Friday, 30 March 2018

CÁ RỒNG ĐỎ : CÓ THỰC SỰ VN BỊ TQ 'ĐE DỌA'? (BBC Tiếng Việt)




BBC Tiếng Việt
30 tháng 3 2018

Một nhà báo kỳ cựu của BBC và học giả tại think tank nghiên cứu Chatham House tại London, Anh Quốc khẳng định với BBC Việt ngữ rằng có áp lực của Trung Quốc đằng sau việc Việt Nam ngừng dự án dầu khí Cá Rồng Đỏ trên Biển Đông.

Hôm thứ Năm, 29/3/2018, nhà báo và học giả Bill Hayton cũng nói với Bàn tròn thứ Năm của BBC với chủ đề 'Việt Nam ngừng dự án Cá Rồng Đỏ và Trung Quốc tập trận ở Biển Đông' rằng ông tin rằng việc phô trương diễn tập quân sự này là một biểu trưng và chỉ dấu cho thấy Trung Quốc đang 'đe dọa' chính Việt Nam.
Tại cuộc trao đổi này, ông Bill Hayton cũng bình luận một số khía cạnh khác như 'thế lưỡng nan' mà Việt Nam được cho là đang gặp phải trước 'áp lực' của Trung Quốc và liệu Việt Nam có nên theo chân Philippines đưa ra một vụ kiện tại một tòa án quốc tế hay không. Sau đây là nội dung cuộc trao đổi với ông Bill Hayton:

BBC Tiếng Việt: Kể từ bài báo được đăng trên BBC hôm 23/3, ông có thêm cập nhật, quan sát gì mới xung quanh sự việc với dự án Cá Rồng Đỏ tại Biển Đông?
Bill Hayton: Mọi chuyện có vẻ trôi qua khá im ắng. Tôi vẫn chưa có thêm được nhiều thông tin từ nguồn của tôi và phía Việt Nam cũng chưa đưa ra một tuyên bố chính thức nào.

BBC Tiếng Việt: Tại sao lại không có tuyên bố chính thức nào, thưa ông?
Bill Hayton: Tôi cho rằng, một lần nữa đây là tình huống khó cho các nhà lãnh đạo Việt Nam. Và có thể thậm chí còn khó khăn hơn so với hồi tháng Bảy năm ngoái khi Việt Nam cho tạm dừng việc khoan của Repsol lần trước.

BBC Tiếng Việt: Theo ông, sắp tới các bên sẽ có động thái như thế nào?
Bill Hayton: Các bên vẫn sẽ tỏ ra khá im ắng. Tôi không cho rằng các bên thực sự muốn gây khó cho nhau, đưa ra bất cứ thông tin nào hay thương lượng về các điều khoản thương mại tốn kém, hay ai sẽ trả tiền bồi thường cho số tiền đã được đầu tư cho phát triển giếng dầu cho tới thời điểm này.

Có bằng chứng hay không?

BBC Tiếng Việt: Có người cho rằng Trung Quốc có động thái gây áp lực buộc phía Việt Nam phải dừng dự án, có bằng chứng từ chuyện đó hay không thưa ông?
Bill Hayton: Từ những gì tôi đã được nói bởi nguồn của tôi, mà là chính xác. Tôi nghĩ rằng đây là lời giải thích hợp lý duy nhất rằng Việt Nam đã dừng việc khai thác cực kỳ đắt đỏ và quan trọng này.
Tôi muốn nói là ngân sách chính phủ cần nguồn thu mới từ lĩnh vực dầu vì hiện tình là nguồn thu xuống thấp nên chính phủ đang phải đối mặt với vấn đề cân bằng thu nhập, thu nhập đang giảm mà chính phủ lại cần chi nhiều tiền hơn.
Đây sẽ là một dự án hoàn hảo để chính phủ đạt được điều đó. Hơn nữa, để đạt được an ninh năng lượng, họ cần phải kiểm soát nguồn năng lượng đến từ đâu và họ cần phải dự án mà không thực sự đưa ra một lí do công khai, do đó tôi nghĩ rằng câu trả lời là áp lực từ Trung Quốc.


Nhà báo, học giả Bill Hayton trao đổi với Bàn tròn thứ Năm của BBC Tiếng Việt hôm 30/3/2018 về dự án Cá Rồng Đỏ và tình hình an ninh trên Biển Đông

BBC Tiếng ViệtCó người cho rằng Việt Nam đang gặp một thế lưỡng nan, chẳng hạn dừng lại như vậy thì Việt Nam thua thiệt không chỉ kinh tế mà còn về chủ quyền, pháp lý. Nhưng nếu Việt Nam có động thái cự lại thì có thể gặp thêm áp lực từ Trung Quốc, dẫn tới tranh chấp xung đột mạnh hơn? Ông nghĩ sao về điều này?
Bill Hayton: Tôi nghĩ rằng, lần trước, tôi hình dung rằng mối đe dọa từ Trung Quốc thực sự sẽ liên quan đến mối đe dọa quân sự. Tôi không có bằng chứng trong dịp này nhưng tôi nghĩ nó phải là một phần của tính toán.
Có khả năng rằng để cho Việt Nam thấy, Trung Quốc sẽ nghiêm túc trong việc thách thức giếng dầu này.

BBC Tiếng Việt: Trong câu chuyện này, nếu như có xung đột xảy ra, có người cho rằng Việt Nam không nên tin rằng có thể tin cậy và yêu cầu sự can thiệp hay hậu thuận từ Mỹ. Ông nghĩ như thế nào?
Bill Hayton: Tôi nghĩ điều quan trọng nhất ở đây đó là việc Việt Nam ngưng dự án Cá Rồng Đỏ chỉ một tuần sau khi hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson tới Đà Nẵng. Việc Việt Nam muốn hải quân Mỹ tới để chứng tỏ, ra dấu với Trung Quốc rằng họ có những người bạn rất mạnh mẽ và sẽ được Mỹ bảo vệ chống lưng trước áp lực từ Trung Quốc.
Nhưng mọi chuyện dường như lại không phải như vậy. Mỹ dường như không đưa ra bất cứ sự hậu thuẫn bảo vệ nào cho Việt Nam. Và họ có lẽ đã đưa ra quyết định rằng họ không muốn làm như vậy. Việc Việt Nam mời tàu Mỹ không tạo ra bất cứ sự khác biệt gì và mọi người đã hiểu được lý do.

BBC Tiếng Việt: Nếu như có áp lực từ phía Trung Quốc để chặn Việt Nam khai thác ở dự án Cá Rồng Đỏ thì họ căn cứ hay dựa vào đâu?
Bill Hayton: Trung Quốc nói về việc có những tuyên bố lịch sử, những quyền lịch sử nhưng thực sự, trong nghiên cứu của riêng tôi, tôi chưa thấy có bài báo khoa học nào từ trong lịch sử mà Trung Quốc tuyên bố ở đây, mà làm cơ sở cho việc Trung Quốc đưa ra lời tuyên bố chủ quyền ở vùng biển này, thực sự là do lỗi diễn dịch, được thực hiện trước hết bởi chính phủ và sau đó bởi giới hàn lâm, tính từ thập niên 1930.
Đây thực sự là một chuyện cũ rích. Đó là một sai lầm và tôi không nghĩ rằng chính phủ Trung Quốc thực sự hiểu căn cứ vì sao họ đưa ra yêu sách cho vùng biển này.

BBC Tiếng Việt: Có một học giả người Pháp cho rằng để giải quyết điều tương tự như ở dự án Cá Rồng Đỏ thì không riêng cho Việt Nam mà cả trong khu vực ASEAN, chẳng hạn Philippines, phải giải quyết câu chuyện 'đánh đổ'tuyên bố chủ quyền bằng bản đồ đường lưỡi bò hay đường chín đoạn của Trung Quốc, mà đừng kí ngay thỏa thuận bộ Quy tắc Ứng xử (COC), vì như vậy có thể gây ra những bất lợi lâu dài, ý kiến của ông thế nào?
Bill Hayton: Cảm giác của tôi, tôi thực sự hoài nghi về viễn cảnh COC đang được ký kết thực sự có ý nghĩa. Tôi muốn nói quan điểm của COC từ phía ASEAN là kiểm soát hành vi của Trung Quốc.
Nhưng rõ ràng, từ phía Trung Quốc, họ không muốn kiểm soát hành vi của họ. Vậy tại sao họ nên ký COC mà không đạt bất kỳ mục đích thực sự hay đem lại quyền lực nào. Trung Quốc, họ không muốn COC với tranh cãi về cơ chế giải quyết, họ chỉ muốn một cơ chế quản lý tranh chấp vì vậy thực sự là họ sẽ không giải quyết vấn đề cơ bản là yêu sách lãnh thổ.

Kiện hay là không kiện?

BBC Tiếng Việt: Có người nói tại sao Việt Nam đến thời điểm này không tính đến chuyện theo chân Philippines kiện Trung Quốc ra tòa quốc tế như Philippines đã từng làm liên quan đến câu chuyện đường lưỡi bò, ông nghĩ sao?
Bill Hayton: Tôi nghĩ rằng bây giờ cũng đến mức mà Việt Nam nghĩ rằng họ không có nhiều để mất. Ý tôi muốn nói là luôn luôn có một giả định rằng bằng cách đưa ra một vụ kiện pháp lý thực sự sẽ phá hủy mối quan hệ với Trung Quốc.
Vì vậy, câu hỏi mở ra với lãnh đạo Việt Nam, tôi nghĩ, là đó vẫn còn là một trường hợp mà họ sẽ mất nhiều hơn được. Và tôi nghĩ từ khía cạnh pháp lý, nếu họ chọn đưa vụ kiện ra đặc biệt về riêng vùng biển này thì họ sẽ giành chiến thắng rất dễ dàng nếu họ có những thẩm phán giống như như Philippines từng có. Một vụ kiện thực sự là giống nhau.
Tôi nghĩ rằng họ đã phải suy nghĩ về mối quan hệ tổng thể với Trung Quốc và thiệt hại sẽ ra sao nếu họ đưa ra một vụ kiện như vậy.

Đường chín đoạn hay tuyên bố chủ quyền dựa trên bản đồ hình lưỡi bò, chữ U đã được Trung Quốc đưa ra thời gian gần đây

BBC Tiếng Việt: Ông dự phóng gì về toàn bộ vấn đề trong thời gian tới?
Bill Hayton: Tôi nghĩ một điều rất quan trọng là nhận thấy rằng bất chấp những áp lực này, không có quốc gia nào ở Đông Nam Á, Việt Nam, Malaysia, Indonesia, Brunei, Philippines, đã thực sự xem xét việc cùng hợp tác, phát triển với Trung Quốc.
Điều Trung Quốc muốn là các chính phủ này muốn nói: "Được rồi, chúng tôi có một vùng đặc quyền kinh tế và chúng tôi sẽ chia sẻ nó với bạn". Không ai trong số các chính phủ này nói rằng họ sẵn sàng làm điều đó.
Và tôi nghĩ rằng điều quan trọng là phải nhận ra rằng bất chấp tất cả áp lực từ Trung Quốc, họ vẫn giữ nguyên lập trường căn bản. Rõ ràng, Trung Quốc đã thành công trong việc ngăn chặn các nước này phát triển, khai thác các mỏ dầu khí thuộc sở hữu của họ. Và có vẻ như đó sẽ là vấn đề khó cho tất cả các nước này.
Nhưng, họ dường như không thể có được một phản ứng chung của ASEAN bởi vì vấn đề chỉ ảnh hưởng đến một nửa số thành viên của ASEAN và các nước khác như Campuchia có nhiều lợi ích hơn từ việc không chỉ trích Trung Quốc hơn là hỗ trợ các đồng nghiệp ASEAN của họ.
Luôn luôn có cơ hội mà tôi cho rằng trong tương lai Trung Quốc có thể sử dụng ưu thế thượng tôn của họ về mặt số lượng tàu để khoan dầu khí tại các khu vực của các nước khác để tuyên bố chủ quyền và đó sẽ là một mối đe dọa lớn đối với an ninh toàn khu vực.

Repsol là đối tác được Việt Nam thuê tiến hành các hoạt động thăm dò trong dự án Cá Rồng Đỏ, theo giới quan sát. GETTY IMAGES

Thông điệp gửi cho ai?

BBC Tiếng Việt:Ông nhận xét về việc Trung Quốc đưa một hải đội hạm đội rất là hùng hậu, được cho là trình diễn hơn là tập trận ở vùng biển khu vực thì Trung Quốc đang muốn gửi tín hiệu cho bên nào là chính?
Bill Hayton: Tôi nghĩ rằng Trung Quốc đang gửi thông điệp tới nhiều quốc gia cùng một lúc: Việt Nam, Hoa Kỳ, Nhật Bản và các nước khác, cho thấy họ có thể tập hợp được lực lượng và hàng không mẫu hạm "Liêu Ninh" mà thường gắn với hạm đội phía Bắc của Trung Quốc đã được điều về phía Nam để tham gia hoạt động đột ngột.
Tôi nghĩ rằng đó là cách cho thấy rằng Trung Quốc có thể củng cố hải quân khi cần thiết.

BBC Tiếng Việt: Có tuyên bố nói Trung Quốc tiến hành cuộc tập trận, thao diễn để chuẩn bị cho chiến tranh, vậy liệu có nguy cơ chiến tranh nào không?
Bill Hayton: Nếu quí vị có thể tưởng tượng rằng Việt Nam đang chuẩn bị cho những việc khoan dầu khí tới đây sắp diễn ra và họ phải nghĩ tới việc họ phải bảo vệ như thế nào với tàu bè của các lực lượng tuần duyên và hải quân, thì Trung Quốc cũng cho thấy họ rất nghiêm túc về răn đe quân sự của họ.
Và họ phải tập hợp một lực lượng quan sự đáng kể, do đó nghi ngờ của tôi mà tôi không có bằng chứng nào, là lực lượng này là một biểu tượng để đe dọa Việt Nam.



----------------------------------------

XEM THÊM :

Mỹ Hằng, BBC Tiếng Việt
30 tháng 3 2018

Cách khẳng định chủ quyền an toàn nhất trên biển Đông của Việt Nam có lẽ là hợp tác khai thác dầu với Trung Quốc. Tướng Daniel Schaeffer, nguyên tùy viên quân sự của Pháp tại Việt Nam, Thái Lan và Trung Quốc, học giả cao cấp về tranh chấp trên Biển Đông của tổ chức tư vấn Asie21 (Pháp), chia sẻ nhận định này qua một phỏng vấn với Mỹ Hằng của BBC Tiếng Việt hôm 29/3.

Ông Schaeffer nói Việt Nam có thể tính đến việc hợp tác khai thác dầu với Trung Quốc ở vùng đặc quyền kinh tế của mình như một cách an toàn để khẳng định chủ quyền trên Biển Đông. Sự kiện dự án Cá Rồng Đỏ, theo ông Schaeffer, chỉ là 'khởi đầu chiến lược xâm lược' của Trung Quốc.

Tướng Daniel Schaeffer là chuyên gia về các vấn đề xung đột trên Biển Đông

Tướng Daniel Schaeffer đề cập 'hợp tác khai thác dầu với Trung Quốc' như một trong ba khả năng để Việt Nam và các nước Đông Nam Á giải quyết tình hình căng thẳng trên Biển Đông.

Thứ nhất, vấn đề biển Đông cần được quốc tế hóa bằng cách đưa ra Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc - "nơi hiện đang im lặng một cách đáng ngạc nhiên riêng về vấn đề này".
Nhắc tới phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực Quốc tế năm 2017 rằng Trung Quốc tuyên bố chủ quyền trái pháp luật trên biển Đông, ông Schaeffer cho rằng quyền của các nước Đông Nam Á ở vùng biển này theo đó cũng được thiết lập theo luật pháp.
Do đó, Việt Nam và các nước cần "không ngừng thúc đẩy mạnh mẽ thực thi phán quyết này ngay cả khi Philippines đã đặt nó sang một bên", đồng thời yêu cầu sự tham gia của phương Tây.

"Một tuyên bố chủ quyền đã bị Tòa án Trọng tài Thường trực Quốc tế (PCA) tuyên bố trái pháp luật ngày 12/7/2016," ông nhắc lại.
"Không nước nào nên chịu áp lực từ một Trung Quốc quyết liệt về Biển Đông và Biển Hoa Đông."
"Ngay cả khi Trung Quốc không muốn vấn đề Biển Đông được quốc tế hóa, thì nó cũng đã được quốc tế hoá thông qua nhiều sự kiện khác nhau và cả trên luật pháp kể từ phán quyết của PCA."

Hình :  TS. Hà Hoàng Hợp bình luận và dự đoán diễn biến về dự án 'Cá Rồng Đỏ' trên Biển Đông

Thứ hai, bởi vì Biển Đông là biển quốc tế, các quốc gia Đông Nam Á nên khuyến khích hải quân từ bên ngoài khu vực qua lại trên vùng biển này để nhấn mạnh sự hiện diện và tính chất quốc tế của biển đó, đồng thời cũng để trình diễn diễn tập hải quân.

Thứ ba, một cách an toàn hơn, các nước có thể đề nghị Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc hợp tác khai thác dầu ở các vùng đặc quyền kinh tế của mình, như Brunei đang làm, Philippines đang đàm phán.

"Đề xuất này phải được thực hiện theo tinh thần chung theo hướng dẫn hiện nay khi các công ty Đông Nam Á mời các công ty nước ngoài tham gia vào hoạt động dầu khí trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của mình."
"Điều đó có nghĩa là Trung Quốc phải nhìn nhận rằng công ty dầu lửa của họ sẽ hoạt động trong một khu vực dưới quyền chủ quyền của nước chủ nhà chứ không phải trong một khu vực bên trong 'Đường chín đoạn'."
"Đó là lý do tại sao văn bản thỏa thuận giữa Trung Quốc và nước chủ nhà phải được biên soạn kỹ lưỡng, như vậy nó sẽ không có vẻ như ngầm thừa nhận chủ quyền của Trung Quốc ở vùng biển mà hai bên hợp tác khai thác dầu."

'Cá Rồng Đỏ khởi đầu chiến lược xâm lược'?

Tướng Daniel Schaeffer cũng nêu vấn đề ông lưu ý trong sự kiện Việt Nam dừng hai dự án khai thác dầu mỏ, trong đó có Cá Rồng Đỏ, chỉ trong vòng một năm.
Đó là hai dự án Việt Nam hợp tác với công ty Repsol của Tây Ban Nha để khai thác tại lô 136-03 và lô 07-03 - mà theo ông là 'hoàn toàn thuộc vùng đặc quyền kinh tế' của Việt Nam.
Theo ông, đây là 'âm mưu' của Trung Quốc nhằm 'tấn công gián tiếp Việt Nam thông qua tấn công vào các công ty nước ngoài hợp tác với Việt Nam".
"Để cố gắng đòi chủ quyền bất hợp pháp của mình trong các vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam với lý do các lô này nằm trong 'đường chín đoạn', Trung Quốc gián tiếp gây áp lực lên Việt Nam thông qua các công ty nước ngoài mà Việt Nam đã ký kết hợp đồng hợp tác", ông Schaeffer phân tích.
"Chúng ta cũng có thể cho rằng nạn nhân là một công ty Tây Ban Nha vốn không có khả năng như các công ty Mỹ để chống lại áp lực như vậy."
Ông Schaeffer cho rằng các sự cố như vậy "sẽ tiếp tục xảy ra dọc theo đường biên giới các vùng đặc quyền kinh tế của các nước Đông Nam Á".

Tàu chở dầu ngoài khơi biển Vũng Tàu.  HOANG DINH NAM

Ông nhấn mạnh, đây chỉ là khởi đầu 'chiến lược xâm lược' của 'một Trung Quốc tuyệt đối kiên nhẫn', cố gắng để lấy 'từng phần từng phần' các vùng đặc quyền kinh tế của các quốc gia Đông Nam Á, 'những vùng mà Trung Quốc cho là nằm trong 'Đường Lưỡi bò'.
"Tôi vẫn cho rằng việc [các nước ASEAN trong đó có Việt Nam] đàm phán một Bộ Quy tắc Ứng xử (COC) trên Biển Đông là sai lầm lớn, ít nhất khi Trung Quốc vẫn không từ bỏ 'Đường chín đoạn'", tướng Schaeffer nhấn mạnh.

Năm 2017, trung tướng Schaeffer từng có bài viết "Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông: Một sai lầm to lớn".
Qua đó ông cho thấy 'mưu đồ của Trung Quốc' trong quá trình đàm phán COC và những nguy hiểm mà các nước ASEAN có thể đối mặt một khi COC được thông qua và ký kết, mà không loại bỏ được 'Đường lưỡi bò phi pháp' do Trung Quốc tự ý vạch ra, ôm trọn hầu hết Biển Đông.

TQ diễn tập để 'trả đũa'

Về cuộc trình diễn diễn tập quân sự mới đây của Trung Quốc ở biển Đông với hàng chục tàu chiến và chiến đấu cơ tham gia, tướng Daniel Schaeffer cho rằng mục đích là nhằm trả đũa "hoạt động tự do hàng hải lần thứ tư của Hoa Kỳ, và trả đũa mọi hoạt động của hải quân phương Tây trên vùng biển này".
Ông đưa ví dụ về "cuộc tập trận mới đây giữa hải quân Nhật và tàu sân bay Carl Vinson của Mỹ" như một trong những lý do khiến Trung Quốc muốn trả đũa.

Ông Daniel Schaeffer cũng cho rằng hoạt động diễn tập này nhằm 'chứng minh và khẳng định chủ quyền' của Trung Quốc đối với vùng Biển Đông, Tướng Daniel Schaeffer nói và nhấn mạnh với BBC Tiếng Việt rằng ông nêu quan điểm cá nhân với tư cách một học giả.







No comments:

Post a Comment

View My Stats