Saturday, 21 December 2024

XÓA SỔ VỊNH CÁT BÀ : XU HƯỚNG PHÁT TRIỂN BẤT CHẤP Ở VIỆT NAM (Trung Khang  |  Blog RFA)

 



Xóa sổ vịnh Cát Bà: xu hướng phát triển bất chấp ở Việt Nam

Trung Khang  |  Blog RFA
2024.12.20

 https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/cat-ba-lap-bien-moi-truong-12202024140047.html

 

Quần đảo Cát Bà với hệ thống gồm khoảng 358 đảo đá vôi lớn nhỏ, vào ngày 16/9/2023 đã được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới. Trước đó, đảo Cát Bà cũng được mệnh danh là tấm thảm xanh khổng lồ khi được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới.

 

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/cat-ba-lap-bien-moi-truong-12202024140047.html/@@images/05e67714-6c47-489d-b7a1-e660ff4a2e63.jpeg

Ảnh vệ tin chụp hôm 1/12/2024 cho thấy vịnh Cát Bà bị san lấp gần hết.  (Photo: Planet)

 

Vịnh Cát Bà biến mất

 

Tuy nhiên hiện tấm thảm xanh này đã không còn toàn vẹn nữa. Hình ảnh vệ tin Planet mà RFA thu thập được cho thấy vịnh Cát Bà, hay còn được gọi là vịnh trung tâm của quần đảo này đã được thay bằng nền cát trắng.

 

Việc san lấp này nhằm thực hiện dự án khu du lịch, dịch vụ thương mại vịnh trung tâm Cát Bà (Hải Phòng) của Tập đoàn Sun Group, có quy mô hơn 45,7ha với tổng mức đầu tư 12.495 tỉ đồng được khởi công từ ngày 16/8/2024.

 

Dự án này được kỳ vọng sẽ đa dạng các sản phẩm du lịch, các dịch vụ bổ trợ, dịch vụ vui chơi giải trí cao cấp, trung tâm thương mại, khu mua sắm, hội nghị… nhằm hấp dẫn du khách du lịch đến với quần đảo Cát Bà.

 

Theo đại diện Tập đoàn Sun Group, Khu du lịch, dịch vụ thương mại Vịnh trung tâm Cát Bà là một dự án xanh toàn diện, thân thiện môi trường… Tuy nhiên vị này lại không đề cập việc san lấp hủy hoại môi trường như thế nào.

 

Người dân Cát Bà nói gì?

 

Một người kinh doanh dịch vụ nhà nghỉ ở vịnh Cát Bà, nói với RFA:

 

“Mình nhìn về mảng kinh doanh, mình thấy những thắng cảnh du lịch nên giữ gìn. Ví dụ như hiện tại mình thấy có một số nguồn tin bảo sắp tới sẽ tiếp tục có xâm lấn các thứ ở ngoài vịnh Lan Hạ, để làm những dịch vụ riêng tư, để thu hút khách. Cái đấy thì mình nghĩ nên giữ nguyên hiện trạng như vịnh Lan Hạ hiện nay thì tốt hơn. Hiện tại thành phố muốn phát triển thì mình cũng không can thiệp được.”

 

Theo người này, viêc kinh doanh của ông hiện chưa bị ảnh hưởng gì kể từ khi san lấp vịnh Cát Bà. “Bây giờ là mùa đông nên hiện tại cũng chưa có gì thay đổi, lượng khách vẫn ra đều.” – Ông này nói thêm

 

Một người dân Cát Bà khác không muốn nêu tên vì lý do an toàn, kinh doanh cho khách du lịch thuê xe máy, xe đạp, khi trả lời RFA cho biết, hiện chưa thể đánh giá tác động tiêu cực khi vịnh Cát Bà bị san lấp:

“Phải đến mùa hè sang năm thì mới biết được là nó ảnh hưởng khách đến như thế nào? Bởi vì bây giờ mùa đông, khách Tây booking đặt hết rồi, thì họ cứ đi thôi, chứ không ảnh hưởng nhiều.”

Bà này cho biết việc san lấp vịnh Cát Bà đã xong, đã có mặt bằng để xây dựng. “Nói chung cũng chưa ảnh hưởng gì đến cuộc sống của người dân và chưa có gì là quan ngại cả. Vịnh Lan Hạ nằm ở một phía khác, còn vịnh trung tâm nằm ở một nơi khác, không ảnh hưởng gì lớn. Cát Bà chủ yếu là rừng quốc gia và vịnh Lan Hạ, nhưng hai phần đấy không ảnh hưởng gì.” – Bà nói thêm.

Một người từ địa phương khác đến Cát Bà làm việc trong ngành du lịch nói với RFA:

“Hiện nay việc sang lấp mặt bằng thì thấy khách vẫn đến bình thường, em cũng là dân tứ xứ đến đây làm việc. Thật ra cũng có hai mặt của nó, phát triển thì người dân ở đây sẽ có cơ hội mở rộng hơn. Đây không phải là vùng lõi của khu bảo tồn thiên nhiên thế giới, nên em nghĩ cũng không ảnh hưởng gì. Còn những người dân sinh sống ở đây ở đã quá quen những cảnh quan khu vực trước rồi, bây giờ vì thói quen thay đổi để phát triển, thì một số người phản đối, bảo là hại cảnh quan môi trường.”

Theo bà này, nhà nước cần phải kiểm tra, điều tra nghiên cứu làm sao không ảnh hưởng vùng lõi của di sản thiên nhiên thế giới. Nếu không người dân sẽ phản đối.

Trong khi đó, trên mạng xã hội lúc việc san lấp vịnh Cát Bà hoàn thành vào thời điểm đầu tháng 12/2024, một số người tỏ ý bất ngờ, không tin nổi vịnh của đảo Cát Bà đã bị lấp, và nêu câu hỏi rằng “đời nay xâm lấn thiên nhiên để kinh doanh, thì liệu đời sau còn lại gì?”

 

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/cat-ba-lap-bien-moi-truong-12202024140047.html/vinh-cat-ba-700.jpg/@@images/ecff3bba-b843-415f-889f-0561092b7dd1.jpeg

Vịnh Cát Bà trước đây. Courtesy haiphong.gov.vn

----------------

Vịnh Hạ Long trước nguy cơ bị loại khỏi danh sách di sản thiên nhiên thế giới

Dự án Rạch Tràm và vấn nạn phát triển quá mức ở Phú Quốc

Một phát biểu hàm hồ về vụ san lấp vùng đệm Vịnh Hạ Long để xây biệt thự

Phản đối dự án lấp biển ở Lý Sơn

----------------

 

Xu hướng phát triển tận diệt thiên nhiên

 

Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam - ông Jonathan Baker phát biểu sau khi trao chứng nhận Di sản thiên nhiên thế giới cho quần đảo Cát Bà, đã khen ngợi chính quyền địa phương, các tổ chức và người dân đã rất nỗ lực, với sự cam kết cao nhất để phát triển cân bằng và bền vững, thay vì lựa chọn các dự án có lợi ích kinh tế cao nhưng tác động tiêu cực tới di sản.

 

Nhưng chỉ vài tháng sau lời khen ngợi này, vịnh Cát Bà đã bị san lấp.

 

“Điều đang làm thay đổi thiên nhiên ở vịnh Hạ Long và Cát Bà thì tôi cho rằng không đúng. Cần phát triển nhưng luôn luôn phải giữ nguyên trạng thái tự nhiên của nó và tìm cách phát triển theo hướng không thay đổi khung cảnh tự nhiên. Cần phải giám sát kỹ lưỡng thực tế thì mới tránh được những cái làm thay đổi, làm mất cái thiên nhiên, đó là điều Việt Nam cần làm.” - Ông Đặng Hùng Võ, nguyên thứ trưởng Bộ Tài Nguyên Môi Trường nêu ý kiến với RFA.

 

Không chỉ riêng Cát Bà, nhiều năm qua xu hướng lấn biển, phá rừng, tận diệt thiên nhiên để phát triển xảy ra tại nhiều địa phương ở Việt Nam.

 

Điển hình là Dự án khu đô thị 10B nằm ở phường Quang Hanh, thành phố Cẩm Phả, được phê duyệt năm 2021 với tổng diện tích gần 32 ha, tổng vốn đầu tư hơn 1.230 tỷ đồng. Chủ đầu tư là Công ty Đỗ Gia Capital.

 

Dự án này có gần 3,9 ha nằm trong khu vực bảo vệ II (vùng đệm) của di tích quốc gia đặc biệt vịnh Hạ Long, chiếm hơn 12% tổng diện tích dự án. Tuy nhiên theo Luật Di sản văn hóa, việc xây dựng công trình trong khu vực II của di tích quốc gia phải có sự đồng ý bằng văn bản của Bộ trưởng Văn hóa Thể thao và Du lịch.

 

Hay hàng loạt dự án bất động sản lấn biển ở Hải Phòng và Quảng Ninh với quy mô lớn đã được đầu tư xây dựng như Siêu dự án lấn biển khu du lịch Quốc tế Đồi Rồng tại phường Vạn Hương, quận Đồ Sơn, thành phố Hải Phòng; Dự án khu đô thị Halong Marina của BIM Group có tổng diện tích 248ha, nằm giữa Bãi Cháy - Tuần Châu…

 

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/cat-ba-lap-bien-moi-truong-12202024140047.html/cat-ba-5-2024-700.jpg/@@images/289863e4-c4c8-41b2-9c70-b92db43d5e9b.jpeg

Ảnh vệ tinh chụp vào tháng 5 năm 2024 cho thấy vịnh Cát Bà chưa bị san lấp. Photo: Planet.

 

 

Mâu thuẫn giữa phát triển và gìn giữ thiên nhiên

 

Không chỉ vịnh Cát Bà là vịnh đầu tiên bị san lấp, lấn biển ở quần đảo này, vào năm 2011 Vịnh Đồng Hồ - Cát Bà cũng bị san lấp để phục vụ xây dựng dự án khu du lịch và vui chơi giải trí Kinh Thành. Dự án này bao gồm khách sạn 5 sao, sân golf... được xây dựng trên tổng diện tích gần 56.000m2. Dù khi đó dư luận lo ngại dự án sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, đa dạng sinh học.

 

Sau đó vào năm 2012, dự án Khu du lịch sinh thái tại bến Gia Luận, đảo Cát Bà, do Tập đoàn Vinashin đầu tư cũng bị cho là “thành tích chưa thấy, hậu quả... tới liền!”… khi chiếm đất, lấp vịnh, phá núi... Nhiều chuyên gia khi đó cho rằng “Thành công trong thu hút đầu tư phát triển du lịch sinh thái, biển đảo tại Cát Bà chưa thấy đâu, nhưng hậu quả tàn phá môi trường, làm biến dạng cảnh quan và đời sống người dân thì đã thấy rõ.”

 

Tiến sĩ Lê Anh Tuấn – Viện Nghiên Cứu Biến Đổi Khí Hậu, Đại Học Cần Thơ nhận định với RFA:

 

“Bao giờ cũng có chuyện đánh đổi, nhưng mình phải coi chuyện đánh đổi đó có đáng hay không? Thật ra trên thế giới cũng có rất nhiều nơi lấn biển trong điều kiện đất đai ngày càng ít dần, trong khi kinh tế biển phát triển lên. Nhưng khi lấn biển thế nào cũng có vấn đề về mặt môi trường, đa dạng sinh học, hệ sinh thái ở đó. Cái này cũng giống như ở ĐBSCL, ở vùng Rạch Giá, người ta cũng lấn biển như vậy, làm mất đi một số rừng ngập mặn và điều kiện sinh sản của tôm cá gần bờ biển.”

 

Đối với quần đảo Cát Bà, Tiến sĩ Lê Anh Tuấn cho rằng phải có đề án để đánh giá lợi hại, ảnh hưởng trước mắt, ảnh hưởng lâu dài ở Cát Bà. Vì một khi di sản thiên nhiên mất đi rồi, thì rất khó phục hồi. “Nếu cho tôi quyền quyết định, thì tôi không ủng hộ việc lấn biển để phát triển.” - Tiến sĩ Lê Anh Tuấn nói.

 

Còn theo Ông Đặng Hùng Võ, việc phát triển đảo Cát Bà về nguyên tắc là phát triển du lịch nhưng phải giữ ý nghĩa du lịch sinh thái phù hợp với khu vực này, để nguyên khung cảnh thiên nhiên thì tốt hơn. Trong quá trình phát triển, ở Việt Nam hay tìm cách tiếp cận sửa lại thiên nhiên, đào bới lên… “Điều này tôi đã chứng kiến như ở Phú Quốc chẳng hạn, một nơi hoang dã thiên nhiên rất quý, nhưng đến bây giờ đã bị xây dựng rất nhiều thứ, làm mất đi những cái quý giá của thiên nhiên.” – Ông Võ nói.

 

Ông Michael van de Watering – Chuyên gia của Tập đoàn Tư vấn Toàn cầu về các công trình thích ứng biến đổi khí hậu, lấn biển Royal Haskoning – DHV vào ngày 16/12/2024 đưa ra khuyến cáo cho rằng Cát Bà phải cân bằng giữa kinh tế và môi trường.

 

Ngoài ra theo Ông Michael, Cát Bà phải “quy hoạch không gian biển” hài hòa, liên kết chặt chẽ với hệ sinh thái tự nhiên, khu bảo tồn, phải vạch rõ các khu vực cần bảo vệ, có nguy cơ bị ảnh hưởng. Cách tiếp cận này theo Ông Michael, không chỉ giúp quản lý tài nguyên hiệu quả mà còn ngăn chặn tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu.

 

--------------------

Tin, bài liên quan

Thời Sự

 

Giải pháp nào cho Việt Nam trong việc bảo tồn tài nguyên thiên nhiên?

Rừng Việt Nam tiếp tục bị tàn phá với tốc độ nhanh

Việt Nam có còn tiềm lực để đánh thức không?

Cáp treo Sơn Đoòng ảnh hướng thế nào tới thiên nhiên?

Xã hội dân sự: Cuộc triển lãm “thiên nhiên trong tôi”

 






No comments:

Post a Comment

View My Stats