Thursday, 29 March 2018

BẢN TIN SÁNG 29-3-2018 (Báo Tiếng Dân)





Tin Việt Nam

Tin Biển Đông
Lãnh hải Việt Nam không còn nằm trong 12 hải lý tính từ đường cơ sở nữa? Mốc biên giới biển đã dời lên đường phố Đà Nẵng. Facebooker Trần Song Hào viết: Cắm mốc “Khu vực biên giới biển” ở Đà Nẵng…  Ông Hào hỏi: “Vậy thì phạm vi 12 hải lý từ bờ (do Biên Phòng quản lý) và 200km thềm lục địa (do Hải Quân đảm nhiệm) là của ai? Cắm mốc lạ đời kiểu ni là tiếp tay cho thằng Tàu cộng (đang tuyên bố đường lưỡi bò) à?

Ảnh: FB Diễn Lê từ Đà Nẵng

Trong khi liên tục phải đối phó với tàu Trung Quốc tấn công khi đánh bắt cá ngoài khơi, ngư dân VN đã được cấp “vũ khí mới” để chống lại cướp biển Trung Quốc: Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển tặng ngư dân cờ Tổ quốc mới trước khi ra khơi ở Hoàng Sa, theo báo Tuổi Trẻ. Các quan chức CSVN tin rằng mấy lá cờ này có thể giúp ngư dân Việt Nam chống lại được sự hung hãn của tàu Trung Quốc luôn sẵn sàng đâm vào tàu cá của họ?

Một lần nữa, những người mang danh “cảnh sát biển” không dám đối diện với tàu Trung Quốc để bảo vệ ngư dân trên biển, mà phân phát “bánh vẽ” cho ngư dân, rồi để họ tự lo. “Bánh vẽ” lần trước là tàu vỏ thép, “bánh vẽ” lần này vẫn là mấy lá cờ mà họ phân phát lâu nay.

Trang Viet Times có bài: Mỹ chỉ cần “rỉ tai”, Trung Quốc chớ mong “múa gậy vườn hoang” ở Biển Đông. Bài viết bàn về các biện pháp củng cố khả năng giám sát các hoạt động trên biển ở vùng Đông Nam Á, lộ trình nâng cao khả năng phòng thủ trong chiến lược A2/AD và khả năng thiết lập thỏa thuận chia sẻ thông tin tình báo “giữa các nước trong khu vực” để tạo ra cơ sở cho Mỹ “duy trì ưu thế trên Biển Đông”.

Trang Kinh Tế & Đô Thị đặt câu hỏi về sự kiện Trung Quốc đưa tàu sân bay, 40 tàu chiến tập trận ở Biển Đông: Giương oai với Mỹ? Chuyên gia về an ninh tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam của Singapore phân tích: “Đánh giá qua hình ảnh, ngoài việc huy động một số lượng lớn tàu chiến, dường như Bắc Kinh muốn thể hiện rằng, Hạm đội Nam Hải có thể thường xuyên tham gia với nhóm các tấn công từ TP cảng Đại Liên ở phía Bắc”.

Thiếu tướng Lê Văn Cương, cựu Viện trưởng Viện Chiến lược, Bộ Công an bình luận: “Tập trận là hoạt động thường xuyên của các quốc gia. Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng, cuộc tập trận lần này có sự bất thường về quy mô”.

Trang Dân Nông đưa tin: “Phía TQ chi 2 triệu USD để phim Điệp vụ Biển Đỏ được duyệt trình chiếu tại Việt Nam”. Bà Đinh Thanh Hương, Tổng giám đốc Công ty cổ phần phim Thiên Ngân, đơn vị từ chối hãng phim Trung Quốc Bona Film Group phát hành phim “Điệp vụ Biển Đỏ” tại Việt Nam, cho biết:

Hãng Bona chấp nhận chi “2 triệu USD cho Galaxy chỉ với điều kiện giữ lại phân cảnh cuối cùng của bộ phim. Ngoài số tiền đó và không yêu cầu lợi nhuận, phía Bona còn đi kèm điều kiện sẽ thực hiện chi trả toàn bộ chi phí cho Galaxy nhằm quảng bá bộ phim tại Việt Nam”.

BBC có bài: Từ Chiến Lang 2 đến Điệp vụ Biển Đỏ. Mặc dù các nhà làm phim và quan chức quân đội Trung Quốc cố gắng đầu tư cho các phim hành động đề tài quân sự để tuyên truyền về “sức mạnh” của quân đội nước này, nhưng ngay trong dư luận Trung Quốc cũng có ý kiến không đồng tình với cách tuyên truyền như vậy. Nhà phê bình điện ảnh Song Geng cho rằng “mô tả hình ảnh Trung Quốc mạnh sẽ không thu hút được khán giả quốc tế hoặc người xem có học thức”.

Gánh nặng vay vốn Trung Quốc
Báo Đất Việt có bài: Việt Nam xây nhà máy nhiệt điện bằng vốn Trung Quốc: Đừng để rơi vào bẫy. Theo bài viết, chuyện Bộ Công Thương công bố thông tin: “Liên danh Tập đoàn Geleximco – Công ty TNHH Hong Kong United (HUI) đề xuất tham gia dự án đầu tư xây dựng nhà máy nhiệt điện Quỳnh Lập 1 và Quảng Trạch 2”, đã khiến nhiều chuyên gia kinh tế lo ngại.

GS.TS Phạm Phố, cựu Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật Sài Gòn, cảnh báo: “Với các chiêu trò bỏ thầu giá rẻ rồi sau đó kéo dài thời gian thi công, sau đó giá tăng lên gấp mấy lần Trung Quốc khiến các nước sử dụng vốn vay của họ phải khốn đốn. Có thể kể đến như dự án đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông”.

Nhân quyền ở Việt Nam
RFA đưa tin: Hoãn xử nhà hoạt động Nguyễn Viết Dũng. Phiên xử ông Nguyễn Viết Dũng lẽ ra đã diễn ra ngày 28/3, nhưng do vắng mặt 2 luật sư bào chữa nên chính, nên ông Dũng đề nghị Hội đồng xét xử hoãn phiên tòa. Chủ tọa phiên tòa đã chấp thuận và tuyên bố hoãn đến ngày 12-4-2018.

Ông Nguyễn Viết Hùng, bố Nguyễn Viết Dũng, nói với RFA: “Sáng nay tôi đến thì hơn 7 giờ, vào tòa thì chưa đọc cáo trạng nhưng do vắng mặt cả 2 luật sư nên Dũng đề nghị hoãn phiên tòa. Tôi không được gặp Dũng nhưng thấy Dũng vẫn kiên cường, hiên ngang”.

RFA bàn về hội Cờ Đỏ: Mối đe dọa nhắm vào các cộng đồng Công Giáo ở Việt Nam. Ủy ban Cứu người Vượt biển (BPSOS) nhận định: “Các Hội Cờ Đỏ là một hiện tượng mới tại Việt Nam: nhân tố không thuộc chính quyền đang vi phạm nhân quyền một cách nghiêm trọng, đặc biệt là nhắm vào các cộng đồng Công Giáo nào đặt vấn đề về cách chính quyền giải quyết thảm họa do nhà máy Gang Thép Formosa gây ra”.

Vụ án Đinh La Thăng giai đoạn 2
Hôm nay, lần thứ hai ông Đinh La Thăng nhận án, theo VietNamNet. Trong mấy ngày xét xử vừa qua, “đại diện VKS đề nghị xử phạt bị cáo Đinh La Thăng mức án 18-19 năm tù ”. Ông Thăng đã phản biện: “Không ai biết làm trái mà vẫn cố ý cả. Các bị cáo ở đây cả một quá trình phấn đấu mới được Đảng, Nhà nước cho giữ cương vị công tác, không ai cố tình làm trái”.

Trang VnExpress đặt câu hỏi: Luật sư gỡ tội cho ông Đinh La Thăng như thế nào? Nhóm LS bào chữa cho ông Thăng đã trình bày nhiều luận điểm, tài liệu để phản bác quan điểm buộc tội của VKS. Các lập luận bào chữa chủ yếu xoay quanh ý chính: Chính phủ và NHNN đều có trách nhiệm trong vụ PVN thiệt hại 800 tỉ khi góp vốn vào OceanBank, một mình ông Thăng không thể chịu hết trách nhiệm vụ này.


Vụ án Ngân hàng Eximbank
Báo Dân Việt dẫn lời bà Chu Thị Bình đặt câu hỏi: Eximbank đang “dẫn dắt” thông tin theo hướng bất lợi cho khách hàng? Bà Bình phân tích: “Lỗ hổng trong quản lý, kiểm soát tại Chi nhánh Eximbank TP.HCM đã tạo điều kiện cho ông Hưng thao túng toàn bộ hoạt động ủy quyền, rút được tiền từ Eximbank để chiếm đoạt mà không có sổ tiết kiệm”.

Báo Zing bàn về những sóng gió dồn dập xảy ra tại Eximbank. Theo đó, “chỉ trong vài tháng gần đây, Eximbank liên tiếp vướng vào lùm xùm mất hàng trăm tỷ đồng tiền gửi tiết kiệm của khách hàng”, đầu tiên là vụ doanh nhân Chu Thị Bình mất 245 tỉ trong sổ tiết kiệm ở Eximbank, rồi đến một nữ khách hàng tố cáo bị mất 3 lượng vàng gửi ở ngân hàng này, rồi đến vụ “6 nạn nhân mất tổng cộng 50 tỷ khi gửi tiết kiệm tại Eximbank chi nhánh Đô Lương”.


Cố ý làm trái
Báo Dân Trí đưa tin: Hàng chục xe biển xanh đến đám cưới tại vùng quê. Vụ việc xảy ra ở trung tâm tiệc cưới L.P, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên – Huế: “Có hàng chục xe biển xanh đã chở các cán bộ huyện và tỉnh Thừa Thiên Huế đến dự đám cưới này. Nhiều xe biển xanh đã đỗ lại bãi đỗ xe đám cưới từ 11h trưa đến gần 13h thì chở các cán bộ ra về”.

Người dân sống quanh trung tâm tiệc cưới này cho biết: “Đây là đám cưới con một chủ doanh nghiệp lớn ở huyện Phú Lộc, có mối quan hệ mật thiết với cán bộ nhiều huyện và tỉnh Thừa Thiên Huế”.

Một chiếc xe biển xanh đậu trước trung tâm tiệc cưới L.P sát Quốc lộ 1A. Nguồn: DT

Cũng xin nhắc lại, chuyện “xe biển xanh” chính là khởi đầu của chuỗi sự kiện đã khiến Trịnh Xuân Thanh và hàng loạt cựu lãnh đạo PVN, PVC vào “lò” của TBT Nguyễn Phú Trọng. Tuy nhiên, hình phạt dành cho ông Thanh từ chiếc xe Lexus biển xanh hoàn toàn không đủ sức răn đe đối với nhiều quan chức CSVN.

Đầu tháng 2/2018, đã có vụ nhiều ôtô biển xanh chở cán bộ nghỉ hưu đi ăn cưới ở TP Sóc Trăng. Chưa đầy 2 tháng sau đó, đến lượt các cán bộ ở Thừa Thiên – Huế dùng xe công cho việc riêng. Chính những người cố tình vi phạm này đều là đảng viên CSVN nên họ hiểu được bản chất của chiến dịch “chống tham nhũng” của ông Trọng – đó chỉ là chiến dịch thanh trừng nội bộ và họ không phải là mục tiêu của chiến dịch ấy nên họ không sợ.

Chủ tịch mặt trận phường tham ô trăm triệu đồng tiền người nghèo, theo báo Tiền Phong. Cáo trạng của phiên toà sơ thẩm xét xử bị cáo Phạm Văn Thành được tổ chức ngày 28/3/2018 ở TAND TP HCM cho biết: Ông Thành đã “mang Sổ tiết kiệm Quỹ vì người nghèo phường có sẵn số tiền 120 triệu đồng, đến Quỹ tín dụng nhân dân Tân Quy Đông (Quận 7) cầm cố vay 100 triệu đồng”.

Biếm họa của NDiep


Thép Hòa Phát hủy hoại môi trường
Chuyện ở huyện Kinh Môn, Hải Dương: Dân cầu cứu vì 10 năm hứng chịu khói xả từ nhà máy Công ty thép Hòa Phát . Người dân ở đây đã nhiều lần phản ánh chuyện “khói bụi, tiếng ồn từ Công ty cổ phần thép Hòa Phát là đơn vị thuộc Tập đoàn Hòa Phát” đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của họ, “khiến họ đang đứng trước nguy cơ phải đối mặt với nhiều căn bệnh hiểm nghèo”.

VTC có clip: Nhà máy thép Hòa Phát xả thải gây ô nhiễm?


Ô nhiễm môi trường khắp nơi
Báo Dân Việt đặt câu hỏi về vụ PV Dân Việt bị dọa giết: Vì sao xe quá tải lộng hành? Ngày 22/3/2018, PV Dũ Tuấn của báo Dân Việt lúc đang làm tin về hiện tượng xe chở đất quá tải ngang nhiên hoạt động gây ô nhiễm môi trường, thì bị một tay côn đồ dọa chém. Đến nay, vụ việc vẫn chưa được giải quyết, còn các xe quá tải vẫn tiếp tục lộng hành, chính quyền địa phương thì nói rằng các xe này hoạt động trên địa bàn quá rộng, lực lượng “mỏng” của họ không thể kiểm soát hết.

Chuyện ở xã Điện Dương, huyện Điện Bàn, Quảng Nam: Nhiều khu dân cư sống chung với ô nhiễm, theo trang Người Tiêu Dùng. Đó là sự ô nhiễm gây ra bởi bãi rác thôn Bàu Ốc Thượng, Hội An và các cơ sở sản xuất, chế biến ở địa phương. Một người dân chia sẻ: “Không chỉ rác, chúng tôi còn phải chịu mùi hôi tanh từ hàng chục trại heo, trại gà ở gần đây. Thêm vào đó là mùi hôi thối từ việc vận chuyển cá tươi và phơi sấy, sản xuất chế biến thức ăn gia súc từ nhà máy chế biến bột cá Sông Ngân”.

Báo Tuổi Trẻ đưa tin: Dân chặn đường xe ben chở đá bị ‘người lạ’ cầm ống tuýp dọa đánh. Sáng 28/3/2018, người dân ấp Tân Cang, xã Phước Tân, TP Biên Hòa, Đồng Nai tiếp tục lập chắn đường Đinh Quang Ân để ngăn xe tải, xe ben chở đá từ mỏ đá Tân Cang, với lý do: “Đường xuống cấp hư hỏng, gây ô nhiễm môi trường trầm trọng ảnh hưởng tới đời sống của nhân dân”. Sau đó, “có 3 người đàn ông lạ cầm ống tuýp xông tới chửi bới, dọa đánh người dân, ném thùng phuy, dẹp rào chắn”.

Báo Trí Thức Trẻ có bài: Ô nhiễm không chỉ ở thành phố, nông thôn Việt Nam cũng đang gặp phải những thách thức như thế này. Báo cáo “Thách thức của Ô nhiễm nông nghiệp: Bằng chứng từ Trung Quốc, Việt Nam và Philippines” của Ngân hàng Thế giới, cho biết: Các vùng nông thôn Việt Nam đang đối mặt với tình trạng ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm không khí ngày càng nghiêm trọng.



Bất ổn ở chung cư Việt Nam
Công an TP HCM đã triệu tập đại diện chủ đầu tư, cán bộ PCCC phụ trách Carina Plaza để điều tra, theo Infonet. Về nguyên nhân của vụ cháy chung cư Carina, Cơ quan CSĐT Công an TP HCM cho biết: “Kết quả điều tra ban đầu xác định nguyên nhân gây cháy là do sự cố chập điện từ chiếc xe Attila trong hầm để xe”. Vụ cháy xảy ra vào khoảng 1 giờ 15 phút sáng ngày 23/3/2018, “ngọn lửa bốc cao ngang ống thông gió của tầng hầm và cháy lan sang các xe máy xung quanh”.

Báo Đất Việt đặt câu hỏi về chuyện Công ty 577 tuyên bố không phải chủ Carina Plaza: Thoát xác? Một người dân chung cư Carina cho biết: “Nếu Công ty CP Đầu tư 577 không phải là chủ đầu tư của dự án thì tại sao trên các tòa nhà được gắn chữ NBB? Hơn nữa, trên trang thông tin điện tử chính thức của công ty này lại ghi rằng Carina Plaza là một trong các dự án của họ”.

Hai cảnh sát PCCC bị tạm đình chỉ công tác sau vụ cháy Carina Plaza, theo trang Người Tiêu Dùng. Bài báo cho biết: CA TP.HCM đã “yêu cầu Thượng tá T.L.A (Phó Trưởng phòng) và N.N.H (Đội trưởng Đội hướng dẫn kiểm tra an toàn PCCC) thuộc Phòng Cảnh sát PCCC Q8 làm báo cáo giải trình chi tiết các công việc có liên quan”.

Báo Giao Thông đưa tin: Dân căng băng rôn kêu cứu tỉnh vì chung cư không có PCCC. Theo đó, hơn 400 người đang sống ở chung cư PVNC2- CT02, phường Hưng Bình, TP Vinh, Nghệ An, đã in băng rôn khổ lớn để kêu cứu “lãnh đạo tỉnh và cơ quan chức năng”. Họ đã sống ở chung cư này được khoảng 4 tháng nhưng tòa nhà vẫn chưa có hệ thống PCCC.



Nền giáo dục nhiều “giáo sư”, ít thành tựu
Trang Đại Đoàn Kết có bài: Bộ Giáo dục phải công khai việc xét chuẩn GS, PGS. Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nói với Bộ GD-ĐT: “Thủ tướng không đi vào chi tiết, đừng đổ trách nhiệm cho Thủ tướng, Bộ phải giải quyết vấn đề này và công khai minh bạch chuyện đó để đánh giá cho đúng vấn đề”.

Chuyện ở Hà Nội: Hiệu trưởng trường bị tố “lạm thu” vẫn được bổ nhiệm lại, theo báo Dân Việt. Cô giáo Bùi Thị Sinh, Hiệu trưởng trường tiểu học Hải Bối đã từng phải trả lại các phụ huynh số tiền lạm thu tới hơn một tỉ đồng. Tuy nhiên, “Hiệu trưởng vẫn được đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ để bổ nhiệm lại”. Chẳng lẽ nhiệm vụ của nhà trường bây giờ là “tận thu” từ các phụ huynh học sinh?


***

Tin thế giới

Chính trường Mỹ
Báo Washington Post đưa tin: Các công tố cho biết, Paul Manafort có quan hệ với tình báo Nga trong chiến dịch tranh cử năm 2016. Theo hồ sơ mà các công tố đệ trình cho Công tố viên Đặc biệt Robert Mueller, cho biết, ông Paul Manafort, cựu Chủ tịch Chiến dịch của ông Trump, và phó chủ tịch Rick Gates có những mối liên hệ với tình báo quân đội Nga, trong lúc họ tham gia chiến dịch tranh cử tổng thống cho ông Trump năm 2016.

BBC có bài: Mỹ: Hỏi quốc tịch khi điều tra dân số gây tranh cãi. Hai tiểu bang New York và California, nơi có số lượng lớn người nhập cư, đang tiến hành các hành động pháp lý để ngăn chặn hành động này. Sáng 28/3, Tổng Chưởng lý California, LS Xavier Becerra đã nộp đơn ra đề nghị tòa ra phán quyết rằng một cuộc điều tra dân số như vậy là vi phạm hiến pháp Hoa Kỳ.

Tổng Chưởng lý New York, LS Eric Schneiderman nói, ông sẽ dẫn đầu các tiểu bang để khởi kiện, chống lại chính quyền Trump về việc thêm vào câu hỏi quốc tịch, trong cuộc khảo sát dân số, trang WSHU đưa tin.



Bán đảo Triều Tiên
RFI có bài: Kim Jong Un đến Bắc Kinh tìm chỗ dựa, trước đàm phán với Mỹ. Vì sao lãnh đạo Bắc Hàn quyết định đi Trung Quốc, trong lúc quan hệ giữa Bình Nhưỡng và Bắc Kinh xấu đi, khi Bắc Kinh trừng phạt kinh tế Bắc Hàn, theo nghị quyết của Liên Hiệp Quốc? Các nhà quan sát cho rằng, “Bình Nhưỡng muốn tìm sự ủng hộ của đồng minh lịch sử, trước cuộc đàm phán hứa hẹn sẽ rất khó khăn với Hoa Kỳ, nhằm tìm lối thoát cho cuộc khủng hoảng hạt nhân kéo dài nhiều thập niên“.

Nhà bình luận chính trị độc lập Hoa Phách nói với RFI rằng, chuyến công du Trung Quốc là “lá bài cuối cùng” của Kim Jong Un, vì ông ta lo sợ có chung số phận như TT Libya, ông Kadhafi. “Bắc Triều Tiên không là gì cả, nếu không có Trung Quốc, chỉ có Trung Quốc mới giúp cho Bình Nhưỡng không sụp đổ. Kim Jong Un rất cần đến Bắc Kinh, cả về kinh tế cũng như quân sự”.

VOA đưa tin: Trung Quốc nói Kim Jong Un cam kết giải trừ hạt nhân Triều Tiên. Bộ Ngoại giao Trung Quốc dẫn lời ông Kim Jong Un, nói: “Lập trường nhất quán của chúng tôi là theo đuổi giải trừ hạt nhân trên bán đảo, theo ý nguyện của Chủ tịch Kim Il Sung và cố Tổng bí thư Kim Jong Il”.

Vấn đề giải trừ hạt nhân bán đảo Triều Tiên có thể giải quyết được, nếu Hàn Quốc và Hoa Kỳ đáp lại những nỗ lực của chúng tôi bằng thiện chí, tạo ra một không khí hòa bình và ổn định trong khi thực hiện các biện pháp tiến bộ và đồng bộ để hiện thực hóa hòa bình“.

Bố Kim Chính Nhật và ông nội Kim Nhật Thành của Kim Jong-un cũng đã từng hứa không theo đuổi vũ khí hạt nhân, nhưng đã bí mật duy trì các chương trình phát triển chúng. Trước đây, Bắc Hàn đã từng nói, họ có thể “xem xét từ bỏ kho vũ khí của mình nếu Mỹ rút quân khỏi Hàn Quốc và rút lại điều được gọi là chiếc dù hạt nhân mang tính răn đe khỏi Hàn Quốc và Nhật Bản“.





***








No comments:

Post a Comment

View My Stats