Bên trong lưới
điện siêu cao áp của Trung Quốc
BBC News Tiếng Việt
16 tháng 11 2024, 17:00 +07
https://www.bbc.com/vietnamese/articles/c5ym607re4ko
Trung Quốc sản xuất nhiều năng lượng sạch hơn bất kỳ quốc gia nào khác. Nước
này hiện đang triển khai lưới điện siêu cao thế để truyền tải điện. Liệu chiến
lược trở thành siêu cường về năng lượng sạch của họ có mang lại hiệu quả không?
Trong một ngôi làng yên tĩnh ở rìa Thượng Hải, siêu đô thị của Trung Quốc với
25 triệu dân, một tòa nhà xanh khổng lồ được bao quanh bởi một mê cung dây điện
và cột điện đối lập với cảnh quan xung quanh. Bao quanh con quái vật này, không
xa bờ biển của Vịnh Hàng Châu - cửa ngõ hình phễu rộng lớn dẫn ra Biển Hoa Đông
- là một loạt các lô đất trồng rau, những con đường nông thôn quanh co và một
dòng kênh êm đềm.
Tòa nhà lạc lõng này là Trạm biến áp Phụng Hiền, một trung tâm tiếp nhận
dòng điện đã di chuyển khoảng 1.900 km trước khi được phân phối tới các hộ gia
đình, văn phòng và nhà máy ở Thượng Hải. Ở đầu kia của đường dây truyền tải là
Nhà máy thủy điện Hướng Gia Bá nằm ở miền tây nam Trung Quốc, nơi khai thác
năng lượng từ dòng sông Kim Sa hùng vĩ, phần thượng nguồn của sông Trường
Giang.
Đường dây truyền tải điện Hướng Gia Bá – Thượng Hải, được đưa vào hoạt động
từ năm 2010, là một trong những dự án siêu cao áp (UHV) đầu tiên của Trung Quốc
– một công nghệ được thiết kế để truyền tải điện năng trên khoảng cách xa.
Dự án này đã mở ra một kỷ nguyên mới, trong đó Trung Quốc sẽ xây dựng một mạng
lưới hạ tầng UHV rộng lớn, được ví như "tàu cao tốc cho điện năng", để
đưa điện từ các nguồn thủy điện và điện than ở các khu vực xa xôi tới các thành
phố đông dân.
Hiện nay, Trung Quốc coi các đường dây điện khổng lồ này là chìa khóa cho
việc mở rộng nhanh chóng các cơ sở điện gió và điện mặt trời, vốn tập trung ở một
số khu vực xa xôi.
Các quốc gia như Vương quốc Anh, Ấn Độ và Brazil cũng đã áp dụng các chiến
lược tương tự.
Mặc dù sử dụng công nghệ siêu cao áp (UHV) không phải là cách duy nhất để
truyền tải năng lượng tái tạo, nhưng việc áp dụng công nghệ này tại Trung Quốc
– nơi sở hữu hệ thống điện quốc gia lớn nhất thế giới – có thể mang lại những
bài học quý giá trong hành trình toàn cầu tìm kiếm giải pháp để đẩy nhanh quá
trình chuyển đổi năng lượng.
'Tàu cao tốc cho điện năng’
Tóm lại, các đường dây truyền tải siêu cao áp (UHV) hoạt động dựa trên
nguyên tắc: điện áp càng cao thì dòng điện càng thấp đối với cùng một lượng điện
được truyền tải. Dòng điện thấp hơn dẫn đến ít nhiệt bị mất hơn khi điện năng
di chuyển qua dây cáp, cho phép điện truyền đi xa hơn với hiệu suất cao hơn.
Người Trung Quốc gọi chúng là "Shinkansen cho điện năng", tên tiếng
Nhật dành cho tàu cao tốc, một biểu tượng về tốc độ và hiệu quả.
Đối với Quách Lượng, một kỹ sư tại Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc, cách
nhanh nhất để cung cấp điện là truyền tải đến người dùng thay vì vận chuyển
nguyên liệu thô đến các nhà máy điện gần họ hơn.
Điện di chuyển gần như nhanh bằng ánh sáng và việc lưu trữ rất tốn kém.
"Ngay khi được tạo ra, điện cần phải được truyền đi ngay. Đó là lý do tại
sao chúng ta cần một mạng lưới như Shinkansen cho điện năng để đảm bảo việc
truyền tải điện đến người sử dụng," ông Quách Lượng nói trong một chương
trình truyền hình trên Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc.
Các quốc gia khác nhau có các ngưỡng khác nhau để xác định đường dây siêu
cao áp (UHV). Trung Quốc định nghĩa UHV là các đường dây truyền tải dòng điện một
chiều (DC) với điện áp từ 800 kilovolt (kV) trở lên và dòng điện xoay chiều
(AC) từ 1.000 kV trở lên.
Hệ thống DC có thể truyền tải nhiều điện năng hơn với ít tổn thất hơn so với
AC, và thường được sử dụng để bao phủ khoảng cách lớn hơn, nhưng chi phí xây dựng
cao hơn. Ngược lại, các đường dây AC có thể kết nối với lưới điện địa phương dọc
tuyến, vì vậy chúng linh hoạt hơn. Tuy nhiên, chiều dài của chúng thường không
vượt quá 1.500 km.
Do đó, để đảm bảo tính hiệu quả về chi phí, Trung Quốc sử dụng kết hợp cả
hai loại này.
Mặc dù hiện nay Trung Quốc coi công nghệ này là một phần quan trọng trong kế
hoạch phát triển điện gió và điện mặt trời, nhưng ban đầu nước này không xây dựng
nó dành riêng cho năng lượng tái tạo. Công ty Lưới điện Quốc gia Trung Quốc, một
trong hai nhà vận hành lưới điện của nước này, đã đề xuất công nghệ này với
chính phủ vào năm 2004 nhằm kết nối các nhà máy thủy điện và nhiệt điện than với
các trung tâm kinh tế tiêu thụ lượng lớn điện năng cách đó hàng trăm cây số.
"Phần lớn tài nguyên thiên nhiên của Trung Quốc nằm ở miền bắc, tây bắc
và tây nam, trong khi nhu cầu điện cao nhất và dân số tập trung chủ yếu ở vùng
ven biển phía nam và phía đông," bà Đặng Tư Manh, nhà phân tích năng lượng
tái tạo thuộc công ty tư vấn Na Uy Rystad Energy tại Thượng Hải, cho biết.
Vào đầu những năm 2000, Trung Quốc thường xuyên đối mặt với tình trạng thiếu
điện. Mặc dù ba phần tư lưu lượng vận tải hàng hóa của cả nước được dành để vận
chuyển nguyên liệu thô, đặc biệt là than đá, nhưng chúng vẫn không được vận
chuyển đủ nhanh. Vào thời điểm đó, chính phủ cũng đang tìm cách phát triển các
khu vực rộng lớn ở phía tây bằng cách khai thác các nguồn tài nguyên tại đây.
No comments:
Post a Comment