Sunday, 16 July 2017

BẢN TIN NGÀY 17/7/2017 (Báo Tiếng Dân)





Tin trong nước

Tin biển Đông
Trang Asean Today có bài: Nước đòi chủ quyền thầm lặng ở Biển Đông. Bài viết nói về Brunei, một trong 6 nước có tranh chấp trên Biển Đông nhưng nước này thường im hơi, lặng tiếng. Năm 2009, Malaysia và Brunei ký một thỏa thuận hợp tác thăm dò và khai thác dầu khí, sau thỏa thuận đó, Brunei rất ít lên tiếng hay có hành động để khẳng định chủ quyền mà họ tranh chấp. Brunei cũng không duy trì sự hiện diện quân sự trong khu vực tranh chấp.
Bài viết cho biết, lý do của sự im lặng này là vì Brunei phụ thuộc vào TQ quá nhiều, không muốn chọc giận TQ. Tài nguyên dầu của của Brunei chiếm 60% GDP và 95% xuất khẩu, giá dầu thô rớt khiến cho Brunei tìm đến sự giúp đỡ của TQ để đa dạng hóa nền kinh tế.

CLB bóng đá No-U bị cản trở
Facebook No-U-FC cho biết, hôm qua Chủ Nhật 16/7, như thường lệ CLB bóng đá No-U FC ra sân. Trận đấu diễn ra được hơn 30 phút thì chủ sân lại ra đòi sân, trả lại tiền. Chủ sân cho biết, công an nói với ông rằng, đội bóng này làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh chính trị.

Mời độc giả xem clip tranh cãi giữa No-U và chủ sân: https://www.facebook.com/xoaduongluoibobaovetoquoc/videos/1633847119979171/


Ở trong nước, nhà cầm quyền cản trở các hoạt động của người dân thể hiện sự quan tâm tới chủ quyền biển đảo, nhưng họ lại ra nước ngoài thực hiện các hoạt động mà họ gọi là khơi dậy lòng yêu nước của kiều bào hải ngoại. VOV có bài: Hoàng Sa, Trường Sa thiêng liêng trong trái tim người Việt tại Séc.

VOV cho biết, Đại sứ quán Việt Nam ở Séc, cùng với Bộ 4T đã tổ chức triển lãm ảnh và tư liệu về biển, đảo của Việt Nam tại thủ đô Praha từ ngày 12-14/7. Bài báo viết: “Ngoài ý nghĩa quảng bá hình ảnh đất nước, triển lãm còn giúp làm sống lại, hun đúc thêm tình yêu của người Việt tại Séc đối với biển, đảo Tổ quốc, trong đó có Quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa“.

Ông tướng về hưu hay ông trời con?
Một video dài hơn 3 tiếng, lan truyền trên mạng, cho biết, người đàn ông lớn tiếng quát nạt một CSGT đang làm nhiệm vụ, chính là Trung tướng Võ Văn Liêm, cựu Phó chính uỷ quân khu 9, cựu Phó chủ nhiệm uỷ ban kiểm tra quân uỷ trung ương, Đại biểu Quốc hội khóa 12, thuộc đoàn Vĩnh Long.

Được biết, sự việc diễn ra ngày 14/07/2017, trên đường Võ Văn Kiệt, TP Cần Thơ. Chiếc xe chở Trung tướng Liêm vi phạm giao thông, chạy quá tốc độ 81km/h, so với tốc độ cho phép là 70km/h. Khi bị cảnh sát giao thông chặn lại, ông Liêm đã rút thẻ ngành ra khoe, rồi chửi bới, sỉ nhục, đe doạ viên CSGT.

Ông tướng quát: “Mày không có quyền kiểm tra! Mày không đủ tư cách! Đ.M. tao mà chậm một chút nữa mày chết với tao, không kịp họp chiều nay tao cho mày nghỉ việc luôn… Đ.M. cỡ Giám đốc mày tao cũng cách chức được nè, tao cho mày biết vậy đó. Đ.M. cỡ mày là mày không trốn khỏi trong an toàn. Mày không có đi con đường nào đâu“. Kính mời bà con xem:  https://www.facebook.com/150212572209705/videos/156739908223638/

Báo Một Thế Giới có bài: Tướng về hưu nhục mạ cảnh sát giao thông. Bài báo cho biết, chiếc xe chở tướng Liêm mang biển số 64A – 027.78, đi từ hướng sân bay Cần Thơ về nội ô Cần Thơ, chạy quá tốc độ. Người chặn xe này là Trung úy Nguyễn Văn Thành, đã bị ông tướng chửi bới, nhục mạ.


Bà Phó Chủ tịch quận hay bà Phó Đoan?
Trịch thượng, coi thường luật pháp và hành xử kém văn hóa của những “công bộc” của dân, đã và đang diễn ra khắp nơi trên cả nước.
Chuyện bà Lê Mai Trang, Phó Chủ tịch quận Thanh Xuân, hống hách với dân, hành xử trịch thượng, đã làm nóng các diễn đàn mạng mấy ngày qua. Khi bị người dân nhắc nhở vì đậu xe sai quy định, để ra oai, bà phó chủ tịch đã gọi điện điều động Chủ tịch UBND phường Thanh Xuân Bắc và Trưởng Công an phường này ra giữ xe cho bà ăn bún.
Hãy nghe chị Đinh Hải Lý, một trong những người nhắc nhở bà Trang về chuyện đậu xe, kể lại câu chuyện: https://www.youtube.com/watch?v=CBk1qjV4xsw

Khi bị người dân lên tiếng, đưa sự việc lên mạng và yêu cầu xin lỗi dân, bà Trang nói: “Họ có ý đồ khi bêu xấu tôi”. Trả lời phỏng vấn báo Zing, bà nói: “Việc này không chỉ ảnh hưởng đến danh dự của tôi mà còn ảnh hưởng đến hình ảnh của UBND quận Thanh Xuân. Bởi tôi đang giữ chức vụ phó chủ tịch quận“. Ối, nghe giọng bà sao giống cái giọng của bà Phó Đoan thế? Vừa hiếp dân, vừa la làng!

Tàn phá môi trường
Chuyện Bộ TN-MT cấp phép cho nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 1 nhấn chìm 1 triệu m3 chất thải xuống vùng biển Bình Thuận, thông tin trên VTC14 cho biết, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói sẽ Dừng nhận chìm nếu vùng biển có hệ sinh thái đặc hữu.

Clip của VTC14:

Ông Hà khẳng định, “doanh nghiệp được cấp phép nhận chìm, không có nghĩa là được triển khai ngay. Hiện tại, lực lượng chức năng bắt đầu tiến hành khảo sát vùng biển cấp phép, theo dõi, giám sát, đối chiếu, nếu kết quả cho thấy vùng được cấp phép có hệ sinh thái đặc hữu, sẽ không cấp phép nhận chìm và lập tức cho dừng hoạt động này“.

Qua phát biểu này, có thể thấy rõ sự ngụy biện của Bộ trưởng Trần Hồng Hà, đó là: cấp phép trước, khảo sát, đánh giá sau.

Bài trên báo Tuổi Trẻ, nói về khẳng định của mấy ông quan ở Bộ TN-MT: ‘Phát hiện bất thường sẽ dừng nhận chìm vật chất ngay’. Nhạc sĩ Tuấn Khanh vừa mặc cái áo thun, có hình vẽ “phần chìm vật chất“: http://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2017/07/H1-240.jpg   

ũng chuyện tàn phá môi trường, một video clip từ trang Hoàng Sa Club cho thấy sự đụng độ giữa người dân và công an. Được biết, sự việc xảy ra tại Nhà máy xi măng Hồng Phong, huyện Cao Lộc, Tỉnh Lạng Sơn, nhà máy này đã gây ô nhiễm, sau khi đàm phán để đền bù với người dân không xong, họ thuê CA, côn đồ đến để “giải quyết”: https://www.facebook.com/hoangsaclb/videos/751064141732369/

Cập nhật thông tin Đồng Tâm
Nhà hoạt động Nguyễn Anh Tuấn có đăng tải 3 clip phỏng vấn cụ Lê Đình Kình trên Facebook. Clip đầu, cụ Kình lên tiếng phản bác Dự thảo Kết luận Thanh tra đất đai Đông Tâm: “Điểm mấu chốt trong tranh chấp hiện nay là diện tích thực sự của dự án sân bay Miếu Môn, khi UBND Hà Nội cho rằng lên đến 236,9 ha còn dân Đồng Tâm nói chỉ 208 ha. Phần chênh lệch 28,9 ha này không hề nhỏ, và phía UBND Hà Nội đã có lý giải của họ trong dự thảo kết luận thanh tra, còn đây là phản bác từ phía Đồng Tâm”.


Trong clip thứ 2, cụ Kình nói việc truy tố 14 cán bộ xã Đồng Tâm và huyện Mỹ Đức. Anh Tuấn cho biết: “Việc truy tố tạo cảm giác chính quyền Hà Nội đang thực hiện theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Phúc là phải ‘xử quan trước khi xử dân’ trong vụ Đồng Tâm. Tuy nhiên, liệu việc truy tố nói trên có liên quan đến tranh chấp chính giữa dân làng Đồng Tâm và chính quyền Hà Nội hiện nay không?


Clip thứ 3, cụ Lê Đình Kình cho biết nguyện vọng của mình và của người dân Đồng Tâm như sau: “Minh bạch đất nào của quân đội, đất nào của dân một cách rõ ràng và có căn cứ. Của dân thì trả lại cho dân, rồi sau đó nếu muốn thu hồi thì phải thương thảo, bàn bạc với dân“:


Blogger Nguyễn Anh Tuấn đặt câu hỏi: “Cùng chờ xem chính quyền Hà Nội hồi đáp lại nguyện vọng này thế nào?

Dân oan ủng hộ bà Trần Thị Nga
Rất nhiều dân oan Dương Nội và Bắc Ninh đã họp mặt hôm qua, tại Hà Nội, lên tiếng ủng hộ bà Trần Thúy Nga, một người tranh đấu cho dân oan, sẽ ra tòa ngày 25/7 và 26/7 sắp tới. Buổi họp mặt do anh Trịnh Bá Phương (con trai của bà Cấn Thị Thêu, một thủ lĩnh dân oan đang ở tù), tổ chức: https://www.facebook.com/trinhbaphuong.trinhba/videos/1887128268215534/

Quốc hội 5 phút
Về chuyện cấm cản báo chí tham dự phiên họp của UBTV Quốc hội, báo Tuổi Trẻ đặt câu hỏi: Không công khai làm sao giám sát? Bài báo nhắc lại, hồi tháng 4 năm ngoái, “Quốc hội đã thông qua Luật tiếp cận thông tin. Đạo luật này có ý nghĩa quan trọng trong việc phát huy dân chủ, tạo thuận lợi cho việc thực hiện vai trò giám sát của tổ chức, cá nhân và các cơ quan chức năng đối với các cơ quan nhà nước, tăng cường tính minh bạch và trách nhiệm giải trình của các cơ quan nhà nước“.

Hầu hết các phiên họp của thường vụ Quốc hội bàn về những vấn đề thuộc diện thông tin phải công khai theo quy định của Luật tiếp cận thông tin. Vì sao báo chí chỉ được dự có 5 phút đầu phiên họp?

Hà Nội không có anh tài
Sau khi treo thưởng số tiền 300.000 USD để tìm giải pháp chống ùn tắc giao thông mà không có người nào, Hà Nội lại tiếp tục muốn đổi giờ học, giờ làm để “giải cứu” giao thông.

Báo Tiếng Dân xin được hiến kế cho lãnh đạo Hà Nội, đảm bảo “toàn thắng ắt về ta”: Thay lãnh đạo hiện nay, bầu  chọn lãnh đạo mới theo phương thức tranh cử tự do, công khai và minh bạch, thì sẽ giải quyết được vấn đề này và nhiều vấn đề khác nữa.

Nghề … săn cào cào
Một video clip của đài VTC14, cho thấy, có một nghề mới ra đời ở huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh, đó là nghề săn…cào cào. Thông tin từ clip này cho biết, nghề săn cào có thu nhập đến cả triệu đồng/ngày. Mời quý độc giả xem clip: https://www.facebook.com/kenhvtc14/videos/1301584609970528/

Nếu đúng như thế này thì người dân Hà Tĩnh không còn phải lo đói nghèo nữa rồi. Formosa có tàn phá hết môi trường biển, dân không đánh bắt cá được thì leo lên bờ bắt cào cào! À mà nếu một ngày nào đó cào cào hết sạch thì sao? Hay là phát động chiến dịch nuôi cào cào?!

Thên thông tin vụ Việt Nam nhận lại người Việt từ Mỹ
VOA cho biết, sau tuyên bố chung về việc nhận lại số người Việt bị trục xuất giữa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Donald Trump tại Nhà Trắng hồi tháng 5 vừa qua, cuộc họp đầu tiên của nhóm thực hiện chương trình này đã diễn ra.

Được biết, theo thỏa thuận giữa 2 nước hồi năm 2008, những người nằm trong danh sách bị trục xuất là công dân VN, không phải công dân Mỹ hay công dân của bất kỳ nước nào khác, những người đã từng sống ở VN, hiện không được nước thứ ba nhận, những người vi phạm luật pháp Mỹ, đã bị cơ quan thẩm quyền ra lệnh trục xuất và đã mãn hạn tù vì phạm tội hình sự.

Theo thỏa thuận năm 2008, Việt Nam chỉ nhận những người qua Mỹ sau ngày 12-7-1995, tức là ngày Việt Nam Mỹ chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao. Mời đọc thêm: Mỹ và Việt Nam bàn việc nhận lại người Việt bị trục xuất (NV).

Tin quốc tế

Dưới thời Trump, uy tín của Mỹ đi xuống, Trung Quốc đi lên
Bài điểm báo của RFI: Trung Quốc có thể làm bá chủ thế giới? Bài viết cho thấy, nước Mỹ dưới thời TT Trump đang thu mình, qua việc từ bỏ Hiệp định xuyên Thái Bình Dương (TPP), rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu… đã trao quả bóng vào tay Trung Quốc, giúp TQ nổi lên thành một nước có vẻ đáng tin và biết điều hơn.

Cây bút Thomas L. Friedman, chuyên viết cho mục xã luận báo NYT, nhận xét: “Trump không phải là nhà thương lượng tài ba, mà là một người vô tích sự đã làm giảm sút ảnh hưởng Mỹ tại khu vực này, giúp cho Trung Quốc tìm lại sức mạnh. Nay ông Trump cố gắng một mình một ngựa điều đình với Bắc Kinh việc mở cửa cho thương mại, thay vì với tư cách nước đứng đầu cả một khối 12 quốc gia dựa trên các giá trị Mỹ, và chiếm đến 40% trọng lượng kinh tế thế giới. Khó thể tưởng tượng ra điều gì ngu ngốc hơn“.

Cái chết của ông Lưu Hiểu Ba: TQ và VN kiểm duyệt tư tưởng người dân
Qua cái chết của nhà bất đồng chính kiến Lưu Hiểu Ba, có thể thấy chính quyền TQ và Việt Nam vẫn luôn tìm cách kiểm soát tư tưởng người dân, nhưng dường như họ đã thất bại.
Báo Tuổi Trẻ có bài: Dân Trung Quốc vượt kiểm duyệt tưởng niệm Lưu Hiểu Ba. Bài báo cho biết, nhiều người TQ yêu mến ông Lưu Hiểu Ba, đã nghĩ ra nhiều cách khác nhau để tưởng niệm ông, đôi khi chỉ đơn giản như ghi năm sinh và năm mất của ông (1955-2017), hoặc để chiếc ghế trống như Ủy ban giải thưởng Nobel Hòa bình đã vinh danh ông trong lễ trao giải năm 2010.

Nhiều người đã tìm cách vượt tường lửa, đăng tải hình ảnh của ông Lưu Hiểu Ba trên mạng, dĩ nhiên những bức ảnh đó bị xóa. Để tránh kiểm duyệt, nhiều cư dân mạng đã đăng hình vẽ minh họa vợ chồng ông Lưu Hiểu Ba nhưng không có khuôn mặt, để các công cụ trên mạng không thể nhận diện gương mặt hai người mà tự động xóa, như hình ảnh dưới đây của họa sĩ Badiucao, vẽ vợ chồng ông: http://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2017/07/H2.jpg

Nhưng mà chính phủ TQ chỉ có thể gây cản trở người dân ở Hoa lục tưởng niệm ông Lưu Hiểu Ba, họ không thể ngăn chặn người dân Hồng Kông tưởng nhớ ông. Hãng tin AP đăng tải video clip cho thấy, hàng ngàn người dân Hồng Kông xuống đuờng tối thứ Bảy vừa qua, tay cầm những ngọn nến, tưởng nhớ nhà bất đồng chính kiến Lưu Hiểu Ba: https://www.youtube.com/watch?v=S_by44ChjA0

Các nhà hoạt động nhân quyền ở Việt Nam cũng đã tổ chức một buổi tưởng niệm ông Lưu Hiểu Ba hôm qua. BBC đưa tin, một buổi lễ tưởng niệm đã được tổ chức tại nhà riêng của GS Tương Lai, cựu Viện trưởng Viện Xã hội học VN, với sự tham dự của các nhân sỹ, trí thức ở Sài Gòn và Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng.

Tương tự như TQ, chính quyền CSVN cũng đang tìm cách kiểm soát tư tưởng người dân, bằng cách cản trở, gây khó dễ và thậm chí hành hung những người tham gia tưởng niệm ông Lưu Hiểu Ba. Facebooker Sương Quỳnh cho biết, chị đã bị những người công an mặc thường phục hành hung, khi từ chỗ tưởng niệm lái xe về nhà: “Họ đạp tôi ngã xuống xe, lập tức tôi la lên là ‘Cướp xe! Cướp xe! Nhưng cũng phải đến 5-6 người xông vào đánh tôi, đánh liên tục, đấm đá vào vai, vào lưng, vào tay tôi, đạp vào chân tôi. Tay tôi đang bị xước…”

Clip Facebooker Sương Quỳnh kể lại vụ hành hung xảy ra đêm qua, như sau:


Trung Quốc: Nhà hoạt động nhân quyền nổi tiếng được thả
VOA đưa tin, ông Hứa Chí Vĩnh, nhà hoạt động nhân quyền nổi tiếng ở TQ đã mãn án 4 năm tù và được trả tự do ngày 15/7. Ông Vĩnh đã bị kết án năm 2014 vì tội tổ chức một “cuộc tụ tập bất hợp pháp nhằm mục đích gây rối trật tự công cộng“.






No comments:

Post a Comment

View My Stats