Wednesday, 28 March 2018

BẢN TIN SÁNG 28-3-2018 (Báo Tiếng Dân)





Tin Việt Nam

Tin Biển Đông
BBC đặt câu hỏi về vụ Repsol: Việt Nam đừng mong Mỹ quan tâm? TS Collin Koh Swee Lean, thuộc trường S. Rajaratnam, Singapore, nhận định: “Một là việc này dường như chứng tỏ Hà Nội sẽ nhượng bộ trước đe dọa của Trung Quốc, và thứ hai là nó làm sụt giảm niềm tin của nhà đầu tư trong ngành khai thác dầu khí”.

Chuyên gia Mỹ Derek Grossman cho rằng, về chuyện Việt Nam yêu cầu hãng Repsol ngừng hoạt động khai thác dầu ở Biển Đông, lần thứ 2 trong vòng một năm, cho thấy Hà Nội “muốn tránh làm Bắc Kinh giận dữ”.

Báo Người Lao Động đặt câu hỏi về phim “Điệp vụ biển Đỏ”: Lãnh đạo Bộ VH-TT-DL nói gì? Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Vương Duy Biên cho rằng “nếu đúng là trong phim có dùng từ quần đảo Nam Sa (như một số thông tin cho rằng trên website Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã viết) thì Hội đồng Trung ương thẩm định và phân loại phim truyện đã sai”.

Báo Một Thế Giới dẫn lời nhà báo Trần Đăng Tuấn nhận định: ‘Điệp vụ Biển Đỏ’ – tôi nghĩ có lỗi thì đừng bao biện. Nhân chuyện các quan chức Bộ VH-TT-DL khẳng định phim “Điệp vụ Biển Đỏ” được duyệt “đúng quy trình”, ông Tuấn chỉ ra khiếm khuyết của “quy trình” này.

Ông Tuấn kể: VTV đã từng cho biên dịch và lồng tiếng một phim Trung Quốc vì thấy nội dung thuần hình sự. Tuy nhiên, đến lúc phim này được phát sóng, khán giả phát hiện cảnh cuối phim thể hiện một tay lính hải quân Trung Quốc đang “giữ biển cho Tổ quốc Trung Hoa”, ông Tuấn lưu ý: “Ngờ rằng cảnh quay ngụ ý Biển Đông”. Cảnh cuối này không có thuyết minh, nên những người dịch phim trên văn bản đã không phát hiện ra.

BBC đưa tin: TQ phô trương 40 chiến hạm ở Biển Đông. Về cuộc tập trận có sự tham gia của hàng không mẫu hạm Liêu Ninh với khoảng 40 tàu chiến mà Trung Quốc vừa huy động đến Biển Đông, bài viết phân tích: “Xếp theo đội hình thẳng, một đội hình phù hợp hơn với phô diễn quân sự hơn là tác chiến, nhóm tàu có vẻ được dẫn đầu bởi các tàu ngầm, với phi cơ bay ở phía trên”.

Cuộc tập trận này diễn ra ngay sau khi Không quân Trung Quốc triển khai máy bay chiến đấu và máy bay ném bom đến tập trận ở Biển Đông trong ngày 25/3/2018. Hoàn Cầu Thời báo dẫn lời chuyên gia quân sự Tống Quân Bình cho biết: “Các cuộc tập trận trong 2018 sẽ là thường lệ, và diễn ra hàng tháng, không như những năm trước”.



Chuyến đi Pháp của ông Trọng
Nhà hoạt động Nguyễn Chí Tuyến có bài thơ: Ông Trọng đi Tây. Ông Tuyến cung cấp thông tin, cho thấy bài viết của ông Nguyễn Phú Trọng được đăng trên trang quảng cáo, trang 11 của báo Le Monde. Theo bảng giá quảng cáo của báo này, trang 11 có giá 147.000 Euro cộng thuế 2,1% là thành 151.000 Euro, tương đương 4 tỷ đồng VN.
Cho nên ông Tuyến làm mấy câu thơ dè như sau: “Nghe tin ông tới Phú Lang Sa/ Báo chí loan tin nổ vang nhà/ Đi nọ, đến kia, gặp người ấy/ Mà sao báo họ: Tìm chẳng ra/ À há, đây rồi mãi cũng ra/ Tràn trang 11, quảng cáo nha/ Giá Oi* quy đổi: tròn 4 tỷ/ Bốc rời** có khác: thật xa hoa“.

RFA đưa tin: Biểu tình chống Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng tại Paris. Một người Việt đã đi 400 cây số, từ Rennes lên Paris, để tham gia biểu tình phản đối ông Trọng. Người này nói với RFA: “Chúng tôi chỉ muốn nhắn nhủ với vị Tổng Thống của nước Pháp: Mỗi sự bang giao, nhất là vấn đề thương mại, những người cộng sản Việt Nam luôn luôn tìm những nguồn lợi cho cá nhân họ và cho đảng phái của họ chứ họ không vì người dân”.

Một góa phụ cho biết: “Hôm nay chị có bệnh hoạn gì chị cũng phải tới. Họ dâng đất cho Tàu, họ dâng nước Việt Nam cho Tàu, họ làm tay sai cho Tàu. Cho nên bổn phận người Việt Nam ngày hôm nay là phải tố cáo bọn bán nước cộng sản Việt nam. Chị nói thật ngày hôm nay chị bệnh nhưng chị ráng chị bò tới đây”.

Người Việt tại Pháp biểu tình phản đối Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng ở Paris hôm 26/3/2018. Nguồn: Screen capture/RFA.


Nhân quyền ở Việt Nam
RFA có bài phỏng vấn ông Andrea Giorgetta, Trưởng Phòng Á Châu của Liên Đoàn Quốc tế Nhân quyền: Tổng Thống Pháp phải nêu vấn đề nhân quyền với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Về lá thư ngỏ do các tổ chức nhân quyền gửi tổng thống Pháp, ông Giorgetta cho biết:

“Thật là điều quan trọng khi Tổng Thống Macron gửi một thông điệp thẳng thắn tới Tổng Bí thư Trọng làm sáng tỏ tình trạng nhân quyền sa sút tại Việt Nam, đặc biệt về hoàn cảnh các tổ chức xã hội dân sự bị o ép trong một không gian khép kín”.

RFA đưa tin: HRW kêu gọi tự do cho Nguyễn Viết Dũng.  Ông Brad Adams, Giám đốc Châu Á của tổ chức theo dõi nhân quyền, nói trong thông cáo phổ biến ngày 27/3/2018 tại New York, rằng: “Chính quyền Việt Nam đang phí thời gian với các cáo buộc tuyên truyền chống nhà nước để bịt miệng các nhà bất đồng chính kiến”.

VOA đưa tin: Ca sĩ Mai Khôi bị câu lưu 8 tiếng sau khi về nước. Nữ ca sĩ Đỗ Nguyễn Mai Khôi viết trên Facebook: “Mai Khôi vừa mới được thả ra sau khi bị bắt ‘làm việc’ không lương 8 tiếng đồng hồ tại sân bay Hà Nội”. Trước đó, ông Benjamin Swanton, chồng bà Khôi đã thông báo chuyện vợ ông bị an ninh sân bay Nội Bài tạm giữ.

Facebooker Nguyễn Thành viết“Thật cám cảnh cho gia đình ông Lê Công Khương và bà Bùi Thị Thủy. Ngày 26/3 đến của Bộ tư lệnh Hải quân ở Hải phòng để kêu oan về cái chết của con trai là Lê Công Đức, bị đồng dội đánh và chết tại lữ đoàn 147 Vùng 1 Hải quân”.

Sĩ quan của đơn vị này không những không xin lỗi, mà còn “cho lính mặc thường phục ra ép người và cướp giật băng rôn rồi 6 người bỏ chạy, còn 4 người ở lai khiêng ông Khương, thương binh 1 mắt, như khiêng lợn và ép bà Thủy sang bên kia đường”. Video clip của Facebooker Nguyễn Thành ghi lại cảnh ông Lê Công Khương và bà Bùi Thị Thủy kêu oan cho cái chết của con trai: https://www.facebook.com/100015500651906/videos/313209765872376/


Vấn nạn tham nhũng
Trang VietNamNet bàn về tài sản che giấu: Đánh thuế hay tịch thu? Theo đó, “dự thảo Luật phòng, chống tham nhũng sửa đổi đưa ra phương án đánh thuế 45% với những tài sản của công chức bị phát hiện không kê khai theo quy định đang gây tranh cãi trong dư luận”. Nhiều ý kiến cho rằng, tài sản có được do tham nhũng cần phải bị tịch thu.

Bài viết phân tích: Chuyện thu thuế 45% “đối với tài sản không kê khai chỉ là biện pháp tức thời, có thể áp dụng được ngay và điều này không đồng nghĩa với việc ‘đóng dấu’ để hợp thức hóa tài sản đã che giấu. Tài sản đó vẫn có thể bị tịch thu”.

Ảnh minh họa. Nguồn: Khều

Báo Đất Việt dẫn lời TS Lê Hồng Sơn đặt câu hỏi: Lý nào đánh thuế tài sản bất minh? Ông Sơn, cựu Cục  trưởng Cục KTVB, Bộ Tư pháp, cho rằng, đề xuất đánh thuế 45% tài sản bất minh là một dự định sai lầm, vì: “Ai cũng biết, việc đánh thuế, căn cứ vào thu nhập và tài sản hợp pháp của đương sự. Một khi đã không chứng minh được tính hợp pháp của khối tài sản này thì rõ ràng không thể có cơ sở để xác định mức thuế”.


Cháy nổ ở VN: Hỏa hoạn hay nhân tai?
Thêm vụ cháy xảy ra vào tối 27/3/2018 ở Hà Nội: Cháy ở  tầng 18 chung cư trên đường Nguyễn Cơ Thạch, nhiều người hoảng loạn, trang Kinh Tế Đô Thị đưa tin. “Mọi người hô hoán nhau vội vã chạy xuống sảnh thoát thân và thông báo lực lượng chức năng. Nhận được thông tin, lực lượng chức năng nhanh chóng đến dập lửa”. Vụ cháy sau đó đã được khống chế.

Vụ chuông báo cháy “câm” ở chung cư Tràng An Complex: Cư dân căng băng rôn đỏ toà nhà, theo báo Đời Sống và Pháp Luật. Trong bài có đoạn: “Điều đáng nói cả hai vụ cháy Carina Plaza và Tràng An Complex chuông báo cháy đều không hoạt động để cảnh báo người dân thoát nạn”.

Trang Sao Star bàn về thảm họa Carina: Mọi thứ đều cháy trừ lồng ngực của Hà…. Bài viết kể chuyện những người bị mất người thân trong vụ cháy chung cư Carina, mở đầu bằng câu chuyện của một người mẹ bị mất 3 người thân và con trai đang nằm bệnh viện vì bị chết não.  

Kiến trúc sư Phạm Tuấn Khanh nhận định về chung cư Carina sau vụ cháy: Nhiều khả năng phải đập bỏ xây mới, theo báo Tiêu Dùng. Ông Khanh phân tích: “Theo thông tin báo chí thì 12h đêm lửa bắt đầu cháy… và 1h27 thì lực lượng chữa cháy mới nhận tin báo và 1h34 thì xe cứu hỏa mới tới… do vậy ta có thể thấy thời gian cháy khá lâu và rất nguy hiểm… khu vực sảnh vào hầm các mảng Bê tông trần đã bị rã ra và rơi xuống rất nhiều, chứng tỏ bằng trực quan ta cũng có thể thấy kết cấu đã bị ảnh hưởng lớn”.

Báo Giao Thông viết: Sau vụ cháy Carina, ông Đoàn Ngọc Hải bất ngờ “vi hành” chung cư. Hồi đầu tháng 1/2018, ông Hải đã làm đơn từ chức vì ông tự thấy chưa hoàn thành lời hứa “dẹp” vỉa hè. Một loạt sự kiện truyền thông diễn ra sau đó, bao gồm “bà mẹ Việt Nam anh hùng”, lúc 17 tuổi đã có… 3 con hy sinh vì kháng chiến chống Mỹ, đến ngăn ông Hải từ chức. Từ đó đến nay không thấy ông Hải nói gì chuyện từ chức nữa, nay nhân vụ cháy chung cư, ông Hải lại muốn thể hiện hình ảnh của một ông quan thích… vi hành.



Ô nhiễm môi trường
Người dân các vùng ngoại thành Sài Gòn vẫn mỏi mòn chờ di dời cơ sở gây ô nhiễm, theo báo Người Lao Động. Người dân xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh vẫn đang phải chịu đựng 2 cơ sở giặt, sấy “xả khí thải và nước thải vượt quy chuẩn”. Các cơ sở này bị xử phạt từ năm 2016 nhưng đến nay vẫn hoạt động bình thường.

Còn “các cơ sở gây ô nhiễm môi trường ở khu phố 5, phường Tân Thới Nhất, quận 12, đã bị xử phạt nhưng vẫn tiếp tục hoạt động khiến cư dân bất an bởi nhiều cơ sở lén lút xả thải về đêm”. Mức phạt của chính quyền địa phương vẫn chưa đủ răn đe các cơ sở gây ô nhiễm.

Chuyện ở xã Hiệp Sơn, huyện Kinh Môn, Hải Dương: Dân khốn khổ vì sống chung khói bụi từ cụm công nghiệp, theo báo Dân Trí. Bài báo cho biết: “Mái nhà của các hộ dân ở đây dù là ngói đỏ hay là tôn cũng phủ một màu đen kịt. Thậm chí ngay cả những cây bưởi, chanh lá cũng không còn màu xanh mà toàn bộ các lá đều bị một lớp bụi đen phủ kín, bám chặt”.


Giáo dục Việt Nam
Báo Tuổi Trẻ bàn về vai trò của GS, TS trong nền kinh tế và giáo dục. Theo bài viết, hiện tượng “lạm phát” học hàm, học vị là “chỉ dấu cho thấy có sự mất cân bằng trong ngành giáo dục. Cung vượt quá cầu còn dẫn đến chất lượng đào tạo đi xuống vì để tồn tại, các trường ĐH sẽ đua nhau hạ thấp tiêu chuẩn đầu vào và đầu ra”. Còn các giảng viên vì nhu cầu thăng tiến của bản thân thì tìm mọi cách có được học hàm, học vị cao.

Báo Người Lao Động bàn về tổ hợp “lạ”: Khó cho thầy và trò. Về hiện tượng các trường đại học tuyển sinh bằng các tổ hợp “lạ”, có yếu tố lệch ngành, lệch môn, TS Trần Đình Lý nhận định: “Đó là một trong những nguyên nhân khiến lượng sinh viên bị đuổi học ngày càng nhiều. Sinh viên không học tốt những môn học trên ĐH không thuộc sở trường lúc ở THPT khiến các em không theo hết chương trình”.

Báo Lao Động đưa tin: Cô giáo “quyền lực” không giảng bài khi lên lớp từng bị phản ánh xúc phạm nặng nề học sinh. Cô giáo “quyền lực” ở đây là cô T.T.M.C, “giáo viên dạy Toán của Trường THPT Long Thới từ năm 2000 – 2005. Sau đó, cô chuyển sang dạy tại Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ, Q.4. Đến năm 2012”. Trong thời gian dạy ở trường Nguyễn Hữu Thọ, cô này đã dùng những lời lẽ rất nặng nề để xúc phạm học sinh.  



***

Tin thế giới

Bán đảo Triều Tiên
RFI có bài: Kim Jong Un bí mật thăm Trung Quốc? Dường như ông Kim Jong Un đã bí mật thăm Trung Quốc. Nhiều hãng tin lớn trên thế giới đưa tin, nhưng không nơi nào khẳng định. Dẫn nguồn từ hãng tin Kyodo của Nhật, cho biết, “một đoàn tàu bí ẩn chở một lãnh đạo cao cấp của Bắc Triều Tiên vừa rời ga Bắc Kinh ngày 27/03/2018. Trước đó, các phóng viên của hãng tin AFP cũng đã nhìn thấy một đoàn xe chính thức chạy về hường ga xe lửa Bắc Kinh“.

VOA đưa tin: Bắc Kinh lên tiếng vụ đoàn khách Triều Tiên bí mật thăm TQ. Lên tiếng mà cũng như không, khi người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho biết, bà “không có thông tin gì vào thời điểm này” và thông tin sẽ được công bố “vào thời điểm thích hợp”.


Quan hệ Mỹ – Trung
RFI có bài: Thực hư về chiến tranh thương mại Mỹ-Trung Quốc? Dẫn nguồn từ báo Wall Street Journal, cho biết, mặc dù bên ngoài hai nước đang làm ầm ĩ, nhưng bên trong, Washington và Bắc Kinh đang ráo riết đàm phán. “Hoa Kỳ yêu cầu Trung Quốc tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các tập đoàn Mỹ dễ thâm nhập vào thị trường Trung Quốc, đặc biệt là với ngành tài chính“.

Cũng RFI có bài: Đánh cắp sở hữu trí tuệ: Hoa Kỳ chỉ đích danh Bắc Kinh. Mỹ đã quyết định kiện Trung Quốc lên Tổ chức Thương mại Thế giới do nước này vi phạm quyền sở hữu trí tuệ. Nguyên nhân chính là “Bắc Kinh tỏ ra không nghiêm túc trước hành vi phạm pháp, luật lệ không thích hợp, tiêu chí nộp bằng sáng chế không nghiêm, thủ tục tố tụng phức tạp…”


Vụ bê bối về bảo mật của Facebook
Về vụ bê bối của Facebook và Cambridge Analytica, ông chủ Facebook quyết định ra Quốc hội điều trần, VOA đưa tin. Dẫn nguồn từ CNN, cho biết, Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Thượng viện Chuck Grassley đã mời ba ông lớn là Tổng giám đốc các công ty Google, Facebook và Twitter, ra điều trần trong những ngày tới.

Trích: “Các nguồn tin của Facebook tin rằng việc Zuckerberg tự nguyện điều trần cũng sẽ là một áp lực khiến Tổng giám đốc Google Sundar Pichal và Tổng giám đốc Twitter Jack Dorsey phải làm tương tự… Điều này có nghĩa là Washington chứ không phải London sẽ là nơi ‘soi xét’ hoạt động của 3 đại công ty công nghệ này“.




***








No comments:

Post a Comment

View My Stats