặc biệt châu Âu đã chịu một vết thương quá nặng, không dễ dàng nhanh chóng liền miệng. Nước Nga phải bị trừng phạt. Trong một giai đoạn triết lý lợi ích quốc gia trên hết, thì Nga có ra sao, người dân Nga sẽ như thế nào không làm cho ai động lòng nữa. 

Con đường cần phải đi của Nga là dân chủ hoá thật sự theo hình mẫu của Liên minh châu Âu, là hoà nhập vào thế giới, là thị trường hoá thật sự nền kinh tế, giải phóng năng lực sáng tạo của người Nga và thu hút đầu tư từ tất cả các quốc gia không phân biệt chế độ chính trị. Một quốc gia mênh mông, tài nguyên thiên nhiên và tài nguyên trí tuệ vào loại đứng đầu nhân loại, tạo ra được một tốc độ tăng trưởng ngang Trung Quốc hay Ấn độ, không phải là việc khó, nếu thay trừng phạt và bao vây bằng đầu tư và hợp tác. Nga có tất cả những gì Nhật có, cộng với một tài nguyên gấp Nhật hàng trăm lần, nhưng Nhật là nền kinh tế đứng thứ ba thế giới, khi Nga đứng thứ mười, sau Ấn Độ. Cái duy nhất Nhật có mà Nga không có đó là nền dân chủ đích thực, chảy xuôi chiều, chứ không phải ngược chiều, với dòng chảy chung của nhân loại. 

Nga phải thay đổi tư duy siêu cường theo kiểu Putine đang dẫn dắt dân tộc Nga hiện nay. Nhưng người Nga đã không nhận ra điều đó, và Putine vẫn trúng cử tổng thống với 76,66%. Putine biết điều đó, nhưng ông ta không thể dứt gánh giữa chừng để vinh quang sụp xuống như một lâu đài bằng cát. Ông đã công bố chuẩn bị cho một người kế tiếp có tuổi đời ở khoảng 40, nghĩa là không thuộc thế hệ Sô Viết, để có cái nuối tiếc ảo tưởng như ông và chắc chắn hiểu và gần thế giới văn minh hơn ông. 

Nhưng ông Putine vẫn lầm. Nếu ông còn đứng đấy, ông còn không thể không chấp nhận phải cùng lúc đối phó với hai cuộc chiến, ở cả Syrie và Ukraina, và nước Nga sẽ sụp đổ trước khi ông có thể thực hiện ý đồ thay đổi của ông. 

Nếu đúng là người ta muốn tiêu diệt một nước Nga ảo tưởng, và trước hết là tiêu diệt sự hợm hĩnh vinh quang của con người Putine, thì chiến tranh sẽ được tổ chức trên cả hai mặt trận. Để thay đổi nước Nga thì đây không phải là giải pháp tốn kém. 

21.03.2018






No comments:

Post a Comment

View My Stats