Friday, 20 December 2024

NGÀNH Y TẾ VIỆT NAM : THỦ TỤC ĐẦU TIÊN VẪN LÀ TIỀN (Diễm Thi | RFA)

 



Ngành y tế Việt Nam : thủ tục đầu tiên vẫn là tiền

Diễm Thi  |  RFA
2024.12.20

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/y-te-thu-tuc-dau-tien-van-la-tien-12202024085717.html

 

Theo Luật bảo hiểm y tế sửa đổi mới được ban hành, đối với một số trường hợp mắc các bệnh hiếm, hiểm nghèo, cần phẫu thuật hoặc sử dụng kỹ thuật cao... người bệnh không cần giấy chuyển viện mà vẫn được hưởng 100% mức chi trả bảo hiểm.

 

Xóa địa giới hành chính cấp tỉnh

 

Đây được cho là một bước tiến so với quy định trước đây bởi theo luật cũ, để được thanh toán tối đa mức hưởng trên thẻ bảo hiểm y tế, người bệnh phải đến khám, chữa bệnh đúng cơ sở khám, chữa bệnh ban đầu ghi trên thẻ bảo hiểm y tế của người đó và khi cần lên tuyến trên phải có giấy chuyển viện của tuyến dưới.

 

Ngoài việc được lên thẳng tuyến trên không cần giấy chuyển viện cho một số trường hợp, Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi còn cho phép người tham gia bảo hiểm y tế khi đi công tác, học tập hoặc làm việc… được khám, chữa bệnh tại nơi tạm trú với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tương đương cơ sở ban đầu ghi trên thẻ bảo hiểm y tế khi đi công tác, học tập hoặc làm việc tại đó.

 

Có thể nói, kể từ nay địa giới hành chính cấp tỉnh trong khám chữa bệnh bảo hiểm y tế đã được xóa bỏ.

 

“Có tiến bộ nhưng cũng phải căn cứ vào tình hình thực tế của Việt Nam. Bộ Y tế rất sợ nếu theo yêu cầu của một số người là được vượt tuyến cho tất cả các loại bệnh thì các bệnh viện tuyến trên, những bệnh viện uy tín sẽ quá tải”, ông Phúc, một người dân ở Sài Gòn chia sẻ quan điểm của ông với RFA về sự thay đổi mới trong chính sách bảo hiểm.

 

Hệ thống bệnh viện của Việt Nam bao gồm sự kết hợp công-tư, trong đó bệnh viện công đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho người dân. Theo thống kê của tổ chức WHO, Bệnh viện công ở Việt Nam được chia thành ba cấp, gồm cấp trung ương (47 bệnh viện); cấp tỉnh (419 bệnh viện) và cấp huyện (684 bệnh viện). Bên cạnh các bệnh viện công, cả nước còn có 182 bệnh viện tư, hầu hết nằm ở khu vực thành thị.

 

Vượt tuyến và quá tải tuyến trên

 

Chuyện người dân không tin vào các bệnh viện cấp tỉnh, cấp huyện, các phòng khám đa khoa ở thị xã, quận, huyện mà dồn lên các bệnh viện tuyến trung ương dẫn đến quá tải là một thực tế tại Việt Nam qua nhiều đời Bộ trưởng Y tế.

 

Thời ông Nguyễn Quốc Triệu làm Bộ trưởng Bộ Y tế, ông từng hứa trước Quốc hội là sẽ giảm tải bệnh viện trong thời gian ông tại chức, tuy nhiên sau khi mãn nhiệm kỳ, tình trạng quá tải của các bệnh viện trong các thành phố lớn chẳng những không giảm mà còn tăng hơn.

 

Trái với người tiền nhiệm chỉ hứa suông, bà Nguyễn Thị Kim Tiến khi làm Bộ trưởng Y tế đã làm một cuộc vi hành để khảo sát thực trạng quá tải tại các bệnh viện nhằm tìm giải pháp giảm tình trạng này. Khi chứng kiến cảnh nhiều bệnh nhân phải nằm ghép chung giường, nhiều bệnh nhân lóp ngóp bò ra từ gầm giường chào đón mình, bà phải thốt lên rằng “chưa thấy một quốc gia Đông Nam Á nào, kể cả ở châu Phi mà tình trạng các bệnh viện quá tải như tại Việt Nam”.

 

Bà tuyên bố “việc giảm quá tải bệnh viện là một trong bảy nhiệm vụ quan trọng nhất của Bộ Y tế trong nhiệm kỳ này. Bộ đã giao cho Cục Quản lý khám chữa bệnh làm đầu mối phối hợp cùng các bộ phận liên quan viết dự án giảm tải bệnh viện để trình Chính phủ trong thời gian tới”. Tuyên bố của bà Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến được đưa ra từ năm 2011, nhưng đến nay, tình trạng này vẫn chưa được giải quyết.

 

Chuyên môn bệnh viện cấp dưới thấp hơn; thiết bị y tế cấp dưới thiếu thốn hơn; thuốc men cũng khác cấp trên nên người ta vượt tuyến. Thực tế phòng y tế cấp xã chỗ tôi có nhân viên y tế chưa học hết cấp 2. Họ khám chữa bệnh theo thói quen, nếu gặp triệu chứng khác bình thường là họ bị “hổng” liền nên người bệnh phải tự vượt tuyến”, ông Thái ở Quảng Nam chia sẻ.

 

Cơ sở vật chất lẫn chuyên môn của các bệnh viện tuyến dưới không thu hút được người bệnh, và khi nhà nước chưa giải quyết được chuyện quá tải bệnh viện thì chuyện xóa bỏ hoàn toàn cơ chế khám, chữa bệnh đúng tuyến mới được trả bảo hiểm là điều không thể.

Có lẽ đó là lý do vì sao luật mới giới hạn một số trường hợp được vượt tuyến.

 

Ông Phúc ở Sài gòn thì cho rằng, “tuyến quận, huyện thì máy móc hiện đại không có, trình độ chuyên môn bác sĩ không giỏi. Chỉ những bệnh viện lớn mới đầu tư những máy móc hiện đại hàng tỷ đồng. Người bệnh bây giờ nghe bệnh viện nào có máy móc hiện đại thì họ sẽ đến.”

 

Bộ Y tế mới đây đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành các văn bản và thực hiện một số giải pháp để từng bước giảm tình trạng quá tải bệnh viện, cố gắng không để người bệnh phải nằm ghép trong bệnh viện như cử cán bộ chuyên môn luân phiên từ bệnh viện tuyến Trung ương về hỗ trợ các Trạm y tế xã, phường, thị trấn; tăng cường đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, nâng cao năng lực chuyên môn y tế xã.

 

Tuy nhiên, theo Bộ Y tế, việc đầu tư nâng cấp trang thiết bị y tế cho các bệnh viện tuyến dưới, trước hết thuộc trách nhiệm của chính quyền địa phương.

 

WHO cũng khuyến cáo Chính phủ nên có kế hoạch tăng cường đầu tư vào hệ thống chăm sóc sức khỏe tuyến cơ sở (cấp huyện và xã) để giảm tình trạng quá tải ở các bệnh viện trung ương và thúc đẩy sự phối hợp hoạt động trong toàn hệ thống y tế.

 

Theo ước tính của Bộ Y tế, hiện năng lực đào tạo bác sĩ trên cả nước vào khoảng 13.000 bác sĩ tốt nghiệp/năm. Việt Nam đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 đạt 33 giường bệnh và 15 bác sĩ trên 10.000 dân.

 

Người dân mong mỏi gì

 

Nói về hệ thống y tế công ở Việt Nam thì không thể không nói đến sự quá tải trong bệnh viện; đến thái độ hành xử của y, bác sĩ với bệnh nhân; đến cách chi trả của bảo hiểm y tế; đến câu “đồng tiền đi trước” trong tất cả các khâu từ lúc bước chân vô bệnh viện.

 

Bà Tuyết từ Tây Ninh lên Sài Gòn nuôi mẹ bệnh nói với RFA rằng, bà phải “đút lót” cho bác sĩ mới được chuyển viện. Bà cho đây là lỗi của nhà nước.

 

“Bệnh viện tỉnh không đầy đủ thiết bị y tế để chữa trị nên họ phải chuyển mình lên thành phố. Nhà nước phải nhìn lại, phải lo cho dân bằng cách cung cấp đầy đủ thiết bị cần thiết cho bệnh viện tuyến dưới để chữa bệnh cho dân. Không nên phân biệt tuyến dưới tuyến trên”.

 

Quỹ bảo hiểm y tế là quỹ tài chính được hình thành từ nguồn đóng bảo hiểm y tế và các nguồn thu hợp pháp khác, được sử dụng để chi trả chi phí khám bệnh, chữa bệnh cho người tham gia bảo hiểm y tế, chi phí quản lý bộ máy của tổ chức bảo hiểm y tế và những khoản chi phí hợp pháp khác liên quan đến bảo hiểm y tế.

 

--------------

 

Bộ Y tế cần làm gì để giải quyết tình trạng bệnh viện công bị quá tải?

 

Bao giờ mới hết tình trạng bệnh viện quá tải?

 

Ngân sách Việt Nam 2024: tiếp tục tăng cho Công an, giảm đối với Y tế và Giao thông- Vận tải

-------------

 

Ông Thái ở Quảng Nam chia sẻ với RFA kinh nghiệm của bản thân ông rằng, bảo hiểm y tế chỉ giải quyết về viện phí và thuốc trong danh mục,   chứ người dân “không có tiền thì chết”. Nghĩa là đi cấp cứu mà không có tiền trong tài khoản để bệnh viện mua y cụ thì bệnh nhân không được cấp cứu và sẽ chết. Họ sợ làm xong bệnh nhân bỏ trốn không trả tiền. Ông Thái mong mỏi khi chứng kiến những bệnh nhân chết vì không có tiền là mỗi bệnh viện nên thành lập quỹ giúp người nghèo. Đó là điều thiết thực.

 

“Ngay trong bệnh viện có công tác đoàn, công tác về phong trào này phong trào khác… thay vì tổ chức những phong trào đó thì cần có phong trào thiện nguyện gây quỹ, chẳng hạn quỹ cấp cứu. Khi một bệnh nhân nghèo đến không có tiền thì có thể ứng tiền đó ra để kịp cứu sống họ. Nhìn vào bệnh viện có nhân đạo không là biết xã hội đó tốt hay không”.

 

Ông Phúc ở Sài Gòn thì đánh giá, hiện nay những bệnh thông thường được điều trị theo bảo hiểm y tế đã là tốt rồi. Còn làm sao để người bệnh được phục vụ tốt hơn thì yêu cầu bảo hiểm y tế tất cả phải dồn cho điều trị của bệnh nhân.

 

“Lúc nào họ cũng nói sợ vỡ quỹ, trong khi 80% dân số mua bảo hiểm y tế mà chỉ có những ông bà già mới chịu khó vô bệnh viện sắp hàng lãnh thuốc bảo hiểm thì làm sao mà lỗ được.”

 

Để thay đổi hệ thống y tế ở Việt Nam là bài toán nan giải bởi ngân sách cho cho ngành này quá thấp. Dự toán ngân sách 2024 cho thấy, ngành y tế bị cắt giảm khoảng 400 tỷ đồng so với năm 2023, chỉ còn hơn 7000 tỷ đồng. Trong khi ngân sách dành cho Bộ Quốc phòng là 207 ngàn tỷ đồng; Bộ Công an là 113 ngàn tỷ đồng.

 

-----------------------

Tin, bài liên quan

Thời Sự

 

Tăng viện phí theo lương cơ sở - quy trình ra chính sách thiếu sâu sát

Ngành Y gặp khó hay chất lượng quốc gia đang xuống cấp?

“Con rắn ngậm phong bì”: biểu tượng 'văn hóa' không chỉ riêng của ngành y tế Việt Nam!

Nạn hành hung y, bác sĩ tại các bệnh viện: vì sao ngày càng nhiều?

Hàng loạt “sai phạm, yếu kém” trong Bộ Y tế bị phanh phui, nhân viên y tế bất bình

 







No comments:

Post a Comment

View My Stats