Sunday 3 November 2024

UNESCO : ĐA SỐ THỦ PHẠM SÁT HẠI NHÀ BÁO TRÊN THẾ GIỚI KHÔNG BỊ TRỪNG PHẠT (Thu Hằng / RFI)

 



UNESCO : Đa số thủ phạm sát hại nhà báo trên thế giới không bị trừng phạt

Thu Hằng  -  RFI

Đăng ngày: 02/11/2024 - 13:11  -  Sửa đổi ngày: 02/11/2024 - 13:43

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20241102-unesco-%C4%91a-s%E1%BB%91-th%E1%BB%A7-ph%E1%BA%A1m-s%C3%A1t-h%E1%BA%A1i-nh%C3%A0-b%C3%A1o-tr%C3%AAn-th%E1%BA%BF-gi%E1%BB%9Bi-kh%C3%B4ng-b%E1%BB%8B-tr%E1%BB%ABng-ph%E1%BA%A1t  

 

Ngày 02/11 đã được Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc chọn là Ngày quốc tế chấm dứt quyền miễn trừ đối với các tội ác nhắm vào nhà báo, vì đây là ngày hai phóng viên của Đài Phát thanh Quốc tế Pháp RFI Ghislaine Dupont và Claude Verlon bị bắt cóc và sát hại dã man ở Kidal, miền bắc Mali cách đây 11 năm.

 

HÌNH :

Ghislaine Dupont (T) và Claude Verlon, hai nhà báo bị sát hại ngày 02/11/2013 trong lúc tác nghiệp tại Mali. RFI

 

Nhân dịp này, tổ chức Unesco công bố một bản báo cáo cho thấy đa số các vụ sát hại nhà báo trên thế giới đều không bị trừng trị trong khi xung đột lan rộng ở nhiều nơi, đặc biệt ở Ukraina, Trung Đông và châu Phi và tình trạng tội phạm tiếp tục gia tăng, đặc biệt ở Nam Mỹ.

 

Theo tổng giám đốc Unesco, Audrey Azoulay, từ năm 2022-2023, có 162 nhà báo bị sát hại, trong đó gần một nửa đang tác nghiệp tại những nước có xung đột vũ trang, có nghĩa là « cứ bốn ngày lại có một nhà báo bị chết chỉ vì đi tìm sự thật ». Trước « tỉ lệ không bị trừng phạt » quá cao, Unesco kêu gọi các nước « gia tăng đáng kể nỗ lực của mình ».

 

Vẫn theo báo cáo, được AFP trích dẫn, Mêhicô dẫn đầu các nước có số vụ án nhiều nhất năm 2022 với 19 trường hợp. Tiếp theo là Ukraina, nơi có 11 nhà báo bị thiệt mạng trong khi làm nhiệm vụ. Trong năm 2023, « Nhà nước Palestine là nơi ghi nhận nhiều vụ nhất với 24 nhà báo bị sát hại ».

 

Nhiều cuộc tuần hành dự kiến diễn ra trong ngày 02/11 tại Pháp và Đức để lên án quân đội Israel tấn công các nhà báo Palestine ở dải Gaza. Thái độ thiếu trung lập của một số cơ quan truyền thông, đặc biệt là ở Đức, bị tổ chức Phong trào vì Dân chủ ở châu Âu 2025 (Democracy in Europe Movement 2025, DiEM25) lên án là đồng lõa trong những vụ sát hại này.

 

Trả lời RFI ngày 02/11, Johannes Fehr, người phát ngôn của DiEM 25 giải thích:

 

« Các nhà báo, và nhất là các chính trị gia ở Đức còn đồng lõa hơn, trong khi các nhà báo có nghĩa vụ nói về mỗi sinh mạng một cách bình đẳng và tường thuật những tội ác chiến tranh gây ra đối với người Palestine. Nhưng thực tế lại không như vậy.

 

Tôi nghĩ rằng nếu truyền thông Đức nói về 130 nhà báo đã thiệt mạng ở dải Gaza, thì có lẽ sẽ người dân Đức đã có phản ứng khác, họ có thể gây áp lực đối với chính phủ để ngừng cung cấp vũ khí cho Israel. Bởi vì chính phủ Đức cung cấp vũ khí cho quân đội Israel và những vũ khí này giết chết các nhà báo. Thậm chí những nhà báo bị sát hại này còn không được nhắc đến trên các phương tiện truyền thông Đức. Như vậy, phớt lờ những hành động tàn bạo đang xảy ra này tức là đang đồng lõa với những hành động đó ».

 





No comments:

Post a Comment

View My Stats