Sunday, 3 November 2024

CUỘC CHIẾN UKRAINE KHƠI GỢI BÍ MẬT CỦA TRIỀU TIÊN TRONG CHIẾN TRANH VIỆT NAM (Luna Pham / RFA)

 



Cuộc chiến Ukraine khơi gợi bí mật của Triều Tiên trong chiến tranh Việt Nam

Luna Pham   |   RFA
2024.11.01

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/ukraine-war-stir-memories-of-north-korea-s-long-secret-vietnam-venture-11012024165341.html

 

Trong thập nhiên 1960, Bắc Triều Tiên muốn các phi công chiến đấu của họ có kinh nghiệm thực chiến chống lại “chủ nghĩa đế quốc”

 

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/ukraine-war-stir-memories-of-north-korea-s-long-secret-vietnam-venture-11012024165341.html/@@images/image

Những phi công Triều Tiên chụp hình cùng Thiếu tướng Phan Khắc Hy (hàng đầu, thứ tư từ phải sang), chính uỷ của Bộ Tư lệnh không quân Bắc Việt trong một bức hình không rõ ngày tháng    (Gia đình Thiếu tướng Phan Khắc Hy)

 

Đọc bản tiếng Anh

 

Hành động điều hàng ngàn quân tới giúp Nga trong cuộc chiến ở Ukraine của Triều Tiên đã gióng lên tiếng chuông cảnh báo ở các nước phương Tây. Điều này buộc giới phân tích quân sự chú ý tới những can dự của Bình Nhưỡng vào các xung đột ở nước ngoài trong quá khứ, để tìm ra manh mối cho những gì sẽ xảy ra ở Ukraine.

 

Hơn 60 năm trước, quân đội Triều Tiên đã trực tiếp tham gia vào Chiến tranh Việt Nam, và Chiến tranh Yom Kippur ở Trung Đông năm 1973. Trong đó, Chiến tranh Việt Nam là cuộc chiến có mức độ lớn hơn rất nhiều và cũng kéo dài hơn.

 

Năm 1965, lãnh tụ Kim Nhật Thành, người sáng lập ra quốc gia Triều Tiên hiện đại, và là ông nội của đương kim lãnh tụ Kim Jong Un, đã quyết định điều phi công chiến đấu tới miền Bắc Việt Nam để đánh nhau với điều mà ông ta cho là chủ nghĩa đế quốc phương Tây, và chủ nghĩa thực dân.

 

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/ukraine-war-stir-memories-of-north-korea-s-long-secret-vietnam-venture-11012024165341.html/nkoreaukrainestory2.jpeg/@@images/710d2a52-25dc-4b84-ac6b-52a3b5e20209.png

Bia mộ phi công Triều Tiên Won Hong Sang hy sinh khi tham chiến ở Bắc Việt Nam vào năm 1965 ở tuổi 19. Báo Dân Trí

 

Won Hong Sang là phi công Triều Tiên đầu tiên và trẻ nhất tử trận tại Việt Nam, bị bắn rơi vào ngày 24 tháng 9 năm 1965, ở độ tuổi 19. Điều này không khiến lãnh đạo Triều Tiên từ bỏ ý định can dự sâu hơn vào cuộc chiến tranh với quân đội Mỹ.

 

 

Đề nghị của Kim Nhật Thành

 

Ngày nay, sự can thiệp của Triều Tiên hiếm khi được nhắc tới ở Việt Nam.

 

Các sử gia Việt Nam nhìn chung đều đồng ý rằng chính Kim Nhật Thành đã tình nguyện gửi lính tới chiến đấu ở Bắc Việt trong thập niên 60, trái với quan điểm cho rằng Hà Nội đã cầu viện phi công do nhu cầu cấp bách ở thời điểm đó.

 

Người khai sinh ra nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên, tên gọi chính thức của Triều Tiên, tới thăm Việt Nam lần đầu tiên vào năm 1958 và quay trở lại năm 1964, thời điểm mà Hoa Kỳ bắt đầu triển khai chiến tranh diện rộng, và đồng minh Hàn Quốc của họ cũng gửi những người lính đầu tiền tới miền Nam Việt Nam.

 

Toán phi công đầu tiên của Triều Tiên được triển khai tới Hà Nội trong năm 1965 để huấn luyện với máy bay chiến đấu do Liên Xô cung cấp. Khi chiến tranh leo thang, đã có thêm nhiều phi công được cử đến.

 

“Những người bạn của chúng ta đã đề nghị được gửi một đơn vị lính không quân tình nguyện tới Việt Nam chiến đấu”, Tư lệnh Quân chủng Phòng không – Không quân của Bắc Việt, Phùng Thế Tài, phát biểu trong một hội nghị của Thường trục Quân ủy Trung ương, ngày 21 tháng 9 năm 1996, khi ám chỉ đến Triều Tiên.

 

“Người của họ sẽ được tổ chức thành các đại đội và biên chế vào trung đoàn không quân của chúng ta, họ sẽ mặc quân phục của ta và được bố trí ở cùng sân bay với trung đoàn của ta”.

 

Sau khi kế hoạch được tướng Võ Nguyên Giáp phê duyệt, Bắc Việt và Triều Tiên đã ký một thỏa thuận triển khai phi công chiến đấu, dưới vỏ bọc “chuyên gia” nhưng trên thực tế là “quân tình nguyện”.

 

Từ năm 1965 đến năm 1969, Triều Tiên đã gửi khoảng 100 quân nhân tới phục vụ ở các vị trí khác nhau trong lực lượng không quân của Bắc Việt. Viện Nghiên cứu Lịch sử Quân sự của Hàn Quốc cho biết bắc Triều Tiên đã gửi “hàng trăm” phi công nhưng các sử gia Việt Nam phản bác con số trên. Tổng cộng đã có 14 phi công tử trận.

 

“Ta phải đoàn kết tôn trọng bạn, nhưng phải giữ vững chủ quyền” bằng cách chỉ rõ phạm vi hoạt động, chỉ định sân bay, và nhiệm vụ để “tránh những phức tạp không đáng có”, Tướng Giáp giải thích.

 

Phía Bắc Việt có vẻ không được thoải mái với ý tưởng cho quân đội nước ngoài tham gia vào cuộc chiến của họ, hơn nữa quân Triều Tiên còn thiếu cả kinh nghiệm lẫn công nghệ.

 

 

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/ukraine-war-stir-memories-of-north-korea-s-long-secret-vietnam-venture-11012024165341.html/nkoreaukrainestory3.jpeg/@@images/29ee6361-a297-430e-acb3-90c8011d176f.png

Ông Hồ Chí Minh chào đón lãnh đạo Triều Tiên Kim Nhật Thành tại sân bay Gia Lâm, Hà Nội hôm 11/11/1964 trong chuyến thăm chính thức thứ hai tới Việt Nam. Hình: Lăng Hồ Chí Minh

 

Một nguồn tin phía Việt Nam nắm được thông tin về mối quan hệ với Triều Tiên cho biết trong cuộc gặp tại Hà Nội vào năm 1964, Hồ Chí Minh đã cảm ơn Kim Nhật Thành vì đã đề nghị giúp đỡ, và nói thêm rằng “viện trợ về vật chất cũng đã đủ”.

 

“Chúng tôi chỉ đồng ý sau khi Triều Tiên một mực giãi bày rằng phi công của họ thực sự cần kinh nghiệm chiến đấu, và cơ hội để làm quen với máy bay do Liên Xô chế tạo”, theo lời nguồn tin nói với RFA, người này từ chối tiết lộ danh tính vì đây là chủ đề nhạy cảm.

 

“Nhưng vấn đề là họ bị bắn rụng rất nhiều, mất cả phi công lẫn máy bay”, người này nói thêm. “Việt Nam mang ơn Triều Tiên rất nhiều vì những viện trợ trong thời chiến như thực phẩm, đạn dược và thuốc men, nhưng chương trình phi công chiến đấu thì không thực sự hiệu quả”.

 

 

Tinh thần chiến đấu cao độ

 

Theo ông Merle Pribbenow, một cựu nhân viên CIA sau này trở thành nhà nghiên cứu độc lập về Chiến tranh Việt Nam, thì chương trình triển khai phi công chiến đấu người Triều Tiên đến Việt Nam, đã được giấu kín cho đến năm 2000, rất lâu sau khi chiến tranh kết thúc.

 

Lính Triều Tiên phục vụ trong một đơn vị không quân cỡ trung đoàn, dưới tên gọi “Group Z”, ông Pribbenow viết thêm rằng đơn vị này đóng quân ở sân bay Kép, nằm ở phía bắc Hà Nội, từ đầu năm 1967 đến hết năm 1968. 

 

Truyền thông Việt Nam tiết lộ thêm rằng “Goup Z” đã hứng chịu thiệt hại nặng nề trong khoảng từ năm 1967 đến năm 1968, và sau đó bị giải thể vào năm 1969.

 

Một bài viết đăng trên Báo Công an Nhân dân vào tháng 7 năm 2013, cho biết sở dĩ nhóm phi công được cử tới Việt Nam vì phía Triều Tiên “ngưỡng mộ trước những chiến công mà không quân Việt Nam đạt được”.

 

“Chiến sỹ Triều Tiên đã được những sĩ quan giàu kinh nghiệm nhất của không quân Việt Nam chỉ bảo tận tình, truyền đạt tỉ mỉ tất cả những kỹ thuật lái máy bay Mic 17 và Mic 19”, bài báo có đoạn.

 

Phi công Triều Tiên được biết đến với “tinh thần chiến đấu cao độ” và “một vài phi công thậm chí còn xích mình vào ghế, sẵn sàng hy sinh cùng với máy bay”, bài báo viết thêm.

 

Trong cuốn hồi ký xuất bản năm 2023, Trung tướng Phạm Phú Thái, người từng là phi công chiến đấu trong giai đoạn chiến tranh, mô tả những phi công Triều Tiên, dưới tên gọi “Những người bạn Z” - “ầm ầm khí thế lao vào chặn đứng máy bay địch... tiếng động cơ, tiếng súng, tiếng tên lửa nổ gây nhiễu loạn cả vùng trời”.

 

“Những người bạn Z báo cáo họ bắn rơi năm máy bay Mỹ, phía ta công nhận họ bắn rơi ba chiếc, nhưng không thấy chiếc nào rơi tại chỗ”, Trung tướng Phạm Phú Thái viết về một cuộc đụng độ xảy ra vào ngày 21 tháng 7 năm 1967. Ông cũng cho biết ba phi công “Những người bạn Z” hy sinh trong trận đánh này.

 

Theo tướng Thái, trong hai năm 1967 và 1968, “Những người bạn Z” thực hiện 1.266 phi vụ xuất kích chiến đấu, bắn rơi 26 máy bay Mỹ, và bắt sống tám phi công Mỹ.

 

 

Hy sinh to lớn

 

14 phi công chiến đấu Triều Tiên hy sinh trong chiến tranh Việt Nam được chôn cất tại nghĩa trang Tân Dĩnh ở tỉnh Bắc Giang, đây là nghĩa trang dành cho liệt sĩ người nước ngoài duy nhất ở Việt Nam, hài cốt của họ sau đó được hồi hương vào năm 2002 thể theo đề nghị của phía Bình Nhưỡng.

 

Nhiều năm sau chiến tranh, các kênh chính thức của chính quyền Triều Tiên mới nói về công lao to lớn và sự hy sinh cao cả mà người Triều Tiên bỏ ra để giúp người anh em Việt Nam đánh bại “đế quốc Mỹ và tay sai”.

 

“Chiến tranh Việt Nam được truyền thông nhà nước Triều Tiên mô tả như là một phần của cuộc đấu tranh vũ trang chung của Thế giới Thứ ba, nhằm chống lại lực lượng đế quốc và thực dân phương tây”, theo Benjamin Young, chuyên gia về Triều Tiên và là học giả vãng lai tại viện nghiên cữu RAND Corporation, Hoa Kỳ.

 

“Do có nền kinh tế tương đối ổn định, thời kỳ Kim Nhật Thành cầm quyền được cho là thời hoàng kim của chủ nghĩa quốc tế xã hội chủ nghĩa ở Triều Tiên”, ông Young nói với RFA, ông này cũng nói thêm rằng giờ đây cuộc chiến ở Ukraine đang được các cán bộ tuyên giáo ở Triều Tiên tuyên truyền là một nỗ lực để xây dựng “thế giới đa cực mới”.

 

“Ở thời điểm đó, truyền thông nhà nước Triều Tiên cho đăng tải các bài viết nhắc đến những chí nguyện quân đi chiến đấu ở Việt Nam. Công khai hơn rất nhiều so với thời điểm hiện tại, khi mà chính quyền Triều Tiên vẫn phủ nhận việc họ điều quân đến Nga”, theo ông Young. “Tôi không nghĩ người dân Triều Tiên cảm thấy hài lòng trước việc binh sĩ nước họ bị điều đi đánh nhau ở nước ngoài, cách xa hàng ngàn dặm.”

 

Mối quan hệ liên Triều cũng đóng vai trò nhất định, quyết định đến sự can dự của Bình Nhưỡng ở Việt nam.

 

Bên cạnh nhóm phi công chiến đấu, Triều Tiên còn cử lực lượng đặc nhiệm tới các khu vực ở Nam Việt Nam, nơi quân đội Hàn Quốc hoạt động, để “nghiên cứu kỹ- chiến thuật, khả năng sẵn sàng chiến đấu, và tinh thần của quân đội Hàn Quốc, và sử dụng tuyên truyền chống lại người Hàn Quốc”, theo như nội dung một bức điện mật của đại sứ quán Romania ở Bình Nhưỡng gửi về Bucharest vào ngày 6 tháng 7 năm 1967, được thu thập bởi Dự án Tài liệu Quốc tế về Triều tiên của Trung tâm Wilson có trụ sở tại Hoa Kỳ.

 

Đây là “bằng chứng cho thấy Kim Nhật Thành chủ trương tăng cường sự hiện diện quân sự của Triều Tiên tại Việt Nam, nhằm đánh giá năng lực quân sự của Hàn Quốc”, theo ông Young.

 

Ông này cũng cho rằng sự đối đầu của hai miền Triều Tiền rất có thể cũng sẽ xuất hiện trong Chiến tranh Ukraine.

 

“Hàn Quốc rất có thể sẽ gửi vũ khí sát thương tới Ukraine một cách công khai và trực tiếp”, ông Young nói.

 

Một vài nhà phân tích phương tây cho rằng Kim Nhật Thành đã tỏ ra hài lòng khi chứng kiến việc Hoa Kỳ bị sa lầy trong cuộc chiến ở Việt Nam, do đó không thể duy trì sức ép quân sự lên Triều Tiên.

 

Giờ đây, cháu nội Kim Jong Un của ông ta, một thập kỷ sau khi Chiến tranh Việt Nam kết thúc mới ra đời, rất có thể cũng sẽ rất hài lòng khi chứng kiến Hoa Kỳ bận tâm với cuộc chiến ở Ukraine.

 

* Mike Firn và Taejun Kang biên tập

 

--------------------

Tin, bài liên quan

Thời Sự

 

·        Vì sao Việt Nam bỏ phiếu thuận với Palestine nhưng lại bỏ phiếu trắng với Ukraine?

·        Lập trường của Việt Nam về cuộc chiến Ukraine khi Trung Hoa và Nhật Bản đối chọi nhau

·        Lập trường của Ukraine về Biển Đông và lựa chọn của Việt Nam

·        Đề nghị tập trận chung Nga - Việt Nam: quyết định bất hợp lý, gây ngạc nhiên

·        Đại biện Lâm thời Ukraine bày tỏ sự xúc động trước những ủng hộ của người Việt Nam

 

 





No comments:

Post a Comment

View My Stats