Saturday, 31 March 2018

ĐỐI ĐẦU & ĐỐI DIỆN 'TÙ' CHỨ KHÔNG 'TỘI' ! (5 tác giả)




Lê Nguyên Vũ
31/03/2018

Các bạn thân mến,

Những dòng chữ bạn đang cầm trên tay đến từ 5 anh chị em chúng tôi, những người đã từng vào tù mà chẳng có tội gì, ngay cả xét theo thứ luật của những kẻ bỏ tù chúng tôi.
Nghiệm lại chúng tôi thấy các bản án đó chỉ nhằm mục tiêu duy nhất là răn đe, tạo sợ hãi nơi những ai còn có lòng với đất nước và còn cảm được nỗi đau của bà con chung quanh. Hiện nay, hình ảnh “tù đày” như cái hang đen ngòm. Chẳng ai biết chuyện gì xảy ra trong đó, ngoài hình ảnh người bị còng tay dẫn vào. Và khi không biết thì nỗi sợ nhân gấp đôi, gấp ba.

Chính vì thế mà 5 bóng đèn chúng tôi muốn bật lên, muốn chia sẻ với các bạn những gì chúng tôi đã trải qua, từ cảm xúc, suy tư, đến cả một ít mẹo sống tù. Hy vọng những giòng chữ chân thành này sẽ giúp bạn không còn thấy “cái hang đen ngòm” kia quá ghê gớm nữa; sẽ giúp bạn chuẩn bị đối đầu với những kẻ xấu và đối diện với cảnh tù vì tương lai dân tộc.

Cha ông chúng ta bao đời đã luôn sẵn sàng trả cái giá đắt hơn nhiều cho tương lai của cháu con. Chúng ta, những người mang trong tim cũng dòng máu đó, sẽ vượt qua được cái giá nho nhỏ này.

Chúng tôi xin tặng tập kinh nghiệm đầu tiên này cho bà con nạn nhân tai họa môi sinh do Formosa gây ra, và đặc biệt kính tặng những con người dũng cảm, đang chấp nhận tù đày để đòi công lý cho bà con.

Và xin tặng các Anh Chị thuộc Hội Anh Em Dân Chủ sắp bị đưa ra tòa ngày 5/4/2018 chỉ vì ước nguyện đặt quyền làm chủ đất nước thật sự vào tay dân tộc Việt Nam.

***
Ký sự vào đồn
Đặng Bích Phượng

Đặng Bích Phượng

Lần đầu tiên bị công an bắt, tôi chẳng sợ hãi gì vì nghĩ rất đơn giản, việc mình phản đối Trung Quốc ngang nhiên xâm phạm lãnh hải của Việt Nam không thể là có tội. Khi công an đưa giấy bút yêu cầu tường trình, tôi khai tông tốc tất cả những gì liên quan đến mình, từ cô dì chú bác hai bên nội ngoại, đến cả những gì công an không yêu cầu. Hăng hái ký vào biên bản lấy lời khai, và khi họ bảo tôi đi về, tôi nói với họ: chủ nhật tuần sau tôi lại đi đấy!

Sau này tôi về đọc trên mạng, thấy mọi người chia sẻ những kiến thức về quyền con người rất bổ ích. Ví dụ biểu tình là một quyền được hiến pháp bảo hộ tại điều 69 hiến pháp 1992, hoặc điều 25 hiến pháp 2013. Nhiều người kể cả công an, đều nhầm tưởng rằng chưa có luật biểu tình, thì người dân không được biểu tình. Tôi lấy ví vụ, điều 4 cho phép đảng cộng sản lãnh đạo, nhưng chưa có luật mà đảng cộng sản vẫn lãnh đạo suốt bao nhiêu năm qua. Vậy chẳng có lý do gì để nói, không có luật biểu tình thì người dân không được biểu tình!
Vậy tại sao nhà cầm quyền cố tình đánh tráo khái niệm, để gọi việc biểu tình của người dân là “tụ tập đông người, trái phép”?

Ai cũng hiểu đó là nỗi sợ hãi của nhà cầm quyền, rằng nếu để người dân tự do biểu đạt ý nguyện của mình, thì với thực trạng xã hội thối nát như hiện nay, những cuộc biểu tình rất dễ biến thành một cuộc cách mạng “hoa nhài” như ở Tunisia, và sợ cái “chính quyền” mà họ “cướp” được năm nào, sẽ bị người dân vì quá phẫn uất mà nổi dậy cướp lại.

Một sĩ quan công an nói với tôi: “Chống Trung Quốc thì cứ chống, nhưng không được chống chính quyền!”

Tôi hỏi lại: “Chính quyền sai có chống không?” Ông ta đuối lý, xua tay: “Không nói chuyện đó.”

Với một sĩ quan công an khác, tôi nói: “Nếu hỏi tôi có yêu chế độ này không? Tôi sẽ trả lời không! Thậm chí tôi căm ghét nó, vì nó dối trá và tàn bạo. Nhưng một mình tôi, tay không, tôi chẳng thể nào lật đổ được cái chế độ này. Bởi vậy các anh nên lo từ phía chính phe nhóm của các anh.”

Dường như điều này đang xảy ra chăng?

Tôi bị bắt 9 lần, trong đó có một lần bị tạm giữ năm ngày, được “vinh dự” ghé thăm Hỏa Lò ba ngày. Sau 9 lần bị bắt, tôi rút ra vài điều sau đây:

1/ Khi bị bắt, tôi không có nghĩa vụ phải trình bầy với công an rằng tôi là ai? Làm gì? Đi với ai?

2/ Tôi không ký biên bản nếu tôi không được giữ 1 bản theo nguyên tắc. Dù việc đó chẳng làm thay đổi được điều gì, vì công an vốn cho họ có quyền ngồi lên pháp luật, nhưng ít nhất tôi đang thực hiện quyền của tôi.

3/ Tôi không đồng ý cho họ khám người, khám đồ đạc. Một người công an đã nói cho tôi biết quyền này. Dĩ nhiên, với nhiều người, họ còn bị công an mặc thường phục đánh đập tàn bạo, thì việc mình không đồng ý chẳng có nghĩa lý gì. Nhưng đó cũng là quyền của mình.

4/ Khi họ đã cố tình khép tội ai đó, thì mọi lý lẽ đều vô nghĩa. Trong giai đoạn hiện nay, chưa một phiên tòa nào xử người muốn thực hiện quyền biểu đạt của mình, mà công lý được thực thi (từ việc đơn giản nhất là xử công khai nhưng đến người thân cũng không được vào dự phiên tòa). Bởi vậy khi thực hiện quyền con người trong chế độ độc tài này, phải biết chấp nhận cái giá phải trả.

Lời cuối cùng: Trong chế độ độc tài, không đòi ai trả quyền con người?

***
Lần đầu
Ngô Duy Quyền

Ngô Duy Quyền và con thơ

Lần đầu tiên tôi bị bắt bớ và câu lưu trong đồn công an là ngày 10/7/2011 khi tham gia cuộc biểu tình phản đối Trung cộng trước toà đại sứ của họ ở Hà Nội. Trước đó, từ 6/5/2011 liên tiếp 5 cuộc biểu tình đã diễn ra vào các ngày Chủ Nhật.

Khi đối mặt với lực lượng đàn áp hùng hậu các loại tôi thực sự khá e sợ và hồi hộp, trống ngực đập thình thịch. Tuy nhiên, như nhiều cô bác anh chị trong đoàn người, những tiếng hô vẫn không hề chậm nhịp. Để trấn tĩnh, tôi đã luôn tự nhủ rằng mình chẳng làm gì sai trái cả. Tôi biết chắc chắn rằng biểu tình ôn hoà bày tỏ thái độ trước một vấn đề của đất nước là một quyền căn bản của công dân được Hiến pháp bảo hộ. Tôi cũng hiểu rằng khi cần thì công an chế độ sẵn sàng thẳng tay đàn áp dân bất chấp pháp luật và đạo lý, bất kể phải trái đúng sai nên phần nào cũng đã chuẩn bị tâm lý cho việc bị bắt.

Rồi việc gì phải đến cũng đến, tôi bị một đám người mặt mày bặm trợn không sắc phục chẳng phù hiệu xông vào bẻ tay khống chế và tống lên một chiếc xe con đậu sẵn gần đó. Hành động của họ rất mau lẹ và thô bạo, ống tay áo bên phải của tôi bị xé rách bươm. Cùng bị tống lên chiếc xe con với tôi là chị Dương Thị Xuân, một cô giáo oan rất tích cực tham gia tuần hành mấy chủ nhật rồi. Trên xe, chúng tôi bị kẹp chặt hai bên bởi những tên mật vụ mặt mày hung tợn. Hai chị em có lên tiếng cự nự về việc họ bắt người phi pháp thì nhận lại những lời lẽ thô tục với thái độ hết sức côn đồ. Chiếc xe đưa chúng tôi về đồn công an ở số 6 Quang Trung, Hà Đông.

Thế là điều tồi tệ đã xảy ra. Trước thái độ côn đồ của đám mật vụ áp giải, tôi giữ im lặng và thầm cầu nguyện xin Thiên Chúa che chở và phó thác mọi sự trong tay Ngài. Bình tâm lại, tôi dự liệu tình huống xấu nhất có thể xảy ra đó là họ sẽ tống tôi vào tù. Tất nhiên, họ không thể khởi tố bị can với lý do có hành vi “biểu tình phản đối Trung cộng xâm lược” mà sẽ nại ra một lý do khác tỷ như “gây rối trật tự công cộng” – có thể lắm chứ!

Ai cũng biết bản chất của câu chuyện là chúng tôi cùng nhau biểu tình để bày tỏ thái độ phản đối những hành vi xâm lấn biển đảo, đe doạ và bắn giết ngư dân đã xảy ra nhiều lần và xuyên suốt bởi Trung cộng. Sự kiện cắt cáp tàu Bình Minh vào ngày 25/6/2011 là hành vi gây hấn làm “giọt nước tràn ly”. Biểu tình phản đối ngoại bang xâm lược mà bị “nhà nước ta” tống vào tù thì thật là “vui” và không gì nực cười hơn!

Tới đồn công an, chúng tôi bị tách ra, hai người được đưa vào hai phòng khác nhau. Sau vài phút, bên phòng tôi có một nam mật vụ đầu hoi hói tự xưng là Ngô Quang Du và một nữ mật vụ có khuôn mặt luôn tỏ vẻ cau có cho oai bước vào nói là sẽ “làm việc” với tôi.

Chưa kịp phân ngôi chủ khách, câu đầu tiên tôi nói với cặp mật vụ là các anh chị hãy nói với người có thẩm quyền cao nhất ở đây là tôi phản đối việc bắt người phi pháp và tốt nhất là các anh chị nên xin lỗi rồi để chúng tôi về nhà.

Khác với đám mật vụ áp giải, Du không có vẻ côn đồ dù lời nói và cử chỉ thì luôn đầy oai oách – họ mời anh về đây làm việc chứ không phải là bắt. Tôi giơ ống tay áo nát bươm với cánh tay bầm tím ra trước mặt cặp đôi mật vụ: các anh chị nói mời mà như thế này hay sao? Nếu nói là mời thì đây là cách mời của quỷ sứ! Ngô Quang Du gằn giọng: đây là đồn công an, anh hãy ăn nói cho cẩn thận.

Du chỉ ghế bảo tôi ngồi rồi đưa cho tôi tờ mẫu “Biên bản lấy lời khai” và bảo tôi hãy khai báo theo các câu hỏi mà Du đặt ra. Tờ giấy được đẩy lại phía Du: tôi chả có gì mà phải khai báo với các anh chị cả. Du đưa tờ biên bản cho nữ mật vụ trong khi nói với tôi: nếu anh không tự ghi thì hãy trả lời câu hỏi để chúng tôi ghi. Không kịp để tôi có phản ứng, Du bắt đầu giọng thẩm vấn: tên anh là gì, hôm nay anh đi đâu, làm gì để bị “mời” vào đây…? – Các anh chị vô cớ bắt tôi vào đây giờ lại hỏi tên tôi là gì, cứ ra đường bắt dân vào đồn rồi hỏi tên người ta àh? Nữ mật vụ có vẻ như chưa được nghe câu nói đó bao giờ, ả ta dựng ngược lên: anh phải làm gì thì người ta mới đưa anh vào đây chứ, chả ai tự dưng “mời” anh về đây làm gì! Tôi đáp nhời: này, bọn cướp chúng vào cướp nhà người ta thì có cần lý do không?! Ả ta làu bàu trong miệng thứ gì đó quên cả nhiệm vụ ghi chép và đứng dậy đi ra ngoài.

Ngô Quang Du thu lại tờ giấy và cây bút mà nữ mật vụ bỏ lại ở bàn bên và hạ giọng: thôi thế này nhé anh Quyền (!), tôi chính là người điều tra vụ án của vợ anh và Nguyễn Văn Đài, anh về hỏi vợ anh sẽ biết. Anh bị lực lượng bảo vệ trật tự công cộng “mời” vào đây và tôi là người có thẩm quyền và nhiệm vụ làm việc với anh để giải quyết nếu có vướng mắc.

– Bắt tôi là công an các anh, giờ làm việc cũng là công an các anh, tôi chưa có nhu cầu giải quyết gì cả dù bị bắt phi pháp và thô bạo vào đây. Tuy nhiên, như anh vừa nói đây là cơ quan có thẩm quyền, nếu các anh muốn biết tôi hôm nay đi đâu làm gì thì tôi có thể nói vài điều: tôi cùng mọi người xuống đường để biểu tình bày tỏ thái độ phản đối sự xâm lược, gây hấn của Trung quốc. Chúng tôi đi đến gần Đại sứ quán Trung quốc thì bị bắt đưa về đây.

– Làm sao anh biết có biểu tình mà tham gia, ai rủ anh?

– Thế này nhé, ở đây hẳn các anh có máy tính nối mạng. Bây giờ anh vào Google và gõ các chữ “biểu tình chống Trung quốc”, nó sẽ ra cả trăm trang thông tin về việc này – tôi có thể làm ngay trước mặt các anh bây giờ. Tất nhiên, đề nghị của tôi bị phớt lờ.

Cuối buổi “làm việc” Du hói đưa tôi tờ giấy từ hồi đầu tới giờ gã loay hoay ghi chép và bảo tôi đọc lại và ký vào. Tôi đẩy lại tờ giấy về phía gã và phẩy tay: tôi không có nhu cầu đọc và cũng không ký gì cả. Tôi lặp lại tới lần thứ mấy thì Du mới tin là thật và lên giọng: anh tưởng không ký thì chúng tôi không làm gì được à? Tôi sẽ gọi người dân vào làm chứng lập biên bản việc anh bất hợp tác không ký và biên bản lấy lời khai này vẫn có giá trị như thường.

– Oh, đó là việc của các anh tôi không có ý kiến gì!

Họ gọi 2 người mặc thường phục kêu là người dân vào viết viết ký ký một hồi rồi đi ra hết để tôi ngồi lại một mình. Đang bụng bảo dạ chắc tối nay được ngủ chung với muỗi thì nghe tiếng chị Dương Thị Xuân cự nự bên ngoài hành lang và không chịu ra về. Vừa lúc có giọng nói vọng vào – hết giờ làm việc rồi anh Quyền ra nói chị Xuân cùng về nghỉ đi, ai cũng mệt rồi. Vậy là kết thúc một ngày “làm việc” không đầu cũng chẳng cuối – lần đầu quả thật là bỡ ngỡ!

Phần kết:
Lần đầu tiên đối mặt với công an chế độ trong tình huống này, tôi nhận thấy những hành xử của họ không hề dựa trên bất cứ cơ sở luật pháp nào. Những lý lẽ của họ chỉ là những lý sự cù nhầy, lươn lẹo và trơ trẽn của những kẻ sai ác nhưng lại nắm quyền hành. Họ chỉ còn duy nhất một thứ chiếm ưu thế áp đảo đó là bạo lực.

Sau này, tôi tiếp tục tham gia nhiều cuộc biểu tình, chứng kiến các phiên toà đấu tố những người bất đồng chính kiến hay cùng bạn hữu đến thăm viếng tư gia các Tù nhân Lương tâm và trải qua thêm cả tá lần bị bắt bớ câu lưu. Phải thú nhận rằng, mỗi lần đối mặt với những hành xử bạo lực côn đồ của đám công an mật vụ thì cảm giác e sợ, hồi hộp hầu như chẳng bớt đi nhưng không vì thế mà tôi chùn bước hay thay đổi ý tưởng ban đầu.

***
Chăm sóc bản thân là chăm sóc cho người thân
Nguyễn Ngọc Già

Nguyễn Ngọc Già

Dù đang bị tạm giữ, tạm giam hay thi hành án, tôi xin phép gọi chung, những người đang ở sau cánh cửa nhà tù, là TÙ NHÂN. Mỗi tù nhân và gia đình của họ, có cách sống và quan điểm khác nhau. Tuy nhiên, ở đây, tôi nêu lên những gì chung nhất mà bản thân tôi trải qua thực tế, tôi nghĩ có thể, có những điều cần thiết cho thân nhân của các bạn tù tham khảo, nhằm chăm sóc cho chính bản thân mình và chăm lo cho người thân đang ở tù.
Quan điểm của tôi: “Chăm sóc bản thân tức là đang chăm sóc cho người thân”.
Vậy tôi xin gởi những kinh nghiệm sau đây đến cả tù nhân lẫn người thân của tù nhân:

1. Tập thể dục:
Cần luôn luôn bình tĩnh và khỏe mạnh. Hãy nhớ rằng, chính bản thân mình khỏe mạnh và bình tĩnh mới giúp cho người tù, dù ít nhất. Dặn người tù cũng giữ đúng tinh thần như thế.
Tập thể dục mỗi sáng khoảng nửa tiếng (nhiều hơn càng tốt). Hãy luyện yoga (không cần chuyên sâu, chỉ cần 11 tư thế (1) căn bản), quan trọng là thường xuyên. Nhấn mạnh, nhớ hít thở sâu.
Dặn người tù cũng làm đúng như thế, dù trong phòng giam chật hẹp (như ở số 4 PĐL, chỉ có 4m2/2 người) tôi vẫn tập được. Khi thi hành án tại Xuân Lộc, tôi ra khoảng sân nhỏ rộng rãi hơn, hoặc ngay trong phòng cũng tập được. Động tác “rắn hổ mang” rất tốt cho cột sống.

2.  Chuyện ăn uống:
Ăn đúng bữa, uống nước nhiều, cố gắng ngủ đủ giấc và ngủ sâu. Dặn người tù cũng làm đúng như thế.
2.1- Nếu ai không thể ăn cay, hãy cố gắng tập ăn cay dần dần. Trong bữa ăn, hãy lấy vài tép tỏi và vài trái ớt, giã nhuyễn cùng một chút đường để làm chén nước mắm. Nhớ pha nước mắm đủ ăn trong 1 ngày. Vừa tốt, vừa không lãng phí. Có quan niệm ăn cay dễ bị đau bao tử, nổi mụn, nổi nhọt, táo bón… Quan niệm này không đúng. Cố gắng ăn cay mỗi ngày. Bản thân tôi, khi ăn cay và nóng, mồ hôi toát ra, làm cơ thể khỏe khoắn, phấn chấn hơn rất nhiều. Đặc biệt, ăn cay & nóng rất tốt đối với những ai đang bị cảm cúm.
2.2- Nhà tù nào cũng giao cơm, canh khá sớm. Cơm tù là gạo dở, để chừng 1/2 tiếng là khô cứng, rất khó ăn. Giờ giao cơm canh, sáng khoảng 6h đến 6h30 (chỉ có cơm),  giấc (gọi  là) trưa  khoảng 9h30 đến 10 giờ, giấc (gọi là) chiều khoảng 3h đến 3h30. Nên ăn ngay, cơm nóng và canh nóng cùng chén nước mắm cay và ít cá khô, chà bông v.v… giúp chúng ta dễ ăn hơn. Tại Xuân Lộc, mỗi tháng có 7 lần thịt và 4 lần cá. Kinh nghiệm của tôi, không nên ăn thịt. Nếu không phải toàn mỡ, cũng là thịt độc hại (cho mèo, mèo cũng chê. Thậm chí, tôi để thử một ngày, ngay cả kiến cũng tránh xa). Cá, có thể ăn được, nếu là cá biển (thỉnh thoảng có cá nục) nên chiên hoặc kho lại (rắc tiêu nhiều, nếu bạn không thể ăn ớt), còn đa số là cá mè (rất tanh và nhiều xương).
2.3- Nước uống. Tại Xuân Lộc, mỗi bình 20 lít, có giá 20.000 đồng. Thêm cái vỏ bình 80.000 đồng. Vị chi, lần đầu phải mất 100.000 đồng. Mỗi tháng, mất khoảng 60.000 đồng tiền nước uống. Một năm là 720.000 đồng. Nếu người tù nào có thăm nuôi, xin đừng tiết kiệm khoản chi này. Bạn có thể ăn thiếu thốn, nhưng không được thiếu nước uống sạch. Có những bạn tù, dù có người thân thăm nuôi, nhưng vì tiết kiệm, nên dùng nước giếng bơm (dùng cho cả tắm giặt và ăn uống) nấu sôi để nguội và lọc lại (chỉ bằng cục bông gòn và cái bình lọc tự chế), rồi uống. Nhiều người đã bị đau thận, ban đầu tiểu gắt, tiểu nhiều lần, sau tiểu ra máu, đau lưng rất nhiều. Hãy nghĩ rằng, mỗi tháng bạn tốn 60.000 đồng, để giữ 2 quả thận, bởi dù bạn có cả tỉ đồng để chữa trị cũng không thể nào làm cho quả thận của mình trở lại như trước khi ở tù. Riêng tôi, không ăn canh của trại tù Xuân Lộc. Cứ cách khoảng 3 ngày, tôi mua nửa ký bắp cải hoặc nửa ký khoai tây và dùng nước bình để nấu canh. Tại số 4PĐL và Chí Hòa (có lẽ vì ngay Sài Gòn) có nước sạch uống (nhưng không bao giờ có nước sôi, dù chỉ để ăn mì gói, nên trong tù có món “mì gió”, ai cũng biết), nên tôi không phải mua nước uống.
2.4- Mỗi sáng, bụng đói (nhớ là phải chưa ăn gì cả), hãy lấy 4 tép tỏi tươi, lột vỏ, nhai sống (phải nhai sống thì chất gì đó [tôi không nhớ và có lẽ cũng không cần nhớ] mới tiết ra). Nhai nhuyễn rồi hãy nuốt. Tất nhiên, rất cay và khó chịu. Hãy cố gắng làm quen với hương vị này. Chuẩn bị một ly nước (ấm càng tốt), khi nhai xong một tép thì uống ngụm nước để bớt cay và cứ thế tiếp tục. Nếu ai có thể nhai cả 4 tép tỏi càng tốt, rồi uống nước cũng được. Nếu chịu cay được như tôi, không cần uống nước. Sau đó, để mất mùi tỏi, hãy đánh răng súc miệng. Dặn người tù cũng làm y như vậy. Rất tốt, qua kinh nghiệm của tôi. Vui lòng lưu ý: việc nhai tỏi sống chỉ có tác dụng, khi nhai sống mỗi ngày, kéo dài ít nhất 6 tháng. Nếu tạo thành thói quen suốt đời càng tốt. Trong tù, tôi đã nhai tỏi như thế suốt gần 2 năm trời, hiệu quả thấy rõ, những cơn đau tim vừa chớm (khi biết tin con trai qua đời) lui dần sau 6 tháng và hiện nay không còn nặng ngực và không còn thấy nhói buốt ngực dù là từ phía sau hay trýớc ngực trái. Ngoài tim ra, việc nhai tỏi nhý vậy cũng giúp cho phổi nhẹ nhàng, nhất là ðối với không khí trong phòng giam rất ngột ngạt và ô nhiễm (như số 4 PĐL, Chí Hòa, Bố Lá).
2.5. Trong tù, có tiêu chuẩn bột giặt và đường cát. Mỗi ngày, hãy lấy ít đường và cắt nửa trái chanh để pha uống. Mỗi trái chanh uống được 2 ngày. Cắt theo chiều ngang trái chanh, không nên cắt dọc. Cắt như thế, dễ vắt nước cốt và dễ úp nửa trái còn lại để dành cho ngày mai. Nên uống vào giấc 9h đến 10h sáng.

3. Các loại bệnh phổ quát:
3.1- Vì ở tù lâu ngày, ăn đồ khô là chủ yếu, thiếu chất dinh dưỡng, nên hầu hết người tù đều có vấn đề về răng. Hãy ngậm nước muối thường xuyên mỗi ngày, dù bạn không đau răng, nhằm để phòng ngừa. Có anh Phạm Xuân Thân (người ám sát phái đoàn tiền trạm của Giang Trạch Dân khoảng năm 96 – 97 thế kỷ trước, nhận án chung thân) vì đau răng quá, anh ấy đã nhờ bạn tù dùng đá và cây củi để đục “một phát dứt khoát” cho bứt chiếc răng ra. Ở tù, người ít thì rụng một cái, nhiều thì 5 – 6 cái. Vui lòng đừng đặt câu hỏi “bác sĩ đâu?”.
3.2- Ở tù, đau dạ dày là khá nhiều. Tất cả đều biết, chứng bịnh này phần lớn do tâm trạng buồn phiền, lo lắng, căng thẳng gây ra. Vì thế, người tù nên vui vẻ, ca hát, kể chuyện tiếu lâm, nói chuyện, chia sẻ những vấn đề thời cuộc hiện nay (thông qua việc đọc báo ND và xem VTV) công khai một cách tự nhiên v.v… đừng kìm nén trong lòng, đừng xầm xì và lấm lét, câm bặt khi thấy bóng dáng công an v.v… Bởi lâu ngày uất khí tích tụ, sẽ gây cho bạn đau dạ dày và trầm cảm nặng.
3.3- Ở Chí Hòa, 99,9% tù nhân đều bị ghẻ. Không thể tránh khỏi lây ghẻ, vì tù bị nhốt khoảng 40 – 50 người trong một diện tích khoảng 50m2 (gồm cả chỗ tiêu tiểu, tắm giặt, chỗ để thức ăn dự trữ v.v…). Không có muối để tắm, vì Chí Hòa sợ tù nhân dùng muối pha nước rồi đổ vào các thanh sắt, lâu ngày gây mục rữa. Tắm như tắm cho heo,  đồng  loạt.  Giờ  tắm  khoảng 13h30  đến 14h30 hoặc trễ hơn một chút. Không thể tắm sạch, vì rất đông mà chỉ có khoảng 1 tiếng đồng hồ. Chỉ có thuốc trị ghẻ hiệu “DEP” khi có khi không, thuốc chỉ làm cảm giác nóng và nhờn nhưng không hiệu quả. Bạn có thể “đi xe” (tiếng lóng để chỉ việc mua từ các công an cai tù) với “thuốc bảy màu” trị ghẻ, giá khoảng 500.000 đồng/tube, mặc dù giá ngoài tiệm thuốc chỉ khoảng 20.000 đồng. Một chai dầu gió xanh giá khoảng 700.000 đồng. Một lạng thuốc lào khoảng 2.000.000 đồng, một gói thuốc JET khoảng 500.000 đồng, mua lẻ khoảng 100.000 đồng/điếu v.v…

4. Sinh hoạt trong tù:
4.1. Bán thuốc lào, thuốc lá là một chuyện; nếu để cai tù bắt gặp, là đánh nhừ tử. Đánh xong, cắt thăm nuôi 1 tháng và phát thuốc xức, nhằm phi tang chứng cớ dùng nhục hình. Thậm chí, những tên “đại bàng” giăng bẫy, cũng giả bộ nhập chung để hút lén thuốc lào, rồi “hiệp đồng” trước với phó và trưởng khu bắt tại trận, nhằm lập công theo lịnh của phó và trưởng khu. Bạn cũng có thể gọi điện cho người thân với giá 200.000 đồng/khoảng 2 hay 3 phút nói chuyện. Nói chung bạn có thể mua tất cả, nhưng bạn phải là “tù bậy bạ”. Những người tù như chúng ta, không bao giờ công an dám “bắt mối” để bán.
4.2. Nên tắm giặt từ khoảng 9h đến 14h mỗi ngày. Trại Xuân Lộc, không buộc chúng tôi (những người tù vì điều 88, 79, 84) phải đi lao động. Chúng tôi bị nhốt như trong sở thú (đã mô tả khái quát khi trả lời phỏng vấn RFA), nên tôi thường xuyên tắm giặt vào giờ nói trên. Ngay cả những hôm mưa bão, rất lạnh, tôi cũng thường xuyên tắm giặt vào giờ đó. Những ngày hè nóng bức, tôi thường tắm thêm vào giấc tối khoảng 6 giờ, tắm nhanh và lau thật khô. Nếu đêm nào nóng quá (khoảng 21 – 22 giờ), tôi không tắm, chỉ xối nước vào khăn rồi vắt cho thật khô lau người, để đỡ nóng.

5. Đối phó với con người:
5.1. Đặc biệt “ở tạm giam”, đó lại là thời gian khắc nghiệt nhất (tôi ở tình trạng tạm giam 24 tháng qua 3 nhà tù: 4 PĐL, Chí Hòa, Bố Lá). Chỉ nên ăn thực phẩm của mình (dù là gia đình gởi vào hay mua từ nhà tù). Hãy tính toán kỹ và dè xẻn cho những lần thăm nuôi kế tiếp.
5.2. Bạn có thể chia sớt thực phẩm của mình cho bạn tù, nhưng đừng bao giờ nhận thực phẩm được bạn tù chia sớt. Nếu ở chung với người nước ngoài hãy thoải mái nói chuyện. Ở số 4 PĐL, tôi bị nhốt chung với mấy tay (Thổ Nhĩ Kỳ, Ucraina, Nga) ăn trộm tiền bằng thẻ ATM giả. Nếu bạn bị nhốt chung với mấy tên “nhảy sô” (tiếng lóng trong tù, tức là để được giảm án nhiều, những người tù này nhận lịnh vào ở chung với bạn để khai thác thông tin), hãy cư xử lịch thiệp và tranh thủ làm “công tác” “nhảy sô vận”. Rất dễ nhận ra những người “nhảy sô”, tôi tin tất cả anh em tù không phải thường phạm, đều nhận ra ngay. Ít nhiều, những người này cũng nể trọng những người tù chúng ta. Đừng nên to tiếng, cãi nhau v.v… Bởi như thế, bạn đã “sập bẫy” rồi. Nơi đây đỡ phức tạp hơn, nhưng cũng phải tự ăn uống lấy. Tại đây, mua thực phẩm bị cai tù ăn bớt bằng cách kê giá cao hơn, cân thiếu v.v…, thậm chí, mấy tên trộm nước ngoài bị cắt tiền rất nhanh mà không biết lý do, cũng không cãi nhau với công an được, vì chúng không biết tiếng Việt, còn công an không biết tiếng Vả lại chúng tự biết thân phận cũng là những tên trộm, nên chỉ thắc mắc với tôi, rồi thôi. Bản thân tôi, cũng bị ăn xén như thế, nhưng lúc đó, tâm trạng quá mệt mỏi, vì thế tôi cũng bỏ qua.
5.3. Tại Chí Hòa, nghĩa là bạn đã xong “kết luận điều tra” hoặc đã xong “sơ thẩm”, an ninh không còn cần vai trò “nhảy sô”, nên không cần lo sửa “kết luận điều tra”. Thậm chí, đừng nghe những lời thêu dệt hay hù dọa: bị ghi âm, bị nghe lén, “báo cáo mồm”, mách lẻo v.v… Tôi rút ra được thành ngữ và chia sẻ với mọi người: “Mồm + Mồm = Không”.
Tuy nhiên, bạn phải chú ý rất kỹ. Ngay từ đầu, phải cho tất cả bạn tù biết, bạn không phải “tù bậy bạ”. Ở Chí Hòa, cai ngục dung dưỡng tình trạng “đại bàng” và “đầu mâm”, cùng tình trạng “hối lộ”, “chạy án” v.v… rất hổ lốn và bạn đang sống như trong rừng rậm. Môi trường sống rất bẩn thỉu, họ giam cả người HIV giai đoạn cuối (vì chơi ma túy) chung với người không bịnh. Khi cần thiết, bạn cũng cần hung tợn lên, nhưng tránh đánh nhau, vì sẽ rơi vào bẫy.
5.4. Tuyệt thực. Theo thiển ý của tôi, không nên tuyệt thực. Vì ảnh hưởng trước mắt và lâu dài cho cả bản thân và gia đình mình. Bởi quan niệm của tôi “Biết chăm sóc bản thân tức là thương yêu gia đình”. Hẳn là bất kỳ bạn tù nào cũng không muốn thân nhân mình muộn phiền và bất an? Thiếu tá Nguyễn Đình Tứ (trưởng nhà tạm giam PA92) từng nói bình thản với tôi về tuyệt thực: Tuyệt thực không chết được đâu. Tôi thấy đúng và càng đúng hơn khi nhớ lại anh Điếu Cày, anh Trần Huỳnh Duy Thức v.v… Trong trường hợp, bạn tù nào vẫn giữ quan điểm tuyệt thực, vui lòng theo cách này: Phài đặt vài câu hỏi, ví dụ: Tuyệt thực bao lâu? Mục tiêu tuyệt thực để làm gì? Kết quả được bao nhiêu phần trăm? Hậu quả sau tuyệt thực sẽ là gì? v.v… Sau khi đã tự giải đáp những câu hỏi rồi, bạn hãy ăn bớt lại từ từ rồi hãy tuyệt thực, nhằm làm cho dạ dày thích nghi và quen dần với việc đói bụng. Ví dụ, mỗi buổi thay vì bạn ăn 2 chén cơm, hãy bắt đầu ăn một chén rưỡi trong 1 tuần. Tiếp theo giảm dần còn 1 chén, rồi giảm dần nửa chén, giảm dần chỉ ăn 1 chén canh, rồi nửa chén canh và dần dần như thế… Không nên “đùng một phát” tuyệt thực ngay, vô cùng nguy hại cho dạ dày và cho sức khỏe lâu dài của bạn.

Đấy, chỉ cần lưu ý tới 5 điều trên và lo liệu vừa đủ là bạn có thể đi qua thời gian ở tù này như “một giấc ngủ trưa” (chữ của TNLT Trần Thị Hài). Cha ông chúng ta bao đời đã sẵn sàng trả cái giá cao hơn nhiều cho chủ quyền đất nước, cho tương lai con cháu. Chúng ta không anh hùng được như cha ông thì cũng ráng đóng góp chút ít trong khả năng của mình.

***
KINH NGHIỆM TRONG NHÀ TÙ CỘNG SẢN
Phạm Thanh Nghiên

Phạm Thanh Nghiên

A. Tinh thần trước ngày bị bắt:
– Điều đầu tiên cần xác quyết rằng bạn có thể bước chân vào tù bất cứ lúc nào. Và bản án bạn sẽ nhận có thể chỉ một-hai năm, nhưng cũng có thể lên đến hơn mười năm. Hãy xác định “đi hết án thì về”. Và khi bị còng tay, bước chân ra khỏi ngôi nhà thân quen hãy nghĩ ngay rằng “mọi người đã quên mình rồi”. Tâm lý trông chờ (hoặc hy vọng) người khác đấu tranh cho mình, nhớ đến mình thậm chí ca ngợi mình rất ít khi mang lại sức mạnh cho bạn. Tất nhiên, đấy là nếu bạn là người mạnh mẽ. Hãy nghĩ rằng mọi người ở ngoài đều bận rộn với những công việc của họ, cũng là những việc bạn vẫn làm lúc chưa bị bắt. Nên vui vì có thể bản thân bạn ít được nhớ tới nhưng lý tưởng của bạn, khát vọng của bạn vẫn luôn được đồng hành. Nếu bạn chỉ dám vào tù vì “ở ngoài mọi người sẽ lo cho mình” thì bạn nên xét lại bản lĩnh cũng như lý tưởng của mình. Tất nhiên, bạn sẽ được ủi an và thực sự cảm động khi bạn xác định “bị quên” nhưng mọi người “vẫn nhớ” đến bạn.
– Hãy đón nhận mọi hiểm nguy, thử thách và cả thú vị đang đợi phía trước một cách chủ động vì chính bạn chứ không phải ai khác, đã lựa chọn con đường này. Phe độc tài rất ghét, nhưng họ cũng rất “ngán” và nể những chiến sĩ dân chủ luôn giữ được thái độ điềm tĩnh trong mọi tình huống. Tất nhiên, cũng có lúc bạn nổi nóng, nhưng phải là cơn nóng giận trong sự tự chủ.
– Những việc bạn làm ví dụ như: biểu tình ôn hoà bày tỏ lòng yêu nước; tưởng niệm các sự kiện lịch sử; chỉ trích các chính sách sai lầm của nhà cầm quyền, phản ảnh các tệ nạn xã hội, lên án tội ác của đảng cộng sản; cổ vũ cho nhân quyền và dân chủ v.v… đều không vi phạm pháp luật. Nếu bạn mang tâm lý phạm tội, bạn sẽ khó đi đến chiến thắng. Vì thế, hãy tự tin với suy nghĩ rằng: “Mình bị bắt chỉ vì dám nói lên sự thật. Mình đang tranh đấu cho chính nghĩa. Bởi vậy, hy sinh cho lẽ phải là một đặc ân số phận đã ban trao cho mình”.

B. Tinh thần trong suốt khâu điều tra:
– Không cần căm thù hay khinh ghét công an (điều tra viên) nhưng không bao giờ được tin họ. Cảnh giác với những lời khen của họ. Khi bạn thích được nghe điều tra viên, cai tù khen tức là bạn dần đánh mất khoảng cách với phe độc tài. Điều này rất nguy hiểm. Phải tỏ thái độ một cách quyết liệt khi họ nói xấu về bạn bè hay những người đấu tranh khác. Đây cũng là một trong những cách để công an đo lường nhân cách của bạn. Thích được khen, thích được hơn người khác chỉ là biểu hiện của một con người yếm thế, đố kỵ và dễ bị đốn ngã.
– Không bao giờ ký khống, không bao giờ ký các “bản cung” khi điều tra viên không viết đúng những gì bạn đã trình bày.
– Trong các bản tường trình với cơ quan điều tra, không nhất thiết phải viết phần tiêu ngữ (Cộng hoà xã hội chủ nghĩa VN. Độc lập-tự do-hạnh phúc). Hãy nói với ĐTV rằng “pháp luật không bắt buộc điều này và lương tâm tôi không cho phép viết như thế”. Tất nhiên, trong một vài tình huống không thể tuân thủ nguyên tắc này, bạn có thể viết một nửa phần tiêu ngữ, hoặc viết nghuệch ngoạc thể hiện thái độ không công nhận và không tuân phục. Song, điều này cũng không quá quan trọng nên bạn không cần phải bận tâm nhiều.
– Tối kỵ việc “tiền hậu bất nhất”. Hãy tập trung cao độ nhưng không nên căng thẳng khi đối mặt với điều tra viên. Một sự việc, một bài viết, một phát ngôn hoặc một hành vi của bạn có thể sẽ bị ĐTV hỏi đi hỏi lại nhiều lần, mỗi lần có thể cách nhau vài ngày thậm chí vài tháng. Hãy nhớ những gì bạn đã “khai” hôm trước để lặp lại vào những lần sau. Nếu lời “khai” của bạn khác nhau, là bạn tự đem lại rắc rối cho mình. Đương nhiên, bạn cũng có thể lựa chọn quyền im lặng nếu bạn muốn và thấy cần thiết.
– Đừng sợ lời đe doạ của ĐTV cũng như lời hứa của họ. Họ có thể đánh đập, ngược đãi bạn mà không cần đe doạ. Hoặc có thể đe doạ nhưng chưa chắc làm. Nếu họ “tốt” với bạn, thì đã chẳng tống bạn vào tù. Vả lại, nếu họ có cho bạn một quyền lợi hay đặc ân gì đó, cũng không sánh được mọi khổ đau bạn đã gánh chịu.
– Thừa nhận hết các việc, các hành vi mình đã làm nhưng khẳng định những việc đó không phạm pháp. Thậm chí, còn cần thiết cho một xã hội tiến bộ. Tránh tranh luận dài dòng với ĐTV, kể cả những câu chuyện tưởng như không liên quan đến vụ án. Chỉ nên “khai” những gì mọi người đều biết, hoặc không ảnh hưởng đến người khác. Tất nhiên như đã nói ở trên, những việc bạn làm không vi phạm pháp luật nhưng công an vẫn dùng những điều ấy để kết án bạn và có thể cả người khác.
– Chế độ cộng sản thường hay đánh tráo khái niệm, vì thế, cần rạch ròi mọi khái niệm với họ trước khi tranh luận. Ví dụ “Nhà nước” với “đất nước”. ĐTV sẽ buộc tội bạn chống lại nhà nước tức là chống lại đất nước và nhân dân. Tù nhân thường được cai tù, ĐTV rỉ tai, tuyên truyền rằng bạn là “phản động”, chống đảng (tức là chống nhà nước, đất nước) cho nên họ rất ác cảm với những người như bạn. Hãy cắt nghĩa cho họ hiểu các khái niệm trên và nhiều vấn đề khác.

C. Tinh thần ngày ra tòa:
– Không nhất thiết phải thuê nhiều luật sư. Một hoặc tối đa hai người là đủ. Nhưng cần phải có, vì luật sư sẽ giúp bạn biết chút thông tin về gia đình. Ngược lại người thân của bạn cũng biết về tình trạng của bạn chứ không đến nỗi “bặt vô âm tín” suốt thời gian bị tạm giam. Hơn nữa, luật sư sẽ là người nói với công luận về diễn biến phiên toà cũng như thái độ của bạn khi đứng trước vành móng ngựa. Điều này rất cần thiết nhất là trong bối cảnh ở Việt Nam, các phiên toà đều được xử kín với án bỏ túi dưới vỏ bọc là “công khai”. Cho nên, luật sư sẽ không có vai trò gì trong vụ án của bạn ngoài những ý nghĩa vừa nêu, trừ khi Việt Nam có dân chủ, điều kiện để có một phiên toà độc lập.
– Hãy chuẩn bị cho mình tâm lý vững vàng khi ra toà. Nhất là hãy soạn sẵn trong đầu Lời Nói Cuối Cùng. Công luận có thể sẽ quên nhiều thứ về bạn, nhưng lời nói sau cùng đanh thép và dáng đứng hiên ngang của bạn tại toà sẽ trở thành hình ảnh điển hình của một người tranh đấu cho chính nghĩa khiến mọi người không thể nào quên và mang lại nhiều cảm xúc khi nhớ đến. Nó chính là tuyên ngôn cuộc đời bạn.
– Hạn chế hoặc tốt nhất không nên nhìn xuống. Tất nhiên, suốt mấy tiếng đồng hồ luôn phải nhìn thẳng hoặc ngẩng cao đầu sẽ khiến bạn khó chịu. Nhưng nếu bạn không muốn hình ảnh mình xuất hiện trên báo đảng với tư thế “cúi đầu” thì bạn phải cố gắng thôi. Phe độc tài không muốn bạn xuất hiện với hình ảnh hiên ngang thì bạn càng phải thực hiện cho được điều đó.

D. Tinh thần sống giữa bạn tù:
– Hoà đồng với bạn tù nhưng không xuề xoà, dễ dãi để nhiễm các thói xấu của bạn tù. Đừng quá khắt khe với họ. Dù họ có hút thuốc (điều bị cấm trong nhà tù) hay phơi quần áo không đúng nơi quy định khiến bạn khó chịu, cũng đừng phàn nàn với cai tù. Điều này chỉ mang lại bất lợi cho bạn vì cai tù sẽ biến bạn thành mục tiêu tấn công cho các tù nhân khác.
– Nếu phải đấu tranh trong tù, thì nên đòi hỏi quyền lợi cho tập thể hơn là cho cá nhân nếu việc đó không thực sự chính đáng.
– Bạn không nên tuân thủ tất cả các nội quy trong nhà tù. Quy định nào hợp lý thì chấp hành, quy định nào bất hợp lý thì không làm.
– Nếu có thể, hãy luôn là một người tù nghiêm khắc với chính mình nhưng luôn hòa đồng, thân thiện và bao dung với bạn tù. Cần biết đùa, hài hước. Điều này sẽ giúp bạn vượt qua mọi khó khăn một cách dễ dàng hơn. Trang nghiêm, căng thẳng quá vừa ảnh hưởng đến sức khỏe lẫn công việc của bạn.
Trên đây là vài kinh nghiệm tôi có thể chia sẻ được một cách rộng rãi. Còn rất nhiều điều nữa không thể và chưa tiện nói trong một diễn đàn công khai. Cũng có thể bạn không cần đến những kinh nghiệm này của tôi vì trong một hoàn cảnh, tình huống cụ thể thì mỗi người có một cách xử sự khác nhau. Nhưng lý do chính, bạn hẳn sẽ là một người thông minh và dũng cảm hơn tôi rất nhiều. Và công bằng mà nói, không phải lúc nào bản thân tôi cũng tuân thủ được hết mọi nguyên tắc do chính mình đặt ra. Song nguyên tắc quan trọng nhất bạn phải thực hiện được, đó là “không làm gì để mình phải tự hổ thẹn với chính bản thân mình”.

***

Kinh nghiệm với An Ninh trong và ngoài trại giam
Ls. Lê Công Định

Lê Công Định

1. Giấy triệu tập
Giấy triệu tập của cơ quan điều tra chỉ có thể bắt buộc phải tuân thủ nếu việc triệu tập được thực hiện trong phạm vi một vụ án hình sự đã khởi tố theo pháp luật tố tụng hình sự. Vì vậy tại buổi làm việc đầu tiên theo giấy triệu tập, chúng ta cần hỏi rõ về vụ án (bao gồm tội phạm bị khởi tố và/hoặc các bị can bị khởi tố) và yêu cầu được xem hoặc cấp quyết định khởi tố vụ án có liên quan. Nếu quyết định khởi tố vụ án không được công bố, chúng ta có quyền từ chối đến dự bất kỳ lệnh triệu tập nào kế tiếp.

2. Giấy mời
Nếu vụ án chưa được khởi tố theo luật định, việc chấp nhận lời mời hay không hoàn toàn thuộc quyền quyết định của công dân, bởi lẽ luật hiện hành không buộc công dân phải tuân thủ mọi lời mời của cơ quan an ninh. Vì vậy, chúng ta có quyền từ chối hoặc đề nghị một lịch biểu làm việc khác thuận tiện hơn đối với chúng ta.

3. Từ chối làm việc sau 5 giờ chiều
Nếu bị cưỡng bức thẩm vấn, dù tại trụ sở công an hay trong trại giam, người bị thẩm vấn có quyền từ chối làm việc sau 5 giờ chiều, nhất là vào ban đêm, vì lý do sức khỏe và tình trạng minh mẫn của mỗi cá   nhân. Cơ quan an ninh có nghĩa vụ tôn trọng và bảo vệ sức khỏe của công dân, mà không được nại lý do an ninh quốc gia để xâm phạm sức khỏe của bất kỳ ai.

4. Quyền im lặng
Trong mọi buổi làm việc hay thẩm vấn, dù tại trụ sở công an hay trong trại giam, người bị thẩm vấn có Quyền im lặng và, do đó, có quyền từ chối trả lời mọi câu hỏi của cơ quan an ninh, bất kể có hay không có sự hiện diện của luật sư của mình, bởi vì đây là quyền luật định của mọi công dân. Quyền này được áp dụng trong suốt toàn bộ vụ án, kể từ lúc điều tra cho đến lúc xét xử.

5.  Không khai nhận chứng cứ
Đối với các Bloggers và Facebookers, cơ quan an ninh luôn yêu cầu ký xác nhận tài khoản Blog, Facebook, tài khoản Email và các bài viết/thông tin đăng trên đó. Bất kể mọi lời dụ dỗ, lừa dối, khích  bác, đe dọa hay hành động đánh đập nào từ phía cơ quan an ninh, chúng ta cần tuyệt nhiên không cung cấp mật khẩu, không thừa nhận tài khoản và nội dung bài viết/thông tin trong đó, cũng như không ký tên xác nhận trên bất cứ bài viết/thông tin, tài liệu hoặc chứng cứ nào do họ đưa ra hoặc in từ các tài khoản đó hay từ nguồn khác, bởi chữ ký của chúng ta sẽ là cơ sở pháp lý chống lại chính chúng ta.  Tất nhiên cơ quan an ninh có thể quy chụp rằng chúng ta chống đối họ, nhưng hãy bình tĩnh trả lời rằng: “Các ông đang xâm phạm Quyền im lặng luật định của công dân!”

6. Cẩn thận các “biện pháp nghiệp vụ”
Cơ quan an ninh thường sử dụng các “biện pháp nghiệp vụ” trong quá trình làm việc hay điều tra. Các biện pháp đó thật ra chỉ là dụ dỗ, lừa dối, khích bác, đe dọa hay đánh đập mà thôi. Họ được đào tạo kỹ và giỏi bấy nhiêu “biện pháp nghiệp vụ” đó mà thôi. Thiếu tỉnh táo và sợ hãi sẽ khiến chúng ta dễ dàng tin hoặc đầu hàng họ. Cách bảo vệ tốt nhất của chúng ta trước các “biện pháp nghiệp vụ” như vậy chính là Quyền im lặng. Hãy im lặng, kể cả khi bị đánh đập. Khi họ phải dùng đến biện pháp đánh đập chúng ta, họ đang chứng tỏ sự đuối lý và thất bại của mình. Vì vậy, cứ tiếp tục im lặng!

7. Giữ thái độ ôn hòa và tránh khiêu khích
Sự thắng thế luôn thuộc về người ôn hòa. Vì chúng ta có chính nghĩa, nên phải làm cho chính nghĩa đó thắng thế trong mọi hoàn cảnh bằng sự ôn hòa. Cơ quan an ninh sẽ luôn tìm cách khiêu khích để chúng ta nổi nóng và bạo động, để họ có cớ dung bạo lực ngược lại. Không những không sa vào sự khiêu khích  đó, bản thân chúng ta cần tránh khiêu khích họ bằng bất cứ lời lẽ hay thái độ thô lỗ và hung hăng nào.

8. Tranh luận hay không tranh luận
Tranh luận ôn hòa để giải thích chính nghĩa của chúng ta là điều nên làm, nhưng chỉ đạt kết quả tốt nếu được thực hiện bằng sự ôn hòa và bởi người có khả năng lập luận/phản bác giỏi. Nếu chúng ta thiếu tự  tin về kiến thức trong một lĩnh vực nào đó hoặc về khả năng lập luận/phản bác, tốt nhất không nên sa vào tranh luận với cơ quan an ninh, vì như thế sẽ bị họ khai thác, hoặc vô tình khiêu khích lại họ. Trong trường hợp thiếu tự tin tranh luận như thế, nên im lặng.

9. Không viết tường trình và không ký biên bản
Trong mọi buổi làm việc hay thẩm vấn, dù tại trụ sở công an hay trong trại giam, cơ quan an ninh luôn yêu cầu đương sự viết tường trình trước, rồi họ lập biên bản hỏi đáp sau. Trên cơ sở Quyền im lặng luật định nêu trên, chúng ta có quyền từ chối viết tường trình và từ chối ký cả biên bản hỏi đáp. Đó là quyền của chúng ta, nên hãy luôn thực hiện quyền của mình, bất kể cơ quan an ninh có thể quy chụp rằng chúng ta chống đối họ. Nếu họ quy chụp như thế, hãy bình tĩnh trả lời rằng: “Các ông đang xâm phạm Quyền  im lặng luật định của công dân!”

-------------------------------------------

XEM THÊM

Published on Mar 30, 2018
Nhà báo Trần Quang Thành phỏng vấn Luật sư nhân quyền Lê Công Định. Nhân việc nhà cầm quyền CSVN sắp xét xử thành viên Hội Anh Em Dân Chủ vào ngày 5.4.2018 tại Hà Nội.









No comments:

Post a Comment

View My Stats