Wednesday, 28 March 2018

BẢN TIN TỐI 28-3-2018 (Báo Tiếng Dân)





Tin Việt Nam

Tin Biển Đông
RFI có bài: Tháng Ba 2018: Việt Nam nỗ lực tìm đối trọng với Trung Quốc tại Biển Đông. Bài báo bàn về các sự kiện “phần nào cho thấy sự chuyển biến trong chiến lược phòng thủ của Việt Nam mà mục tiêu là chống lại đà bành trướng quân sự và thái độ quyết đoán của Trung Quốc trong vùng, đang càng lúc càng khiến Việt Nam lo ngại”.

Trang Zing dẫn lời ông Hoàng Việt, chuyên gia thuộc Ban nghiên cứu Luật Biển và hải đảo của LĐLS Việt Nam, nhận định: ‘Điệp vụ Biển Đỏ’ nằm trong chiến lược tuyên truyền của Trung Quốc. Ông Việt khẳng định: “Nói khán giả xem phim Điệp vụ Biển Đỏ suy diễn là không đúng mà phải nói là việc này nằm trong âm mưu của Trung Quốc“.

Trang An Ninh Tiền Tệ có bài: Nhà trưng bày Hoàng Sa: Chứng cứ không thể chối cãi về chủ quyền của Việt Nam. Trong công trình này có trưng bày hiện vật theo 5 chủ đề: “Vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên của quần đảo Hoàng Sa; Hoàng Sa trong thư tịch cổ của Việt Nam trước thời nhà Nguyễn; Hoàng Sa trong thư tịch cổ ở thời nhà Nguyễn (1802-1945); Bằng chứng chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa từ năm 1945-1974; Bằng chứng chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa từ năm 1974 đến nay”.

Chủ tịch Đà Nẵng nhận định: “Phải xem nhà trưng bày là khâu quan trọng để đòi lại Hoàng Sa”, theo VTC. Trong lễ khánh thành công trình Nhà trưng bày Hoàng Sa, ông Huỳnh Đức Thơ nói: “Chúng ta luôn nhớ rằng cho đến tận hôm nay, ngoài biển khơi vẫn còn đó một huyện đảo Hoàng Sa bị ngoại bang chiếm đóng trái phép”. Có trưng bày 100 cái nhà như thế cũng không đòi lại được Hoàng Sa nếu những người lãnh đạo không dám cho người dân mở miệng nói “Hoàng Sa là của Việt Nam”.


Quan hệ Việt – Trung
VOA đưa tin: Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị sẽ thăm chính thức Việt Nam. Theo đó, ông Vương Nghị sẽ “thăm chính thức Việt Nam từ ngày 1 đến ngày 2/4 và trước đó sẽ có mặt tại Hà Nội từ ngày 30/3 để tham dự Hội nghị thượng đỉnh Tiểu vùng Mekong mở rộng lần 6 (GMS6)”.

Bài báo cho biết: “Dự kiến trong cuộc hội đàm với phó thủ tướng Phạm Bình Minh, hai bên sẽ thảo luận các vấn đề song phương và các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm”.
Trung Quốc tiếp tục đưa máy bay, tàu chiến đến tập trận rầm rộ ở Biển Đông. Trên bờ, lãnh đạo CSVN không chỉ cho duyệt chiếu bộ phim thể hiện tham vọng bá quyền của Trung Quốc, mà còn mở cửa cho lãnh đạo cấp cao Trung Quốc vào hội nghị, thảo luận những vấn đề khác, thử xem phản ứng của Việt Nam như thế nào.


Chuyến đi Pháp của ông Trọng
GS Phạm Minh Hoàng viết: 2 tấm hình, sự khác biệt không chỉ 150 ngàn Euros. Bài viết so sánh chuyện ông Trọng phải chi số tiền tương đương 4,2 tỉ đồng Việt Nam để được báo Le Monde của Pháp đăng bài trên… trang quảng cáo, với chuyện trước đó, báo này đã viết bài về ông Hoàng khi ông bị trục xuất sang Pháp: “Đây không phải quảng cáo mà là nhận định của báo Le Monde, và dĩ nhiên tôi không phải bỏ ra một xu (đó là chưa kể hình ảnh được in màu…)”.

Ông Hoàng bình luận: “Giữa hai tấm hình không phải chỉ 150 ngàn euros, mà là bao tháng ngày gian khổ mà đồng bào trong nước đang phải chịu đựng. Đó là những anh chị Như Quỳnh, Thúy Nga, Trần Hoàng Phúc, Nguyễn Văn Oai, Hoàng Bình và rất nhiều anh chị em khác”.

Ảnh chụp bài viết về GS Phạm Minh Hoàng trên báo Le Monde. Nguồn: FB Phạm Minh Hoàng


Vụ Mobifone mua AVG
VOV bàn về bí ẩn hồ sơ pháp lý khu đất 11 ha được AVG mua giá cao. Đó là khu đất nông nghiệp ở phường Biên Giang, quận Hà Đông, Hà Nội, của Công ty Mai Lĩnh “được AVG mua lại với giá cao gấp 17 mệnh giá cổ phần, tổng số tiền 700 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay khu đất chủ yếu là bỏ hoang, một phần cho thuê làm nhà xưởng, trồng cây cảnh”.

Đại diện phòng TN-MT quận Hà Đông nói rằng họ đang đề nghị phường Biên Giang kiểm tra, rà soát hồ sơ của Công ty Mai Lĩnh: “Tuy nhiên, nhiều lần gọi điện tới phường chưa được trả lời, khi nào có thông tin chúng tôi sẽ có cuộc làm việc trao đổi cụ thể với báo chí”.


Công an “nhân dân”?
Công an Cà Mau giải thích: Vụ CSGT đánh dân… do “tinh thần bị kích động”, theo báo Giao Thông. Công an tỉnh này đã có thông báo về kết quả giải quyết đơn tố cáo của ông Bùi Văn Giang, ở xã Tân Bằng, huyện Thới Bình. Ông Giang là người “bị CSGT huyện Thới Bình đánh nhập viện gây xôn xao dư luận ở Cà Mau thời gian qua”.

Công an Cà Mau giải thích, chuyện ông Giang bị CSGT đánh đến mức phải nhập viện là do ông Giang “đẩy” quá mạnh tay nên CSGT tên Huy “mất thăng bằng và ngã nghiêng người về bên trái” rồi “tinh thần bị kích động, mất bình tĩnh, liền sau đó đồng chí Huy trụ chân trái, chân phải đưa lên đạp vào vùng ngực của anh Giang, chứ đồng chí Huy không có dùng gót giầy trấn vào ngực như trong đơn nêu”.


Các vụ cháy chung cư
Báo Kiến Thức đưa tin vụ cháy chung cư Văn Khê, Hà Đông: Chuyển hồ sơ cho công an điều tra. Theo đó, Cảnh sát PCCC Hà Nội đã “chuyển toàn bộ hồ sơ những vi phạm về PCCC trong đầu tư xây dựng tại chung cư cao tầng CT5AB (Văn Khê, Hà Đông) sang cho Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an TP Hà Nội điều tra, làm rõ”.

Báo Người Lao Động đưa tin vụ cháy chung cư Carina: Bị công an triệu tập, TGĐ Công ty Hùng Thanh đổ bệnh! Ông Lê Hoàng Hùng, nhân viên Công ty 577 xác nhận rằng ông Nguyễn Văn Tùng, Tổng Giám đốc Công ty Hùng Thanh, “đơn vị được cho là chủ đầu tư chung cư Carina”, vừa bị Cơ quan CSĐT Công an TP HCM triệu tập để lấy lời khai. Tuy nhiên, ông Tùng đang… “lâm bệnh, được điều trị tại Bệnh viện Triều An”.

Vụ cháy chung cư Carina Plaza: Ngưng phân công công việc một đại úy, theo báo Kiến Thức. Bài báo cho biết: Viên đại úy cảnh sát PCCC vừa bị ngưng phân công công việc là “cán bộ quản lý công tác PCCC các công trình trên địa bàn phường 16, trong đó có chung cư Carina Plaza vừa xảy ra vụ hỏa hoạn đặc biệt nghiêm trọng”.



Xe cán bộ tông chết học sinh rồi bỏ trốn
Vụ xe cán bộ tông chết học sinh ở TP Hưng Yên: Chính Chủ tịch xã lái xe tông 4 học sinh, rồi tìm người ‘thế thân’ bất thành, theo báo Công An TP HCM. “Sau khi điều khiển xe xảy ra tai nạn, Chủ tịch UBND xã Trung Nghĩa nhanh chóng rời khỏi hiện trường, ngày hôm sau một người khác lên công an trình báo bản thân là người lái xe chứ không phải vị Chủ tịch xã”.

Bài báo cho biết: “Bằng các biện pháp nghiệp vụ cơ quan công an huyện Tiên Lữ ngay sau đó đã xác định Nguyễn Văn Quyền không phải là người lái xe gây tai nạn mà người điều khiển chính là ông Phạm Văn Thụy – Chủ tịch UBND xã Trung Nghĩa”.


Trường tiểu học đuổi học sinh vì “chuẩn quốc gia”
Trang Tin Mừng Cho Người Nghèo, đưa tin: Trường tiểu học Diễn Đoài tiếp tục đuổi học sinh vì “trường đạt chuẩn quốc gia”. Chiều 28/3/2018, “giáo viên trường Tiểu học Diễn Đoài tiếp tục đuổi học sinh, khi các em này chưa nạp tiền học 2 buổi/ngày. Phụ huynh phản đối về việc giáo viên, nhà trường cố tình sách nhiễu các em học sinh”.

Theo bài viết, sự việc “bắt nguồn từ ngày 23 tháng 2, khi cô Đào cấu kết với nhà cầm quyền sở tại lên kế hoạch kêu gọi hội an ninh tự quản (thực chất là hội cờ đỏ do ông Trần Mậu Anh, thuộc xóm 2, xã Diễn Đoài) cầm đầu để đàn áp, đánh đập phụ huynh khi lên chất vấn giáo viên lý do đuổi học con em của họ”.

Công an và phụ huynh các em bị đuổi học trước trường tiểu học Diễn Đoài. Nguồn: FB Tin Mừng Cho Người Nghèo.

Hàng trăm giáo viên mất việc
Công an huyện Krông Pắk, Đắk Lắk vừa bắt khẩn cấp Hiệu trưởng Trường Ngô Mây nhận 300 triệu đồng tiền chạy viêc, báo Giáo Dục Việt Nam đưa tin. Bài báo cho biết: Ngay sau khi công an tiến hành các thủ tục tố tụng theo quy định, “ông Huỳnh Bê đã bị dẫn giải về Trường trung học cơ sở Ngô Mây, nhà riêng để tiến hành các thủ tục khám xét”.
Ông Bê “bị tạm giam, để làm rõ về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Trước đó, rất nhiều giáo viên, người dân huyện Krông Pắk tố cáo rằng ông Bê đã nhận hàng trăm triệu của họ để “chạy việc”.

Bên cạnh đó, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đắk Lắk đề nghị dừng đưa tin vụ 500 giáo viên mất việc, theo VietNamNet. Ban Tuyên giáo tỉnh Đắk Lắk đã gửi công văn đến Ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị “có ý kiến chỉ đạo các cơ quan báo chí tạm dừng đưa tin vụ 500 giáo viên hợp đồng có nguy cơ mất việc để tránh làm nóng vấn đề”.

Công văn của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đắk Lắk đề nghị báo chí trong nước dừng đưa tin vụ 500 giáo viên mất việc. Nguồn: VNN


Vụ “lạm phát” học hàm
Báo Dân Trí dẫn lời Chủ nhiệm Văn Phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nhận định chuyện rà soát 94 giáo sư, phó giáo sư: “Không thể đổ ngược trách nhiệm lên Thủ tướng”. Về 94 trường hợp ứng viên GS, PGS cần xét lại do có đơn thư tố cáo, phản ánh, ông Dũng cho biết: “Riêng danh sách 94 ứng viên này không thuộc trách nhiệm của Thủ tướng, không phải tại Thủ tướng mà do Hội đồng chức danh GS nhà nước, do Bộ GD&ĐT thực hiện”.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định: Không đáp ứng tiêu chí GS, PGS sẽ bị loại, bất kể đó là ai, theo báo Lao Động. Ông Nhạ cho biết: Cuối tháng 3 “sẽ có kết quả do ban thanh tra cung cấp. Ứng viên nào đáp ứng đầy đủ điều kiện thì công nhận, không đáp ứng đủ điều kiện thì không công nhận, dù bất kể là ai”.

Trước đó, GS Nguyễn Tiến Dũng ở ĐH Toulouse, Pháp, đã gửi tài liệu chứng minh rằng ông Nhạ không có đủ trình độ và đạo đức làm giáo sư đến Hội đồng Chức danh Giáo sư nhà nước. Nay ông Nhạ phát ngôn như vậy, liệu ông Nhạ có dám tự tước chức danh giáo sư của chính mình?


Bạo lực học đường
Báo Thanh Niên dẫn lời Bộ trưởng Mai Tiến Dũng phát biểu: “Không thể chấp nhận việc ép giáo viên quỳ gối”. Trong buổi làm việc của Tổ công tác của Thủ tướng tại Bộ GD-ĐT được tổ chức sáng nay, ông Dũng nói:
“Chúng ta rất buồn khi học sinh lớp 8 bóp cổ giáo viên hay liên tục những vụ việc xúc phạm danh dự nhà giáo thời gian gần đây như phụ huynh ở Long An, ở Nghệ An bắt giáo viên quỳ gối. Đây là những câu chuyện không thể chấp nhận được”.

Trang Gia Đình và Xã Hội đặt câu hỏi vụ phụ huynh hành hung cô giáo suýt sảy thai: Viện kiểm sát nói gì? Ông Nguyễn Công Phú, Viện trưởng VKSND TP Vinh cho biết: Công an đang “trưng cầu giám định pháp y vụ phụ huynh hành hung cô giáo đang mang thai”.

Ông Phú nhận định: “Hành vi của phụ huynh đánh giáo sinh đang mang thai gây bức xúc trong dự luận xã hội. Mặt khác, sự việc lại xảy ra trong môi trường giáo dục. Đặc biệt, nạn nhân là cô giáo và đang mang thai”.


***


Tin thế giới

Bán đảo Triều Tiên
Tin đồn về chuyến xe lửa đưa lãnh tụ Bắc Hàn, ông Kim Jong-un qua gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, là tin thật. Sau những đồn đoán, cuối cùng cả Bắc Kinh và Bình Nhưỡng đều lên tiếng xác nhận chuyến thăm Trung Quốc của lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong-un, kéo dài từ ngày 25/3 đến ngày 28/3. Đây là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông Kim Jong Un kể từ khi ông ta lên cầm quyền từ cuối năm 2011.

Mời xem clip của đài CCTV, cho thấy hình ảnh lãnh đạo hai nước gặp nhau:

BBC đưa tin: TQ và Bắc Hàn xác nhận chuyến thăm của Kim Jong-un. Dẫn nguồn từ Tân Hoa Xã cho biết, cuộc hội đàm giữa hai lãnh đạo Trung Quốc và Bắc Hàn “thành công” và ông Kim Jong-un cam kết với ông Tập Cận Bình, rằng ông ta sẽ “phi hạt nhân hóa” bán đảo Triều Tiên.

Nhận xét về chuyến thăm bất ngờ của ông Kim Jong-un, LS Vũ Đức Khanh nói rằng: “Theo tôi, đây là một đòn hạ ‘uy tín’ Trump của Chủ tịch Tập. Trung Quốc muốn thế giới thấy rằng bất luận giải pháp nào cho bán đảo Triều Tiên đều phải xuất phát từ Bắc Kinh“.


Tin nước Mỹ
VOA đưa tin: Mỹ: Câu hỏi quốc tịch trong bảng khảo sát dân số gây tranh cãi. Nhiều tiểu bang tham gia kiện chính phủ liên bang, khi ông Wilbur Ross, Bộ trưởng Thương mại quyết định cho vào câu hỏi về quốc tịch trong bản khảo sát dân số, theo yêu cầu của Bộ Tư pháp. Trong cuộc kiểm tra dân số năm 2020, người dân sẽ bị hỏi rằng họ có phải là công dân Mỹ hay không.

California là tiểu bang có rất đông di dân, đã đệ đơn lên Tòa án liên bang sáng thứ Ba 27/3, kiện Bộ Thương mại và Văn phòng Kiểm tra Dân số vì họ cho rằng, làm như vậy sẽ không khuyến khích di dân tham dự cuộc kiểm tra. Tổng chưởng lý California Xavier Becerra yêu cầu Tòa án liên bang tại Quận Bắc California, “đưa ra một lệnh sơ khởi và phán rằng quyết định của Bộ trưởng Thương mại vi phạm hiến pháp bằng cách can thiệp vào nghĩa vụ tiến hành kiểm tra đầy đủ dân số Mỹ“.

Đầu tháng 3/2018, Chính quyền ông Trump kiện bang California, đòi chặn “tiểu bang an toàn”. Rồi 20 ngày sau, California kiện chính phủ Trump về chuyện hỏi quốc tịch khi kiểm tra dân số. Nhà nước pháp quyền là thế, chính quyền địa phương và trung ương có thể lôi nhau ra tòa, khác với nhà nước “đảng quyền”, mặc dù “trên bảo dưới không nghe” hay dưới nói mà trên làm ngơ, cũng không có chuyện kiện tụng nhau.




***









No comments:

Post a Comment

View My Stats