Không
khó để cảm nhận được nỗi hoang mang của các giáo viên ở huyện Krong Pak, Đăk
Lăk khi đột ngột nhận được quyết định thanh lý hợp đồng, đồng nghĩa với việc chẳng
những vỡ mộng vào biên chế ổn định suốt đời, mà còn buộc phải chia tay với bục
giảng sau nhiều năm gắn bó, để bắt đầu một tương lai bất định. Tuy nhiên, họ sẽ
không cô độc khi mà tới đây sẽ có hàng chục ngàn giáo viên khác trên khắp cả nước
rơi vào tình cảnh tương tự.
Cớ
sự là vì Hội nghị Trung ương 6 tháng 9 năm ngoái về đổi mới hệ thống chính trị,
thay vì đặt trọng tâm vào cắt giảm biên chế hành chính và công an một cách đáng
kể nhằm giảm nhũng nhiễu cho người dân và doanh nghiệp, thì lại nhắm vào đối tượng
chính là viên chức sự nghiệp (y tế, giáo dục…) vốn cung ứng những nhu cầu thiết
yếu liên quan tới chất lượng cuộc sống của người dân. [1]
Nghe
có vẻ như một lựa chọn ngược đời, nhưng chẳng đáng ngạc nhiên chút nào, vì (1)
nhóm hành chính và công an có ưu thế về quyền lực hơn hẳn so với y bác sĩ hay
thầy cô giáo của khối sự nghiệp để phản ứng lại kế hoạch giảm biên chế, và (2)
giảm biên chế ở khối sự nghiệp còn giúp chính quyền chuyển được gánh nặng trong
việc cung ứng phúc lợi xã hội cho người dân khi mà đi cùng với đó là bệnh viện,
trường học dần phải tự chủ tài chính và lộ trình là chỉ 3 năm nữa người dân phải
trả đầy đủ các chi phí y tế, giáo dục.
Vấn
đề này lại còn đặc biệt trầm trọng trong ngành giáo dục. Khoảng chục năm qua, lợi
dụng việc phân bổ giáo viên không hợp lý (thừa thiếu cục bộ), giới lãnh đạo
giáo dục ở các địa phương (sở, phòng, hiệu trưởng) đã phóng đại tình trạng thiếu
giáo viên để tuyển ào ạt các giáo viên hợp đồng, mà vài trăm con người đang
hoang mang ở Đăk Lăk là một phần nhỏ trong số đó.
Các
cấp lãnh đạo giáo dục này thực sự nhắm tới điều gì khi làm như vậy? Đơn giản
thôi, 100-200 triệu cho mỗi trường hợp được chia theo tỷ lệ nội bộ họ tự biết với
nhau. Đây là nguồn cơn của những câu chuyện mà chúng ta nghe đã nhàm tai ở Việt
Nam khi một người quen nào đó có con cái vừa tốt nghiệp ngành sư phạm.
Ấy
cũng là câu trả lời cho thắc mắc của nhiều thầy cô ở Đăk Lăk là vì sao lãnh đạo
biết thừa biên chế mà vẫn ký hợp đồng [2]. Ký cho vài người được vài trăm triệu
thì vài chục người, vài trăm người sẽ kiếm được tiền tỷ, chục tỷ, thì tội gì
không ký khi mà nhiệm kỳ của mình có được bao lâu và không dễ để ngồi được vị
trí này.
Đổi
tiền lấy biên chế trở thành một thứ “bình thường mới” trong xã hội Việt Nam. Chỉ
có điều trong trường hợp này các gia đình xuống tiền cho con em đi dạy có lẽ đã
bắt đầu hiểu, hóa ra tiền của họ chỉ đổi được một hi vọng có biên chế, chứ
không phải là biên chế. Vậy nên biết bao người chấp nhận gắn bó cả chục năm trời
với đồng lương hợp đồng thấp lè tè; ấy cũng chỉ là để nuôi mộng một ngày vào được
biên chế để ổn định suốt đời.
Mà
càng như thế thì lại càng làm giàu cho lãnh đạo ngành giáo dục – những người chỉ
cần ve vẩy vài tờ giấy biên chế đủ khiến rất nhiều giáo viên hợp đồng phải bỏ
tiền bạc và rất nhiều thứ khác nữa vào cuộc đua mà chỉ một số ít đánh đổi nhiều
nhất mới giành được chiến thắng.
Bởi
thế, điều tệ hại nhất trong chế độ chúng ta đang sống đôi khi không nằm ở sự
đàn áp, mà ở chỗ khiến con người ta, ngay cả khi giản dị chỉ muốn làm giáo
viên, cũng dây không ít thì nhiều vào vòng bất lương. Nghĩa là, ai cũng phải
đóng cả hai vai, thủ phạm lẫn nạn nhân, trong cùng một bi kịch.
Người
nữ giáo viên trong clip đặt câu hỏi thật hay: “Ai trả cho chúng tôi tuổi thanh
xuân?” Có thể hiểu là cô ấy đang đòi lại những gì đã bỏ ra – tiền bạc, thời
gian, công sức – cho giấc mơ biên chế từng được hứa hẹn nhưng nay đã tan thành
mây khói.
Xin
đáp với cô giáo thế này, chẳng ai giúp được cô ngoài chính cô và những người
đã, đang và sẽ chịu chung cảnh ngộ với cô. Thay vì than vãn, van nài, khóc lóc,
hãy tập hợp nhau lại, bắt đầu từ huyện Krong Pak, sau đến tỉnh Đăk Lăk và rồi
trên cả nước, bằng bất cứ phương cách nào có thể, từ truyền thông cho đến đình
công, từ lên mạng đến xuống đường, để đòi lại công bằng cho mình và những người
chung cảnh ngộ với mình. Không đứng lên bằng tất cả khả năng của mình và dám chấp
nhận rủi ro từ việc đứng lên đó, thì làm sao xứng đáng nhận được sự ủng hộ của
cộng đồng.
Khi
mà thầy cô, tuy có lợi thế từ sự trọng vọng của xã hội, nhưng chẳng thể tập hợp
được để có một tiếng nói đủ trọng lượng trong chính sách giáo dục quốc gia,
cách thức tuyển dụng giáo viên cũng như lựa chọn lãnh đạo giáo dục thì thân phận
của các thầy cô rồi đây cũng chỉ như những nhân viên thời vụ, bấp bênh trước cảm
tình yêu ghét tùy tiện của chủ nhân ông – những lãnh đạo ngành giáo dục mà
thôi.
PS:
Dù có thế nào thì 10,000 nhân sự của Lực lượng 47 vẫn được giữ nguyên, không bị
cắt giảm chút nào. Nghĩa là, các thầy cô có thể bị mất việc nhưng bù lại an
ninh chính trị trên mạng xã hội được đảm bảo. Chỉ có điều thứ an ninh chính trị
đó không đổi được cơm áo gạo tiền cho thầy cô và gia đình mà thôi.
____
Tin về một vụ tương tự
ở Gia Lai từ VTV:
[1]
https://vov.vn/chinh-tri/dang/tiep-tuc-sap-xep-to-chuc-lai-cac-don-vi-su-nghiep-cong-lap-688042.vov
Tóm tắt sự việc từ FB
Hien Le:
Clip từ FB Hiền Lê:
----------------------------------------------------------------------------
Vừa
có câu chuyện đau lòng vừa tiếp tục xảy ra đối với nghề giáo. Là khoảng 600
giáo viên làm việc theo chế độ hợp đồng bỗng dưng bị mất việc vì nhà trường cho
rằng đang thừa giáo viên.
Có
người nói mất tới 200 triệu cho một suất chờ để được vào biên chế, có người lâu
nhất chờ đến 10 năm mà vẫn không tìm được sự chiếu cố nào.
Tôi
cần phải đặt ra các câu hỏi cho một loạt vấn đề lớn trong ngành giáo dục hiện
nay.
Lý
do gì mà lại có thể thừa nhiều giáo viên đến thế, mà mới chỉ ở một huyện? Và tại
sao lại dùng nhiều giáo viên hợp đồng đi dạy tạo nên sự bất ổn trong công việc
vì ai cũng lo mình được hay không được, tâm trí họ làm việc chủ yếu chỉ để chờ
mong vào được biên chế chứ không thể để tâm vào công việc giảng dạy.
Tại
sao trong ngành giáo dục vẫn còn một lượng người đi mua biên chế bằng cách bỏ
ra cả đống tiền rồi chấp nhận chỉ đi dạy hợp đồng và chờ đợi, trong khi hưởng
những đồng lương hết sức rẻ mạt. Chẳng lẽ giá trị người trí thức lại thấp đến
thế và người ta không còn cơ hội nào khác nữa mà chỉ cố bám vào cái biên chế
trong hy vọng? Họ với nhận thức và tâm lý như vậy thì làm sao có tự trọng hay
trình độ để giáo dục cho những học sinh những giá trị tốt đẹp và tử tế, vì
trong đầu họ chỉ có những vấn đề của bản thân họ được hiện ra với những đồng tiền,
lương bổng, vị trí của chính họ.
Vấn
đề là cần phải đặt ra nghi vấn là việc đào tạo sư phạm đang tràn lan và khiến
cho trình độ và chất lượng giáo viên trở nên ngày càng tệ hại? Tạo ra một sự khủng
hoảng lớn vì sự lộn xộn trong việc chạy đua thành tích và biên chế sau khi ra
trường?
Cũng
có thể thấy được rằng câu chuyện tâm lý phổ biến trong xã hội là người ta chỉ cố
chăm chăm vào nhà nước bằng mọi giá chỉ để được ổn định cả đời. Và họ có thể
đánh đổi bằng cách chạy chọt, lo lót (với mức khá cao) để có thể thoả mãn được
một chỗ đứng như vậy. Mất tiền ăn học, hoặc được đào tạo ra chẳng lẽ họ lại
chung tay vào những bất công làm xã hội vốn đã lộn xộn và tiêu cực lại thêm nhiễu
nhương và tha hoá. Chính họ
lại là những người thực hiện những hành động tồi tệ và góp phần làm con người
và cả ngành đó trở thành những cuộc trao đổi, ngã giá. Và cuối cùng là chính họ
lại là những người bị gạt bỏ và nhận lấy bất công đầu tiên khi cái hệ thống
tiêu cực đó phải lựa chọn sự tồn tại của nó.
Bảo
sao nghề giáo ngày càng suy thoái và ít được tôn trọng từ phía người dân như vậy.
Vì có nhiều người còn chấp nhận đi tiếp khách làm nhiệm vụ chính trị. Có người
quỳ gối trước uy quyền. Có người đổi tình lấy biên chế. Có người dối trá để xoá
trách nhiệm sau khi gây thương tích cho học sinh. Có người đánh học sinh thậm tệ.
Có người dâm ô. Có người bán dâm để kiếm thêm thu nhập. Có người chăm chăm dạy
thêm và tìm cách moi tiền phụ huynh, học sinh. Rồi việc chạy chọt biên chế như
đang thấy chỉ để có được mức lương vài triệu đồng một tháng. Không thể bỏ qua
chuyện háo danh, thành tích và bằng cấp giả hoành hành xã hội.
Giáo
dục là một bộ mặt quan trọng để đánh giá trình độ, nhận thức và mức độ tử tế của
một xã hội của một quốc gia. Chỉ cần nhìn vào đó là biết đất nước ấy đang trong
tình trạng như thế nào.
No comments:
Post a Comment