Sunday, 11 March 2018

CÂU CHUYỆN TPP (Lê Phan)




Lê Phan
March 10, 2018

TPP, cái tên gọi tắt của Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương, là một thỏa thuận mậu dịch điều đình bởi chính phủ của cựu Tổng Thống Barack Obama và 11 quốc gia nằm ven bờ Thái Bình Dương. Nếu hình thành như dự định, TPP sẽ là một thỏa thuận mậu dịch lớn nhất thế giới, bao gồm 40% mậu dịch toàn cầu. Nhưng quan trọng hơn là vai trò kinh tế chính trị của TPP. Thỏa thuận này nếu được thi hành sẽ tạo nên một thế đối trọng giúp các quốc gia Á Châu Thái Bình Dương đối phó với Trung Cộng và chính sách Nhất Đái Nhất Lộ của họ.

Khi Tổng Thống Donald Trump, chỉ ba ngày sau khi nhậm chức, rút Hoa Kỳ ra khỏi TPP, từ bỏ một thỏa thuận mậu dịch tự do khổng lồ như là một trong những hành động đầu tiên của ông ở Văn Phòng Bầu Dục, hầu hết các nhà phân tích cho là quyết định đã kết liễu cuộc đời của TPP.

Sau nhiều năm điều đình gay go, được một số người háo hức chờ đợi nhưng những người khác chống đối gay go, có vẻ như là đối tác cột thu lôi này sẽ không thể tồn tại nếu không có sự ủng hộ và lãnh đạo của đối tác lớn nhất.

Những nhà phân tích đó đã đúng – nhưng rồi sau một thời gian nay họ đã bị chứng tỏ là sai.

Hôm 8 Tháng Ba vừa qua, các bộ trưởng mậu dịch của 11 quốc gia còn lại đã tụ tập về thủ đô Santiago của Chile, nơi họ đã ký kết vào một thỏa thuận vốn sẽ hủy bỏ hàng rào quan thuế và hợp lý hóa chính sách kinh tế cho các quốc gia trải dài suốt một dải bọc quanh vùng Lòng Chảo Thái Bình Dương. Nhưng đừng gọi nó là Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương nữa: sự rút lui của Hoa Kỳ bảo đảm là thỏa thuận mới sẽ không còn mang cái tên đó.

Thay vào đó, sau những vận động gay go của Nhật Bản và Úc, những thành viên còn lại của TPP đã hoàn tất một thỏa thuận mới vào đầu năm nay với một cái tên khác: Thỏa Thuận Toàn Diện và Tiến Bộ cho Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương (Comprehensive and Progressive Agreement for Trans-Pacific Partnership, hay là CPTPP). Nói chung nó không khác bao nhiêu TPP, kết thúc năm 2015 và được ký năm 2016, chỉ không có điều kiện nay không thể có được vốn đòi hỏi là mậu dịch trong khối phải chiếm đến 85% tổng số GDP của các quốc gia đã ký vào thỏa thuận nguyên thủy. Ấn bản mới, còn được gọi tắt là TPP-11, cũng tạm ngưng khoảng trên 20 những điều khoản mà Hoa Kỳ đã tranh đấu để có nhưng các quốc gia khác ngần ngại cho vào.

Nói tóm tắt thì thỏa thuận này sẽ hủy bỏ hơn 98% thuế quan cho các quốc gia trong một khối bao gồm Úc, Nhật Bản, Canada, Mexico, Tân Tây Lan, Malaysia, Việt Nam, Singapore, Brunei, Peru và Chile. Như được ghi nhận rõ trong lời mở đầu, hầu hết những điều khoản trong TPP “đã được kết hợp vào và trở thành một phần của thỏa thuận này.”

Điều thay đổi là tầm cỡ. TPP nguyên thủy sẽ thiết lập một khu mậu dịch tự do lớn nhất thế giới, bao gồm khoảng 800 triệu dân và khoảng 40% sản lượng kinh tế thế giới. Những thành viên còn lại của CPTPP, ngược lại, đại diện cho một tổng dân số gần 500 triệu người và bao gồm hơn 13% mậu dịch toàn cầu.

Tuy vậy đây vẫn là khối mậu dịch tự do lớn thứ ba trên thế giới, chỉ đằng sau Thỏa Thuận Mậu Dịch Tự Do Bắc Mỹ (NAFTA) và Liên Hiệp Âu Châu, theo những tài liệu được thông tấn xã chuyên về tài chánh Nikkei.

Bộ Trưởng Mậu Dịch Úc Steven Ciobo tuyên bố trong bài diễn văn chào đón nghi lễ ký kết hôm Thứ Năm: “Sự ký kết này là một giây phút quan trọng cho các thị trường mở cửa, tự do mậu dịch và một hệ thống quốc tế dựa trên luật lệ. Nó gửi một thông điệp mạnh mẽ cho thế giới là phồn vinh đạt được qua việc phá hủy những hàng rào mậu dịch chứ không phải xây thêm chúng.”

Nhiều người ở Hoa Kỳ, kể cả Tổng thống Trump, bất đồng mạnh mẽ với ý kiến này. Trên đường vận động tranh cử như là một ứng cử viên, ông Trump đã chỉ trích thỏa thuận mậu dịch này như là những phương tiện cho các đặc quyền “hãm hiếp” các nhà sản xuất kỹ nghệ và nông nghiệp. Nhưng thỏa thuận này cũng bị chống đối bởi những người từ cánh tả – kể cả các lãnh tụ nghiệp đoàn, Thượng Nghị Sĩ Elizabeth Warren và Thượng Nghị Sĩ Bernie Sanders, vốn lý luận khi còn ra ứng cử tổng thống là nó thiên vị về phía các đại doanh nghiệp và do đó “đe dọa nền dân chủ của chúng ta.”

Sự bí mật bao trùm cuộc điều đình thỏa thuận này trong các cuộc thương thảo quốc tế cũng đã dẫn đến một sự hoài nghi lớn ở cả hai đầu của quang phổ chính trị, mặc dầu Tổng Thống Barack Obama đã cố gắng tuyên truyền và bênh vực cho cố gắng quan trọng nhất của ông về mậu dịch.

Hoa Kỳ không phải là quốc gia duy nhất có người chỉ trích. Nhưng người này ở các quốc gia từ Canada và Chile đến Tân Tây Lan và Úc đã mạnh mẽ chống đối ngay cả ở nghi lễ ký kết. Hội Đồng Nghiệp Đoàn Úc, chẳng hạn, gọi CPTPP là “một thỏa thuận xấu cho giới lao động Úc,” trong khi cựu Dân Biểu Barry Coates của Tân Tây Lan lập luận là TPP-11 “sẽ phá hủy những khía cạnh quan trọng của cá tính chúng ta” và đe dọa chủ quyền quốc gia.

Còn có những lo ngại khác như từ Tân Tây Lan: Có thể Hoa Kỳ sẽ trở lại. Giáo sư luật của viện đại học Auckland, Tiến Sĩ Jane Kelsey nói trên chương trình truyền hình buổi sáng của nước này, “Chúng ta có chín trang văn bản mới bọc vào những văn bản cũ, 22 điều đã bị ngưng thi hành nhưng không hủy bỏ.” Ngưng để chờ cho Hoa Kỳ tham gia trở lại. Lo ngại thực sự là không những chính phủ của chúng ta mà các quốc gia khác đầu hàng trước những đòi hỏi của ông Trump nếu họ muốn trở lại.

Riêng về triển vọng họ muốn trở lại thì thực ra khó hơn là người ta tưởng.

Ông Trump, vốn rút lui khỏi TPP vì ông cảm thấy chính phủ ông sẽ điều đình dễ hơn một đối một, hồi đầu năm nay đã nói với đài CNBC là ông có thể trở lại với hiệp ước nếu nó “tốt hơn đáng kể.” Thái độ cũng đã được Bộ Trưởng Tài Chánh Steve Mnuchin, được biết đã nói với một hội nghị thượng đỉnh đầu tư là ông đã có “những cuộc đối thoại cao cấp” về thỏa thuận này, vốn là “một điều mà tổng thống cũng tính tới.”

Đó là một triển vọng mà có vẻ các lãnh tụ Nhật Bản mong muốn. Nhà điều đình chính của Nhật Bản đã nói với Reuters, phản ứng của những lời của Tổng Thống Trump: “Chúng tôi đã có cố gắng, thúc đẩy bởi hy vọng là Hoa kỳ sẽ trở lại với hiệp ước mậu dịch này trong một ngày gần đây. Chúng tôi chào đón một việc Hoa Kỳ đang ngày các tích cực hơn với TPP.”

Tuy nhiên, hôm Thứ Năm vừa qua, vào cái ngày CPTPP được ký kết ở Chile, Tổng Thống Trump chính thức ký một sắc lệnh ở Washington áp đặt thuế quan lên thép và aluminium nhập cảnh – một chính sách bảo hộ mậu dịch vốn đi ngược lại với bản năng tự do mậu dịch mà CPTPP đại diện và đã thúc đẩy lo sợ cho một cuộc chiến mậu dịch. Hành động này, cộng với thúc đẩy gần đây của chính phủ của tổng thống nhằm điều đình lại NAFTA, đã không tạo được bao nhiêu hy vọng là tổng thống sẽ xét lại sự nghi ngờ của ông cho các thỏa thuận mậu dịch tự do.

Một số các nhà phân tích tin là những quyết định này tuy vậy sẽ giúp thuyết phục những quốc gia đã ký tên vào Thỏa Thuận Mậu Dịch Xuyên Thái Bình Dương này như Canada và Mexico hãy ở lại với thỏa thuận hôm thứ năm.

Nhà điều đình cũ của Mexico, Antonio Ortiz-Mena, giải thích với tạp chí Foreign Policy là chính phủ Trump “nghĩ họ có nhiều đòn bẩy hơn là họ thực có. Mexico có những lựa chọn khác – nó có thể không phải là lý tưởng, nhưng họ nay có những lựa chọn nhiều hơn là cách đây 25 năm.” (Lê Phan) 








No comments:

Post a Comment

View My Stats