Hà Tường Cát/Người Việt
July 17, 2017
BẮC
KINH (NV) – Những chuyển đổi nhân sự lãnh đạo là sự kiện
bình thường trước mỗi kỳ đại hội của đảng Cộng Sản, nhưng năm nay trước Ðại Hội
19 vào mùa Thu của Cộng Sản Trung Quốc, các quan sát viên rất chú ý đến việc
phe cánh của Chủ Tịch Tập Cận Bình đang được đưa vào những chức vụ trọng yếu để
củng cố thêm quyền lực rộng lớn mà ông đã nắm giữ trong mọi lãnh vực.
Chủ Tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng Thống Mỹ
Donald Trump tại Thượng Đỉnh G20 Tháng Bảy ở Hamburg, Germany. (Hình: Saul
Loeb/AP)
Trong khi đó tiếp tục để cho các bộ phận tuyên truyền
cổ vũ đề cao lý thuyết chính trị của mình, người ta thấy dường như ông Tập có
tham vọng xa hơn là muốn trở thành một lãnh tụ tối cao độc tôn theo kiểu Ðặng
Tiểu Bình nếu chưa phải là Mao Trạch Ðông, và như thế sẽ không có gì ngạc nhiên
nếu qua hai nhiệm kỳ 5 năm, đến Ðại Hội 20 vào năm 2022 ông Tập có thể tìm cách
để được lưu giữ ở vị trí lãnh đạo thêm một hay nhiều nhiệm kỳ nữa.
Một dấu hiệu cụ thể của ý muốn nắm vững quyền lực của
Tập Cận Bình và tránh mọi rủi ro có thể xảy tới, là thay thế Bí Thư Thành Ủy
Trùng Khánh Sun Zhengcai (Tân Chánh Tài) bằng Chen Miner (Trần Mẫn Nhĩ) hôm Thứ
Bảy, theo tin của Tân Hoa Xã.
Trùng Khánh là thành phố lớn ở Tây Nam Trung Quốc với
dân số gần 30 triệu, và là một trong bốn thành phố trực thuộc trung ương. Có thể
giống như trường hợp Bạc Hy Lai trước kia, cũng là bí thư Thành Ủy Trùng Khánh,
từng được coi như có tiềm năng đối đầu với Tập Cận Bình vào chức vụ lãnh đạo,
đã bị cáo buộc tội danh lạm quyền và tham nhũng rồi bị loại khỏi đảng trước Ðại
Hội 18.
Tân Chánh Tài, 53 tuổi, người trẻ nhất trong 25 ủy
viên Bộ Chính Trị, có triển vọng sẽ được bầu vào ban Thường Vụ Bộ Chính Trị, hoặc
hơn nữa có thể tiến lên vị trí lãnh đạo đảng. Nguồn tin từ nội bộ đảng
nói rằng Tân Chánh Tài bị Ủy Ban Kỷ Luật Ðảng điều tra vì “sai phạm nghiêm trọng.”
Tân Hoa Xã không xác định chuyện này nhưng sự thay thế xảy ra quá nhanh chóng
và đột ngột khiến người ta phải nghĩ rằng không bình thường. Tối Thứ Bảy vừa
qua, ngoài giờ làm việc, có quyết định thay thế và Tân Chánh Tài không hiện diện
như nghi thức thông thường trong buổi lễ bàn giao chức vụ Thành Ủy Trùng Khánh
ngay sau đó.
Nếu Tân Chánh Tài được coi như người đã do cựu Thủ
Tướng Ôn Gia Bảo đỡ đầu thì người thay thế, Trần Mẫn Nhĩ, là một đàn em thân
tín của ông Tập. Trần Mẫn Nhĩ, 56 tuổi, đã làm trưởng Ban Tuyên Huấn cho Tập Cận
Bình khi ông là bí thư Tỉnh Ủy Chiết Giang. Sự thăng tiến nhanh chóng của họ Trần
thuộc phe cánh Chiết Giang khiến nhiều quan sát viên cho rằng ông ta đang theo
vết chân Tập Cận Bình và có thể tương lai lên tới chức vị chủ tịch. Trần Mẫn
Nhĩ chỉ mới là ủy viên Ban Chấp Hành Trung Ương Ðảng nhưng nhiều hy vọng sẽ được
bầu vào Bộ Chính Trị trong Ðại Hội 19. Trần đang là bí thư Tỉnh Ủy Quý Châu, miền
Tây-Nam Trung Quốc giáp Vân Nam, tỉnh tương đối nghèo và dân số chỉ có 34 triệu.
Bí thư Thành Ủy Trùng Khánh luôn luôn do một ủy viên Bộ Chính Trị đảm nhận. Trần
Mẫn Nhĩ là một trong ba lãnh đạo đảng ở cấp tỉnh hay thành phố sinh trong thập
niên 1960 và duy nhất trong ba người đó chưa phải là ủy viên Bộ Chính Trị.
Tân Hoa Xã không cho biết Tân Chánh Tài sẽ được chỉ
định vào nhiệm vụ gì, không giống như hồi Tháng Tư, Bí Thư Tỉnh Ủy Chiết Giang
Xia Hạ Bảo Long (Baolong) được đưa vào nhiệm vụ khác ngay sau khi Xa Tuấn (Che
Jun) thay thế. Hạ Bảo Long, người thân cận từng phụ tá cho Tập Cận Bình khi ông
Tập làm bí thư Tỉnh Ủy Chiết Giang từ 2005 đến 2007 và thành viên của nhóm đưa
ông Tập lên vị trí lãnh đạo tối cao. Nhưng Hạ Bảo Long là một đảng viên Cộng Sản
có lập trường cứng rắn, năm 2015 đã cho tiến hành chiến dịch triệt hạ hàng ngàn
thánh giá trên nóc các nhà thờ Thiên Chúa giáo ở thành phố Ôn Châu và sau đó mở
rộng ra toàn tỉnh Chiết Giang.
Một biểu hiện khác về sự thăng tiến của những người
trong cánh Chiết Giang là Bí Thư Thái Kỳ (Cai Qi ) được đưa vào vị trí bí thư
Thành Ủy Bắc Kinh hồi Tháng Năm. Thái Kỳ, 60 tuổi, khác với hầu hết các viên chức
Trung Quốc khác là ông ta không nhuộm tóc để cho thấy có vẻ trẻ hơn.
Trong vòng 4 năm, Thái Kỳ đã tiến thân mau chóng
trong đảng, từ một chức vụ tầm thường ở tỉnh Chiết Giang lên tới lãnh đạo thành
phố thủ đô và như vậy chắc chắn sẽ được bầu vào làm một trong 25 ủy viên Bộ
Chính Trị ở kỳ Ðại Hội 19 sắp tới. Thành công ấy có thể coi là do họ Thái đã trải
qua nhiều năm làm việc đắc lực dưới trướng Tập Cận Bình từ Phúc Kiến tới Chiết
Giang.
Thái Kỳ nổi tiếng là người có tinh thần cởi mở, chấp
nhận những tư tưởng mới và chủ trương một chính quyền trong sáng hơn. Cuối thập
niên 2000, khi làm thị trưởng Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, Thái Kỳ đã mời dân
chúng đến tham dự các buổi họp của hội đồng thành phố. Ông cũng rất quan tâm đến
Internet và là một blogger có tài khoản 10 triệu người vào trên mạng xã hội.
Thái Kỳ không ngần ngại nói đến những đề tài nhạy cảm trong thế giới Cộng Sản
như vụ Bức Tường Bá Linh sụp đổ năm 1989. An ninh mạng là một chủ điểm mà Tập Cận
Bình quan tâm và Thái Kỳ cho rằng, “Ðảng cần phải coi Internet là một chiến trường
không có khói, nếu muốn củng cố quyền lực của mình.”
Nhà bình luận chính trị Chương Lập Phàm (Zhang
Lifan) ở Bắc Kinh nói rằng ngày nay người ta không dựa vào tuổi tác và kinh
nghiệm khi đưa các nhân vật vào vai trò lãnh đạo. Tuy nhiên khuynh hướng bảo đảm
an toàn vẫn căn cứ trên lý lịch, xuất xứ và quá trình hợp tác đáng tin cậy, nói
cách khác là phe cánh. Ðấu tranh quyền lực trong đảng Cộng Sản Trung Quốc không
vượt ra ngoài quy luật này.
No comments:
Post a Comment