Saturday, 31 March 2018

TRUNG QUỐC QUẢ LÀ . . . TÀI! (Trân Văn)




31/03/2018

Giống như nhiều xóm khác, xóm ấy có nhiều nhà. Giống như nhiều xóm khác, xóm ấy có một căn to hơn, đông người hơn và có vẻ khá giả hơn những nhà khác.

Bên cạnh căn dường như to nhất, giàu nhất xóm ấy là một căn nhà nhỏ. Dân trong xóm chú ý tới cả hai không phải vì sự khác biệt về mức độ bề thế, phát đạt giữa hai căn nhà - những khác biệt vốn xóm nào cũng có - yếu tố khiến thiên hạ bận tâm là quan hệ, cách ứng xử kỳ quái của hai chủ nhà, đặc biệt là chủ căn nhà nhỏ.

Sống bên cạnh một người hàng xóm lâu đời mà thế hệ nào cũng muốn chi phối cả xóm, thậm chí làm chủ cả làng, thế hệ nào cũng muốn mở rộng mảnh đất của họ và trong quá khứ, gia tộc của chủ căn nhà lớn từng dùng đủ thứ thủ đoạn để nuốt chửng hàng xóm, thay vì phải hết sức cẩn thận, khôn khéo, “tề gia” để tự bảo vệ nơi cư trú cho gia tộc của mình, chủ căn nhà nhỏ hiện thời từng dựa hẳn vào chủ căn nhà lớn để đánh, đuổi anh em của mình ra khỏi nhà.

Khi giành được quyền kiểm soát căn nhà, chủ căn nhà nhỏ vừa liên tục bày tỏ sự biết ơn chủ căn nhà lớn đã giúp sức cho mình “đá gà cùng một mẹ”, vừa cấm con, cháu đề cập đến những xung đột giữa tổ tiên, ông bà hai bên vì mâu thuẫn nhà, đất trong quá khứ...

Tuy nhiên sự phi lý chưa ngừng ở đó. Dẫu không từ dịp nào để chứng minh mình là “láng giềng tốt”, rằng mình luôn tâm niệm “vận mệnh tương thông, lý tưởng tương đồng” với chủ căn nhà lớn nhưng thỉnh thoảng, chủ căn nhà nhỏ vẫn bị chủ căn nhà lớn “bạt tai, đá đít”. Lạ là chủ căn nhà nhỏ không thay đổi… lập trường và cách hành xử.

Sống trong cảnh hôm qua bị chủ căn nhà lớn chiếm mất góc vườn này, hôm nay bị chủ căn nhà lớn sai con, cháu mang rác sang đổ giữa nhà mình,… một số đứa trong đám con, cháu của chủ căn nhà nhỏ thắc mắc, phản đối. Đám đó bị chủ căn nhà nhỏ gom hết, xếp hết vào loại “nghịch tử”, bị “giáo dục” bằng những biện pháp nghiêm khắc vốn chỉ dành cho kẻ thù. Muốn được yên thân, con cháu của chủ căn nhà nhỏ chỉ có một cách: Nhắm mắt, bịt tai, tự gạt chính mình rằng nhà cửa, đất đai, quan hệ giữa chủ căn nhà nhỏ và chủ căn nhà lớn là chuyện của… người lớn.

Giờ, phần lớn mặt tiền của căn nhà nhỏ đã thuộc quyền kiểm soát của chủ căn nhà lớn. Thực tế đó khiến số thành viên của căn nhà nhỏ bất bình với cả chủ nhà của mình lẫn chủ căn nhà lớn tăng đáng kể. Gần đây, để duy trì quyền kiểm soát căn nhà, thỉnh thoảng, chủ căn nhà nhỏ lên tiếng phản đối chủ căn nhà lớn song xét về tổng thể, chuỗi hành động phản kháng ấy chỉ là chiếu lệ, chủ yếu nhằm trấn an, xoa dịu con cháu trong nhà. Song song với chuỗi hành động phản kháng, chủ căn nhà nhỏ vừa khuyến cáo, vừa tạo điều kiện để chủ căn nhà lớn tham gia khuyến cáo con cháu trong nhà mình rằng, hàng xóm vừa giàu, vừa mạnh thành ra đối đầu không chỉ dẫn tới thảm cảnh toàn gia mất chốn dung thân mà còn có nhiều kẻ trong gia đình mất mạng…

Dưới gầm trời này sẽ có rất nhiều người bĩu môi, lắc đầu sau khi nghe câu chuyện vừa kể. Ắt có không ít người nhận định câu chuyện vừa kể là… nhảm nhí. Làm gì có gia đình nào, gia tộc nào bạc phúc tới mức có loại gia trưởng suy nghĩ, hành xử khó tin như chủ căn nhà nhỏ! Nếu bạn – người vừa đọc câu chuyện này – nhận ra, câu chuyện dù không thể tin được ấy có thật, xin… chia buồn với bạn, bởi còn cư trú trong căn nhà nhỏ ấy hay không thì bạn vẫn là một thành viên của gia đình, gia tộc bạc phúc đó.

***
Scandal “Điệp vụ Biển Đỏ” (Operation Red Sea do Bona Film Group - Trung Quốc sản xuất) đã được hóa giải bằng “Thông cáo báo chí” mà Bộ Văn hóa – Thông tin” phát hành ngày 26 tháng 3.

“Điệp vụ Biển Đỏ” do Trung Quốc sản xuất dựa trên một sự kiện xảy ra hồi 2005: Nội chiến bùng phát tại Yemen (một quốc gia thuộc khu vực Tây Nam châu Á, nằm bên bờ Biển Đỏ) và chính phủ Trung Quốc đã điều động quân đội di tản 600 công nhân Trung Quốc khỏi Yemen.

“Điệp vụ Biển Đỏ” là một thông điệp được soạn thảo hết sức công phu, có chủ đích rất rõ ràng: Quảng bá sự thiện chiến, sức mạnh của quân đội Trung Quốc, đặc biệt là của Hải quân Cộng hòa nhân dân Trung Hoa. Với những người lính dũng cảm, mưu trí và phương tiện chiến tranh hiện đại như đã trình bày trong “Điệp vụ Biển Đỏ”, khán giả ắt phải nhận ra quân đội Trung Quốc là đội quân “bất khả chiến bại”, dư khả năng đè bẹp mọi kẻ thù, bất kể ở chiến trường, tình huống nào.

Sau khi “Điệp vụ Biển Đỏ” được phép công chiếu tại Việt Nam, khán giả phát giác, trong 36 giây cuối, bộ phim “kể thêm” một sự kiện nữa: Trên đường đưa đồng bào của mình từ Yemen trở về Trung Quốc, Hải quân của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa đã băng qua biển Đông và vì phát giác có một số con tàu đang hiện diện tại vùng biển này, Hải quân của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa đã cảnh cáo qua loa: “Đây là Hải quân Trung Quốc. Quý vị sắp tiến vào lãnh hải Trung Quốc, hãy rời khỏi đây ngay lập tức”!

36 giây “kể thêm” ấy khiến nhiều người Việt phẫn nộ. Với họ, trong bối cảnh như hiện nay, cho phép công chiếu “Điệp vụ Biển Đỏ” là phản quốc vì gián tiếp thừa nhận yêu sách của Trung Quốc về chủ quyền tại biển Đông. Bộ Văn hóa – Thông tin bác bỏ những nhận định kiểu đó vì vô căn cứ. 36 giây “kể thêm” chỉ thể hiện chuyện khi băng ngang “lãnh hải của Trung Quốc ở biển Đông”, vì nhìn thấy một vài chiếc tàu từ xa nên chiến hạm của Trung Quốc phát cảnh báo. Bởi “hình dáng những chiếc tàu này không rõ nét” nên “không thể kết luận ‘Điệp vụ Biển Đỏ’ liên quan đến vấn đề chủ quyền biển đảo”. Bộ Văn hóa – Thông tin khẳng định, Hội đồng Thẩm định và Phân loại phim truyện Quốc gia, bao gồm đại diện của Ban Tuyên giáo thuộc Ban Chấp hành Trung ương Đảng CSVN, Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Việt Nam, Cục Điện ảnh thuộc Bộ Văn hóa – Thông tin của chính phủ Việt Nam, Hội Điện ảnh Việt Nam và các chuyên gia có uy tín đã thực hiện “đúng quy trình hiện hành”. Thậm chí, một thành viên trong Hội đồng Thẩm định và Phân loại phim truyện Quốc gia, bà Lý Phương Dung, Cục phó Cục Điện ảnh còn cho rằng, ngoài dân chúng, báo giới cũng “suy diễn, chủ quan, gây ra nhiều thông tin sai lệch trong dư luận, đồng thời tạo ra những tác động tiêu cực trong xã hội” (1).

***
Nhân những tranh cãi phát sinh từ “Điệp vụ Biển Đỏ”, có lẽ nên nhắc lại một chuyện cũng liên quan tới phim: Oshin – bộ phim truyền hình 297 tập, mỗi tập 15 phút, kể về cuộc đời của bà Shin Tanokura, người Nhật. Sở dĩ chọn Oshin vì nhiều người đã xem và rất dễ tự đối chiếu…

Người Việt được xem Oshin năm 1994. Thời đó, mỗi khi Đài Truyền hình Việt Nam phát Oshin, hàng chục triệu người Việt tạm rũ bỏ tất cả các công việc thường nhật để theo dõi những diễn biến trong cuộc đời của Shin từ lúc 6 tuổi cho đến khi đã 84 tuổi.

Có một điểm chung, đáng chú ý là xem xong Oshin, người ta không chỉ thương cảm, ngưỡng mộ lòng nhân ái, nghị lực phi thường, sự thông minh, sắc sảo của Shin mà còn đồng cảm với người Nhật. Đặc biệt là với thế hệ người Nhật dính líu đến Thế chiến thứ hai, từng gieo rắc đau thương, tang tóc khắp châu Á, kể cả Việt Nam (hai triệu người chết đói).

Oshin là câu chuyện sống động, đủ sức thuyết phục mọi người rằng, người Nhật cũng đói khát, gánh chịu đủ thứ đau khổ, mất mát như mọi dân tộc khác trong và sau Thế chiến thứ hai. Người Nhật, nước Nhật cũng chỉ là nạn nhân của chính quyền phát xít Nhật...

Đến giờ, tác động mạnh mẽ của Oshin lên người Việt vẫn còn sâu đậm. Oshin giờ là một danh từ có tính đại chúng, nhiều người Việt vẫn dùng để chỉ những người giúp việc nhà.

Chẳng riêng tại Việt Nam, Oshin đã tạo ra hiệu ứng tương tự trên khắp thế giới, kể cả khu vực Trung Đông. Chính phủ Nhật đã dùng Oshin như một món quà để trao tặng nhiều quốc gia. Qua Oshin, thiên hạ tự điều chỉnh nhận thức của họ về người Nhật, nước Nhật. Với nhiều cá nhân, người Nhật, nước Nhật trở thành một thứ mẫu mực. Ở Iran, sau khi một phụ nữ trả lời trên đài phát thanh quốc gia rằng với cô, Oshin là biểu tượng của phụ nữ Hồi giáo, Giáo chủ Ayatollah Khomeini – lãnh tụ tối cao của quốc gia Hồi giáo này - đã ra lệnh tống giam bốn người của đài truyền hình quốc gia với cáo buộc phải chịu trách nhiệm do đã tiếp nhận và quảng bá Oshin trên toàn quốc (2).

Chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học - kỹ thuật luôn luôn tạo ra những tác động nhất định đến nhận thức. Những tác động đó tích cực hay tiêu cực, đậm hoặc nhạt phụ thuộc vào chủ trương, cách thức, mức độ. Không phải tự nhiên mà quốc gia này trao tặng học bổng cho những sinh viên ưu tú của quốc gia khác hay tài trợ cho những chương trình giảng dạy ngôn ngữ của dân tộc mình ở quốc gia nào đó. Không phải tự nhiên mà quốc gia nào đó tổ chức triển lãm, giới thiệu rộng rãi các thành tựu hơn người của mình. Cũng không phải tự nhiên mà các kế hoạch hỗ trợ phát triển, chương trình viện trợ ra đời… Tất cả chỉ có một mục đích, tạo sự đồng cảm, phát triển thiện cảm, niềm tin, sự ngưỡng mộ. Đồng cảm, thiện cảm, niềm tin, sự ngưỡng mộ vốn trừu tượng không đo, đếm được nhưng lợi ích thu về từ sự chuyển hóa ấn tượng thành thị hiếu tiêu dùng, khuynh hướng mua sắm sản phẩm, dịch vụ lại rất cụ thể.

***
Trong vài thập niên gần đây, theo chân nhiều cường quốc, Trung Quốc cũng bắt đầu thực hiện các dự án đầu tư bên ngoài lãnh thổ, triển khai các kế hoạch hỗ trợ phát triển, chương trình viện trợ trên toàn thế giới. Dù đó là một nỗ lực không ngưng nghỉ nhưng nếu chịu khó theo dõi thời sự thế giới ắt sẽ thấy tại sao Trung Quốc không thành công, ắt sẽ hiểu tại sao Trung Quốc không tạo được những tác động tích cực như Trung Quốc mong muốn trên toàn cầu. Đến giờ, tác động lớn nhất, dễ thấy nhất là sự lo ngại về một Trung Quốc đang cố gắng phát triển theo kiểu Trung Quốc.

Vậy một Trung Quốc đang cố gắng phát triển theo kiểu Trung Quốc có gây lo ngại tại Việt Nam không? Câu trả lời là có. Giống như dân chúng nhiều quốc gia khác, mức độ lo ngại về Trung Quốc nơi người Việt càng lúc càng tăng. Tuy nhiên khác với chính phủ nhiều quốc gia khác, dường như hệ thống công quyền Việt Nam muốn chuyển hóa sự lo ngại ấy thành sợ hãi. Không phải tự nhiên mà nhiều viên chức hữu trách liên tục bóng gió, xa gần về hậu quả thảm khốc nếu hành động cứng rắn đối với một Trung Quốc đã vượt xa Việt Nam cả về khả năng quân sự lẫn kinh tế. Không phải tự nhiên mà mạng xã hội càng ngày càng nhiều thách thức, chỉ trích những cá nhân bày tỏ sự lo ngại về chuyện Trung Quốc càng ngày càng hung hãn, càn rỡ ở biển Đông.

Nếu không muốn chuyển hóa sự lo ngại của dân chúng Việt Nam về Trung Quốc thành sự sợ hãi đến mức toàn dân nên nhất trí nhún nhường thì tại sao hồi tháng 2 năm nay, dù website của Bộ Quốc phòng Trung Quốc từng khẳng định, 36 giây “kể thêm” trong “Điệp vụ Biển Đỏ” chính là thông điệp gửi cho các loại tàu xâm phạm lãnh hải Trung Quốc ở quần đảo Trường Sa, giữa tháng 3 này, Hội đồng Thẩm định và Phân loại phim truyện Quốc gia vẫn gật đầu cho bộ phim quảng bá sự thiện chiến, sức mạnh của quân đội Trung Quốc, đặc biệt là của Hải quân Cộng hòa nhân dân Trung Hoa trên toàn Việt Nam (3)?

Nếu không muốn chuyển hóa sự lo ngại của dân chúng Việt Nam về Trung Quốc thành sự sợ hãi đến mức toàn dân nên “nhất trí nhún nhường” thì tại sao Công ty Phim Thiên Ngân (Galaxy ME) – một doanh nghiệp Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực phát hành phim – có thể nhận ra ngay lập tức rằng, 36 giây “kể thêm” trong “Điệp vụ Biển Đỏ” không ổn, thành ra cương quyết lắc đầu với đề nghị của Bona Film Group (hỗ trợ một triệu Mỹ kim để Thiên Ngân đứng ra lo thủ tục phát hành “Điệp vụ Biển Đỏ” tại Việt Nam) mà Hội đồng Thẩm định và Phân loại phim truyện Quốc gia vẫn “gật”, Bộ Văn hóa – Thông tin vẫn mạnh miệng khẳng định “gật” là “đúng qui trình”, vẫn phê phán sự phẫn nộ vì cho phép Trung Quốc quảng bá rộng rãi yêu sách chủ quyền ở biển Đông qua “Điệp vụ Biển Đỏ” là “vô căn cứ” (4).

Tình tiết Bona Film Group thà bỏ ra thêm một triệu Mỹ kim nữa chứ không chấp nhận đề nghị của Galaxy ME (cắt bỏ một số cảnh không ổn trong “Điệp vụ Biển Đỏ”), nâng mức “hỗ trợ” từ một triệu Mỹ kim lên hai triệu Mỹ kim, giao “Điệp vụ Biển Đỏ” cho CGV (một doanh nghiệp khác hoạt động trong lĩnh vực phát hành phim tại Việt Nam) đứng ra làm thủ tục và tổ chức chiếu phim này trên toàn Việt Nam - như bà Đinh Thanh Hương, Tổng Giám đốc Galaxy ME, kể với báo chí có đáng xem là căn cứ để phải làm gì đó không?

***
Thái độ, cách ứng xử kỳ quái của hệ thống công quyền Việt Nam - chủ căn nhà nhỏ trong quan hệ với Trung Quốc - chủ căn nhà lớn là lý do khiến càng ngày càng nhiều người Việt tự an ủi, những thua thiệt mà dân tộc, xứ sở của mình đã cũng như đang gánh chịu là do… định mệnh an bài, trở thành láng giềng của một gã hàng xóm xấu tính.

Nhỏ có đồng nghĩa với thua thiệt và phải sống hèn, chịu nhục không?

Thực tế chứng minh là không!

Nếu có thời gian, xin hãy tìm đọc lịch sử Luxembourg – quốc gia mà diện tích chỉ khoảng 2.500 cây số vuông. Tuy diện tích của Luxembourg xấp xỉ các tỉnh như: Bạc Liêu, Tiền Giang, Bình Dương,… của Việt Nam nhưng dân số của Luxembourg chỉ cỡ ¼ các tỉnh vừa kể.
Nhỏ xíu lại bị vây bọc bởi nhiều cường quốc (Pháp, Đức, Bỉ), giữa một châu Âu từng liên tục hợp – tan do vô số kế hoạch thôn tính, triệt hạ lẫn nhau, Luxembourg từng bị quốc gia này đá qua, liên minh kia đá lại trong nhiều thế kỷ. Thế nhưng Luxembourg không bị xóa sổ. Xét về bản lĩnh, Luxembourg hơn xa Prussian (Phổ - cường quốc thống trị, làm mưa, làm gió ở châu Âu suốt hai thế kỷ 18 và 19 nhưng đến thập niên 1930 thì mất tên trên bản đồ thế giới).

Nhỏ xíu nhưng Luxembourg là một trong những thành viên sáng lập Liên Hiệp Quốc, đồng thời là một trong những thành viên sáng lập NATO (Khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương). Nhỏ xíu nhưng Luxembourg còn là một trong những thành viên sáng lập BENELUX (liên minh Bỉ - Hà Lan – Luxembourg), kế đó là một trong những thành viên sáng lập Liên minh châu Âu (EU). Nhỏ xíu song Luxembourg luôn là quốc gia dẫn đầu về GDP/nhân khẩu trên thế giới.

Nếu đọc lịch sử Luxembourg ắt sẽ thấy, sở dĩ Luxembourg như ngày nay vì may mắn không có tập thể nào “tài tình, sáng suốt” đến mức tự nguyện biến đồng bào của mình thành “xung kích cho lực lượng vô sản toàn thế giới”, tự biến quê hương của mình thành “tiền đồn của khối xã hội chủ nghĩa”, không cậy nhờ hàng xóm để “đá những con gà cùng mẹ” và để có thể duy trì vai trò gia trưởng, luôn luôn nhẫn nại, không ngừng bày tỏ “lòng biết ơn”, ý chí cầu an với những kẻ hôm nay bạt tai, ngày mai đá đít mình.

Nghĩ ra, xiển dương “vận mệnh tương thông, lý tưởng tương đồng”, Trung Quốc quả là… tài!

Chú thích:









No comments:

Post a Comment

View My Stats