Monday, 26 March 2018

THỜI ĐẠI BẢO KÊ (Hoàng Dân)




Hoàng Dân
26/03/2018

Điều kiện để xây dựng nhà nước pháp quyền, trước tiên phải có đủ luật để điều chỉnh các mối quan hệ xã hội và mọi công dân đều phải có ý thức tuân thủ pháp luật (dân trí), đặc biệt là quan chức (công chức, viên chức chính quyền) phải làm gương. Nhưng có điều oái oăm, ở Việt Nam từ dân cho đến quan, từ nông dân cho đến trí thức, từ công chức, kể cả các viên chức chính quyền, tổ chức đoàn thể… hầu như đã quen với thói lách luật, lờn luật và hành xử sai trái để thoả mãn bản thân. Và tình trạng biết luật nhưng phạm luật, vi phạm pháp luật trong thi hành công vụ trở nên rất phổ biến.

Tôi chỉ lấy một ví dụ đơn giản như hành vi “bảo kê” để phân tích. Bảo kê được hiểu là hành vi bảo đảm có tính hợp pháp của một thế lực cho những hoạt động trái pháp luật hay ít nhiều mang tính không hợp pháp. Tất nhiên, không phải ai cũng có thể đứng ra “bảo kê” được mà phải là cán bộ có chức có quyền ở các cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị sự nghiệp, tổ chức bộ máy Đảng (ngay xã hội đen muốn bảo kê vũ trường, quán ba, nhà nghỉ… ít nhiều cũng có sự “chống lưng” bởi cán bộ cấp cơ sở). Quan sát đời sống hàng ngày ta sẽ nhận thấy, trong xã hội ngày nay không chỉ dân thường mà chính những người thực thi pháp luật lại phạm luật ngày càng nhiều. Thậm chí là “ngồi xổm” trên pháp luật.

Biếm họa của Lê Anh Phong

“Bảo kê” đâu đâu cũng có:

– Công an, Thiếu tướng bảo kê cho đường dây đánh bạc nghìn tỷ xuyên quốc gia (Bộ Công An), Cảnh sát giao thông bảo kê xe khách, xe quá tải (Tây Ninh, Đồng Nai, TP. HCM); cán bộ công an tỉnh bảo kê phá rừng, gỗ lậu (Đắk Nông, Quảng Ngãi); công an phường bảo kê vỉa hè (Hà Nội); công an xã bảo kê xả phân hầm cầu (TP.HCM) …

– Cán bộ hải quan, bảo kê cho doanh nghiệp nhập xe hơi lậu (Tổng cục Hải quan), bảo kê cho nhập xe máy (Hải Phòng), bảo kê cho buôn lậu gỗ (TP. HCM), bảo kê cho buôn lậu xăng dầu (Bình Thuận).

– Thanh tra giao thông bảo kê cho xe quá tải (Hà Nội).

– Quản lý thị trường bảo kê cho hàng lậu, hàng giả (Hà Nội, TP.HCM), bảo kê cho phân bón bẩn (Sóc Trăng).

– Cán bộ xã bảo kê cát tặc (Bình Thuận, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đồng Nai), cán bộ Tài nguyên Môi trường bảo kê cho doanh nghiệp khai thác đất sét (Bình Định), cán bộ đô thị bảo kê vỉa hè (TP.HCM), cán bộ quận bảo kê cò đất (Đà Nẵng), cán bộ huyện bảo kê, hùn vốn với “vàng tặc” (Quảng Nam).

– Chính quyền bảo kê cho doanh nghiệp sai phạm, cho doanh nghiệp xả thải gây ô nhiễm môi trường (Bắc Giang, Hà Tĩnh, Đồng Nai…), bảo kê cho doanh nghiệp chôn thuốc trừ sâu hại dân (Thanh Hoá).

– Kiểm lâm bảo kê cho lâm tặc phá rừng, vận chuyển gỗ lậu (Đắk Lắk, Quảng Nam, Bình Thuận, Gia Lai…)

– Cán bộ đô thị bảo kê xây nhà trái phép (Vũng Tàu)

– Thanh tra y tế bảo kê cho phòng khám trái phép (TP.HCM)

Ngoài những vụ việc kể trên, còn rất nhiều, rất nhiều những vụ việc chưa bị đưa ra ánh sáng. Nói thẳng ra thì đó chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Chúng ta thử hình dung, một xã hội mà đâu đâu cũng có bóng dáng của “bảo kê”, quan chức nhỏ thì bảo kê nhỏ, quan chức lớn thì bảo kê lớn, ngành nghề nào, hoạt động nào cũng có “bảo kê” thì đó là xã hội gì? Và cũng chính sự tiêu cực, bảo kê của cán bộ là một trong những nguyên nhân khiến tội phạm ngang nhiên hoành hành coi thường pháp luật. Nhận xét về tình trạng này, năm 2013 Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nói, tình trạng bảo kê “thậm chí xảy ra ngay bên cạnh cơ quan chức năng” như: tụ điểm hoạt động mại dâm, ma túy, xây nhà trái phép cạnh trụ sở UBND, công an.

Còn nói về doanh nghiệp, một khi doanh nghiệp được quan chức “bảo kê” hay nói sang hơn “chống lưng” thì đồng nghĩa với việc phải “lại quả”, “mãi lộ” để có được sự bảo lãnh đó. Việc được hậu thuẫn từ quan chức, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân sẽ dễ dàng trong việc làm ăn, kể cả việc làm phạm pháp. Nếu chẳng may bị phát hiện sai phạm thì cũng bị xử lý nhẹ hơn. Đó chính là cái bắt tay giữa kẻ có quyền và người có tiền làm xói mòn đạo đức kinh doanh, đạo đức xã hội. Và những đồng tiền bẩn kiếm quá dễ dàng tất sẽ làm tha hoá, biến chất con người.

Một đất nước mà khi quan chức chính quyền, mẫn cán, thanh liêm, làm việc theo pháp luật thì người dân cũng tử tế và sống theo pháp luật. Còn ngược lại, nếu quan chức tham nhũng, tha hóa, biến chất, sống trên luật pháp thì người dân tất sẽ gian dối, tham lam, lờn luật, hành xử tự phát, chống đối… Và đó cũng là nguồn cơn của mọi tai hoạ.








No comments:

Post a Comment

View My Stats