Wednesday 19 July 2017

BẢN TIN NGÀY 20/7/2017 (Báo Tiếng Dân)






Tin trong nước

Tin Biển Đông
Bài viết trên BBC: Về ‘mệnh lệnh’ tranh cãi trận Gạc Ma 29 năm trước. Bài nêu quan điểm của Đại tá Phạm Hữu Thắng, nhà nghiên cứu từ Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam, về 64 người lính hy sinh trong trận Gạc Ma, khác với quan điểm của Tướng Lê Mã Lương, Đại tá Bùi Văn Bồng và quan điểm của nhiều người khác.

Ông Phạm Hữu Thắng nói rằng: “Thế nói là có ‘lệnh cấm bắn trả’, thì cũng không phải, mà thực ra là trong các hoạt động Việt Nam đảm bảo chủ quyền, thì không dùng các vũ khí lớn, không dùng tàu chiến, không dùng các hoạt động quân sự rầm rộ để bảo vệ quần đảo của mình, mà chủ yếu đưa các chiến sỹ ra để xây dựng các chốt để bảo vệ đảo“.

VOA có bài viết về hội thảo Biển Đông do CSIS tổ chức hôm qua: Bắc Hàn, IS kéo Mỹ trở lại biển Đông? Bài nêu ý kiến của TS Trần Trường Thuỷ và GS Aries Arugay của Philippines, cho rằng, Mỹ đang hướng về khu vực Đông Nam Á, để tìm sự hậu thuẫn trong việc đối phó với Bắc Hàn sau khi không nhận được sự đồng thuận từ Trung Quốc.

Thượng nghị sĩ Cory Gardner, Chủ tịch tiểu ban Đông Á, thuộc Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, cáo buộc Trung Quốc có những hành động gây mất ổn định ở biển Đông và biển Hoa Đông trong thời gian qua, làm trái luật lệ quốc tế và tạo ra hiểm họa xung đột trong tương lai.
RFA viết về hội thảo của CSIS lần thứ 7: Mỹ cần đóng vai trò tích cực hơn ở biển Đông. Thượng Nghị sĩ Cory Gardner cho biết: “Chủ đề biển Đông tại hội thảo hôm nay đã nổi lên thành một trong các thách thức về an ninh quốc gia gây tranh cãi nhất đối với Mỹ và khu vực. Nó là một phép thử về luật pháp quốc tế, vai trò lãnh đạo và cam kết của Mỹ với một khu vực của thế giới nơi mà các quốc gia Châu Á khác không thể chấp nhận các vấn đề an ninh kinh tế, an ninh quốc gia và chính sách ngoại giao trở thành một thứ được Trung Quốc dùng như độc quyền.

Hội thảo quốc tế biển Đông lần thứ 7 do CSIS tổ chức ở Washington DC hôm 18 tháng 7. Ảnh: RFA

Báo ABC News của Úc đưa tin: Tướng Trung Quốc thăm các cơ sở quốc phòng, tranh chấp Biển Đông nằm trong chương trình nghị sự. Trong chuyến viếng thăm “thiện chí” nước Úc, từ ngày 15-19/7, gặp gỡ các nhân vật cao cấp trong Bộ Quốc phòng Úc, Tướng Ngụy Lượng (Wei Liang), chính trị viên thuộc Bộ tư lệnh miền Nam của Quân đội TQ (PLA), đã đến thăm một cơ sở quân sự bí mật bên ngoài thủ đô Canberra, cũng như trao đổi quan điểm về an ninh khu vực và tranh chấp trên Biển Đông.

Trong khi đó, ở Ấn Độ, Ngoại trưởng Úc, bà Julie Bishop chống lại việc quân sự hóa của TQ ở Biển Đông. Báo Hindustan Times của Ấn Độ đưa ti, phát biểu tại hội nghị ở New Delhi, Ấn Độ hôm 18/7, bà Bishop nói: “Chúng tôi tiếp tục chống lại việc xây đảo nhân tạo và quân sự hóa các thực thể trên Biển Đông… Mục tiêu của chúng ta là phải khuyến khích Trung Quốc thực hiện trọng tâm kinh tế và chiến lược của họ bằng cách tôn trọng sự bình đẳng về chủ quyền của các nước, duy trì và tăng cường trật tự dựa trên luật lệ và lợi ích của tất cả các nước”.

Bộ trưởng 4T Trương Minh Tuấn sắp lên thiên đường?
Tác giả Nguyễn Đăng Quang có bài viết, nêu bốn câu hỏi cho ông Trương Minh Tuấn, Bộ trưởng bộ 4T, về cụm từ “Kinh tế Thị trường định hướng XHCN”, rằng chưa người nào biết cái XHCN nó tròn méo ra sao, nói chi tới cái gọi là “Kinh tế Thị trường định hướng XHCN”.
Ông Quang cũng nêu thắc mắc, vì sao các quan chức đảng quyết “xây dựng nền KTTT định hướng XHCN” trong khi ra nước ngoài, cứ phải thuyết phục chính phủ các nước “Công nhận nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam là quốc gia có nền Kinh tế thị trường đầy đủ”?

Trước đó, ngày 5/6/2017, trên báo Nhân Dân, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn có bài: “Sức thuyết phục của kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa“, ca ngợi những thành tựu vượt bậc của nền KTTT định hướng XHCN như sau: “Thực tế cho thấy hơn 30 năm vận hành của KTTT định hướng XHCN đã tạo ra sự phát triển ngoạn mục của đất nước. Công cuộc Đổi mới nhanh chóng đưa Việt Nam thoát khỏi khủng hoảng, duy trì tốc độ tăng trưởng vào hàng cao trên thế giới“.

Cập nhật thông tin Tướng Võ Văn Liêm và bà phó quận Lê Mai Trang
Thông tin “đề nghị xử lí kỷ luật Trung úy Nguyễn Văn Thành”, trang Cổng Tin dẫn nguồn từ báo Pháp Luật mà Tiếng Dân đã điểm hôm qua là không chính xác. Hiện bài báo này đã bị gỡ bỏ. Báo Tuổi Trẻ và Tin Tức cũng đã đưa tin này và Tiếng Dân đã cập nhật trong bản tin lúc 11h45′ ngày 19/7: Không có chuyện đề nghị xử lý cảnh sát bị tướng về hưu lăng mạ(TT). – Bác bỏ tin đồn ‘đề nghị xử lý’ CSGT bị tướng Liêm lăng mạ (Tin Tức).

Thông tin mẹ của tướng Liêm qua đời, lan truyền trên mạng XH cũng không chính xác. Sau khi nhà báo Lê Thanh Phong đưa tin này lên Facebook hôm qua, ông đã đính chính và cáo lỗi.

Về bà Phó Chủ tịch quận Lê Mai Trang, báo Đất Việt có bài: Phó Chủ tịch quận lùm xùm ăn bún: Dũng cảm xin lỗi! Bà Bùi Thị An, ĐBQH Hà Nội, nói: “Tôi thừa nhận đã là lãnh đạo thì không ai tránh khỏi sơ suất, ai cũng có thể mắc lỗi. Tuy nhiên có lỗi thì tôi nghĩ nên nhận lỗi, xin lỗi mọi người và cố gắng sửa. Bà Trang nên làm việc này”. Bà Lê Mai Trang không xin lỗi, mà còn có đơn gửi công an: Bị ‘nói xấu, đe dọa’, Phó chủ tịch quận Thanh Xuân có đơn gửi công an.

Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 1
Báo Pháp luật TP đưa tin, công ty Điện lực Vĩnh Tân 1 chọn đổ 1 triệu m3 gần Hòn Cau là để ‘giảm chi phí’. Bất chấp cảnh báo của giới khoa học và dân chúng, có vẻ như nhà đầu tư đã quyết định đổ cả triệu m3 chất thải xuống biển Bình Thuận. Bài báo cho biết, người dân phát hiện Công ty Điện lực Vĩnh Tân 1 “đã triển khai hệ thống phao quây và giăng màn chắn bùn ở khu vực 30 ha dự kiến nhận chìm“.

Để giảm chi phí sản xuất, nhà đầu tư đã chọn đổ chất thải xuống vùng biển gần nhà máy nhất. Ông Nguyễn Toàn Thiện, đại biểu HĐND tỉnh Bình Thuận phát biểu: “Quá vô lý khi đồng ý vị trí nhận chìm để giúp doanh nghiệp có lợi về kinh tế, còn biển, môi trường, sinh kế, chưa kể chăm sóc y tế thì người dân phải gánh chịu hoàn toàn“.

Quốc kỳ Trung Quốc tung bay tại Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 1. Ảnh: Lê Anh Hùng

Hôm 23/6, Bộ TN-MT đã ký giấy phép số 1517, cho phép công ty Vĩnh Tân 1 đổ chất thải xuống biển Bình Thuận, thế nhưng bây giờ Bộ trưởng TN-MT Trần Hồng Hà nói: ‘Tôi đang chờ ý kiến của một số nhà khoa học’, nghĩa là sao? Bộ TNMT cấp phép trước, cho Vĩnh Tân thực hiện, rồi lấy ý kiến của các nhà khoa sau?

Còn đây là clip “bên trong nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2”: https://www.youtube.com/watch?v=bNtbPmDl5OM

Tỉnh Quảng Nam đang đùa với tử thần
– Theo tin từ Zing, tỉnh Quảng Nam đã thống nhất phương án xây thêm 4 thủy điện ở huyện Nam Trà My, nơi đã từng xảy ra nhiều trận động đất. Quảng Nam là tỉnh có nhiều nhà máy thủy điện nhất, hiện đã có 42 nhà máy, bây giờ mấy ông còn muốn xây thêm 4 nhà máy nữa?!

Ông Hồ Quang Bửu, Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My, nói rằng chuyện xây thêm 4 nhà máy này “không có gì lo ngại“. Ông cam đoan bằng lời nói: “Tôi cam đoan việc xây dựng thủy điện không ảnh hưởng đến rừng, không ảnh hưởng đến người dân, chỉ góp phần giúp cho kinh tế – xã hội phát triển”.

Góp phần giúp kinh tế phát triển hay giúp tài sản của các ông phình to hơn? Lời cam đoan của ông Bửu chỉ tốn một ít nước bọt, nhưng khi xảy ra sự cố, như động đất vỡ đập thủy điện, xả lũ chết dân, liệu bán hết cả gia sản của ông có đủ đền bù cho dân không, hay là lúc đó lại nói xả lũ “đúng quy trình”?

Hãy xem quả bom nước ở Miền Trung:

Khai thác gỗ trái phép tại huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk
Bài trên báo Tầm Nhìn: “Đại ngàn ở Ea Kar chảy máu”: Chính quyền địa phương vô trách nhiệm. Một bài điều tra chi tiết của báo Tầm Nhìn, về tình trạng khai thác và vận chuyển gỗ lậu tại huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk. Hoạt động trái phép này thường diễn ra ban đêm, ở gần trụ sở một trạm kiểm lâm địa phương, nhưng lực lượng chức năng không hay biết.

Khi bị phóng viên chất vấn, thì những quan chức có trách nhiệm vẫn khẳng định, không có chuyện khai thác gỗ lậu kể từ khi có lệnh đóng cửa rừng. Còn nhớ, hơn 1 năm trước, Thủ tướng Chính phủ đã tuyên bố đóng cửa rừng tự nhiên, nghiêm cấm phá rừng lấy đất trồng cây công nghiệp do tình trạng phá rừng ở Tây Nguyên ở mức độ nghiêm trọng.

Hậu quả của cơn bão số 2
Vụ chìm tàu VTB 26, báo Thanh Niên cho biết, đến 6h sáng ngày 19/7 vẫn còn 4 người mất tích. Tàu VTB 26 bị chìm hôm 17/7 tại vùng biển Nghệ An, trong số 13 thuyền viên của tàu, có 7 người đã được cứu sống, 2 người tử vong và 4 người mất tích. Nhưng báo Tuổi Trẻ, cho hay, lúc sáng hôm qua, lực lượng cứu hộ đã tìm thấy thi thể 1 trong 4 nạn nhân mất tích.

Còn ở Yên Bái, đã có 2 người mất tích do mưa lũ, thiệt hại ước tính khoảng 40 tỷ đồng. Trong khi đó tại Hà Nội, thì “người dân khốn khổ sống cảnh ngập lụt trong nước thải hôi thối” sau bão số 2.


Mời xem clip, Hà Nội “hễ mưa là ngập”: https://www.youtube.com/watch?v=Ex-DLIc-ggY

Hà nội: càng đổ tiền, nước càng ngập
Báo Diễn đàn Doanh nghiệp có bài: Hà nội: Tiền đổ xuống, nước dềnh lên. Bài viết nói về tình trạng ngập lụt triền miên ở Hà Nội mỗi khi có mưa, mặc dù chính quyền đã đầu tư hàng chục ngàn tỷ vào nhiều dự án thoát nước.

Theo thông tin trong bài, một chuyên gia đã từng cảnh báo: “Nếu không có một quy hoạch tổng thể thoát nước mới, một bản quy hoạch đủ thông minh ứng phó với tiến trình phát triển đô thị mới và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu thì dù có bỏ ra bao nhiêu tiền đi chăng nữa, Hà Nội vẫn sẽ ‘càng chống càng ngập’.

Cập nhật thông tin sự kiện Đồng Tâm
Nhà báo Nguyễn Đình Ấm có bài viết trên trang Việt Nam Thời Báo với tiêu đề Về Đồng Tâm: Vui và lo. Tác giả viết: “Có dấu hiệu người Trung Quốc quan tâm tới mảnh đất này: Nhiều người kể với chúng tôi, thời gian qua thường gặp người lạ đi ô tô đến xuống ngắm nghía, vốc đất lên xem rồi gọi thoại bằng tiếng Trung Quốc… Khi hỏi đến làm gì họ lẳng lặng lên ô tô đi”.

Một bài viết khác cùng tác giả: Về Đồng Tâm: 59 ha đất Đồng Sênh hay tinh thần thượng tôn pháp luật (VNTB). Tác giả đặt câu hỏi: “Trong cuộc tranh chấp khu đồng Sênh, chính quyền Hà Nội ra văn bản bồi thường tái định cư cho những hộ ở Đồng Sênh rồi lại xoá, trong tranh luận thì hạn chế dân dự, trình bày phân tích. Thanh tra Hà Nội lại thanh tra chính quyền Hà Nội, tự mình đứng ở ‘cửa trên’… thì có khách quan ‘thượng tôn pháp luật’ không?

Vụ tàu vỏ thép đóng theo ‘Nghị định 67’ bị hư hỏng
Phóng sự của đài VTC, cho thấy, những con tàu đóng theo nghị định 67 ở Thanh Hóa đang bị hư hại nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn tới chất lượng đánh bắt, thậm chí cả tính mạng của ngư dân: https://www.facebook.com/vtc1tintuc/videos/804117469766517/

Người dân cho biết, những con tàu này được làm bằng vỏ thép kém chất lượng, lớp sơn cũng không đạt yêu cầu, hầm lạnh không đúng thiết kế và đặc biệt máy thủy thì bị thay bằng máy bộ. Việc làm ăn gian dối đã đẩy ngư dân từ Thanh Hóa đến Phú Yên, Bình Định đến nguy cơ phá sản, nợ ngân hàng.

Người dân nói rằng, ngoài chuyện mưu sinh, những con tàu của họ còn mang ý nghĩa bảo vệ chủ quyền biển đảo. Họ yêu cầu cơ quan chức năng nhanh chóng có giải pháp giúp họ ổn định nghề nghiệp và cần khởi tố vụ án, làm rõ trách nhiệm của các bên liên quan.

Khi CSGT thực thi thái quá nhiệm vụ
Về những vụ việc CSGT thi hành công vụ gây nguy hiểm cho những người tham gia giao thông, nhà báo Huy Đức đặt câu hỏi: “Dũng cảm hay phạm tội“.

Clip CSGT ở Bắc Ninh đu xe khách như người nhện: https://www.youtube.com/watch?v=v9SjrYmHixo

Nhà báo Huy Đức nêu thắc mắc: “Tôi không hiểu tại sao đến giờ này, Bộ trưởng bộ Công an chưa đưa ra lệnh cấm CSGT cầm gậy lao ra giữa đường chặn xe hay bám theo những xe bỏ trốn. Hành động này của các CSGT không chỉ nguy hiểm với chính họ mà còn gây nguy hiểm cho dân chúng vì có thể kích động lái xe, khiến họ gây tai nạn“.

Ông cũng đề nghị cơ quan điều tra nên khởi tố một vài trường hợp CSGT lao ra đường hoặc bám theo xe bỏ trốn gây tai nạn theo Điều 20 của BLHS.

Báo Pháp luật TP, Bộ Công an vừa ban hành dự thảo thông tư về quy tắc ứng xử của lực lượng công an nhân dân. Nội dung dự thảo thông tư đưa ra nhiều quy định đối với lực lượng CAND, đặc biệt, công an không được có hành vi, lời nói hạch sách, nhũng nhiễu, thái độ thờ ơ, vô cảm trước yêu cầu hợp pháp của người dân; không gây căng thẳng, bức xúc, dọa nạt người dân; không hẹn gặp người dân giải quyết công việc bên ngoài cơ quan và ngoài giờ làm việc.

Vàng đen rớt giá nhưng vẫn còn quý
Trong khi việc huy động vàng 4 số 9 trong dân còn chưa biết kết quả ra sao, thì “Đảng cộng sản và nhà nước Việt Nam đặt trọn niềm tin vào Tập đoàn dầu khí Việt Nam“. Bài trên RFA cho biết, đảng và nhà nước vẫn tin tưởng Tập đòan Dầu khí VN cho dù cơ quan này có những dự án “lỗ khủng”, hay xảy ra những vụ bê bối tham nhũng lớn, cán bộ đang bị tạm giam để điều tra hoặc có người đã bỏ trốn ra nước ngoài như ông Trịnh Xuân Thanh và Vũ Đình Duy, hay cựu Tổng giám đốc Đinh La Thăng bị bay chức ủy viên bộ chính trị và bí thư thành ủy TP. Hồ Chí Minh.

Còn theo thông tin trên Cổng thông tin Chính phủ, thông qua Tổ công tác, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chuyển lời “Động viên PVN đang lúc khó khăn nhất“. Trước đó, ngày 18/7 trang Trí Thức VN có đăng bài “Nhà máy Lọc dầu Dung Quất: Thua lỗ nghìn tỷ, tiếp tục muốn được vay bảo lãnh“.


Tin quốc tế

Pháp: 5 sao còn 3 sao
RFI cho biết: Tổng tham mưu trưởng quân đội Pháp từ chức vì bất đồng với tổng thống. Tổng thống Pháp Macron và Tổng tham mưu trưởng quân đội Pháp, tướng Pierre de Villiers, bất đồng vì chuyện chính phủ Pháp cắt giảm ngân sách. Kết quả là vị Tổng tham mưu trưởng quân đội từ chức.

TT Pháp Macron và tướng 5 sao Pierre de Villiers. Nguồn: RTL

Tổng thống Pháp bổ nhiệm tướng ba sao François Lecointre, làm Tổng tham mưu trưởng quân đội, thay thế tướng năm sao Pierre de Villiers.

Cũng chuyện nước Pháp, RFI có bài: Quyền lực mềm: Ảnh hưởng của Pháp lớn hơn nước Mỹ. Dưới thời TT Donald Trump, Mỹ đã bị nhiều nước qua mặt. Nước Pháp năm nay đang dẫn đầu bảng xếp hạng các nước có ảnh hưởng nhất trên thế giới về quyền lực mềm, vượt qua Mỹ. “Quyền lực mềm có nghĩa là khả năng gây ảnh hưởng và thuyết phục của một quốc gia, của các tác nhân chính trị, kinh tế, văn hóa của nước này, trên phạm vi quốc tế, mà không dùng đến bất kỳ phương tiện quân sự nào“.

Căng thẳng Nga – Mỹ
Reuters đưa tin, Nga sẵn sàng trả đũa sau các cuộc đàm phán với Mỹ kết thúc, mà không đi đến thỏa thuận. Nga tuyên bố hôm qua, rằng họ có quyền trả đũa Mỹ sau cuộc họp ở Washington kết thúc, mà không có một thỏa thuận trả lại hai cơ sở ngoại giao của Nga mà Mỹ đã chiếm giữ, trong lệnh trừng phạt của TT Obama hồi cuối năm ngoái.

VOA dẫn lời Đại sứ John Herbst, thuộc Hội đồng Atlantic: “Thái độ này phù hợp với lối hành xử thông thường của Nga về ngoại giao từ thời Liên Xô cho tới bây giờ. Khi chúng ta bắt và trục xuất bao nhiêu điệp viên Nga, thì lập tức Nga sẽ trục xuất bấy nhiêu nhà ngoại giao Mỹ. Họ không bao giờ nhận lỗi hay thừa nhận hành vi của mình. Khi chúng ta đề ra những bước để đáp lại những hành động trắng trợn của họ, họ luôn đề ra những bước để trả đũa. Đơn giản đó là cách làm việc của họ“.

Các cơ quan tình báo Mỹ nói rằng, hai cơ sở của Nga mà Mỹ đang giữ, đã được sử dụng cho hoạt động tình báo của Nga ở Mỹ, trong khi Nga nói, nó được sử dụng vào mục đích nghỉ dưỡng.

Nhà Trắng đã xác nhận cuộc gặp thứ hai giữa Trump và Putin tại G20. Hôm qua, lên tiếng trên Twitter, Trump viết: “Tin tức giả mạo về bữa ăn tối bí mật với ông Putin là ‘bệnh hoạn’. Tất cả các lãnh đạo G-20 và các phu nhân đều được Thủ tướng Đức mời ăn tối. Báo chí biết rõ điều đó!

Trước đó có tin TT Trump có cuộc họp bí mật khác với TT Nga Putin khoảng 1 tiếng đồng hồ. Tin này do nhà khoa học chính trị Mỹ, ông Ian Bremmer, Chủ tịch hãng Eurasia Group đưa ra. Nhà Trắng lên tiếng bác bỏ: “Không có cuộc họp thứ hai nào giữa Tổng thống Trump và Tổng thống Putin, mà chỉ có một cuộc trò chuyện ngắn vào cuối bữa ăn tối“.

Mỹ đang làm cho Trung Quốc “vĩ đại trở lại”
Nhân dân Nhật báo có bài xã luận: Sự trục trặc của hệ thống Mỹ đang làm cho Trung Quốc ‘vĩ đại trở lại‘. Nhại khẩu hiệu mà Trump sử dụng “Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại” (thật ra khẩu hiệu này của TT Ronald Reagan sử dụng hồi năm 1980), bài xã luận của 2 tác giả Trung Quốc nói rằng, Mỹ đang làm cho TQ ‘vĩ đại trở lại’. Tác giả viết: “Không chỉ đất nước bị đẩy vào tình trạng hỗn loạn chính trị, mà quốc gia này còn bị chia rẽ sâu sắc hơn bao giờ hết“.

Kết thúc bài, tác giả viết: “Hãy nghĩ tới điều mà bạn muốn ở hệ thống chính trị hợp tác đa đảng của TQ và tham vấn chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc, nhưng Trung Quốc có thể đạt được rất nhiều điều trong một thời gian ngắn qua một hệ thống đối lập. Trung Quốc hiện đại, thịnh vượng và mạnh mẽ hôm nay là sản phẩm của hiệu quả và hiệu quả, và Trung Quốc của ngày mai có thể sẽ chịu được cùng một hệ thống. Có lẽ Hoa Kỳ có thể học được vài điều từ mô hình Trung Quốc“.

Nếu mô hình chính trị của TQ là tốt, vì sao dân TQ lại tìm mọi cách qua Mỹ sinh sống? Mỗi năm, có hàng ngàn trường hợp “du lịch sinh con”, của những phụ nữ mang thai người TQ đến Mỹ. Những người này phải chi từ 20.000-80.000 Mỹ kim/ mỗi người, du lịch tới Mỹ sinh con, để đứa con sinh ra được mang quốc tịch Mỹ, khi đến tuổi trưởng thành, đứa con sẽ bảo lãnh cha mẹ qua Mỹ. Mặc dù bị trừng phạt, nhưng “du lịch sinh con” vẫn không giảm, vì người TQ cho rằng, Mỹ là vùng đất hứa để sống.

*
*
Bài Mới Nhất






No comments:

Post a Comment

View My Stats