Monday, 4 November 2024

TRUNG QUỐC CỦNG CỐ QUAN HỆ QUỐC PHÒNG VỚI VIỆT NAM NHẰM 'CHIA ĐỂ TRỊ' Ở BIỂN ĐÔNG (BBC News Tiếng Việt)

 




Trung Quốc củng cố quan hệ quốc phòng với Việt Nam nhằm ‘chia để trị’ ở Biển Đông?

BBC News Tiếng Việt

4 tháng 11 năm 2024

https://www.bbc.com/vietnamese/articles/c99rpje34mvo

 

Chuyến thăm gần đây của Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc Trương Hựu Hiệp tới Việt Nam được xem là một dấu hiệu quan trọng thể hiện sự thắt chặt hợp tác quốc phòng giữa Bắc Kinh và Hà Nội, đồng thời cũng là bước đi chiến lược của Trung Quốc nhằm giảm bất ổn trong khu vực.

 

https://ichef.bbci.co.uk/ace/ws/800/cpsprodpb/3430/live/b2cbbd10-99e2-11ef-9260-19e6a950e830.jpg.webp

Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phan Văn Giang (phải) tiếp Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc Trương Hựu Hiệp tại trụ sở Bộ Quốc phòng Việt Nam ở Hà Nội vào ngày 24/10

 

Trong bài viết ngày 30/10, báo South China Morning Post (SCMP) dẫn đánh giá của nhà bình luận quân sự Tống Trung Bình rằng xây dựng "quan hệ hữu nghị, láng giềng tốt với Việt Nam", bao gồm cả quan hệ quốc phòng, là một mục tiêu ngoại giao quan trọng của Bắc Kinh, đặc biệt là khi cân nhắc tới yếu tố Mỹ.

 

Còn ông Chu Phong, Hiệu trưởng Trường Nghiên cứu Quốc tế, Đại học Nam Kinh, nhận xét rằng việc tăng cường giao tiếp và hợp tác là vấn đề then chốt đối với Trung Quốc và Việt Nam.

 

“Điều đó có thể giúp ngăn việc các tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông trở thành nguồn bất ổn trong khu vực và ảnh hưởng đến an ninh của Trung Quốc,” ông Chu Phong nhận định.

 

Thượng tướng Trương Hựu Hiệp đã có chuyến thăm Việt Nam từ ngày 24 đến 26/10.

 

Ông đã chào xã giao Tổng Bí thư Tô Lâm và Chủ tịch nước Lương Cường và hội đàm với Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang.

 

Tại cuộc hội đàm, hai bên đã ký kết các văn kiện: Ý định thư giữa Bộ Quốc phòng Việt Nam và Bộ Quốc phòng Trung Quốc về tăng cường hợp tác quốc phòng; Thoả thuận hợp tác Biên phòng giữa Bộ Quốc phòng Việt Nam và Bộ Quốc phòng Trung Quốc.

 

 

Áp dụng ‘chia để trị’

 

Ông Chu Phong cho rằng Bắc Kinh có thể muốn tạo dựng một "hình mẫu Việt Nam” để giảm căng thẳng với các quốc gia có tranh chấp chủ quyền khác, tránh tình trạng đối đầu như với Philippines.

 

Vài tháng qua, mâu thuẫn chủ quyền trên Biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc đã trở nên căng thẳng với những cuộc đụng độ thường xuyên của tàu hai nước.

 

Trong bối cảnh này, theo ông Malcolm Davis, chuyên gia phân tích cấp cao thuộc Viện Chính sách Chiến lược Úc (ASPI), Trung Quốc sẽ có lợi trong việc cố gắng xoa dịu tranh chấp với Việt Nam và "sử dụng hiệu quả chiến thuật 'chia để trị' để đạt được mục tiêu của mình".

 

"Trung Quốc muốn kiểm soát toàn bộ Biển Đông, vì vậy bằng cách chia rẽ các quốc gia, họ sẽ 'chiến thắng mà không cần chiến đấu',” ông nói với SCMP.

 

"Bằng cách ký thỏa thuận hợp tác an ninh với Việt Nam, Trung Quốc giảm bớt động lực của Hà Nội trong việc ủng hộ Manila, ngay cả khi Trung Quốc có động thái hung hăng ở Bãi Cỏ Mây,” ông Davis đánh giá.

 

Chiến thuật "chia để trị" có thể bao gồm các biện pháp kinh tế và ngoại giao để trừng phạt các quốc gia vi phạm các ranh giới không thành văn; và những ưu đãi về thương mại, đầu tư để dụ dỗ các quốc gia nhỏ hơn và yếu hơn nhằm mở rộng ảnh hưởng, theo CNN.

 

Trên Biển Đông, "lợi ích của Trung Quốc là một Đông Nam Á bị chia rẽ," nhà phân tích địa chính trị Don McLain Gill thuộc trường Đại học De La Salle ở Manila (Philippines) từng nhận định với BBC News Tiếng Việt vào tháng Tám.

 

Dù Việt Nam cũng là quốc gia có yêu sách trên Biển Đông, cách cư xử của Trung Quốc được cho là mềm dẻo hơn so với cách mà họ sử dụng với Philippines.

 

Theo ông Tống Trung Bình, Bắc Kinh ngày càng coi Hà Nội là quốc gia trung gian để cân bằng quan hệ quốc phòng với các nước láng giềng khác.

 

Ông nói thêm rằng sức ảnh hưởng của Việt Nam đối với ASEAN và khả năng quân sự tương đối mạnh của nước này khiến các quốc gia khác, bao gồm Mỹ và Trung Quốc, muốn thiết lập quan hệ.

 

Việt Nam cũng sẽ là "một mục tiêu khả thi đối với các quốc gia quan tâm đến việc cân bằng ảnh hưởng của Trung Quốc", ông đánh giá.

 

Theo bài viết ngày 22/7 của Tiến sĩ khoa học chính trị Nguyễn Khắc Giang trên trang Fulcrum của Viện nghiên cứu ISEAS–Yusof Ishak Institute (Singapore), Việt Nam và Philippines nằm ở tuyến đầu trong chiến lược của Mỹ nhằm kiểm soát sự trỗi dậy của Trung Quốc.

 

Thời gian gần đây, Mỹ đã gia tăng hợp tác quốc phòng với Việt Nam. Có ý kiến cho rằng nếu Trung Quốc quá cứng rắn trước Việt Nam, có khả năng Hà Nội sẽ nghiêng thêm về phía Washington.

 

Việt Nam đến nay vẫn duy trì quan hệ ngoại giao đa phương, cùng lúc với việc củng cố quan hệ với Trung Quốc.

 

Vào tháng Tám, lực lượng cảnh sát biển của Việt Nam và Philippines đã tổ chức các cuộc tập trận chung đầu tiên.

 

Tuy nhiên, khác với Việt Nam, Philippines hợp tác chặt chẽ với Mỹ về mặt quân sự.

 

"Khi Trung Quốc nhìn vào Philippines, họ luôn thấy Hiệp ước phòng thủ tương hỗ với Mỹ, vì vậy Bắc Kinh hung hăng với Manila ở một mức độ nhất định," ông Raymond M. Powell, Giám đốc Dự án SeaLight thuộc Trung tâm Gordian Knot, nói với BBC vào tháng Tám.

 

Trong khi đó, dù lãnh đạo Việt Nam với Trung Quốc luôn nhấn mạnh tới yêu cầu kiềm chế và đối thoại để giải quyết khác biệt, hai bên vẫn có những va chạm trên thực địa. Mới đây là việc lực lượng thực thi pháp luật của Trung Quốc trấn áp, đánh bị thương, tịch thu tài sản của ngư dân Việt Nam vào cuối tháng Chín.

 

 

'Việt Nam không nên ảo tưởng'

 

Việt Nam từng áp dụng cách thức công khai chỉ trích Trung Quốc tương tự như Philippines. Một ví dụ nổi bật là vào năm 2014, khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 gần quần đảo Hoàng Sa, tại khu vực mà Việt Nam cho biết là thuộc vùng đặc quyền kinh tế của mình.

 

Lúc bấy giờ, Việt Nam đã mời phóng viên báo đài, bao gồm cả phóng viên quốc tế, tới nơi xảy ra tranh chấp để đưa tin về vụ việc.

 

Sự đưa tin rầm rộ của báo chí đã góp phần thổi bùng làn sóng chống Trung Quốc tại Việt Nam, dẫn tới các cuộc biểu tình rộng khắp, trong đó có những nơi người biểu tình đập phá các nhà máy mà họ cho là của Trung Quốc.

 

Những năm gần đây, nhất là từ năm 2020 đến nay, Việt Nam chọn cách tiếp cận ngược lại, theo ý kiến của nhà phân tích Derek Grossman thuộc viện nghiên cứu Rand của Mỹ trên báo Nikkei Asia tháng 7/2024.

 

Ông Grossman cho rằng Hà Nội đã đạt thỏa thuận ngầm với Bắc Kinh là không công khai các xung đột và giải quyết các bất đồng và căng thẳng giữa hai nước hoàn toàn trong hậu trường nhằm tránh các leo thang không cần thiết.

 

Tuy nhiên, trong vụ việc ngư dân Việt Nam bị tấn công hồi tháng 9, Việt Nam đã lên án Trung Quốc một cách mạnh mẽ, thẳng thắn hơn.

 

Nhận xét với BBC vào thời điểm đó, một nhà nghiên cứu của Dự án Đại sự ký Biển Đông nói rằng Việt Nam sẽ vẫn giữ cách tiếp cận cũ: ngoại giao âm thầm nhiều nhất có thể nhưng khi việc ngoại giao này thất bại, hoặc đối với những vụ việc nghiêm trọng, Việt Nam sẽ lên tiếng công khai

 

Theo bài viết ngày 16/10 trên The Diplomat, tác giả Nguyễn Thanh Long cho rằng Việt Nam phải cân bằng giữa một chiến lược minh bạch mạnh mẽ với việc duy trì quan hệ song phương ổn định với Trung Quốc.

 

"Các chiến dịch ngoại giao công chúng của Việt Nam phải đảm bảo rằng công chúng nhận thức rõ hai yếu tố. Thứ nhất, Việt Nam có một nền văn hóa hàng hải và nhiều bằng chứng lịch sử ủng hộ các yêu sách chủ quyền của mình ở Biển Đông. Thứ hai, các yêu sách chủ quyền và hàng hải của Việt Nam tuân thủ các luật lệ quốc tế,” ông viết.

 

Tuy nhiên, ông cũng nói thêm rằng các quốc gia không nên quá phụ thuộc vào ngoại giao công chúng, mà nên xem đó như một công cụ bổ sung. Cốt lõi của bất kỳ chiến lược nào ở Biển Đông vẫn phải dựa trên năng lực quốc gia toàn diện và việc tuân thủ luật pháp quốc tế.

 

VIDEO : Trung Quốc quá bận với Philippines nên bỏ qua Việt Nam?

                https://www.bbc.com/vietnamese/articles/c99rpje34mvo

 

Lý giải sự khác biệt trong cách Trung Quốc xử sự với Việt Nam và Philippines, ông Raymond M. Powell nói rằng có thể là do Trung Quốc quá bận rộn với Philippines đến mức không thể tập trung vào Việt Nam trong thời điểm hiện tại.

 

Việc này đã giúp Việt Nam có cơ hội thực hiện việc bồi đắp đảo ở quần đảo Trường Sa.

Tuy nhiên, ông Powell cho rằng Trung Quốc chưa hề từ bỏ tham vọng yêu sách nắm quyền kiểm soát Biển Đông.

 

"Trong tương lai, chúng ta có thể thấy các cuộc tuần tra xâm nhập trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam sẽ tiếp tục diễn ra và Trung Quốc cuối cùng sẽ chuyển sự chú ý sang Việt Nam, cố gắng làm suy yếu sự kiểm soát của Việt Nam đối với các khu vực ở quần đảo Trường Sa."

 

"Hà Nội không nên ảo tưởng rằng Trung Quốc sẽ đối xử với họ theo kiểu ít tham vọng hơn so với bất kì nước nào trong khu vực," ông cảnh báo.

 

Trong cuộc hội đàm với ông Trương Hựu Hiệp, Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang một lần nữa nhắc đến việc cần sớm ký kết Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), vốn đã qua nhiều lần lỗi hẹn sau hơn 10 năm đàm phán giữa Trung Quốc và ASEAN.

 

-----------------------------

Tin liên quan

·         

Tân tổng thống Mỹ có làm thay đổi thế cục Biển Đông?

2 tháng 11 năm 2024

·         

'Việt Nam xây hai đường băng mới trên quần đảo Trường Sa'

1 tháng 11 năm 2024

·         

Radar trên đảo Tri Tôn: Trung Quốc có thể do thám miền Trung Việt Nam và xa hơn?

27 tháng 10 năm 2024

·         

Tổng thống Trump hay Tổng thống Harris: khác biệt thế nào đối với Việt Nam?

30 tháng 10 năm 2024

·         

Campuchia 'không phải là quả bóng' bị tung hứng giữa Việt Nam và Trung Quốc

2 tháng 11 năm 2024

·         

Ông Đường Văn Thái lãnh án 12 năm tù: các tổ chức nhân quyền quốc tế phản đối

31 tháng 10 năm 2024

 






No comments:

Post a Comment

View My Stats