Friday, 27 December 2024

CHÂU Á TƯỞNG NIỆM 20 NĂM TRẬN SÓNG THẦN KINH HOÀNG NĂM 2004 (RFI & BBC News)

 



Châu Á tưởng niệm 20 năm trận sóng thần kinh hoàng năm 2004

Anh Vũ  -  RFI

Đăng ngày: 26/12/2024 - 11:20  -  Sửa đổi ngày: 26/12/2024 - 13:41

https://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20241226-ch%C3%A2u-%C3%A1-t%C6%B0%E1%BB%9Fng-ni%E1%BB%87m-20-n%C4%83m-tr%E1%BA%ADn-s%C3%B3ng-th%E1%BA%A7n-kinh-ho%C3%A0ng-n%C4%83m-2004

 

Hôm nay là đúng kỷ niệm 20 năm xảy ra trận sóng thần kinh hoàng nhất trong lịch sử, khiến hơn 220.000 người thiệt mạng ngày 26/12/2004, một ngày sau lễ Giáng sinh. Các hoạt động tưởng niệm nạn nhân của thiên tai đã được tổ chức ở nhiều nước Châu Á.

 

HÌNH :

Ảnh tư liệu : Một người đàn ông đi lang thang trong đống đổ nát ở Banda Aceh, Indonesia, sau trận sóng thần tàn khốc, ngày 29/12/2004. ASSOCIATED PRESS - DITA ALANGKARA

 

Ngày 26/12/2004, một trận động đất mạnh 9,1 độ richter ngoài khơi bờ biển phía tây bắc đảo Sumatra của Indonesia đã gây ra những đợt sóng khổng lồ cao tới 30 mét ập vào đất liền với tốc độ 800 km/giờ, tàn phá khắp một vùng rộng lớn từ Indonesia, Sri Lanka, Ấn Độ đến Thái Lan cũng như 9 quốc gia khác ở Ấn Độ Dương  kể Somali của Châu Phi.

 

Các hoạt động tưởng niệm được bắt đầu tại tỉnh Aceh của Indonesia, nơi có 100 nghìn người thiệt mạng vì trận sóng thần. Lễ cầu nguyện tại nhà thờ Hồi giáo Baiturrahman lớn nhất tỉnh được bắt đầu bằng một hồi còi kéo dài 3 phút đúng vào thời điểm xảy ra thảm họa.

 

Theo AFP, đông đảo người dân đã tập trung bên khu mộ tập thể Ulee Lheure, nơi 14 nghìn người bị sóng thần vùi lấp, để tưởng niệm các nạn nhân. Các hoạt động tưởng niệm cũng diễn ra khắp các làng trong tỉnh. Có những làng, cả một cộng đồng dân cư bị sóng thần cuốn trôi.

 

Hàng loạt các hoạt động tôn giáo và thắp nến tưởng niệm các nạn nhân của trận sóng thần hôm nay cũng diễn ra ở Sri Lanka, Ấn Độ và Thái Lan.

 

Tại Thái Lan, trận sóng thần đã làm 5.000 người chết, trong số này có tới một nửa là du khách đến từ nhiều nước và 3000 người mất tích. Các hoạt động tưởng niệm bắt đầu từ sáng sớm ở Ban Nam Khem, làng bị thiệt hại nặng nề nhất. Thân nhân của những người xấu số, nước mắt rưng rưng, đã đến đặt hoa tại đài tưởng niệm các nạn nhân sóng thần.

 

Tại một khách sạn ở tỉnh Phang Nga, một cuộc triển lãm về sóng thần đã được tổ chức và một bộ phim tài liệu về thảm họa sóng thần 2004 được trình chiếu, trong khi các quan chức chính phủ và Liên Hiệp Quốc phát biểu về việc chuẩn bị ứng phó với thảm họa.

 

Tại Sri Lanka, nơi có hơn 35 nghìn người thiệt mạng, các buổi lễ cầu nguyện theo nghi thức Hồi giáo, Phật giáo, Ấn Độ giáo và Thiên Chúa giáo đã diễn ra khắp nơi.

 

-----------------------------

Các nội dung liên quan

 

THEO DÒNG THỜI SỰ

Những tiến bộ về hệ thống cảnh báo 20 năm sau trận sóng thần ở Indonesia

 

SÓNG THẦN - ĐỘNG ĐẤT

Trận động đất sóng thần 2004 như "ngày tận thế"

 

===================================================

.

Sóng thần châu Á 2004: 'Thuyền tôi chỉ cách bờ vài mét khi cột sóng ập vào'

Geeta Pandey

BBC News, Delhi

26 tháng 12 năm 2024

https://www.bbc.com/vietnamese/articles/c62wdnwq496o

 

Ngày Tặng quà (Boxing Day), năm 2004.

 

Khi trận động đất xảy đến vào lúc 6 giờ 30 sáng giờ địa phương, tôi đang ở trên một con phà hướng tới Havelock – một hòn đảo thuộc quần đảo Andaman và Nicobar của Ấn Độ.

 

Tạp chí Times từng vinh danh bãi biển Radhanagar trứ danh với bờ cát trắng và làn nước xanh ở đảo này với danh hiệu "Bãi biển tốt nhất châu Á".

 

Người bạn thân từ thời đại học của tôi và gia đình cô ấy đã sống ở Port Blair, thủ phủ quần đảo, được khoảng 15 năm, nhưng đây là lần đầu tôi đặt chân tới đây.

 

Tôi tới đảo vào đêm Giáng sinh.

 

Theo kế hoạch, chúng tôi sẽ tới thăm đảo Havelock ba ngày. Sáng hôm ấy, sau khi gói ghém đồ ăn nhẹ và bánh sandwich, cũng như gom lũ trẻ phấn khích lại, chúng tôi ra cầu cảng Phoenix Bay ở Port Blair để bắt phà.

 

Không muốn lỡ bất kỳ điều gì, tôi đứng ở trên boong trước của phà, nhìn ngó xung quanh. Đó cũng là lúc thảm họa ập tới.

 

Khi chúng tôi vừa rời bến, con tàu bỗng chao đảo và cầu cảng chỗ chúng tôi vừa đứng bất ngờ sập và chìm xuống biển. Tiếp đó tới phiên một tháp canh và một cây cột điện.

 

Một cảnh tượng sửng sốt. Hàng chục người bên cạnh tôi há hốc mồm kinh ngạc.

 

May mắn thay, khi đó không có người trên cầu cảng nên không có thương vong.

 

Một con thuyền dự kiến sẽ rời bến sau đó khoảng nửa tiếng, nhưng hành khách vẫn chưa tới.

 

https://ichef.bbci.co.uk/ace/ws/800/cpsprodpb/22b2/live/c20d17e0-c351-11ef-a0f2-fd81ae5962f4.jpg.webp

Sóng thần đã nhấn chìm nhiều nhà cửa ở những vùng trũng thấp

 

Một nhân viên trên phà nói với tôi rằng nguyên nhân là do động đất.

 

Thời điểm đó, tôi chưa biết trận động đất có cường độ 9,1 này là trận động đất mạnh thứ ba từng được ghi nhận trên thế giới. Tới bây giờ, nó vẫn là trận động đất lớn nhất và gây thiệt hại nặng nề nhất ở châu Á.

 

Có chấn tâm ở ngoài khơi phía tây bắc đảo Sumatra, dưới lòng Ấn Độ Dương, trận động đất này tạo ra một cơn sóng thần kinh hoàng, cướp đi sinh mạng của khoảng 228.000 người tại hơn một chục quốc gia, gây thiệt hại lớn ở Indonesia, Sri Lanka, Ấn Độ, Maldives và Thái Lan.

 

Andaman và Nicobar, cách chấn tâm 100km về phía bắc, hứng chịu hậu quả nặng nề khi một bức tường nước (cao tới 15 mét) ập vào quần đảo sau đó khoảng 15 phút.

 

Số người thiệt mạng được ghi nhận chính thức là 1.310. Nhưng, với hơn 5.600 người mất tích được cho là đã chết, người ta tin rằng hơn 7.000 người dân trên đảo đã chết.

 

Dù vậy, khi còn ở trên thuyền, chúng tôi không hề hay biết về mức độ tàn phá ở khu vực.

 

Điện thoại di động không hoạt động khi chúng tôi ở biển, lượng thông tin ít ỏi chúng tôi có được là từ nhân viên phà. Chúng tôi nghe ngóng được về thiệt hại ở Sri Lanka, Bali, Thái Lan và Maldives – và thị trấn ven biển Nagapattinam ở miền nam Ấn Độ.

 

https://ichef.bbci.co.uk/ace/ws/800/cpsprodpb/aa35/live/cc17e4e0-c351-11ef-a2ca-e99d0c9a24e3.jpg.webp

Những người đàn ông Ấn Độ kiệt sức khi cố tìm kiếm người thân mất tích, thành phố Cuddalore ngày 27/12/2004

 

Tuy nhiên, không có thông tin nào về quần đảo Andaman và Nicobar, gồm hàng trăm hòn đảo nằm rải rác ở vịnh Bengal, cách đất liền Ấn Độ khoảng 1.500 km về phía đông.

 

Chỉ 38 hòn đảo tại đây có cư dân.

 

Đó là nơi sinh sống của 400.000 người, trong đó có sáu quần thể người săn bắn hái lượm đã sống tách biệt khỏi thế giới bên ngoài hàng ngàn năm.

 

Phà là phương tiện duy nhất để tới những hòn đảo này, nhưng như sau này chúng tôi mới biết, động đất lúc ấy đã làm hỏng 94% cầu cảng trong khu vực.

 

Đó cũng là nguyên nhân vì sao, vào ngày 26/12/2004, chúng tôi đã không thể tới Havelock. Chúng tôi nghe nói cầu cảng ở đó đã bị sập và chìm xuống nước.

 

Phà chúng tôi buộc phải quay đầu. Có lúc, mọi người đoán rằng chúng tôi sẽ không được phép cập cảng ở Port Blair vì lý do an toàn và có thể phải neo phà qua đêm.

 

Điều này khiến hành khách lo ngại. Họ chủ yếu là khách du lịch tới đây vì ánh nắng và những bờ cát.

 

Sau vài giờ lênh đênh trên vùng biển động, chúng tôi về tới Port Blair.

 

Phoenix Bay đã đóng cửa do hư hại ban sáng nên chúng tôi được đưa tới Chatham, một cảng khác ở Port Blair.

 

Cầu cảng chúng tôi sử dụng có những lỗ thủng lớn ở nhiều chỗ.

 

Hình ảnh tàn phá hiện diện khắp nơi trên con đường chúng tôi về nhà – nhà cửa đổ nát, những chiếc thuyền nhỏ lật úp nằm chỏng chơ giữa phố và đường sá bị xé toạc ra những rãnh lớn.

 

Nhà cửa ở những khu vực thấp bị sóng triều dâng cao nhấn chìm, khiến hàng ngàn người trở thành vô gia cư.

 

Tôi gặp một cô bé 9 tuổi vẫn còn chưa hoàn hồn. Cô bé kể rằng nhà mình đã chìm trong nước và em suýt chết đuối.

 

Một người phụ nữ chia sẻ với tôi rằng của cải tích cóp cả đời của bà đã biến mất trong nháy mắt.

 

https://ichef.bbci.co.uk/ace/ws/800/cpsprodpb/3406/live/d7930ac0-c351-11ef-a0f2-fd81ae5962f4.jpg.webp

Ở Port Blair, nhà cửa đổ nát, những chiếc thuyền nhỏ lật úp nằm chỏng chơ giữa phố và đường sá bị xé toạc ra những rãnh lớn.

 

Trong thời gian ba tuần sau đó, tôi đã tích cực đưa tin về thảm họa này, cũng như hậu quả nó để lại cho người dân.

 

Đó là lần đầu tiên một cơn sóng thần có sức tàn phá khủng khiếp tới vậy ập vào quần đảo Andaman và Nicobar. Quy mô thảm kịch thật khủng khiếp.

 

Nước biển đã làm nhiễm mặn nhiều nguồn nước ngọt và đã tàn phá rất nhiều vùng đất canh tác.

 

Việc vận chuyển nhu yếu phẩm đến các hòn đảo gặp phải rất nhiều khó khăn do các cầu cảng không còn dùng được.

 

Chính quyền đã triển khai một chiến dịch cứu trợ và cứu hộ quy mô lớn.

 

Lục quân, hải quân và không quân đều được huy động, nhưng họ cũng mất vài ngày mới có thể tiếp cận được tất cả các đảo.

 

Hằng ngày, các tàu hải quân và cảnh sát biển chở đầy cư dân mất nhà do sóng thần từ các đảo khác đến Port Blair. Lúc đó, các trường học và cơ sở của chính quyền ở Port Blair được sử dụng làm nơi trú ẩn tạm thời.

 

Họ là nhân chứng của những câu chuyện về sự tàn phá ở quê nhà.

 

Nhiều người nói với tôi rằng họ chạy trốn mà không kịp mang theo gì ngoài bộ quần áo trên người.

 

Một người phụ nữ đến từ đảo Car Nicobar kể rằng khi động đất xảy ra, mặt đất bắt đầu phun ra nước bọt trắng, cùng lúc đó sóng biển ập tới.

 

Bà và hàng trăm người khác trong làng đã đợi cứu hộ trong suốt 48 giờ mà không có đồ ăn và nước uống.

 

Bà nói rằng việc bà và đứa con 20 ngày tuổi sống sót được là "một phép màu".

 

Port Blair phải hứng chịu dư chấn gần như mỗi ngày. Đôi khi dư chấn dữ dội tới mức làm dấy lên những tin đồn về một cơn sóng thần mới, khiến người dân sợ hãi chạy tới vùng đất cao hơn.

 

https://ichef.bbci.co.uk/ace/ws/800/cpsprodpb/399b/live/e172d020-c351-11ef-a0f2-fd81ae5962f4.jpg.webp

Hàng ngàn người trở thành vô gia cư

 

Vài ngày sau đó, quân đội Ấn Độ đã dùng máy bay đưa các nhà báo tới Car Nicobar – hòn đảo màu mỡ nổi tiếng với những bãi biển mê lòng người và cũng là nơi đặt một căn cứ không quân lớn của Ấn Độ.

 

Cơn sóng thần chết chóc đã san phẳng căn cứ này.

 

Nước dâng cao tới 12 mét giữa lúc hầu hết mọi người đang ngủ. Dưới chân họ, mặt đất như thể bị kéo đi mất.

 

100 người đã chết tại đây, hơn phân nửa là sĩ quan không quân và thân nhân của họ.

 

Chúng tôi đến thăm làng Malacca và Kaakan ở trên đảo, những nơi cũng hứng chịu hậu quả nặng nề từ cơn thịnh nộ của thiên nhiên, buộc người dân phải sống tạm bợ trong những chiếc lều dựng bên lề đường. Trong số họ có những gia đình bị xé nát vì sóng thần.

 

Một cặp vợ chồng trẻ đau buồn kể rằng họ đã kịp cứu đứa con 5 tháng tuổi, nhưng hai đứa khác, 7 và 12 tuổi, đã bị nước cuốn trôi.

 

Từng được bao quanh bởi những rặng cọ dừa, tất cả nhà cửa ở đây đã biến thành đống đổ nát.

 

Đồ dùng cá nhân vương vãi khắp mặt đất, gồm quần áo, sách vở, một chiếc giày trẻ em và một bàn phím đàn.

 

Thứ duy nhất còn trụ vững, một cách đáng kinh ngạc, là tượng bán thân của Mahatma Gandhi, cha già dân tộc của Ấn Độ, tại một bùng binh.

 

https://ichef.bbci.co.uk/ace/ws/800/cpsprodpb/b83f/live/e81544d0-c351-11ef-a2ca-e99d0c9a24e3.jpg.webp

Sóng thân san phẳng căn cứ không quân của Ấn Độ ở Car Nicobar

 

Một sĩ quan quân đội cấp cao nói với tôi rằng đội của ông đã tìm thấy bảy thi thể vào ngày hôm đó. Chúng tôi đã chứng kiến lễ hỏa táng tập thể từ xa.

 

Tại căn cứ không quân, chúng tôi chứng kiến cảnh các nhân viên cứu hộ kéo thi thể một người phụ nữ ra khỏi đống đổ nát.

 

Một quan chức cho biết rằng cứ một thi thể được tìm thấy ở Car Nicobar thì có rất nhiều người khác đã bị sóng cuốn trôi không để lại dấu vết.

 

Sau nhiều năm trời, đôi lúc tôi vẫn nhớ lại cái ngày chúng tôi lên phà để tới thăm Havelock.

 

Tôi tự hỏi điều gì sẽ xảy ra nếu cơn động đất đến sớm hơn chỉ vài phút.

 

Và điều gì sẽ xảy ra nếu bức tường nước đó ập vào bờ khi tôi còn đang đợi phà trên cầu cảng?

 

Vào Ngày Tặng quà năm 2004, tôi thoát nạn trong gang tấc. Hàng ngàn người thiệt mạng đã không may mắn như vậy.

 

https://ichef.bbci.co.uk/ace/ws/800/cpsprodpb/dc81/live/f1cfcef0-c351-11ef-aff0-072ce821b6ab.jpg.webp

Nhiều người mất tích không bao giờ được tìm thấy

 

 

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats