Saturday, 21 December 2024

NGUYÊN THƯỢNG TÁ CÔNG AN THÁP TÙNG THÍCH MINH TUỆ ĐẾN ẤN ĐỘ; NHÀ NƯỚC TIẾP TỤC HẠN CHẾ QUYỀN LẬP HỘI (Trọng Phụng | Luật Khoa tạp chí)

 



Nguyên thượng tá công an tháp tùng Thích Minh Tuệ đến Ấn Độ; nhà nước tiếp tục hạn chế quyền lập hội

Trọng Phụng  -  Luật Khoa tạp chí

December 20 20246:49 PM

https://www.luatkhoa.com/2024/12/nguyen-thuong-ta-an-ninh-thap-tung-thich-minh-tue-den-an-do-nha-nuoc-tiep-tuc-han-che-quyen-lap-hoi/

 

 

Các sự kiện nổi bật:

·        Thích Minh Tuệ bắt đầu hành trình đến đất Phật

·        Project 88: Nghị định 126 siết chặt quyền lập hội

·        Việt Nam hiện có khoảng 21.000 người có thẻ nhà báo làm việc trong 884 cơ quan

·        Bắt buộc kiểm định khí thải với xe máy trên năm tuổi

 

 

                                                     *****

 

Thích Minh Tuệ lên đường đến Ấn Độ

 

Ngày 12/12, ông Thích Minh Tuệ cùng năm người khác đã bắt đầu bộ hành đến Ấn Độ từ cửa khẩu Bờ Y, biên giới Việt - Lào, theo báo Dân Việt.

 

https://lh7-rt.googleusercontent.com/docsz/AD_4nXczE-1cAuoiBPfvD_pCesy3QVCzpg7P1cGzvzK6TZtByHgaMmKdlpVYqXvFj7SSDrj5MeVxT1hwjifqsp0IA1HYhRnhLvMRv1IQ6X6oJZENVvgwGxLU2BsaiA94fXyUIxbxxxTozQ?key=FDQRJqS6hGpk3mjikNOeGRG4

Ông Thích Minh Tuệ trong một chuyến đi khất thực tại Việt Nam. Nguồn ảnh: dantri.com.vn

 

 

Ông Thích Minh Tuệ trong một chuyến đi khất thực tại Việt Nam. Nguồn ảnh: dantri.com.vn

 

·        Đoàn đã có mặt trên đất Lào vào đêm cùng ngày. Lộ trình của đoàn được giữ kín để tránh gây chú ý và cản trở không cần thiết.

·        Trong năm thành viên của đoàn có Tiến sĩ Đoàn Văn Báu, nguyên thượng tá, giảng viên khoa Tâm lý, Trường đại học An ninh Nhân dân.

·        Trước đó, ngày 26/11, nhiều tờ báo trong nước đăng tải một bức thư viết tay được cho là của Thích Minh Tuệ. Trong thư, ông bày tỏ mong muốn đi bộ tới quê hương của Đức Phật.

·        Thích Minh Tuệ, tên thật là Lê Anh Tú, sinh năm 1981 tại xã Kỳ Văn, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh. Từ tháng 5/2024, ông nổi lên như một hiện tượng khi đi bộ khất thực dọc chiều dài đất nước.

 

 

Nhà nước siết chặt quyền lập hội, tự do ngôn luận

 

Ngày 16/12, Project 88 công bố một bản phân tích dài 41 trang về các quy định mới trong nghị định liên quan đến tổ chức, hoạt động và quản lý hội.

 

·        Trước đó, ngày 8/10, Chính phủ ban hành Nghị định 126/2024/NĐ-CP, thay thế Nghị định 45/2010 trước đây. Điểm nổi bật trong nghị định này là yêu cầu mọi công dân Việt Nam phải xin phép Chính phủ nếu muốn thành lập hội.

·        Project 88 đánh giá nghị định mới khiến việc thành lập hội trở nên khó khăn hơn và trao cho nhà nước quyền kiểm soát toàn diện. Các cơ quan có thẩm quyền có thể giám sát chặt chẽ hoạt động, nguồn tài trợ, thậm chí đình chỉ hoặc giải thể các hội. Điều này đi ngược lại Hiến pháp Việt Nam và các chuẩn mực luật pháp quốc tế. 

·        Nghị định này cũng được xem là một bước đi nhằm củng cố sự kiểm soát của Đảng Cộng sản đối với các tổ chức xã hội, ngăn chặn tác động từ quốc tế vào các hoạt động nội bộ trong nước.

·        Trong một diễn biến liên quan, mới đây, Meta - công ty mẹ của Facebook - đã công bố báo cáo minh bạch, tiết lộ rằng trong nửa đầu năm 2024, mạng xã hội này đã phải hạn chế quyền truy cập hơn 3.200 nội dung (đa phần là những bài viết tại Việt Nam), theo yêu cầu của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) và Bộ Công an. 

·        Theo Meta, các nội dung này bị cáo buộc vi phạm luật pháp trong nước (chủ yếu dựa trên Nghị định 72/2013/NĐ-CP) như đưa tin sai lệch, vu khống hoặc xúc phạm danh dự tổ chức, cá nhân.

·        Đáng chú ý, từ khi Luật An ninh mạng có hiệu lực vào ngày 1/1/2019, số lượng nội dung bị hạn chế trên Facebook đã tăng qua từng năm. Cụ thể, năm 2019, gần 200 mục; năm 2020, hơn 3.000 mục; năm 2023, gần 5.000 mục.

·        Trước đó, ngày 9/11, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định 147/2024/NĐ-CP nhằm cụ thể hóa các quy định của Luật An ninh mạng, trong đó yêu cầu người dùng mạng xã hội phải định danh tài khoản cá nhân trước khi đăng bài.

 

 

Báo chí trước “cuộc đại phẫu” lần hai

 

Theo báo cáo của Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông và Hội Nhà báo Việt Nam, hiện nay cả nước có 21.000 nhà báo làm việc tại 812 báo, tạp chí và 72 đài phát thanh, truyền hình. 

 

·        Đáng chú ý, doanh thu năm 2024 của các cơ quan báo chí đều giảm so với năm 2023. Cụ thể, báo in và báo điện tử đạt khoảng 8.080 tỷ đồng, giảm 6,1%; các đài phát thanh, truyền hình thu về khoảng 9.140 tỷ đồng, giảm gần 2.800 tỷ đồng.

·        Nguyên nhân chính dẫn đến sự sụt giảm này là do nhiều đài không khai thác hết thời lượng quảng cáo theo quy định của Luật Quảng cáo, ngoại trừ một số đài như Đài Truyền hình Việt Nam (VTV), Đài Phát thanh - Truyền hình Vĩnh Long, Đài Truyền hình TP. HCM (HTV).

·        Mới đây, trong “dàn bài” tinh gọn bộ máy, Chính phủ đã đề ra kế hoạch sắp xếp bộ máy báo chí. Cụ thể, sẽ kết thúc hoạt động các kênh truyền hình thuộc Thông tấn xã Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam (gồm các thành viên VOV, VTC) và báo Nhân dân để chuyển chức năng, nhiệm vụ về VTV. 

·        Kế hoạch tinh gọn báo chí lần này được đánh giá như cuộc quy hoạch báo chí lần hai (lần đầu từ năm 2019, theo Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025). Các chính sách này một mặt phản ánh quyền lực và mục tiêu của nhà nước trong việc kiểm soát truyền thông lẫn tối ưu hóa cơ cấu tổ chức báo chí. Tuy nhiên, nó cũng đặt ra nhiều lo ngại về quyền tự do báo chí.

·        Trong một diễn biến có liên quan cuộc tinh gọn bộ máy, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến giảm gần 36% đơn vị sau tinh gọn. Các vụ, đơn vị của Văn phòng Quốc hội cũng lên phương án giảm trên 40%. Ngoài ra, dự kiến trước tháng 2/2025, Bộ Công Thương sẽ tiếp nhận sáu tập đoàn, tổng công ty từ Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước gồm: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem), Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tổng Công ty Thuốc lá Việt Nam (Vinataba).

 

 

Bắt buộc kiểm định khí thải với xe máy trên năm tuổi

 

Bộ Giao thông Vận tải vừa ban hành Thông tư 47/2024, đưa ra quy định kiểm định khí thải đối với xe mô tô và xe gắn máy. Đây được xem là bước tiến quan trọng nhằm cải thiện chất lượng không khí trong nước, nhất là khi xe máy được xem là nguồn phát thải lớn nhất với 45 triệu chiếc đang lưu thông hằng ngày.

 

·        Cụ thể, đối với xe mô tô, xe gắn máy có thời gian sản xuất trên 05 năm, chủ sở hữu phải mang phương tiện đi kiểm định tại các trung tâm đăng kiểm. Trong đó, xe từ 5 - 12 năm phải kiểm định hai năm/lần; xe trên 12 năm phải thực hiện hằng năm. Riêng đối với những phương tiện không có thông tin về ngày xuất xưởng thì sẽ tính từ ngày 31/12 của năm sản xuất. 

·        Phương tiện đạt tiêu chuẩn sẽ được Cục Đăng kiểm Việt Nam cấp Giấy chứng nhận kiểm định khí thải trên hệ thống phần mềm quản lý. 

·        Cục phó Cục Đăng kiểm Nguyễn Tô An cho rằng việc triển khai ban đầu có thể gây ùn tắc tại các trung tâm đăng kiểm do nhu cầu kiểm định quá lớn. Để giảm tải tình trạng này, Bộ Giao thông Vận tải lên kế hoạch huy động khoảng 3.000 cơ sở đăng kiểm, bao gồm các đại lý bán xe và các cơ sở xã hội hóa.

·        Mặc dù Thông tư 47 có hiệu lực từ ngày 1/1/2025, song đại diện Cục này cho hay việc triển khai vẫn còn chờ Chính phủ phê duyệt lộ trình thực hiện.


Tin vắn:

 

Bị lừa bán sang Campuchia vì uống nước suối của người lạ: Ngày 16/12, bà T.T.M (ở huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An) đã trình báo với công an về việc con trai bà, anh L.V.Q bị lừa bán sang Campuchia. Theo lời kể, vào khoảng 13:00 giờ ngày 10/12, anh Q. đang chờ bạn trên Quốc lộ 1 thì được một người lái ô tô ngỏ ý cho đi nhờ và mời uống nước suối. Sau khi uống, anh Q. ngủ mê man và khi tỉnh dậy thấy mình ở bên Campuchia. Tại đây, anh bị nhóm bắt cóc tra tấn và yêu cầu gia đình chuyển 200 triệu đồng để chuộc người. Sau khi gia đình chuyển tiền, anh Q. được thả và hiện đang điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy, TP. HCM.

 

 

Người dân bị lừa đảo trực tuyến 18.900 tỷ đồng trong năm qua: Thông tin này được Hiệp hội An ninh mạng Quốc gia (NCA) công bố ngày 16/12. Khảo sát được thực hiện trực tuyến từ ngày 28/11 - 14/12 với sự tham gia của hơn 59.000 người dùng. Kết quả cho thấy, cứ 220 người dùng thì có một người trở thành nạn nhân của lừa đảo trực tuyến. Và hình thức lừa đảo phổ biến nhất là mời gọi đầu tư.

 

 

Ông Tô Lâm phát biểu về vai trò của thanh niên: Từ ngày 16 - 18/12, tại Hà Nội, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam đã tổ chức Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ IX, nhiệm kỳ 2024 - 2029, với sự tham gia của 980 đại biểu. Tại phiên trọng thể ngày 18/12, Tổng Bí thư Tô Lâm đã đến phát biểu, nhấn mạnh vai trò quan trọng của thanh niên trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Sau đại hội, ông Nguyễn Tường Lâm, bí thư Trung ương Đoàn, được bầu làm chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam khóa IX.

 

 

Loạt sự kiện kỷ niệm 80 Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024): Tại Hà Nội, lễ kỷ niệm chính thức đã diễn ra vào sáng nay (20/12). Trước đó, tại nhiều tỉnh, thành cũng tổ chức các hoạt động chào mừng ngày lễ này. Tổng Bí thư Tô Lâm đã lưu ý rằng trong giai đoạn cách mạng mới, điều kiện tiên quyết để quân đội tiếp tục hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ là giữ vững sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng Cộng sản và sự quản lý của nhà nước.

 

 

Phóng hỏa quán cà phê ở Hà Nội khiến 11 người tử vong: Sự việc xảy ra vào khoảng 23:00 giờ ngày 18/12 tại một quán cà phê trên đường Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm. Nghi phạm là Cao Văn Hùng (sinh 1973, trú ở huyện Đông Anh). Tại cơ quan điều tra, Hùng khai đến quán và xảy ra mâu thuẫn với một nhóm người. Sau đó, Hùng mua bảy lít xăng, đổ vào khu vực tầng một của quán rồi châm lửa đốt. Công an TP. Hà Nội đã tạm giam Hùng để khởi tố về tội “giết người” và “hủy hoại tài sản”. 







No comments:

Post a Comment

View My Stats