Saturday, 21 December 2024

THÊM MỘT LƯỢNG LỚN RÁC NHỰA TỪ EU XUẤT KHẨU VÀO VIỆT NAM BỊ THẢI RA MÔI TRƯỜNG (Tia Sáng)

 



Một lượng lớn rác nhựa từ EU xuất khẩu vào Việt Nam bị thải ra môi trường    

Tia Sáng 

19-12-2024

https://tiasang.com.vn/khoa-hoc-cong-nghe/mot-luong-lon-rac-nhua-tu-eu-xuat-khau-vao-viet-nam-bi-thai-ra-moi-truong/

 

Mặc dù châu Âu có các quy định nghiêm ngặt về tái chế nhựa, nhưng lại lỏng lẻo trong giám sát luồng rác thải nhựa xuất khẩu sang các nước đang phát triển. Một tỷ lệ lớn nhựa xuất khẩu từ châu Âu vào Việt Nam không thể tái chế và bị thải vào môi trường. Đó là những phát hiện trong nghiên cứu mới do các nhà nghiên cứu ở Đại học Utrecht cùng cộng sự ở Anh và Việt Nam thực hiện.

 

https://cdn.tiasang.com.vn/tiasang-media/2024/12/con-duong-ngap-rac-trong-lang-Minh-Khai-1170x700.jpg

Con đường ngập rác nhựa ở làng Minh Khai. Ảnh: Thapa/ Website Đại học Utrecht.

 

 

Lần theo con đường tái chế

 

Ước tính, khoảng một nửa rác thải nhựa ở châu Âu được xuất khẩu sang một số quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Nhóm nghiên cứu, gồm các nhà nghiên cứu Đại học Utrecht, Đại học Hull (Anh) và Đại học Quốc gia TP HCM đã đến làng Minh Khai, trung tâm tái chế nhựa lớn nhất tại Việt Nam, để lần theo dấu vết con đường tái chế rác nhựa đến từ châu Âu.

 

“Chúng tôi quan sát thấy mọi người nấu nướng, ăn uống và sinh hoạt ngay trong cơ sở tái chế, xung quanh là khói độc từ nhựa nóng chảy. Trẻ em chơi đùa trong không khí ngột ngạt này” Kaustubh Thapa, tác giả chính của công bố trên Tạp chí “Circular Economy and Sustainability”, kể lại. Bầu không khí của làng đầy khói bốc lên do nấu chảy nhựa còn nước thải từ quá trình tái chế chưa qua xử lý có hại cho sức khỏe và ô nhiễm môi trường.

 

Theo nghiên cứu, mỗi ngày, bảy triệu lít nước thải độc hại được đổ vào các mương nước hoặc bãi rác lộ thiên của làng Minh Khai. Từ đánh giá thực địa, nghiên cứu cũng ước tính, 15–25% phế liệu nhập khẩu về đến làng Minh Khai không thể tái chế được. Tùy theo giá trị, rác thải này lại được chuyển cho những người thu gom đồng nát khác hoặc đổ trực tiếp ra môi trường.

 

Ước lượng chung, Việt Nam có khả năng tái chế từ 9 đến 33% rác nhựa nhập khẩu, nhưng không phải tất cả đều đáp ứng các tiêu chuẩn bền vững.

 

 

Hai bức tranh khác biệt

 

Nghiên cứu này, được công bố trước cuộc đàm phán của Liên hợp quốc để bàn về việc xây dựng một hiệp ước quốc tế về giảm sản xuất nhựa (sau đó đã thất bại, không có hiệp ước chung nào được ký), cho thấy sự tương phản rõ rệt giữa các chính sách về rác thải nhựa với thực tế tại các khu vực tái chế. Thapa cho biết người tiêu dùng châu Âu nỗ lực phân loại tái chế, nhưng có thể thấy rằng, với một tỉ lệ rác nhựa [được xuất khẩu sau đó thải ra môi trường] thì nỗ lực này là vô nghĩa. Ông cho biết thêm, tập trung vào việc tăng tỷ lệ tái chế ở châu Âu mà không giải quyết một cách có hệ thống trong toàn bộ chuỗi giá trị thì vừa không đúng về pháp lý, vừa không tuần hoàn, không bền vững.

 

Nghiên cứu này dù chỉ giới hạn trong dòng rác thải nhựa từ châu Âu xuất khẩu vào Việt Nam nhưng đã đặt ra nhiều câu hỏi về trách nhiệm giải trình và phải nghiên cứu toàn diện hơn về chuỗi giá trị nhựa, nhất là điểm cuối của rác nhựa. Xuất khẩu rác nhựa làm tăng tỷ lệ tái chế ở châu Âu với mức giá rẻ hơn đáng kể so với tái chế ở chính châu Âu nhưng phải trả giá bằng việc tái chế trong điều kiện thô sơ, bằng sức khỏe người dân và xả thải ra môi trường ở các nước nhập khẩu cuối chuỗi. Những hiểu biết này áp dụng cho tất cả các quốc gia tham gia vào hoạt động buôn bán các luồng rác thải khác nhau chứ không chỉ giới hạn ở luồng xuất khẩu rác nhựa từ châu Âu tới Việt Nam.

 

Bài báo đánh giá rằng “việc xuất khẩu rác thải để tái chế đến các điểm đến không đủ năng lực tái chế đặt lại câu hỏi về tính công bằng và tính bền vững”.

 

Sản xuất và tiêu thụ nhựa tiếp tục gia tăng ngày càng tạo ra nhiều rác thải hơn, khiến chuỗi giá trị dài hơn và phức tạp hơn. Những phát hiện của nghiên cứu này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc ưu tiên tính đạo đức, công lý và bình đẳng trong quản lý rác thải nhựa trên toàn bộ chuỗi giá trị nhựa.

 

Các nhà nghiên cứu khuyến nghị tăng giám sát luồng rác thải nhựa thông qua các thỏa thuận xanh, các kế hoạch kinh tế tuần hoàn, các ràng buộc pháp lý, các hiệp ước. “Khi chúng ta tiêu thụ ngày càng nhiều và vì thế càng tạo ra nhiều rác thải nhựa hơn, thì hoạt động xuất nhập khẩu rác thải nhựa để tái chế phải được giải quyết một cách có hệ thống”, Thapa nhận xét.

 

Bảo Như dịch

Nguồn: Công bố trên tạp chí Circular Economy and Sustainability và website Đại học Utrecht

 

 

 




No comments:

Post a Comment

View My Stats