Trung Quốc, một xã hội 4
thiếu và 5 thất vọng
Trúc Phương / Người Việt
December
26, 2024 : 5:02 PM
https://www.nguoi-viet.com/binh-luan/trung-quoc-mot-xa-hoi-4-thieu-va-5-that-vong/
Người
dân Trung Quốc sẽ không có một cái Tết hứng khởi trong năm nay với những gì
đang diễn ra. Kinh tế cực kỳ bế tắc, công nhân bị hoãn lương, thanh niên thất
nghiệp tràn lan, xã hội có chiều hướng hỗn loạn…
https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2024/12/A1-Trung-Quoc-xa-hoi-thieu-1536x1024.jpg
Năm
2024, Trung Quốc đào tạo ra 11.8 triệu sinh viên tốt nghiệp từ các trường đại học
và cao đẳng nghề nhưng không đủ việc làm cho họ. Trong hình, sinh viên tốt nghiệp
đại học tham dự hội chợ việc làm tại Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, miền Trung Trung Quốc
vào ngày 10 Tháng Tám, 2023. (Hình minh họa: STR/AFP via Getty Images)
Trên
các phương tiện truyền thông, giới chức Trung Quốc liên tục trấn an dư luận rằng
người dân khó khăn sẽ được trợ giúp, lãi suất sẽ giảm, thị trường chứng khoán sẽ
ổn định, bất động sản không còn đóng băng… Tuy nhiên, chính phủ Bắc Kinh tiếp tục
lúng túng trong việc thực hiện.
Không
khí ảm đạm những ngày cuối năm
Số
liệu do Cơ Quan Thống Kê Quốc Gia Trung Quốc công bố ngày 9 Tháng Mười Hai cho
biết tăng trưởng doanh số bán lẻ tại Trung Quốc đã giảm mạnh vào Tháng Mười Một
– chỉ tăng 3% so với cùng kỳ năm trước so với mức tăng 4.8% của Tháng Mười. Đầu
tư bất động sản giảm 10.4% từ Tháng Giêng đến Tháng Mười Một, so với 11 tháng
cùng kỳ năm 2023.
Từ
cuối Tháng Chín, chính quyền Trung Quốc đã tăng cường hỗ trợ chính sách cho hoạt
động kinh tế trong bối cảnh tăng trưởng chậm và căng thẳng xã hội gia tăng. Nhà
nước giảm lãi suất, nới lỏng những hạn chế mua nhà và bơm tiền Ngân Hàng Trung
Ương vào hệ thống tài chính, cũng như phê duyệt chương trình hoán đổi nợ tương
đương khoảng $1,400 tỷ để giảm bớt căng thẳng tài chính cho các chính quyền địa
phương.
Tuy
nhiên, giới kinh tế gia cho rằng liệu Bắc Kinh có thực sự đủ can đảm để thực hiện
loại cải cách toàn diện đối với lương hưu, chăm sóc sức khỏe và hàng loạt khía
cạnh khác liên quan mạng an sinh xã hội mà họ cho là cần thiết để mang lại bước
tiến bền vững cho nền kinh tế tiêu dùng.
Bắc
Kinh cần “làm sạch thị trường bất động sản, sửa chữa hệ thống tài chính, điều
chỉnh hệ thống phúc lợi xã hội và xoa dịu căng thẳng địa chính trị” để đạt được
sự phục hồi vào năm 2025, nhóm kinh tế gia tại Nomura nhận định, theo Wall
Street Journal.
Làn
sóng “trả thù đời”
Trong
bối cảnh đời sống ngày càng khó khăn không lối thoát, xã hội Trung Quốc đang thật
sự bất an. Loạt vụ tấn công bạo lực đã làm rúng động Trung Quốc thời gian gần
đây. Ngày 11 Tháng Mười Một, một người đàn ông ở thành phố Chu Hải, đã phóng xe
bạt mạng, đâm thẳng vào đám đông, khiến 35 người thiệt mạng và 43 người bị
thương. Theo cảnh sát, đương sự “nổi khùng” về cách chia tài sản sau khi ly
hôn.
Năm
ngày sau, tại Vô Tích, thành phố thuộc tỉnh Giang Tô, một cựu sinh viên, quá bất
mãn về đồng lương còm cõi kiếm được sau nhiều năm “sôi kinh nấu sử” trong đại học,
đã đâm chết tám người tại một trường dạy nghề. Rồi ba ngày sau, một tài xế cũng
đâm xe hơi vào những phụ huynh đang chờ đón con tại một trường tiểu học ở Thường
Đức, một thành phố thuộc Hồ Nam.
Chính
phủ Trung Quốc gọi những sự việc như vậy là “cá biệt.” Tuy nhiên, đó là thể hiện
của sự tức giận và căng thẳng bị dồn nén. Trung tuần Tháng Mười Một, Tòa Án
Nhân Dân Tối Cao phải triệu tập một cuộc họp đặc biệt để thảo luận việc duy trì
sự ổn định xã hội. Thay vì tìm cách xoa dịu dư luận, giải pháp giờ đây là trấn
áp. Ông Trương Quân (Zhang Jun), chánh án Tòa Án Nhân Dân Tối Cao Trung Quốc,
nói rằng những hành vi tội ác nghiêm trọng như vậy phải bị trừng trị nghiêm khắc,
để công chúng có thể “thực sự cảm nhận được công bằng và công lý.”
Trong
khi đó, Bộ Tư Pháp kêu gọi các cơ quan tư pháp ở mọi cấp chính quyền phải bảo vệ
sự ổn định xã hội và tăng cường hòa giải những tranh chấp liên quan hôn nhân,
mâu thuẫn xóm giềng, chia chác thừa kế… Ngoài ra, báo chí tuyệt đối hạn chế đưa
tin những cuộc bạo động xã hội hoặc chỉ đưa tin ngắn gọn, không được “thêm bớt”
gì để có thể khiến người dân đặt câu hỏi về khả năng quản lý của chính quyền.
Cách
giải quyết này chỉ nhắm vào phần ngọn. Gốc rễ vấn đề vẫn là mức độ bất mãn đang
tăng do sự thất bại của chính sách điều hành kinh tế. Giá nhà giảm sau cuộc khủng
hoảng thị trường bất động sản đã xóa sổ tiền tiết kiệm cả đời của nhiều người.
Những vụ vỡ nợ của giới kinh doanh bất động sản và xây dựng/đầu tư địa ốc khiến
nhiều người dân đang phải sống trong những căn nhà xây dở dang. Cảnh phá sản của
nhiều hãng sản xuất xảy ra khắp nơi, do tình trạng dư thừa công suất trong khi
nhu cầu thị trường èo uột.
Freedom
House, tổ chức nghiên cứu tại Washington, đã thống kê 937 cuộc biểu tình ở
Trung Quốc trong quý 3, 2024, tăng 27% so với cùng kỳ năm 2023, chủ yếu là do bất
bình về đời sống kinh tế, theo The Economist.
“Tứ
vô ngũ thất”
Giới
trẻ, vốn là nguồn gốc bất ổn xã hội trong lịch sử hiện đại Trung Quốc, đang chịu
nhiều bất công và nghịch lý. Năm 2024, Trung Quốc đào tạo ra 11.8 triệu sinh
viên tốt nghiệp từ các trường đại học và cao đẳng nghề nhưng không đủ việc làm
cho họ. Thế hệ trẻ cho rằng họ đang sống trong “thời kỳ rác rưởi.”
Ông
Bùi Mẫn Hân (Minxin Pei), chuyên gia chính trị học thuộc đại học Claremont
McKenna College, California, nhận xét rằng, chẳng có nhà nước nào giám sát dân
kinh khủng bằng Trung Quốc; tuy vậy, chẳng bộ máy tinh vi nào có thể “biết” trước
được cơn bột phát thịnh nộ dẫn đến hành vi bạo lực.
Bất
luận điều đó, công an Trung Quốc vẫn tăng cường theo dõi người dân. Ngày 21
Tháng Mười Một, ông Vương Tiểu Hồng (Wang Xiaohong), bộ trưởng Bộ Công An, đã
ra lệnh cho bộ máy “công an nhân dân” chuẩn bị cho cái mà ông gọi là “chiến dịch
mùa Đông,” tăng cường thanh tra và tuần tra nhằm “ngăn chặn các sự cố cực
đoan.” Những ngày cuối năm, xe cảnh sát luôn đậu bên ngoài các trường học và
nhà trẻ ở Bắc Kinh. Chính quyền Trung Quốc cũng đang nhắm vào những người thuộc
thành phần “Bốn thiếu và năm thất vọng” (“Tứ vô ngũ thất”).
“Tứ
vô” có nghĩa không vợ/chồng hoặc con cái; không công ăn việc làm đàng hoàng hoặc
có thu nhập ổn định; không giao tiếp xã hội; và không có nhà cửa hoặc xe hơi.
“Ngũ thất” là nỗi thất vọng về chuyện làm ăn thua lỗ; thất vọng về mối quan hệ
không suôn sẻ; thất vọng trước những rào cản cuộc đời; thất vọng trước những bất
an dẫn đến mất cân bằng cảm xúc; và thất vọng chán chường trước tình trạng bệnh
tật không tiền chữa trị hoặc bị trầm cảm triền miên.
Với
chính quyền Trung Quốc, “bọn tứ vô ngũ thất” là đối tượng cần được chú ý nhất
vì đó là nguồn tiềm ẩn gây bất ổn. Ngày 16 Tháng Mười Một, chính quyền Quảng
Đông cho biết họ sẽ sử dụng hệ thống giám sát “lưới chài” để tìm và “vớt” những
kiểu người như vậy. Một số doanh nghiệp đã được yêu cầu cân nhắc kỹ trước khi
sa thải những công nhân có khả năng “khùng điên” gây bất ổn. Chính quyền Nội
Mông cũng chỉ đạo các công ty thực hiện tư vấn tâm lý cho nhân viên.
“Phong
Kiều”
Thường
dân cũng đang được huy động để giúp chính quyền phát hiện những nguy cơ rắc rối
nhen nhóm từ những cá nhân “có vấn đề.” Cách tiếp cận này, được gọi là mô hình
“Phong Kiều” (Fengqiao), một cách huy động công chúng giám sát lẫn nhau, có từ
thời ông Mao Trạch Đông, và được ông Tập Cận Bình, chủ tịch hiện nay, hồi sinh.
Theo mô hình này, người dân được khuyến khích để mắt đến hàng xóm để phát hiện
các dấu hiệu “bất thường.” Sở dĩ gọi là mô hình “nhân dân chỉ điểm” mang tên
“Phong Kiều” vì nó được khai sinh tại Phong Kiều (tỉnh Chiết Giang) cách đây
khoảng 60 năm.
Cách
tiếp cận và giải quyết vấn đề như nói ở trên đang khiến nhiều người bất bình.
Người ta cho rằng xã hội nằm trong vòng kiểm soát quá chặt đang thiếu các van
áp suất để mọi người trút giận; do đó, sự bất bình trong xã hội sẽ ngày càng trầm
trọng. Trong nhiều trường hợp, lỗi xuất phát từ chính quyền. Nhiều chính quyền
địa phương đã cưỡng chế di dời cư dân và đập phá nhà của họ để nhường chỗ cho
các dự án bất động sản sinh lời.
Cần
nhắc lại, Tháng Năm, 2012, một phụ nữ đã nổ bom tự sát trước cửa trụ sở chính
quyền ở Vân Nam sau khi bị mất nhà mất cửa, khiến nạn nhân và hai người khác
thiệt mạng. Năm 2011, dân làng Ô Khảm (Quảng Đông) đã nổi loạn khi bọn quan chức
địa phương bán đất của họ cho các công ty bất động sản mà không đền bù thỏa
đáng.
China
Dissent Monitor, do nhóm vận động nhân quyền Freedom House có trụ sở tại
Washington điều hành, đã theo dõi hơn 7,000 trường hợp bất ổn trên khắp Trung
Quốc trong hai năm rưỡi qua và nhận thấy có hơn 46% vụ việc liên quan các cuộc
biểu tình của công nhân và hơn 1/4 liên quan vấn đề sở hữu bất động sản.
“Xuân
này con không về”
Sau
các vụ bạo động mới đây vào những ngày cuối năm, ông Khúc Vệ Quốc (Qu Weiguo),
giáo sư Đại Học Phúc Đán, Thượng Hải, đã đăng một bài bình luận trên mạng xã hội
Weibo. Ông viết rằng những người xả giận bằng cách “trả thù đời” cảm thấy họ
không có cách nào khác để được lắng nghe. Vì vậy, theo ông Khúc, một phần của
giải pháp là phải mở nhiều kênh công khai để người dân khiếu nại. Bài viết của
ông Khúc nhanh chóng bị xóa. Chính quyền Trung Quốc vẫn tin rằng chỉ có thắt chặt
kiểm soát mới giải quyết được vấn đề, chứ không phải nới lỏng.
Chính
quyền tiếp tục “sàng lọc” và tìm ra các đối tượng đang chịu những tổn thất về
tài chính hoặc tình cảm và đánh giá mức độ rủi ro gây rối trật tự công cộng của
họ. Chính quyền tiếp tục triển khai lực lượng bán quân sự để dàn ra tại nhiều
trường học cũng như các địa điểm công cộng.
Cảnh
sát ở huyện Tùy (Sui, thuộc tỉnh Hồ Bắc) thậm chí đưa lực lượng quân bán quân sự
được trang bị súng trường đến các trường học vào giờ học sinh đến và rời trường.
Tại thành phố Phật Sơn ở Quảng Đông, người dân xôn xao về việc có bao nhiêu trường
trung tiểu học và mẫu giáo đang đặt rào chắn bê tông và kim loại trước cổng,
theo Wall Street Journal.
Chính
quyền cũng tăng cường kiểm duyệt Internet để xóa các ý kiến bàn luận về những
điểm yếu của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Đội quân kiểm duyệt Internet
tăng cường xóa những bài “nhạy cảm” trái ngược với chính sách của ông Tập Cận
Bình. Và đặc biệt chính quyền các cấp phải giấu nhẹm tất cả thống kê “tiêu cực”
liên quan nền kinh tế. Gần như chẳng nhà nước nào có thể so với Trung Quốc về
“kỹ năng” bóp méo sự thật.
Với
dân chúng, sự thật họ đang thấy rõ nhất là tình hình bi đát đến mức hàng triệu
người sống ở các thành phố lớn nói rằng Tết này họ sẽ không về quê, đơn giản
không có tiền để về. Đó là một trong những sự thật hiếm hoi không cách gì có thể
che giấu. [qd]
No comments:
Post a Comment