Monday, 5 February 2024

VIỆT NAM - VATICAN : BA THẬP NIÊN NỖ LỰC CẢI THIỆN QUAN HỆ (Thu Hằng / RFI)

 



 

Việt Nam - Vatican : Ba thập niên nỗ lực cải thiện quan hệ

Thu Hằng  -  RFI

Đăng ngày: 05/02/2024 - 10:00

https://www.rfi.fr/vi/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD-vi%E1%BB%87t-nam/20240205-viet-nam-vatican-moi-quan-he-doi-ben-cung-co-loi

 

Tổng giám mục Ba Lan Marek Zalewski, đại diện thường trú đầu tiên của Vatican tại Việt Nam, nhậm chức ngay đầu năm 2024. Đây là sự kiện mang tính bước ngoặt, cho thấy những nỗ lực không ngừng của Tòa Thánh và Việt Nam trong suốt ba thập niên.

 

https://s.rfi.fr/media/display/6fda5890-2d55-11ee-933c-005056bfb2b6/w:980/p:16x9/w980-p16x9-2023-07-27T161451Z_20559135_RC2PB2ADYWWZ_RTRMADP_3_VATICAN-VIETNAM.webp

Giáo hoàng Phanxicô tiếp chủ tịch Việt Nam Võ Văn Thưởng tại Vatican, ngày 27/07/2023. © Reuters - VATICAN MEDIA

 

Kết quả của quá trình cải thiện quan hệ song phương còn được thể hiện qua chuyến công du Vatican của chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tháng 07/2023, tiếp theo là phái đoàn của đảng Cộng sản Việt Nam tháng 01/2024. Sắp tới, Việt Nam dự kiến lần lượt đón ngoại trưởng Tòa Thánh - tổng giám mục Paul Richard Gallagher và hồng y quốc vụ khanh Pietro Parolin.

 

Trả lời RFI Tiếng Việt ngày 25/01/2024, giảng viên Trần Thị Liên Claire, chuyên về lịch sử tôn giáo ở Việt Nam, Đại học Paris Cité, nhấn mạnh đến vai trò, sự kiên nhẫn bền bỉ của ba nhân tố : Vatican, chính phủ Việt Nam và Giáo hội Việt Nam trong suốt hơn ba thập niên cải thiện quan hệ song phương.

 

 


RFI : Vatican bổ nhiệm một đại diện thường trú ở Việt Nam. Hai bên đã trải qua một chặng đường như thế nào để đi đến được quyết định này ?

 

Trần Thị Liên Claire : Quyết định này là kết quả của một quá trình khá dài, bắt đầu từ năm 1989 trong thời kỳ Đổi mới, lần đầu tiên một đại diện của giáo hoàng Gioan Phaolô II lúc đó là hồng y Etchegaray đã đến thăm Việt Nam. Kể từ đó, Hà Nội luôn duy trì mối quan hệ, trao đổi với đại diện của Tòa Thánh. Kinh tế lúc đó khó khăn và Việt Nam muốn mở cửa. Đến năm 1998, tổng thống Mỹ Bill Clinton đã đặt điều kiện hỗ trợ và mở cửa kinh tế với tự do tôn giáo. Cho nên có thể nói vì lý do kinh tế, Việt Nam đã cố gắng cởi mở về tôn giáo.

 

 

Từ năm 2009, một tổ công tác hỗn hợp thường xuyên gặp nhau lúc ở Hà Nội, lúc ở Roma để tìm cách tái lập quan hệ ngoại giao. Năm 2011, tổng giám mục Girelli được bổ nhiệm làm đại diện Tòa Thánh không thường trú tại Việt Nam. Năm 2023 đánh dấu một chặng mới. Tổng giám mục Zalewski, sứ thần Tòa Thánh ở Singapore kiêm đại diện Tòa Thánh không thường trú tại Việt Nam, đã được bổ nhiệm làm đại diện thường trú của Tòa Thánh ở Hà Nội. Và đây là sự kiện đầu tiên kể từ năm 1976 sau khi khâm sứ Tòa Thánh cuối cùng bị trục xuất khỏi Việt Nam.

 

Trong số những nước Cộng sản còn lại trên thế giới, chỉ có Cuba là có một đại diện như vậy, từ khá sớm, năm 1975 và ba giáo hoàng đã đến Cuba. Việt Nam là nước Cộng sản duy nhất ở châu Á có một đại diện thường trú của Tòa Thánh. Theo tôi, sự kiện này rất đặc biệt và quan trọng đối với cả châu Á, chứ không chỉ riêng Việt Nam.

 

 

RFI : Có thể thấy là quá trình đàm phán kéo dài vài chục năm. Vậy đâu là những trở ngại để đến bây giờ mối quan hệ được cải thiện ?

 

Trần Thị Liên Claire : Tôi nghĩ các cuộc đàm phán kéo dài trước tiên là vì hai phía có một quá khứ khó khăn và nhiều bất đồng. Nhưng quan trọng hơn cả là hai bên muốn đối thoại nên cần thời gian để lắng nghe, thấu hiểu nhau.

 

Theo tôi, có rất nhiều trở ngại bởi vì kể từ năm 1975, mối quan hệ giữa Giáo hội và chính phủ Việt Nam rất căng thẳng. Ban Tôn giáo kiểm soát chặt chẽ mọi hoạt động tôn giáo, không đến mức đóng hết chủng viện, nhưng đi lại rất khó khăn, nhiều linh mục bị bắt, như linh mục Thuận, cháu của ông Ngô Đình Diệm, bị bắt ngay sau năm 1975. Đến năm 1989 thì mở cửa. Do bị khủng hoảng kinh tế trầm trọng nên Việt Nam phải thoát khỏi thế cô lập, nhất là sau khi quân đội Việt Nam tham chiến ở Cam Bốt, phải tái nhập vào cộng đồng quốc tế, gia nhập Tổ Chức Thương Mại Quốc Tế (OMC), trong khi Mỹ lại là nước quyết định. Do đó, đạo luật International Religious Freedom Act - IRFA của tổng thống Bill

 

Clinton năm 1998 đã buộc Việt Nam phải cải thiện, phải tỏ thiện chí. Điều này cũng giải thích cho việc Hoa Kỳ công bố báo cáo thường niên về tự do tôn giáo ở Việt Nam. 

 

 

Tôi nghĩ mối quan hệ được cải thiện là kết quả của ba yếu tố. Thứ nhất, ngoài lý do kinh tế, Việt Nam muốn thể hiện rằng khi trở lại trường quốc tế, họ cởi mở và sẵn sàng trao đổi với tất cả các bên. Đó chính là mong muốn tái hội nhập vào cộng đồng quốc tế, chứ không phải là muốn thể hiện khác với Trung Quốc. Nhưng phải nói rằng khả năng đối thoại của Hà Nội với Vatican cao hơn hẳn so với Bắc Kinh.  

 

Yếu tố thứ hai là từ thời giáo hoàng Phaolô VI trong thập niên 1960, Vatican có chính sách hòa dịu với khối Cộng sản Đông Âu “Ostpolitik”. Theo đó, ưu tiên đối với Vatican là giáo dân, chiếm thiểu số ở những nước này nên phải sẵn sàng đối thoại với đảng Cộng sản. Giáo hoàng Phaolô VI kêu gọi chấm dứt chiến tranh Việt Nam và phải đối thoại với chính phủ Việt Nam. Có thể thấy ông khá dấn thân trong bối cảnh chiến tranh lạnh. Vì vậy, giám mục Parolin, hiện là quốc vụ khanh Vatican, đã đóng vai trò rất lớn trong tất cả các cuộc đàm phán. Ông là người đầu tiên đến Việt Nam năm 2004, cách đây 20 năm, và hiểu rất rõ Việt Nam do theo dõi các cuộc đàm phán trong suốt thời gian qua. Phía Việt Nam cũng biết ông rất rõ. Tôi cho rằng chính sự kiên nhẫn và khả năng trao đổi của ngoại trưởng và đặc biệt là của hồng y Parolin - người cũng theo dõi mối quan hệ với Trung Quốc - đã mang lại kết quả.

 

Yếu tố cuối cùng là vai trò của Giáo hội Việt Nam, đã quen đối thoại với đảng Cộng sản từ năm 1975 để Cộng đoàn có thể tiếp tục thể hiện đức tin. Sau thời gian dài khó khăn đến năm 1989, nhiều linh mục đã có khả năng đàm phán và mang lại kết quả. Ví dụ năm 2008, hội Caritas của Giáo hội chuyên về các vấn đề xã hội, bị đóng cửa sau năm 1975, đã được mở cửa trở lại. Nhờ đó Giáo hội tham gia nhiều hơn vào hoạt động xã hội, như chăm sóc người mắc sida, người tàn tật, người nghiện hoặc trong suốt đại dịch Covid-19. Do đó, có thể thấy ba nhân tố chính giúp đạt được kết quả này : chính phủ Việt Nam, Vatican và Giáo hội Việt Nam.

 

 

RFI : Việc bổ nhiệm một đại diện thường trú của Tòa Thánh tại Việt Nam có ý nghĩa như thế nào đối với Hà Nội, cũng như với Vatican ? 

 

Trần Thị Liên Claire : Đối với Việt Nam, đó là kết quả cho thấy rằng Việt Nam có thể tiến lên trong quan hệ ngoại giao, khác với trường hợp của Trung Quốc, hiện vẫn rất phức tạp. Thậm chí người ta nói rằng hồng y Parolin muốn dùng mô hình Việt Nam để thử cải thiện mối quan hệ giữa Vatican và Trung Quốc, ví dụ trong tiến trình bổ nhiệm giám mục. Trước đây ở Việt Nam cũng không dễ dàng gì nhưng theo tiến trình hiện nay, Vatican đề xuất 3 tên và chính phủ Việt Nam đưa ra ý kiến. Chỉ khi nào có đồng thuận thì giám mục mới được bổ nhiệm. Có thể thấy Bắc Kinh và Vatican không có khả năng đối thoại như vậy, bởi vì Trung Quốc có Hội Công giáo Yêu nước, được thành lập năm 1957, độc lập với Tòa Thánh.

 

Đây cũng là điểm đặc biệt của Việt Nam, có nghĩa là chưa bao giờ có Giáo hội ly khai. Có lẽ là đảng Cộng sản Việt Nam cũng muốn nhưng không thành. Điểm khác biệt lớn so với Trung Quốc mang lại cho Việt Nam hình ảnh một đất nước cởi mở, có khả năng đàm phán với một Nhà nước tôn giáo, cũng như liên kết với Cộng đoàn, và cho thấy rằng chính phủ đối thoại với Vatican, đặc biệt là lời mời giáo hoàng tông du Việt Nam của chủ tịch nước Võ Văn Thưởng hôm 14/12/2023. Đây cũng là cách để giáo dân đánh giá cao quyết định này. Lần tiên sẽ có một giáo hoàng đến thăm một nước Cộng sản châu Á.

 

 

 

 

RFI : Trong thư gửi đến Giáo hội Việt Nam tháng 09/2023, giáo hoàng Phanxicô kêu gọi các tín hữu sống đúng tinh thần của “tín hữu tốt và công dân tốt”, nói một cách khác là hài hòa với chính sách của Nhà nước. Đây có phải là chủ ý của giáo hoàng ?

 

Trần Thị Liên Claire : Tôi nghĩ đó là một chiến lược có từ rất lâu của Vatican. Vào khoảng thế kỷ 18 và 19, một giáo hoàng cử các nhà truyền đạo luôn nhắc nhở rằng “các vị không phải là đại diện cho một nước, các vị đến đó để truyền đạo và các vị phải tuân thủ chính quyền sở tại”. Điều này không có gì là mới.

 

Theo suy luận của tôi, lịch sử Công giáo Việt Nam cho thấy giáo dân bị coi là đồng minh với thực dân Pháp, sau đó là với Mỹ. Cho nên ngay năm 1975, cha Bình, tổng giám mục Sài Gòn lúc đó, nói là sẽ hợp lực tái thiết quốc gia sau cuộc chiến kéo dài. Giáo hội Việt Nam chiếm số ít, chỉ 7% và muốn cho thấy là tuân thủ chính quyền. Ở Pháp cũng vậy, Giáo hội và mọi tôn giáo khác đều phải tôn trọng nước Cộng Hòa. Cho nên tôi không ngạc nhiên về yêu cầu của Vatican.

 

Điều giáo hoàng muốn truyền tải là giáo dân tham gia vào đời sống xã hội, đồng thời cũng muốn nói là Vatican không đưa ra thông điệp chính trị. Tôi nghĩ rằng đây cũng là cách giải thích của Vatican đến giáo dân Việt Nam rằng giáo dân chúng ta là công dân của một đất nước và Giáo hội không kêu gọi phản đối chính phủ này. Điều này không chỉ đúng với mỗi Việt Nam mà còn với nhiều nước khác, nơi có những thiểu số tôn giáo khác. Đó là cách giáo hoàng muốn trấn an chính phủ Việt Nam rằng Giáo hội là một lực lượng năng động góp phần vào hài hòa xã hội. 

 

 

RFI : Trong tương lai, Việt Nam và Vatican có thể tiếp tục thảo luận về những chủ đề nào ? 

 

Trần Thị Liên Claire : Giáo dục là một vấn đề rất nhạy cảm vì người Công giáo không được thành lập trường học. Cho đến năm 1975, ở miền nam Việt Nam có rất nhiều trường học do nhà thờ quản lý nhưng sau đó bị đóng hết. Một trong hai thách thức trong những năm tới, đó là có thể mở được trường học không, trước tiên là tiểu học, rồi trung học cơ sở. Năm 2016, chính phủ Việt Nam đã chấp nhận thành lập Học Viện Công giáo, nhưng đó không phải là trường đại học như ở Paris, nơi dạy tất cả các môn. Dù vẫn chưa thực sự phát triển mạnh nhưng cho thấy là ý tưởng đã được thực hiện. Chúng ta chờ xem. Còn hiện giờ, giáo dục vẫn là lĩnh vực độc quyền của đảng Cộng sản.

 

Chủ đề thứ hai cần được thảo luận là tài sản của Giáo hội, tương tự vấn đề tài sản với những tôn giáo khác. Đây là chủ đề rất phức tạp và sẽ phải được giải quyết theo từng trường hợp, chứ không chung chung. Tôi lấy một ví dụ về việc tịch thu tài sản của nhà thờ. Cuộc Cách mạng Pháp cũng đã tịch thu rất nhiều tài sản của Giáo Hội trong vài chục năm. Rất nhiều tài sản chưa bao giờ được trả lại cho Giáo hội. Do đó vấn đề không chỉ giới hạn ở Việt Nam, mà ở Pháp cũng vậy. Một ví dụ khác là tất cả các nhà thờ ở Pháp thuộc sở hữu của nhà nước và nếu một nhà thờ bị hỏng, nhà nước phải trùng tu.

 

 

Theo tôi, Vatican thực dụng và sẽ không đòi lại hết. Vatican, Giáo hội Việt Nam và chính phủ Việt Nam có thể trao đổi về từng trường hợp để có những tiến bộ từng bước. Việc có một đại diện thường trú của Vatican chắc chắn sẽ hỗ trợ Giáo hội Việt Nam thảo luận với chính quyền. Chúng ta chờ xem diễn biến tiếp theo khi tổng giám mục Zalewski đến Hà Nội : Sự kiện đó sẽ thay đổi mối quan hệ song phương, cũng như cách giải quyết các vấn đề như thế nào ? Và đặc biệt là chuyến viếng thăm của giáo hoàng.

 

 

RFI : Liệu chuyến thăm của giáo hoàng có thể sớm diễn ra ? 

 

Trần Thị Liên Claire : Tôi nghĩ là có thể. Cách đây không lâu tôi đến Roma theo lời mời phỏng vấn của đài phát thanh Radio Vatican. Giáo hoàng bị ốm, không chắc là sức khỏe của ngài cho phép ngài tông du Việt Nam ngay. Nhưng điều chắc chắn là Việt Nam đã mời. Đó là lời mời đầu tiên mà Vatican đề nghị từ rất lâu. Giáo hoàng đã đến nhiều nước châu Á, nhưng lại chưa đến Việt Nam, nước đông giáo dân nhất, dĩ nhiên là trừ trường hợp Philippines. Việt Nam có 7% dân theo Công giáo, Hàn Quốc là 11% nhưng dân số Việt Nam đông hơn. Trong mỗi chuyến tông du của giáo hoàng ở những nước có rất ít giáo dân như Thái Lan, Mông Cổ, Miến Điện, luôn có một phái đoàn Việt Nam tham dự.

 

Ngoài ra, tôi muốn nhấn mạnh đến thông báo mời giáo hoàng, được đưa ra ngày 14/12, ngay sau khi chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình rời Hà Nội. Tôi tin là chuyến thăm sẽ diễn ra. Nếu không phải là giáo hoàng Phanxicô thì sẽ là người kế nhiệm, nhất là từ giờ còn có một đại diện trường trú của Tòa Thánh ở Hà Nội. Chuyến tông du sẽ là một sự kiện rất quan trọng cho những giáo dân trông đợi từ rất lâu, cũng như cho đảng Cộng sản. Chuyến tông du sẽ mang lại lợi ích về mặt chính trị, cho thấy sự cởi mở của chính phủ vì chúng ta biết là hiện còn rất nhiều tồn đọng ở Việt Nam. Theo tôi, có thể là vào năm 2024, cùng lắm là 2025 nếu mọi chuyện tốt đẹp. Như tôi nói ở trên, Vatican muốn áp dụng mô hình Việt Nam cho mối quan hệ với Trung Quốc.

 

 

RFI : Vậy chính phủ Việt Nam đánh dấu khác biệt với Trung Quốc trong cách xử lý vấn đề Công giáo và quan hệ với Vatican như thế nào ? 

 

Trần Thị Liên Claire : Tôi là nhà sử học nên tôi ngược dòng thời gian một chút để nhắc lại rằng trong văn hóa Nho giáo và trước thời kỳ thực dân, nước Đại Việt có Bộ Lễ quản lý vấn đề tôn giáo. Như vậy trong truyền thống xa xưa, chính quyền cũng quản lý các tôn giáo và điều này hoàn toàn phù hợp với Nho giáo. Tương tự tại Pháp, cũng có bộ Nội Vụ kiểm soát xem các tôn giáo hoạt động có phù hợp với nền Cộng hòa không. Điểm khác nhau, như tôi nói ở trên, là chỉ có 1% dân Trung Quốc theo Công giáo, còn Việt Nam là 7% và họ rất năng động.

 

Đối với Việt Nam, lịch sử cho thấy rằng vấn đề Thiên Chúa giáo quan trọng hơn. Để chống quân Hán, rồi Pháp và Mỹ, Việt Nam luôn thúc đẩy đoàn kết dân tộc và đoàn kết dân tộc chính là tất cả mọi người, kể cả giáo dân. Trung Quốc không cần điều này. Tôi cho rằng Việt Nam khác hẳn với Trung Quốc về điểm này.  

 

Điểm khác biệt thứ hai là Trung Quốc có Giáo hội Yêu nước từ năm 1957, không có liên hệ chính chức với Vatican. Còn Việt Nam, dù trải qua một giai đoạn khó khăn từ năm 1975 đến 1989, nhưng chưa bao giờ cắt đứt quan hệ với Vatican. Và điểm này làm thay đổi rất nhiều trong đối thoại.

 

Điểm thứ ba là Nhà nước do đảng Cộng sản lãnh đạo kiểm soát mọi hoạt động tôn giáo ở Trung Quốc cũng như ở Việt Nam. Nhưng như đề cập ở trên, truyền thống đoàn kết dân tộc ở Việt Nam cho rằng người theo đạo cũng có một vị trí, tích cực tham gia các hoạt động xã hội... 

 

Một điểm khác biệt nữa, đó là từ năm 1989, Việt Nam cho phép chủng sinh, linh mục ra nước ngoài học tập, như ở Roma, Pháp, Philippines, Hoa Kỳ. Họ được đào tạo bài bản, kết nối hơn với thế giới và theo những chương trình đào tạo trình độ cao về thần học và còn giảng đạo tại giáo xứ ở nhiều nước khác. Trung Quốc thì ngược lại. Chủng sinh, linh mục không được phép tu nghiệp ở nước ngoài, phải ở lại Trung Quốc và khá bị hạn chế về trình độ. Đó chính là sự khác biệt về tinh hoa tôn giáo.

 

 

RFI Tiếng Việt xin chân thành cảm ơn bà Trần Thị Liên Claire, giảng viên Đại học Paris Cité.

 

-------------------------

Các nội dung liên quan

 

VIỆT NAM - VATICAN

Giáo hoàng Phanxicô tiếp phái đoàn Đảng Cộng Sản Việt Nam

 

VATICAN - VIỆT NAM

Vatican bổ nhiệm đại diện thường trú đầu tiên ở Việt Nam

 

Tạp chí Tiêu điểm

Quan hệ Vatican–Việt Nam, nhìn từ Tòa Thánh






No comments:

Post a Comment

View My Stats