Saturday 3 March 2018

BẢN TIN TỐI 3/3/2018 (Báo Tiếng Dân)





Thông báo: Kể từ tuần này, Tiếng Dân sẽ ngưng điểm tin vào ngày Chủ Nhật. Kính chúc quý bạn đọc một cuối tuần vui vẻ và hạnh phúc bên gia đình và người thân.

____

Tin Việt Nam

Tin Biển Đông
Sở Ngoại vụ TP Đà Nẵng cho biết, từ ngày 5 đến ngày 9/3/2018, tàu sân bay cùng 6.000 thủy thủ Mỹ sẽ cập cảng Đà Nẵng, thăm hữu nghị Việt Nam, theo báo Người Đưa Tin. Đây là kết quả của quá trình thoả thuận giữa lãnh đạo cấp cao 2 nước, “góp phần thúc đẩy quan hệ 2 nước phát triển phù hợp với khuôn khổ quan hệ đối tác toàn diện, đóng góp vào việc duy trì hoà bình, ổn định, an ninh, hợp tác và phát triển của khu vực”.

Theo bài viết, đoàn tàu sân bay của Hải quân Mỹ đến Việt Nam lần này gồm: Tàu sân bay hạt nhân USS Carl Vinson, tàu tuần dương USS Lake Champlain, tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Wayne E. Meyer.

Đoàn tàu sân bay Hải quân Mỹ sẽ thăm hữu nghị Việt Nam. Nguồn: Hải quân Mỹ

RFI đặt câu hỏi: Chờ đợi gì trong chuyến thăm Ấn Độ của ông Trần Đại Quang? Bài viết tóm lược ý kiến phân tích của tờ The Diplomat. Theo đó, Việt Nam và Ấn Độ sẽ tăng cường hợp tác trong cả lĩnh vực dân sự và quân sự, trong tình hình Trung Quốc thách thức quyền tự do hàng hải trên Biển Đông. Tuy nhiên, Hà Nội và New Delhi cần phải vượt qua nhiều rào cản nữa, đặc biệt là vấn đề thương mại.


Nhân quyền cho Việt Nam
Trang Đội Hiệp Sĩ TPHCM viết“Đây là căn nhà cấp 4 nằm trong diện dự án của Sacomreal, dù chưa thương lượng xong với chủ nhà nhưng Sacomreal vẫn cho công nhân tiến hành đập phá nhà dân. Người dân phản ứng và kiên quyết không cho đập, đã gửi đơn tố cáo đến Ủy Ban và Công An phường 10 quận 5 nhưng phía Sacomreal vẫn phớt lờ”.

Trang Đội Hiệp Sĩ TP HCM chia sẻ video clip ghi lại cảnh lực lượng cưỡng chế của Sacomreal xông vào đập phá ngôi nhà này ngày 27/2/2018. Theo một số người biết chuyện, công ty này đã thuê giang hồ mặc đồ công nhân đến phá hoại, một người đàn ông trong lúc bảo vệ nhà mình đã bị đánh đến chấn thương đầu, gãy tay:

Báo Người Lao Động đưa tin: Xây cao ốc tại quận 5-TP HCM: Thỏa thuận bồi thường không xong, tấn công người dân. Công an quận 5 cho biết họ đã nhận được đơn trình báo về chuyện có người dân trong ngôi nhà nói trên bị hành hung. Cả Công ty TNHH BĐS Hùng Anh Năm và Công ty Sacomreal đều phủ nhận chuyện họ thuê giang hồ mặc đồ công nhân đến hành hung người dân sau khi thương lượng đền bù không thành.

Một người dân bị lực lượng cưỡng chế hành hung đến chảy máu đầu. Nguồn: NLĐ

Trang CHTV Việt Nam chia sẻ video clip về chuyện “cướp đất có bảo kê, vi phạm luật tại xã Vĩnh Hoà Phú huyện Châu Thành tỉnh Kiên Giang”:


“Tinh thần trách nhiệm” của các cán bộ
Chuyện “lạ nhưng đúng quy trình” ở các tỉnh Đắk Nông và Đắk Lắk: Nhiều quan chức trục lợi đất công, báo Tuổi Trẻ đưa tin. Các cán bộ này đã lợi dụng khiếm khuyết trong chính sách đất đai để chiếm đất rừng và “làm thêm” nghề lâm tặc hoặc kinh doanh đất. Ông Nguyễn Trọng Hải, cựu phó giám đốc Sở Nội vụ Đắk Lắk đã “xây nhà và sang nhượng trái phép nhiều lô đất trên diện tích mà gia đình ông này nhận liên kết để trồng cà phê”.

Hàng ngàn hecta rừng tại Đắk Lắk bị phá để sản xuất nông nghiệp, trong đó có nhiều diện tích do cán bộ, đảng viên tại địa phương này quản lý, sử dụng. Nguồn: TT

Trang Đời Sống và Pháp Luật đặt câu hỏi: “Lộ” công trình “khủng” trái phép trong di sản cố đô, chủ tịch huyện nói gì? Quần thể danh thắng Tràng An vốn là “vùng cấm và được bảo vệ nghiêm ngặt”, nhưng đã có người xây hệ thống bậc thang dài hơn 1km lên xuống đỉnh Huyền Vũ, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quần thể danh thắng cấp quốc gia. Sự việc diễn ra trong nhiều năm nhưng ông Vũ Văn Huân, Chủ tịch UBND huyện Hoa Lư thừa nhận rằng giờ các cấp có thẩm quyền… mới bắt đầu kiểm tra!?

Công an TP Buôn Ma Thuật bắt giữ vụ đánh bạc tại nhà Phó giám đốc Sở Y tế Đắk Lắk, theo báo Dân Việt. Ông Nguyễn Trung Thành, Phó giám đốc Sở Y tế Đắk Lắk xác nhận vụ việc nhưng khẳng định ông không có ở nhà vào thời điểm công an bắt đánh bạc. Công an tỉnh này cho biết họ đã bắt 6 đối tượng và thu giữ tổng cộng khoảng 30 triệu đồng.


Đất nước thời “tận thu”
Nhân dịp Bộ Tài chính muốn tiếp tục tăng thuế, phí, trang Thương Gia và Thị Trường có bài: Tăng thuế không phải là biện pháp bền vững để cân đối ngân sách. Bài báo cho biết: Từ lúc Bộ Tài chính đề xuất lộ trình tăng thuế vào cuối năm 2017, người dân và doanh nghiệp đều phản đối bởi tác động quá rõ ràng đến thu nhập của họ. LS Nguyễn Tri Thắng cho rằng chuyện cải cách hành chính mới là giải pháp từ gốc rễ để bảo vệ ngân sách, chứ không phải lộ trình tăng thuế.

Báo Tiền Phong đặt câu hỏi về chuyện tăng thuế nội địa bù hụt thu: ‘Trái đắng’ của hội nhập? Bài báo thừa nhận: Tình hình ngân sách hiện nay không hề khả quan, “người tiêu dùng chưa kịp cảm nhận lợi ích giá rẻ từ hội nhập chắc chắn phải đối mặt gánh nặng thuế nội địa tăng”. Nhà nước tuyên bố  tổng thu ngân sách luôn vượt mục tiêu đề ra trong 3 năm gần đây, còn gánh nặng kinh tế đè lên người dân chỉ càng lúc càng tăng.


Thực tế tình hình kinh tế Việt Nam từ báo cáo của Diễn đàn Kinh tế Thế giới
Từ báo cáo của Diễn đàn Kinh tế Thế giới về mức độ sẵn sàng cho cách mạng công nghiệp 4.0 đánh giá trên 100 quốc gia, Hội Hải dương học Việt Nam nhận thấy: Việt Nam bị xếp vào nhóm quốc gia chưa sẵn sàng cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, bởi tình trạng tụt hậu quá xa về lĩnh vực viễn thông, công nghệ và sáng tạo, đào tạo và chất lượng nguồn nhân lực, môi trường, thuế và độ phức tạp của nền kinh tế.

Về tiêu chí công nghệ và sáng tạo, Việt Nam được có 3.1 điểm, đứng thứ 90 trên 100 nước. Về tiêu chí môi trường, Việt Nam chỉ được có 4.6 điểm xếp thứ 87 trên 100, nhờ các “thành tích” vô cùng tệ về kiểm soát khí thải. Về tiêu chí nguồn lực con người, Việt Nam chỉ được 4.5 điểm, xếp thứ 70 trên 100, các chỉ tiêu xoay quanh chất lượng người lao động ở Việt Nam đều không khả quan.

Về tiêu chí độ phức tạp của nền kinh tế, tức toàn bộ hệ thống liên quan đến quá trình sản xuất, lưu giữ, bảo quản, vận chuyển, giao nhận, xuất nhập khẩu hàng hoá, Việt Nam chỉ được 4.4 điểm, xếp thứ 72 trên 100. Về tiêu chí thuế, vì hàng rào thuế quan quá khắc nghiệt nên Việt Nam được 3,9 điểm và xếp thứ 87 trên 100.


Vụ khách hàng mất tiền gửi ở Eximbank
Báo Pháp Luật TP đặt câu hỏi vụ 245 tỉ đồng bốc hơi: Sẽ dắt nhau ra tòa? Bà Chu Thị Bình chia sẻ chuyện ngân hàng Eximbank đề nghị tạm ứng hơn 14 tỷ: “Ngân hàng còn đưa ra điều khoản bảo mật thông tin để giữ uy tín cho ngân hàng nên tôi không chấp nhận. Tôi đòi tiền của mình một cách minh bạch thì sao phải bảo mật?”


Văn hóa tâm linh
Vụ cán bộ nhận “ơn thần linh” trước rồi mới đến lượt dân ở lễ Khai ấn đền Trần, báo Đất Việt đặt câu hỏi: Cán bộ khuân lộc đền Trần trước dân, đúng quy trình?Trong khi người dân bị chặn từ bên ngoài phủ Thiên Trường bởi 5 vòng an ninh thắt chặt, thì “chỉ một nhóm người có đặc quyền vào bên trong phủ Thiên Trường dự lễ khai ấn vào giờ khắc thiêng nhất. Sau đó lại được bê lộc ra về, trước mắt hàng vạn người mỏi mệt đứng chờ”. Đến cả chuyện xin và nhận “ơn thần linh” cũng phải “đúng quy trình”!?  

Các đại biểu lách qua cửa bê đồ lộc ra từ phủ Thiên Trường trong khi người dân xếp hàng chờ. Nguồn: Zing/ĐV

Báo Đời Sống và Pháp Luật đặt câu hỏi: Đại biểu ùa vào đền Trần “xin lộc”, lãnh đạo TP Nam Định nói gì? Bà Phạm Thị Oanh, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nam Định thừa nhận chuyện các quan chức cầm “lộc” đi ra sau khi dâng hương trong đền Thiên Trường, “nhưng phần lộc này các đại biểu không tự lấy, mà được các cụ trong nhà đền chia cho”.

VTV đưa tin: Điện lực Hà Nam kỷ luật hàng loạt cán bộ đi lễ trong giờ hành chính. Theo đó, 8 cán bộ dùng giờ hành chính để đi lễ chùa đều nhận hình thức kỷ luật khiển trách. Riêng ông Nguyễn Hữu Nghị bị miễn nhiệm chức vụ Giám đốc Điện lực Bình Lục và được điều động đi làm Quản đốc Phân xưởng xây lắp điện.

Sáng nay, lực lượng chức năng thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình đã bắt con rắn nước ở ngôi mộ vô danh khiến nghìn người tụ tập cúng bái, theo Zing. Sau đó, lực lượng này đã dỡ lều bạt do người dân dựng sát ngôi mộ nhằm hạn chế chuyện thắp hương. Về số tiền hơn 200 triệu đồng mà người dân cúng “rắn thần”, lãnh đạo thị xã Ba Đồn để cho địa phương quyết định phương án sử dụng.

Nhà văn Phạm Lưu Vũ viết: Tà sư. Đó là “sư quốc doanh” Thích Nhật Từ, người nắm giữ nhiều chức vụ trong Giáo hội Phật giáo và nhiều ngôi chùa trăm tỷ. Ông “sư quốc doanh” này đã mượn chuyện giảng đạo để xúc phạm giáo lý Công giáo, quy chụp các giáo dân là “thế lực thù địch”, đồng thời xuyên tạc cả các lý thuyết dân chủ.


Gánh nặng BOT
Nhà hoạt động Hoàng Huy Vũ viết: Lời kêu gọi toàn quốc chống BOT. Bài viết chủ yếu động viên các tài xế tiếp tục sử dụng tiền xu, tiền lẻ làm phương tiện đấu tranh ôn hòa và bất tuân dân sự ở các trạm BOT. Trong bài có đoạn: “Hỡi anh em tài xế và toàn thể đồng bào đang sử dụng dịch vụ vận tải! Giờ chống BOT đã đến. Ta phải hy sinh đến giọt xăng cuối cùng, để giữ gìn nguồn thu nhập lương thiện”.

Về chuyện Bộ trưởng Bộ GTVT khẳng định sẽ  đóng cửa trạm BOT nào không thu phí tự động, báo Dân Việt đưa tin, thực chất Bộ trưởng GTVT CSVN ‘quyết thu phí BOT đến cùng’, báo Người Việt nhận định. Theo đó, hình thức thu phí tự động mà Thủ tướng Phúc yêu cầu các trạm BOT áp dụng chính là biện pháp buộc các tài xế phải đóng phí qua trạm mà không được dừng, dựa trên công nghệ nhận dạng thẻ định danh phương tiện.

Bài viết trên báo Người Việt nêu quan điểm của nhiều tài xế cho rằng “đây là chiêu thức nhằm vô hiệu hóa việc trả phí bằng tiền lẻ khi nhân viên tại các trạm BOT thu tiền mặt như lâu nay”, trong tình hình biện pháp lắp biển cấm dừng quá 5 phút đang phản tác dụng.

Báo Người Lao Động đặt câu hỏi: Bộ GTVT nói gì về việc di dời trạm thu phí BOT Cai Lậy? Về các phương án xử lý trạm BOT Cai Lậy, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết bộ này đã tính đến 4 phương án. Tất cả các phương án này đều mang tính chất đối phó, thậm chí là vẫn “tận thu” nhưng chia đối tượng, điển hình là phương án đặt trạm thu phí trên cả đường quốc lộ và đường tránh.


Thực hư trình độ “giáo sư” Việt Nam
PGS.TS Phan Quang Thế trả lời phỏng vấn báo Lao Động: Không còn cách nào hay hơn là công khai toàn bộ hồ sơ của ứng viên giáo sư, phó giáo sư. Về 94 tân GS, PGS vừa bị phát hiện có vấn đề và phải xét lại, ông Thế đặt câu hỏi rằng HĐCDSGNN tự phát hiện ra, hay họ đã bị kiện từ trước. Quy trình chấm điểm không chính xác và không khách quan dựa trên những tiêu chuẩn “quốc doanh” đã tạo nên hiện tượng “lạm phát” học hàm.

GS Nguyễn Văn Tuấn nhận định: Không nên bổ nhiệm quan chức làm giáo sư. GS Tuấn lưu ý: Năm 2017 không phải là năm đầu tiên có “lạm phát” học hàm ở Việt Nam, hiện tượng này đã xảy ra từ giai đoạn 1980 – 1992. Theo GS Tuấn, nhà nước nên dứt khoát giao chuyện bổ nhiệm GS, PGS cho các trường đại học tự quản lý. Bộ GD-ĐT “chỉ cần quản lý quy trình và tiêu chí, chứ không nên can thiệp vào các hội đồng bổ nhiệm của đại học”.

Biểu đồ thể hiện số giáo sư (màu hồng) và phó giáo sư (màu xanh) được phong hay công nhận từ năm 1980 đến 2017. Nguồn: VNE

Báo VnExpress chỉ ra hai kẽ hở trong xét công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư. Theo PGS Ngô Tứ Thành, kẽ hở lớn nhất chính là quy trình bỏ phiếu kín trong các vòng thẩm định hồ sơ, đã khiến rất nhiều người thật sự có thành tích nghiên cứu bị trượt, người biết đi “cửa sau” thì đậu. Kẽ hở thứ hai là tính chất không minh bạch của cách tính điểm công trình khoa học, khiến cả “công trình” đạo văn cũng được công nhận!?

Trong khi Bộ GD-ĐT báo cáo có 94 hồ sơ GS, PGS cần được xét lại, 28 hội đồng ngành chỉ phát hiện 1 ứng viên PGS không đạt chuẩn, theo báo Tuổi Trẻ. GS Phạm Gia Khánh cho biết: Trong cuộc họp của các thành viên HĐCDGSNN, có 27/28 hội đồng ngành không thay đổi kết quả công nhận ứng viên đã đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS trước đó. Riêng liên ngành hóa học – công nghệ thực phẩm chỉ báo cáo có một hồ sơ chưa đạt chuẩn.

Báo Tuổi Trẻ đặt câu hỏi: Giáo sư: ông là ai, đang làm gì? GS.TS Nguyễn Đức Dân thừa nhận rằng nếu quy trình bổ nhiệm GS, PGS ở Việt Nam không thay đổi, lượng GS, PGS “sẽ ngày càng phình ra, còn chất lượng thì teo lại, mãi mãi không đuổi kịp ai”. TS Lê Vinh Quốc cho rằng chuyện theo đuổi số lượng học hàm “chỉ làm hại cho nền giáo dục và khoa học của đất nước”.

GS Nguyễn Tiến Dũng cho biết: Giáo sư Hoàng Tuỵ kêu gọi ông Phùng Xuân Nhạ từ chức. “Nguyên văn một phát biểu của GS Hoàng Tuỵ, ngay từ ngày 15/02/2018, như sau (tôi xin copy lại nguyên si, có nhiều người trong NAFOSTED và HĐCDGSNN làm chứng): ‘Thật nhục cho nền giáo dục và khoa học VN. Một bộ trưởng mà như thế, biết tự trọng thì nên từ chức‘.”


***

Tin thế giới

Tin nước Mỹ
VOA đưa tin: Mỹ cắt giảm vĩnh viễn nhân sự đại sứ quán ở Cuba. Mỹ sẽ cắt giảm khoảng 2/3 nhân viên tại đại sứ quán Mỹ ở Havana. Quyết định này sẽ ảnh hưởng đến quan hệ Mỹ – Cuba, hạn chế khả năng Mỹ giúp hòn đảo theo chủ nghĩa cộng sản này thay đổi, trong khi Cuba đang chuẩn bị có một chủ tịch đầu tiên không thuộc dòng họ Castro sau 60 năm.


Cuộc chiến thương mại
Về cuộc chiến thương mại mà ông Trump khởi động, VOA đưa tin: Tổng giám đốc WTO ra cảnh báo hiếm hoi về kế hoạch áp thuế của Mỹ. Ông Roberto Azevedo, TGĐ Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) bày tỏ lo ngại về kế hoạch đánh thuế nhập khẩu lên thép và nhôm của ông Trump. Ông Azevedo nói: “WTO rõ ràng lo ngại về việc Mỹ loan báo kế hoạch áp thuế nhập khẩu lên thép và nhôm. Khả năng leo thang là thật, như chúng ta đã thấy từ những phản ứng ban đầu của các nước khác“.



Tin Trung Quốc
RFI đưa tin: Quốc Hội Trung Quốc có trên 100 tỉ phú đô la. Theo bảng xếp hạng của tạp chí Hurun, trong số 5.100 đại biểu Quốc Hội, có 102 tỉ phú đô la. Đứng đầu là ông Mã Hóa Đằng (Ma Huateng), chủ tịch tập đoàn Tencent Holdings, có tài sản trị giá 295 tỉ nhân dân tệ, tương được hơn 46 tỉ Mỹ kim.

Như vậy là tỉ lệ người giàu có ở Quốc hội Trung Quốc không thua gì nội các của Tổng thống Mỹ hiện tại. Nội các của TT Trump có số người giàu nhất so với nội các chính phủ Mỹ qua 44 đời tổng thống trước đây.




***










No comments:

Post a Comment

View My Stats