Friday, 8 November 2024

THÁI ĐỘ CỦA TRUNG QUỐC ĐỐI VỚI BẦU CỬ TỔNG THỐNG MỸ (James Palmer  |  Foreign Policy)

 



Thái độ của Trung Quốc đối với bầu cử tổng thống Mỹ

James Palmer  |  Foreign Policy

Tạ Kiều Trang, biên dịch

08/11/2024

https://nghiencuuquocte.org/2024/11/08/thai-do-cua-trung-quoc-doi-voi-bau-cu-tong-thong-my/

 

Đến nay Bắc Kinh vẫn thận trọng duy trì lập trường trung lập về cuộc bầu cử tổng thống Mỹ.

 

Tiêu điểm tuần này: Trung Quốc theo dõi sát sao cuộc bầu cử tổng thống Mỹ dù không đặt nhiều kỳ vọng vào kết quả; cuộc trao đổi tù nhân bất thường giữa Mỹ và Trung Quốc tháng 9 làm dấy lên nhiều câu hỏi; một nhà virus học hàng đầu Trung Quốc thực hiện nghiên cứu tiên phong về virus Corona cùng đội ngũ quốc tế.

 

Góc nhìn từ Bắc Kinh

Trung Quốc đang hướng sự chú ý đến cuộc bầu cử tổng thống Mỹ diễn ra hôm 6/11 – dù không đặt nhiều kỳ vọng vào kết quả. Cho đến nay, Bắc Kinh vẫn giữ lập trường trung lập về cuộc bầu cử, xem các diễn biến như việc Tổng thống Joe Biden rút khỏi cuộc đua là “vấn đề nội bộ” của Mỹ.

 

Dù mạng xã hội Trung Quốc có thiên hướng ủng hộ ông Trump, nhưng giới lãnh đạo chính trị ở Bắc Kinh không nghiêng về bất cứ ai, cả ông Trump lẫn Phó tổng thống Kamala Harris – thậm chí cũng không có một dấu hiệu nào cho thấy sự lo lắng nếu một trong hai người đắc cử.

 

Nói chung, truyền thông Trung Quốc thường xem nhẹ các cuộc bầu cử Mỹ, mô tả chúng là những sự kiện lộn xộn và lố bịch, và truyền thông cũng chỉ thường nhắm đến chính quyền đương nhiệm. Bắc Kinh rõ ràng quan tâm đến việc làm giảm uy tín của nền dân chủ cũng như quan tâm đến việc nhấn mạnh sự chia rẽ trong hệ thống chính trị đa đảng.

 

Thông thường, truyền thông nhà nước Trung Quốc sẽ lên tiếng đáp trả những chỉ trích được cho là công kích Trung Quốc trong mùa tranh cử; nhưng năm nay chủ đề Trung Quốc hầu như vắng bóng trong các cuộc thảo luận ở Mỹ, ngoại trừ khi các chính trị gia tìm cách bôi xấu đối thủ.

 

Có rất ít dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đang thực sự tìm cách can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, điều này hé lộ những ưu tiên của Bắc Kinh. Tin tặc Trung Quốc nghe lén điện thoại trong chiến dịch tranh cử của cả hai ứng viên và nhắm vào hàng chục cá nhân khác đang làm việc trong lĩnh vực an ninh, nhưng đây chỉ là hoạt động thu thập thông tin thông thường.

 

Những nỗ lực can thiệp thực sự hiện đang tập trung vào các cuộc bầu cử cấp tiểu bang và địa phương, nhắm vào những ứng cử viên công khai chỉ trích Bắc Kinh. Điều này trái ngược với những nỗ lực của Trung Quốc trong việc can thiệp vào bầu cử tại Canada, nơi Trung Quốc không chỉ nhắm vào các chính trị gia cụ thể mà còn gắng mở rộng phạm vi của các nỗ lực phá hoại nhằm làm suy yếu Đảng Bảo thủ.

 

Mạng lưới “máy tính ma” (botnet) của Trung Quốc đã hoạt động trong một thời gian dài, được biết đến với tên gọi Spamouflage, dù đúng là có một số thời điểm đã ủng hộ Trump và tấn công Biden nhưng chúng có vẻ tập trung vào mục đích khiêu khích nói chung hơn là mục đích chính trị. Mạng xã hội X (trước đây là Twitter) dưới quyền sở hữu của Elon Musk đã chuyển sang ưu tiên nội dung thiên hữu, do đó những người vận hành mạng lưới máy tính ma muốn mở rộng phạm vi người tiếp cận nội dung có khả năng sẽ đi theo hướng này.

 

Có một số lập luận khá nhất quán cho rằng Trung Quốc sẽ ủng hộ Trump vì Trump có thể sẽ làm suy yếu các liên minh của Mỹ, cũng như Trump được cho là có thái độ không đáng tin cậy và thực dụng đối với Đài Loan. (Công chúng Đài Loan phần đông ủng hộ Harris.) Tuy nhiên quan điểm đó có thể đã đánh giá quá cao khả năng nhận định về chính trị Mỹ của Trung Quốc. Theo kinh nghiệm của tác giả, thái độ tin vào thuyết âm mưu (conspiratorialism) đang chi phối giới quan chức Trung Quốc, và họ tin rằng nền dân chủ Mỹ chỉ là một vỏ bọc để che đậy những thế lực quyền lực thực sự.

 

Dưới thời chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, ngày càng có nhiều nhà quan sát chính trị sắc sảo và am hiểu bị loại bỏ vì bị xem là quá “thân Mỹ” hoặc thậm chí là mối đe doạ an ninh tiềm tàng sau một thời gian họ sống ở nước ngoài. Nhưng ngay cả những chuyên gia được tôn trọng, những người vẫn còn có tiếng nói, cũng tin rằng chính sách cứng rắn với Trung Quốc là một trong những vấn đề hiếm hoi nhận được sự đồng thuận từ cả hai đảng tại Washington, nên quan hệ Mỹ – Trung sẽ không thay đổi nhiều, bất kể ai là người thắng cử.

 

Ở mức độ cá nhân, giới lãnh đạo Trung Quốc có thể sẽ thấy thoải mái hơn với Trump so với Harris. Một lý do là Trump là một nhân vật quen thuộc – dù chỉ trích Trung Quốc nhưng Trump lại thường xuyên khen ngợi Tập. Không chỉ vì bốn năm quan hệ với Trung Quốc khiến Trump trở thành một nhân vật quen thuộc, mà còn bởi vì Trump đại diện cho một kiểu người mà lãnh đạo Trung Quốc đã có sẵn chiến lược đối đãi: những doanh nhân già dặn với cái tôi dễ vuốt ve và có lợi ích gia đình tại Trung Quốc.

 

Lãnh đạo Trung Quốc, hầu hết là nam giới, cảm thấy ít thoải mái hơn nếu phải làm việc với phụ nữ; họ dùng những ngôn từ ác ý đối với các nữ lãnh đạo, trong đó nổi bật nhất là lời lẽ nhắm đến cựu Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn (Tsai Ing-wen). Cựu ứng cử viên tổng thống Mỹ Hillary Clinton không được ưa thích ở Trung Quốc, phần lớn do các hoạt động của bà trong thập niên 1990 nhằm thúc đẩy quyền phụ nữ như một phần của quyền con người. Với những sự kiện trước đó, cộng với tình trạng phân biệt chủng tộc chống người da đen phổ biến có thể khiến Bắc Kinh khó lòng coi Harris là một nhân tố địa chính trị quan trọng.

 

Tin tức được quan tâm

 

Mỹ và Trung Quốc trao đổi tù nhân

Trong một động thái bất thường vào tháng 9, Mỹ được cho là đã trao đổi một tù nhân Trung Quốc không rõ tên để đổi lấy mục sư người Mỹ gốc Hoa David Lâm bị Trung Quốc giam giữ từ năm 2006. Năm 2009, Lâm bị buộc tội gian lận hợp đồng, một tội danh mà ông phủ nhận, nhưng ông cũng bị cáo buộc là đã hỗ trợ các “nhà thờ ngầm” ở Trung Quốc. Ở trong tù, sức khoẻ của Lâm suy giảm nghiêm trọng.

 

Mỹ hiếm khi thực hiện các cuộc trao đổi tù nhân chính thức với Trung Quốc. Tuy nhiên, ba năm về trước, một thoả thuận trao đổi khá hiệu quả giữa Trung Quốc, Canada và Mỹ đã giúp giám đốc tài chính của Huawei Mạnh Vãn Châu được tự do, đổi lấy hai công dân Canada đang bị giam giữ.

 

Vẫn chưa rõ ai đã được trao đổi để lấy Lâm. Khả năng cao là Ngô Khiếu Lôi (Xiaolei Wu), một sinh viên bị kết tội theo dõi và quấy rối một nhà hoạt động ủng hộ dân chủ ở Mỹ. Ngô được ân xá và trở về Trung Quốc cũng vào khoảng thời gian Lâm được trả tự do. Nhưng chính điều đó lại làm dấy lên nhiều câu hỏi khi xét đến bản án ngắn chỉ chín tháng của Ngô; có khả năng Ngô có mối quan hệ với ai đó có sức ảnh hưởng.

 

 

Bình luận viên mang chủ nghĩa dân tộc cực đoan trở lại. 

Hồ Tích Tiến (Hu Xijin), một nhà bình luận theo chủ nghĩa dân tộc và cựu tổng biên tập của tờ Thời báo Hoàn Cầu (Global Times) – tờ báo của Đảng Cộng sản Trung Quốc, đã quay lại mạng xã hội sau ba tháng vắng bóng. Ông Hồ đã biến mất sau một bài kêu gọi thúc đẩy mạnh mẽ các doanh nghiệp tư nhân – một chủ đề nhạy cảm trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc hiện tại và quyết tâm của Tập Cận Bình nhằm duy trì vai trò chi phối của nhà nước.

 

Ông Hồ, người từng là sếp của tôi khi tôi làm việc tại mảng ấn phẩm tiếng Anh của Thời báo Hoàn Cầu, là một nhà điều hành tài ba trong mảng báo khổ nhỏ nhưng bị buộc phải hoạt động trong khuôn khổ của truyền thông nhà nước. Ông Hồ lâu nay tìm cách thu hút sự chú ý của công chúng, trong khi đó cũng mong mỏi nhận được sự bảo vệ từ “cấp trên”.

 

Khi ông Hồ còn là một biên tập viên, nhân viên tờ Nhân dân Nhật báo (People’s Daily), cơ quan chủ quản của Thời báo Hoàn Cầu, từng cho tôi biết rằng ông Hồ có một “chỉ tiêu” không chính thức cho những “lỗi lầm chính trị” có thể chấp nhận được – khoảng sáu tháng một lần. Việc ông Hồ bị trừng phạt nghiêm khắc hơn lần này một phần là vì ông không còn làm việc dưới sự bảo hộ của truyền thông nhà nước, nhưng cũng là dấu hiệu cho thấy cách các nhà chức trách Trung Quốc hiện nay phản ứng thái quá ngay cả với những nhà bình luận thân chính quyền.

 

 

Công nghệ và Kinh doanh

 

Hợp tác trong nghiên cứu về virus. 

Thạch Chính Lệ (Shi Zhengli) – một nhà virus học nổi tiếng người Trung Quốc, cái tên từng bị gắn với giả thuyết gây tranh cãi về nguồn gốc của COVID-19 rò rỉ từ phòng thí nghiệm – đã đóng góp vào công trình nghiên cứu tiên phong về các thụ thể virus corona, từ đó có thể giúp phát triển các loại thuốc mới. Nghiên cứu này được thực hiện cùng các nhà khoa học từ Trung Quốc, Thụy Sĩ và Mỹ.

 

Đây là một tín hiệu đầy hứa hẹn cho sự hợp tác quốc tế trong nghiên cứu dịch bệnh, vốn đã bị tổn hại bởi các cáo buộc lẫn nhau về nguồn gốc của đợt bùng phát COVID-19. Trước đại dịch, bản thân bà Thạch cùng công trình của bà từng nhận được sự tôn trọng rất lớn từ các đồng nghiệp quốc tế.

 

 

Máy bay không người lái Mỹ gặp khó vì lệnh trừng phạt từ Trung Quốc. 

Skydio, nhà sản xuất drone lớn nhất của Mỹ, đang đối mặt với những vấn đề nghiêm trọng về chuỗi cung ứng sau khi bị Trung Quốc trừng phạt vào giữa tháng 10. Skydio phụ thuộc vào pin được sản xuất bởi một nhà máy thuộc sở hữu Nhật Bản đặt tại Trung Quốc. Bắc Kinh đã tăng cường sử dụng các lệnh trừng phạt trong cuộc chiến công nghệ với Washington, như cách mà Mỹ đã làm với Bắc Kinh.

 

Bằng cách này, Trung Quốc hy vọng có thể gây sức ép buộc các công ty Mỹ phải vận động hành lang giúp mình và ngừng bán hàng cho Đài Loan. Tuy nhiên, kết quả lâu dài có thể là sự phân tách lớn hơn giữa Mỹ và Trung Quốc đại lục.

 






No comments:

Post a Comment

View My Stats